Từ Châu Đốc đạo đến thành phố du lịch

Từ thời xa xưa, Châu Đốc là vùng đất thiêng liêng vì nơi đây có nhiều chùa chiền, miếu mạo; chỉ riêng khu vực núi Sam, có trên 150 ngôi chùa, am, miễu, cốc nằm rải rác trên sườn núi và dưới chân núi. Đến nay, thành phố Châu Đốc- An Giang đã trải 260 năm (1757-2017) phát triển, cho thấy lịch sử và quá trình lao động không mệt mỏi của nhiều thế hệ người Việt.



Chùa Tây An.  Ảnh:lichsuvanhoaangiang.blogspot.com

Châu Đốc - Vùng đất của chuyện truyền kỳ
 
Núi Sam ở Châu Đốc gắn liền với nhiều huyền thoại, sự tích, nơi từng đặt chân của nhiều nhân vật có công giữ yên bờ cõi trong suốt 260 năm qua như các vị: Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Thoại, Lê Đại Cương, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Nhàn, Doãn Uẩn… Châu Đốc còn có các cụm di tích lịch sử và danh thắng, gắn liền những câu chuyện huyền thoại. Tiêu biểu là Miếu Bà Chúa Xứ được xác lập kỷ lục “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam” và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam”. Bên cạnh đó, có Lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn Lăng); Chùa Tây An được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên” tại Việt Nam; nhiều truyền thuyết nhân văn như truyện ông nghè Trương Gia Mô, di tích đình Vĩnh Ngươn, truyện Thôn Tòng Sơn, Vàm Hổ Cứ, Cồn Tiên Đa Phước …

Về tôn giáo- tín ngưỡng, ngoài đạo Phật, Châu Đốc còn có sự hiện diện của Phật giáo Hòa Hảo, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và các hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Huỳnh Đạo… và nổi tiếng với nhiều vị tu thành chánh quả như Phật Thầy Đoàn Minh Huyên với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương; Đức Bổn Sư Ngô Lợi sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa… đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với vùng ĐBSCL. Có thể nói ở Châu Đốc, không nơi nào là không có cơ sở thờ tự.
 
Về đất đai, rừng rậm, sông ngòi, ít nơi nào có những sự tích, chuyện hay, chuyện lạ như ở Châu Đốc. Ngay từ thời mới thành lập đạo Châu Đốc tân cương, vùng đất này hãy còn hoang sơ, núi cao, rừng rậm, nhiều thú dữ như cọp, beo, heo rừng, khỉ, cá sấu cho đến ngày nay vẫn còn lưu truyền trong dân gian hoặc ghi chép thành chuyện cổ tích.  
 
Nói đến Châu Đốc, nhiều người thường nhắc đến những huyền thoại về mùa nước nổi, mùa sạ lúa, mùa len trâu, mùa cá linh. Trước đây, người dân Châu Đốc gọi “mùa nước lên” chứ không gọi “mùa nước nổi” như bây giờ. Khi nước rút thì gọi là “mùa nước giựt”, tiếp theo là “mùa cá ra”. Khi nào nước lên quá cao mới gọi là lụt. Nước lụt mà kèm theo mưa to gió lớn mới gọi là bão lụt.
 
Châu Đốc - Những chặng đường phát triển
 
Châu Đốc là vùng trấn giữ cõi đầu nguồn phía hữu ngạn Hậu Giang, giáp với biên giới Việt Nam- Campuchia. Nơi đây, từ đồng bằng trũng thấp bỗng nhô cao núi tiếp núi, che chắn, bảo vệ cho vùng Tây Nam Tổ quốc. Theo các bộ sử biên soạn thời nhà Nguyễn như Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình dư địa chí, Quốc triều chính biên, Đại Nam thực lục..., năm 1757 - tức cách nay vừa tròn 260 năm, chúa Nguyễn cho thành lập cùng lúc 3 đạo quân để lo việc bảo vệ an ninh miền biên cảnh, trong đó có Châu Đốc đạo phía Hậu Giang.
 
