Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, cây đại thụ âm nhạc dân tộc

Bước vào năm 2018, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tròn tuổi Bách niên. Ông là nhạc sư sống thọ nhất trong làng âm nhạc Việt Nam và hiện vẫn đang tiếp tục truyền bá âm nhạc dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là một hiện tượng đặc biệt vô cùng quý giá.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo quê ở Cao Lãnh, Sa Đéc có năng khiếu âm nhạc, từ 5 tuổi đã tiếp xúc với âm nhạc dân tộc qua các nghệ nhân, lên 10 tuổi biết chơi nhiều nhạc cụ dân tộc. Năm 1955-1964 ông dạy đàn tranh và làm trưởng ban nhạc cổ Miền Nam tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam trên nhiều nơi trên thế giới. Năm 1972 ông ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam Bộ cùng GS Trần Văn Khê cho Hãng Ocora và UNESCO tại Paris. Năm 1970-1972 ông là giáo sư thỉnh giảng đàn tranh tại Đại học illinois (Mỹ). Ông đã đưa giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng Phan Chu Trinh và được chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học bậc cấp Officier....
 

Nhạc sư Vĩnh Bảo không chỉ dạy đàn mà còn tự mình cải tiến nhạc cụ đàn tranh từ 16 dây lên 17, 18, 19 dây để diễn tả được nhiều cung bậc mà bậc năm cung còn bị hạn chế.
 
Tại buổi tọa đàm mừng thọ 100 tuổi nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo do Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức tại khách sạn Đệ nhất trên con đường mang tên nhạc sĩ Hoàng Việt. Nhạc sư Vĩnh Bảo đã biểu diễn minh họa trên cây đàn tranh cải tiến của mình. Thật là tài tình khi ông chỉ sử dụng một dây bằng ngón tay nhấn nhá của mình mà thể hiện được cả một bài trong đờn ca tài tử. Cũng bằng ngón đàn tài hoa ông hòa tấu cùng TS. NSƯT Hải Phương, học trò của ông những bản nhạc tài tử thật tuyệt vời. Các học trò của ông ở Mỹ, Pháp, Đức, Hồng Công và TP Hồ Chí Minh như Phạm Thúy Hoan, Thúy Uyển, Hoa Hạ, Tấn Phát, Văn Hai, Hà Mỹ Xuân... đều nói lên từ tấm lòng vô cùng yêu kính với người thầy của mình - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, đã truyền dạy cho họ không chỉ về nghề nghiệp đàn ca mà cả về nhân cách sống. Một môn sinh ở Mỹ học đàn nhạc sư Vĩnh Bảo qua internet, đúng 12 giờ đêm, khi ông đang ngủ say bỗng giật mình thức giấc bởi tiếng điện thoại từ Hoa Kỳ của một học sinh xin được trả bài, bởi cô này quên mất hai nước giờ cách nhau 12 tiếng đồng hồ. Nhưng nhạc sư vẫn vui vẻ nghe cô trả bài và góp ý cho cô. Ở Việt Nam cũng vậy bất kỳ lúc nào học trò đến học trực tiếp hoặc qua internet thì ông vẫn đem hết nhiệt tình truyền dạy cho môn sinh dù đã bước sang tuổi bách niên.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sống một cuộc sống vô cùng giản dị, vô tư và bao dung, không hút thuốc, không uống rượu và không bao giờ giận hờn, trách cứ ai và mãi mãi nhắc tới người giúp đỡ mình trong lúc gặp khó khăn ví dụ cách đây chừng 10 năm ông bị bệnh rất nặng nhưng không có tiền chữa, qua GS Nguyễn Thuyết Phong, tôi đã tìm cách cứu chữa cho ông khỏi bệnh. Từ đó đến nay ông vẫn gọi tôi là “ân nhân”.
 
Ông ít nói về mình và cũng thích giao du, quảng bá như thời trẻ. Suốt ngày đêm ngồi nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và dạy đàn. Ông ngại đi xa và cũng không thích quảng bá về mình thậm chí có một tốp làm phim truyền hình đến xin quay về ông nhưng ông vẫn từ chối, may sao họ có thể thực hiện được khi đến quay tại chương trình tọa đàm mừng thọ ông do cơ quan chúng tôi tổ chức. Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc cho biết hai nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và Trần Văn Khê đều là người quan tâm giúp đỡ cô. Nhạc sư Vĩnh Bảo đã từng hòa tấu đàn tranh với cô khi cô đàn nhị và hát Xẩm tại cơ quan đại diện báo Văn  hiến Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh, còn GS Trần Văn Khê thì dù phải đi xe lăn nhưng cũng đến dự lễ ra mắt Trung tâm nghiên cứu âm nhạc dân tộc ở Hà Nội cách đây gần 10 năm và cũng thật đáng kinh ngạc khi nghe GS Trần Văn Khê nói “... Nhờ anh Vĩnh Bảo mà tiếng đàn ngô nghê, chân thật nhưng có vẻ “nhà quê” của tôi từ trước đã trở nên mượt mà, bay bướm, và từ đó phát triển lên được đến giờ, nên đối với tôi, anh Vĩnh Bảo là một người anh em ruột thịt, một người bạn chí thân, tri âm tri kỷ, nhưng tôi vẫn coi anh là một người Thầy đã gián tiếp và nhiều khi trực tiếp uốn nắn tiếng đàn tranh của tôi...”. Còn GS. TS âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong thì viết “... Về đêm, tôi hay nghe lại tiếng đàn của ông, rất thấm tình thẩm mỹ, thấm thía thiện - mỹ, hoàn toàn không ngôn ngữ nào sánh bằng...”. Nhà báo nước ngoài Olivier Paofe viết về nhạc sư Vĩnh Bảo: “Ông làm việc vì lợi ích của chính mình và cho người khác với tư cách là một địa chủ, một thương gia, giám đốc, khách sạn, người thợ kim hoàn và tài xế taxi. Ông làm mọi chuyện và không bao giờ bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy danh vọng và tiền tài. Ông vẫn luôn là một nhạc sĩ...” (trích trong Le Guide du Rautard).
 
Sống cả cuộc đời chỉ lo nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc, với tâm hồn thơ dồi dào, nhạc sư Vĩnh Bảo cũng để lại cho đời nhiều bài thơ đầy tâm tình như: Lão giả an chi, Đàn tranh hồ lệ chưa vơi, Đời như thác đổ tuôn dòng, Khóc vợ hiền, Người xưa đâu rồi, Kiếp người ngăn ngủi...
 
Tôi mượn bài thơ của thi nhân Huy Cận tặng Vĩnh Bảo để kết thúc bài viết này.
 
Kìm, Tranh mấy tiếng dạo qua,
 
Khi than thở, lúc vui hòa lứa đôi,
 
Tiếng kìm, tiếng mộc, tiếng người,
 
Ngón đàn Vĩnh Bảo, tiếng đời thiết tha.
 
Sài Gòn - Hà Nội 23/12/2017
GS Hoàng Chương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhac-su-nguyen-vinh-bao-cay-dai-thu-am-nhac-dan-toc-a11655.html