Cà Mau - Nơi hội tụ những dòng sông

Cà Mau mảnh đất cuối cùng của Tổ Quốc, là một trong những tỉnh lị ở Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên phong phú.

“Mũi Cà Mau cực Nam Tổ Quốc
 
Dòng Tam Giang nước chảy bao đời
 
Về Cà Mau thăm quê mình đổi mới
 
Những con người yêu mảnh đất Việt Nam”
 
Cà Mau - Miền quê hương với cá bạc, tôm vàng, những cánh rừng bao la, những cánh đồng muối trắng đó là những tài sản vô giá mà người dân đất Mũi rất trân trọng và tự hào gìn giữ, phát huy.
 
Về Cà Mau thăm Đất Mũi để tự hào rằng quê hương mình luôn đẹp giàu và để ngắm rừng, ngắm biển, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng trời Tổ Quốc Việt Nam. Về đây để biết rằng Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền Việt Nam có thể thấy mặt trời mọc ở biển Đông và lặn ở biển Tây. Trong tâm thức của người con Nam Bộ thì hình ảnh Mũi Cà Mau đã luôn khắc sâu trong suy nghĩ, xem đó là một quê hương, một địa điểm thiêng liêng tuy xa xôi nhưng rất đỗi thân quen và gần gũi.
 
 
Mũi Cà Mau tọa lạc tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
 
Đất Mũi Cà Mau, nơi cực nam của Tổ Quốc Việt Nam là vùng đất được khai phá vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII gắn liền với cuộc sống quần tụ của ba dân tộc: Việt, Hoa, Khmer. Cái tên Cà Mau có nghĩa là “nước đen, được hình thành do người Khmer gọi vùng đất này là “Tưk Kha-mau". “Nước đen” là màu vô cùng đặc trưng vì ở đây có Rừng tràm U Minh, rụng lá xuống nước, làm nước ở đây đổi màu, đó cũng là một điểm đặc biệt riêng cho quê hương Cà Mau.
 
Cà Mau là nơi hội tụ những dòng sông, là đất nước ở nơi đầu sóng, ở đâu cũng nghe tiếng sóng. Là tỉnh tiếp giáp với tỉnh Bạc liêu, Kiên Giang theo hướng Bắc, các hướng còn lại đều giáp biển đó là Biển Đông, Biển Tây và Vịnh Thái Lan. Chính vì vậy mà người dân nơi đây quanh năm đều nghe tiếng sóng, hình ảnh của thiên nhiên khắc sâu trong tâm trí. Con người nơi đây dường như trên da thịt cũng mang hương vị phù sa, vị mặn rắn chắc của biển cho thấy được sự chân chất, thân thiện, hào sản mà mang đậm nghĩa tình con người miền Tây mến khách.
 
Về thăm đất Mũi, mảnh đất mà: “Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”, người dân địa phương nơi đây họ thường hay nói vậy. Rừng biết đi là cách nói khá hay mà bà con bắt chước từ câu nói: “Mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát”.
 
Ở vùng biển đất ngập mặn này thì có một loại cây vẫn vươn mình phát triển, rễ mọc thành chùm như cọc nhọn lực điền cắm phập xuống đất mặn đó là cây Đước. Hay còn một loại cây đó là cây mắm thì rễ lại từ bùn chỉa tua tủa lên trời như những vạt chông. Ban đầu từ những bãi bồi bùn trống trơn, rồi sau đó cây mắm tung nhũng quả mắm ra biển, sóng đánh vào bãi bồi. Thế là mắm mọc thành rừng rất nhanh để giữ phù sa, giữ đất. Sau đó mắm chết, nhường chỗ cho cây đước vươn ra khẳng định chỗ đứng của mình làm cho đất nước định hình trước biển, làm rường cột đóng vào bùn đất ngập nước giữ cho rừng cây vững vàng trước gió.
 
Con người Cà Mau dường như cũng giống như cây đước quật cường mà hào hiệp, luôn chan chứa tình thương. Mắm và Đước là 2 loại cây có công lớn trong việc hình thành và phát triển đất Mũi. Về Cà Mau, chúng ta sẽ không khó bắt gặp những cánh rừng Đước hay Mắm trãi dài, đó cũng là hình ảnh đặc trưng mà không nơi nào sánh bằng.
 
Đất Mũi Cà Mau là nơi đáng để chúng ta chinh phục vì nơi đây nằm trong bốn điểm cực quan trọng, đến bốn điểm này thì ta sẽ vẽ đủ một vòng đất nước trên đất liền, đó là điểm cực Bắc ở Lũng Cú (huyện Đồng Văn – Hà Giang), điểm cực Tây ở Apha Chải (huyện Mường Nhé – Điện Biên), điểm cực Đông thuộc Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh – Khánh Hòa) và cuối cùng đó chính là điểm cực Nam ở đất Mũi, huyện Ngọc Hiển – Cà Mau.
 
Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Khí hậu nơi đây mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ cao. Có hai mùa mưa và khô rõ rệt. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm.
 
Theo sử sách, Cà Mau thuộc trấn Hà Tiên, đạo Long Xuyên, dưới sự cai quản của tổng binh, Cựu Ngọc Hầu Mặc Cửu dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691- 1825). Trước đó 2000 năm, người Malayo Poolinexia, những chủ nhân thông minh tài ba của những hòn đảo ngoài khơi Đông Nam Á đã dùng thuyền tiến vào đồng bằng sông Cửu Long bây giờ làm nền văn hóa Óc Eo rực rỡ vào loại hàng đầu Đông Nam Á. Đến năm 1708, mảnh đất này mới chính thức thuộc về Đại Việt.
 
Trước đó thế kỷ thứ 6 một trận biển tiến nhấn chìm tất cả, sau đó những người Khmer Chân Lạp, người Việt từ Phú Xuân, Ngũ Quảng theo Nguyễn Hửu Cảnh vào Nam và người Hoa lánh nạn nhà Thanh.. đầu tiên mới vỡ hoang, khai khẩn đất đai trồng cây, đánh cá.
 
Đất Mũi Cà Mau còn được thiên nhiên ban tặng đó chính là dòng hải lưu Bắc Nam đã đón phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam, là hai cánh tay vĩ đại cả tự nhiên đón những hạt phù sa vạn dặm mà đắp bồi nên mũi Cà Mau.
 
Trước đây, Từ Thành phố Cà Mau về đến đất Mũi khoảng hơn 100km và di chuyển hoàn toàn bằng đường thủy (phổ biến là ca-nô và tàu cao tốc). Sau khoảng hai giờ lênh đênh trên sông nước, chúng ta sẽ được đặt chân đến Mũi Cà Mau. Giờ đây, chúng ta có thể di chuyển dễ dàng bằng đường bộ theo tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi nối thông tuyến đường bộ từ Pắc Pó (Cao Bằng) đến Mũi Cà Mau. Đây cũng là con đường ý nghĩa, mang tên Bác, khi bắt đầu từ điểm đầu đất nước ở hang Pắc Pó nơi Bác Hồ về Tổ Quốc năm 1941 để lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc. Và điểm chính là đất mũi Cà Mau nơi tận cùng của dải đất hình chữ S, dải đất Nam Bộ thân yêu mà Bác Hồ khao khát vào thăm.
 
 
Cột mốc Tọa độ Quốc gia Mũi Cà Mau.
 
Mũi Cà Mau mang biểu tượng hình con thuyền và cánh buồm lướt sóng. Chót mũi có hình dáng kỳ lạ và đang tiến ra biển Tây (Vịnh Thái lan), với tốc độ từ 50 đến 80m mỗi năm. Trên cột mốc quốc gia có ngôi sao 5 cánh ghi số hiệu GPS 0001.Trên biểu tượng Mũi Cà Mau có ghi tọa độ 8037’30 độ vĩ Bắc – 104043’ độ kinh Đông. Cảm giác thích thú, gió thổi và sóng biển vỗ về, đứng ở cột mốc Mũi Cà Mau làm chúng ta thêm tự hào về vùng đất, vùng biển, vùng trời của Tổ Quốc mình.
 
Chúng ta có thể dừng chân ở các nhà hàng để thưởng thức những món đặc sản như: Món lẩu canh chua cá dứa hay cá thòi lòi có thịt trắng thơm ngon, đặc sản của rừng mắm, đước. Quanh khu vực Mũi Cà Mau có hệ động thực vật tự nhiên đặc trưng và đa dạng. Nơi đây thuộc khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, với hơn 42.000 ha đất liền và bãi cạn. Động vật có cá, tôm, cua, sò, vọp, ốc len.. Thực vật có mắm, đước, vẹt, cóc, bần…
 
Về Cà Mau, về thăm đất Mũi để cảm nhận được sự hiếu khách, để ngắm nhìn cảnh đẹp tuyệt vời mênh mông biển cả. Con người Cà Mau chất phát, trọng nghĩa tình, giàu tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ Tổ Quốc. Và nơi đây cũng là nơi hoạt động của những nhà hoạt động cách mạng lớn của đất nước như: Lê Duẩn, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Phạm Hùng,… Mảnh đất này sản sinh ra những tấm gương anh hùng, để lại sự nghiệp vẻ vang cho dân tộc.
 
Cà Mau, vùng sông nước, rừng biển bao la, những địa danh lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh có sức hút với khách du lịch, hãy một lần đến đây để cảm nhận và sẽ không bao giờ quên mảnh đất cực nam của Tổ Quốc này, đất Mũi Cà Mau.
 
Hồng Muội - Hồng Ân
(Gia đình & Pháp luật)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ca-mau-noi-hoi-tu-nhung-dong-song-a11672.html