Người đẹp phương Nam và cuộc tình đẹp với vua Gia Long

Là người đánh bại nhà Tây Sơn, mở ra một thời kỳ mới cho triều Nguyễn với những thành công và lụn bại trước thời cuộc, nhưng trong chuyện tình cảm vợ chồng, thì vua Gia Long lại là một người sống có tình có nghĩa. Điều đó khiến nhiều người bớt ác cảm với vị vua này khi lật đổ và thực hiện việc truy sát những người theo Tây Sơn Nguyễn Huệ.



Chân dung vua Gia Long thời trẻ

Mối tình ngoại truyện 

Cũng như các vị vua khác, hoàng đế Gia Long có rất nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng nổi tiếng chỉ có ba người là Thừa Thiên cao Hoàng hậu Tống Thị Lan, Thuận Thiên cao Hoàng hậu Trần Thị Đang và Đệ Tam cung Đức phi Lê Thị Ngọc Bình. Ngoài ra, các phi tần trong tam cung lục viện cũng được sử sách nhắc đến ít nhiều nên tưởng chừng chuyện ái tình và hôn nhân của Gia Long đều rõ ràng. Nhưng dân gian còn lưu truyền về hai mối tình của ông mà chính sử triều Nguyễn và gia phả hoàng tộc không có một dòng nào nhắc đến. 

Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả do Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc biên soạn (NXB Thuận Hóa ấn hành năm 1995) thì Nguyễn Ánh có tất cả 21 bà vợ, 13 hoàng tử và 18 hoàng nữ. Trong đó có những bà vợ từ thủa hàn vi đã gắn bó với vị vua này. Nguyễn Ánh được xem là một người khôn ngoan, tài trí. Dù bao phen phiêu bạt chân trời góc biển vẫn một lòng vì cơ nghiệp tổ tông. Ông biết chọn người, dùng người và giàu lòng thương quân sĩ; chí hiếu với mẹ, chí tình với vợ và rất yêu thương con cháu. Điều này không phải nghe theo một chiều từ ghi chép của Thế phả tộc Nguyễn mà người ta có thể cảm nhận được trong những ngày Nguyễn Phúc Ánh 16, 17 tuổi bôn ba trên đất Gia Định.

Cũng theo sử sách, khi ấy Nguyễn Phúc Ánh mới 16 tuổi, trở thành Nhiếp chính quốc sau khi Duệ Tông và Tân Chính vương bị quân Tây Sơn giết ở Long Xuyên. Thời còn bôn ba lánh nạn trước khi tập hợp được lực lượng để lật đổ nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã có nhân duyên tình cờ với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng. Cụ thể, sách Việt Nam phong tình cổ lục ghi lại rằng trong những ngày đi lánh nạn này, một lần Nguyễn Ánh đơn thương độc mã trốn về cù lao Ông Chưởng. Vì ở nơi khác tới, để tránh tai mắt của triều Tây Sơn nên Nguyễn Phúc Ánh phải náu mình trong một bụi rậm. Bên bờ sông, gần chỗ ông đang ẩn mình, có một cô thôn nữ trông xinh xắn đang lội bắt cá, quần áo lấm lem bùn đất mà không biết có người đang lặng nhìn theo. Thế rồi, bỗng nhiên, cô gái hét lên vì bị thụt xuống một hố sâu. Lúc ấy Nguyễn Ánh đã quên bản thân đang bị lùng bắt, bất chấp nguy hiểm, vụt lao ra ôm cứu người đẹp. Sau khi được cứu sống, cô gái này vì cảm kích, nắm rịt lấy tay ông kéo về nhà bắt… sống chung. Bởi vì theo tục lệ ở đây, khi người con gái nào đã bị người con trai ôm rồi thì buộc phải lấy người đó làm chồng. Thế là cuộc tình duyên bất đắc dĩ này lại là sự may mắn, mở ra một đường sống cho chúa Nguyễn, nhờ đó ông được nhà vợ giấu kín. Thậm chí nhà vợ còn giúp đi ông thăm dò, tìm kiếm các cận thần đang lưu tán để tụ họp lại, bàn mưu tiếp tục sự nghiệp “phục quốc”. 
 