 
Miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam. Ảnh: thanhnien.vn
 
Kể từ khi cụ Nguyễn Cư Trinh thừa lệnh chúa Nguyễn thành lập đạo Châu Đốc, trong ngần ấy thời gian, lịch sử đã trải qua biết bao biến động thăng trầm. Để có được một thành phố phát triển như hôm nay, các bậc tiền nhân đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và máu trong quá trình lao động, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương.    
 
Châu Đốc là nơi gần biên ải nên sau khi lên ngôi, năm 1805, Vua Gia Long đã đặt địa giới là “Châu Đốc tân cương” với ý rằng, đây là vùng đất mới của Tổ quốc được khai thác sau cùng. “Châu Đốc là trọng trấn cõi Nam” nên vua Gia Long truyền chỉ đắp đồn Châu Đốc để phòng giữ, kiêm quản cả trấn Hà Tiên. Tháng 11 năm 1818 cụ Nguyễn Văn Thoại vâng mệnh trích lấy một phần diện tích phía Đông, cho lập chợ Châu Đốc xây cất nhà phố. Năm 1824, cụ Nguyễn Văn Thoại hoàn thành việc đào kinh Vĩnh Tế. Năm 1832, Vua Minh Mạng cải cách hành chính, đổi trấn thành tỉnh: đổi Ngũ trấn thành Nam kỳ lục tỉnh, trấn Châu Đốc đổi thành tỉnh An Giang. Lúc này ít ai gọi đủ 4 tiếng “Châu Đốc tân cương” như trước mà gọi là “xứ Châu đốc”.
 
Trong suốt hai thời kỳ chống Mỹ và chống Pháp, Châu Đốc đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính. Năm 1876 thực dân Pháp chia tỉnh An Giang ra làm 5 hạt gồm Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Tháng 10-1954 cách mạng ta đã lớn mạnh và Xứ ủy Nam kỳ lập lại hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên. Giữa năm 1957 lại hợp nhất tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, quân và dân Châu Đốc đã kiên cường đấu tranh giành từng tấc đất cho đến ngày toàn thắng. Sau ngày 30-4-1975 thị xã Châu Đốc trực thuộc tỉnh An Giang. Sau 38 năm xây dựng và phát triển, ngày 19-7-2013 thị xã Châu Đốc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh An Giang. Hai năm sau (25-4-2015) Châu Đốc lại được công nhận là đô thị loại II.
 
Châu Đốc hiện nay là trung tâm đầu mối của 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia,  đồng thời là cửa ngõ giao thương thuận lợi bằng đường bộ và đường thủy. Hiện thành phố Châu Đốc đang đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch, tạo động lực cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, gắn liền với đảm bảo an ninh biên giới và phát triển mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng Campuchia.  
 
Châu Đốc là vùng đất “Tân cương biên trấn” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, nhiều lễ hội mang đậm yếu tố tâm linh, trong đó núi Sam đang được chính quyền lập hồ sơ trình chính phủ công nhận là khu du lịch cấp quốc gia. Châu Đốc có 4 dân tộc Kinh- Hoa- Chăm- Khmer cùng sinh sống, tạo nên  văn hóa đa dạng.
 
Châu Đốc hiện nay được tỉnh An Giang xác nhận là trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh, là cửa ngõ giao thương, kết nối với các địa bàn lân cận như Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn, Hà Tiên. Hiện nay Châu Đốc đang thu hút nhiều nhà đầu tư với nhiều dự án quan trọng. Tiêu biểu như dự án Công viên văn hóa tâm linh núi Sam với công trình tượng Phật cao 81 mét được khắc vào vách núi; khu vui chơi giải trí phức hợp núi Sam gắn với cáp treo và nhiều công trình quy mô khác nhằm xứng danh là khu du lịch quốc gia. 
 
Hoài Phương
(Báo Cần Thơ Online)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tu-chau-doc-dao-den-thanh-pho-du-lich-a11604.html