Ngoài giai thoại nói trên, có một thuyết khác với phần kết có hậu hơn liên quan đến câu ca dao và chuyện tình của Gia Long với cô gái xứ cù lao Ông Chưởng. Chuyện kể rằng vì thua trận, Nguyễn Phúc Ánh một thân một mình trốn đến cù lao Ông Chưởng ở vùng Long Xuyên, đóng giả làm một ngư phủ để ẩn thân. Khi chạy đến bờ sông nhưng không có thuyền, lo lắng, sợ rằng có quân Tây Sơn đuổi phía sau, trước tình cảnh đó, ông không biết làm sao, ngước lên trời một cách tuyệt vọng thì thấy một bầy quạ và diều hâu bay lượn trên không, buồn bã mà ngâm một câu thơ. May mắn thay, lúc đó có một ngư thuyền nhỏ, theo kinh nghiệm thấy khúc sông nào có nhiều chim bay lượn ắt có nhiều cá, liền tìm đến thả lưới đánh bắt. Nhờ chủ nhân của chiếc thuyền ấy mà Nguyễn Phúc Ánh được quá giang qua sông để thoát nạn. Khi đến giữa sông, bỗng mọi người nghe thấy có tiếng kêu cứu của một cô gái đi trên chiếc xuồng vì gặp dòng nước mạnh nên bị lật. Vừa thoát khỏi hiểm nguy, lại gặp ngay người trong cảnh cận kề cái chết, Nguyễn Phúc Ánh can đảm lội lại gần xuồng cứu thiếu nữ. Cô gái đó tên là Trần Thị Tố Lan, con một nhà Nho trong vùng tên là Trần Đạt. Cảm ngộ ơn cứu mạng, Tố Lan đã đưa Phúc Ánh về nhà đãi đằng tạ ơn. Gia đình cô khi biết ân nhân chỉ có một mình mới đề nghị gả Tố Lan cho ông làm vợ. Nghĩ rằng chuyện xảy ra có lẽ là duyên trời sắp đặt, định trước; lúc ấy lại độc thân nên Nguyễn Phúc Ánh bằng lòng. Thế là một đám cưới được tổ chức tại cù lao Ông Chưởng giữa chúa Nguyễn thất thế với cô gái thường dân có cái tên rất đẹp là Tố Lan.

Dân gian lưu truyền rằng, khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Ánh - Gia Long đã mất hẳn ký ức về người vợ nhặt này. Tuy nhiên, lại có giai thoại rằng, cô gái cù lao Ông Chưởng đó chính là bà Tống Thị Lan. Sau khi thu giang sơn về một mối, Gia Long đã cho rước bà về kinh đô, phong làm Chánh hậu. Những người do bà Chánh hậu sinh ra gọi là dòng chính, chữ lót đặt tên cho con cháu của dòng chính là: “Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng/Liên Lý Phát Bội Hương/ Lịnh Nghi Hàng Tốn Thực/ Quí Vọng Biểu Khôn Ngoan”. Còn những người con do các bà phi khác sinh ra gọi là dòng thứ, chữ lót đặt theo thứ tự là: “Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quí Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Khế Thực/ Thế Thoại Quốc Gia Xương”.
 




Lăng Gia Long xưa

Vị vua chí tình

Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả chép lại, thì bà Tống Thị Lan (1761 - 1814), hay còn được gọi là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là hoàng hậu của hoàng đế Gia Long nhà Nguyễn. Khi kinh đô Phú Xuân bị quân Trịnh đánh chiếm vào năm Giáp Ngọ (1774), bà theo cha vào Nam đến ở Gia Định. Bà là người đoan chính, xinh đẹp, vua Gia Long đã đích thân đem lễ vật đến hỏi cưới bà. Sau đó bà được tiến cử vào cung và được lập làm Nguyên Phi. Khi quân Tây Sơn đánh Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh vì binh lực yếu nên phải lánh ra Phú Quốc, được người Xiêm La đem thuyền đến đón thì hai người phải tạm xa nhau. 

Đó là thời kì đen tối nhất, ngày đoàn tụ chẳng biết có hay không, bởi vậy mà khi chia tay, Nguyễn Phúc Ánh đã lấy một nén vàng tốt, chặt ra làm hai, trao cho bà một nửa, còn mình thì giữ một nửa, và nói: “Con ta đi rồi và ta cũng sẽ đi đây. Phi hãy phụng dưỡng Quốc Mẫu (tức bà Hiếu Khang Hoàng thái hậu, con gái của Diễn Quốc công Nguyễn Phúc Trung, người quê ở Minh Linh, nay thuộc Quảng Trị, mẹ của Nguyễn Phúc Ánh). Ngày gặp lại cũng chẳng biết là vào lúc nào và ở đâu, bởi vậy, Phi hãy lấy nửa nén vàng tốt này làm của tin”. 

Năm Mậu Thân (1788) khi chúa Nguyễn lấy lại Gia Định, cho người đến Phú Quốc đón bà. Từ đây, mỗi khi Gia Long đánh giặc, bà thường đi theo. Trong những ngày Nguyễn Ánh ngược xuôi đi cầu viện, đánh rồi lại thua, thua rồi lại đánh… lưu lạc hết Xiêm đến Việt, khi Việt cùng đường lại chạy sang Xiêm, bà Nguyên Phi vẫn một mình hết lòng hầu hạ mẹ chồng. Nhiều lúc tính mạng hiểm nguy ngàn cân treo sợi tóc, bà vẫn bình tĩnh vượt qua. Lênh đênh theo vua từ lúc gian khó, có khi lại thúc trống giúp cứu vua trong cơn nguy khốn. Khi vua đi xa, vẫn giữ vật tin, một lòng một dạ đi theo vua. Bà là người thân hậu, cần kiệm, biết thương yêu tất cả mọi người. Bà từ khi gặp lại Gia Long từ Xiêm về, luôn ở bên vua kể cả trên chiến trường, tựa như nàng Ngu Cơ luôn ở bên Hạng Vũ đời Hán vậy. Trong lúc bôn ba nơi gian hiểm, bà tự tay dệt nhung phục cho quân sĩ. Một hôm đang đi thuyền thì gặp địch, Nguyễn Phúc Ánh giục quân cố sức đánh, bà cũng cầm trống thúc quân khiến tướng sĩ phấn chấn mà đánh bại dịch. Đức hạnh của bà thật xứng đáng là bậc mẫu nghi trong thiên hạ. Đúng với những gì được ghi trong văn sách. 

Sau ngày triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long hỏi bà chuyện thỏi vàng năm xưa. Bà ung dung đem vàng ra trình lên. Gia Long vô cùng cảm động, cầm lấy nửa thỏi vàng và bảo rằng: “Vàng này mà còn giữ được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian nan, chẳng nên quên lãng. Vậy phải để dành về sau cho con cháu biết!”. Dứt lời, vua lấy nửa thỏi vàng của mình ráp với nửa thoi vàng của bà Nguyên Phi lúc đó đã được phong hoàng hậu rồi trao hết cho bà. Hoàng hậu vâng theo lời dụ, về sau trao lại cho vua Minh Mạng. Sau này, khi Minh Mạng lên ngôi, ông liền đem thoi vàng hai mảnh ấy thờ ở Điện Phụng Tiên.

Cũng chính vì đức hạnh ấy của bà mà năm 1793, bà được Nguyễn Phúc Ánh đề nghị làm mẹ nuôi cho con của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu là Nguyễn Phúc Đảm, tức Hoàng đế Minh Mạng sau này, dẫu bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu lúc này còn rất khỏe mạnh và sống mãi đến năm 1846 mới mất. Bà bằng lòng với điều kiện là chồng phải viết tờ giao ước hẳn hoi. Nguyễn Phúc Ánh sai Lê Văn Duyệt viết tờ giao ước, còn bà thì sai cung nữ là Nguyễn Thị Lê cất giữ. Từ đó, Nguyễn Phúc Đảm vào ở hẳn với bà. Năm Bính Thìn (1796), bà được lập làm Vương hậu. Đến năm Bính Dần (1806) được lập làm Hoàng hậu. Nhưng bà số khổ, con cái đều có số chết sớm cả, khi chưa đầy 60 tuổi lại mất đi. Ngày 22 tháng 2 năm 1814 bà mất, thọ 53 tuổi. Qua năm sau bà được an táng tại lăng Thiên Thọ ở Huế. Vua rất thương mà khóc thảm thiết, đặt mộ của bà kế bên của ông ở lăng Thiên Thọ chính là bằng chứng tình cảm của ông đối với bà, và cũng là vai trò to lớn của bà trong cuộc đời ông vua này.

Bên cạnh hai bà phi được phong làm hoàng hậu là Thừa Thiên Cao hoàng hậu (mẹ hoàng tử Cảnh) và Thuận Thiên Cao hoàng hậu (mẹ vua Minh Mạng); hoàng đế Gia Long còn sách phong cho bà Lê thị Ngọc Bình (con vua Lê Hiển Tông, em Ngọc Hân công chúa) làm Đệ Tam Cung, đồng thời có gần 100 phi tần khác vây quanh, khiến cho đời sống tình cảm vừa phong phú, vừa rối tung như “canh hẹ”. 

Còn tiếp...

 
Minh Tiến

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-dep-phuong-nam-va-cuoc-tinh-dep-voi-vua-gia-long-a11570.html