Nghĩa tình còn mãi…!

Trân trọng những giá trị truyền thống quý báu trong công tác Sinh Vật Cảnh đã được tổ tiên và các bậc tiền bối trao truyền qua bao thế hệ đã giúp chúng ta vững bước trên con đường thiên lý hôm nay!


Ông Hoàng Kim Trung và ông Nguyễn Gia Hiền dâng Cúp Vinh danh và báo cáo công tác Hội trước hương án của cố Nhà báo Đỗ Phượng tại nhà riêng.

Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây", tri ân công đức của các bậc tiền bối đã có nhiều đóng góp vì sự phát triển của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô, ngày 09/12/2017, ông Hoàng Kim Trung, Nguyên Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Gia Hiền, Phó chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cùng phóng viên của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đến thăm gia đình cố Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam, cụ Lê Mỹ Cát, nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh Nghệ thuật Hà Nội, Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách.

Thay mặt, BTC Hội nghị Tôn vinh Nghệ nhân Doanh nhân Chủ nhà vườn tiêu biểu toàn Quốc đồng hành vì sự phát triển Sinh Vật Cảnh Thủ đô đợt I năm 2017, ông Nguyễn Gia Hiền cùng các thành viên trong đoàn đã dâng Cúp Vinh danh và báo cáo công tác Hội trước hương án của cố Nhà báo Đỗ Phượng tại nhà riêng.
 
Trong niềm xúc động của một người đã có nhiều năm gắn bó với cố nhà báo Đỗ Phượng, ông Hoàng Kim Trung động viên cụ bà sớm ổn định sức khỏe, tinh thần để trở thành chỗ dựa cho con cháu chắt tiếp tục học tập, lao động và cống hiến theo gương của đồng chí Đỗ Phượng. Đồng thời khẳng định: "Những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Phượng đối với tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô đang được các thế hệ lãnh đạo Hội tiếp tục thực hiện rất thiết thực, nhất là chương trình "Sinh Vật Cảnh Hà Nội với cả nước, Sinh Vật Cảnh cả nước với Hà Nội" nhằm góp phần thúc đẩy Sinh Vật Cảnh của cả nước phát triển thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao".
 
 
Đại diện Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội trao Bằng Vinh Danh và Cúp tri ân cụ Lê Mỹ Cát (người ngồi thứ 2 từ trái sang), nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội.
 
Đến thăm cụ Lê Mỹ Cát, nguyên Chủ tịch Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội nay đã ở tuổi 95 và 75 tuổi Đảng. Cụ vẫn rất minh mẫn và sang sảng nói về mong ước cuối đời được thấy phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế xã hội ngày một thiết thực hơn. Cụ rất vui vì được Hội quan tâm vinh danh vì những cống hiến cho công tác Sinh Vật Cảnh ở những ngày đầu mới thành lập Hội. Cụ bùi ngùi chia sẻ trước sự ra đi đột ngột của cố nhà báo Đỗ Phượng, cây đại thụ của làng báo, làng Sinh Vật Cảnh Việt Nam.
 
 
Tác giả bài viết lưu niệm cùng Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách
 
Ông Nguyễn Gia Hiền vui mừng báo cáo với cụ Lê Mỹ Cát về những chuyển biến mạnh mẽ của tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô trong những năm gần đây. Hội đã hoạt động ngày càng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và luôn mở rộng kết nối với tất cả các tổ chức có liên quan trong và ngoài nước phục vụ mục tiêu "Đưa Sinh Vật Cảnh Thủ đô thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, là nhân tố mới trong xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững" đúng theo khuôn khổ Điều lệ Hội và các quy định của pháp luật.
 
Nhân dịp này, cụ Lê Mỹ Cát đề nghị Hội Sinh Vật Cảnh thành phố Hà Nội cần chủ động huy động các nguồn lực, trước mắt là của giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn Sinh Vật Cảnh tiêu biểu Thủ đô liên kết lại với nhau hình thành những khu sản xuất, kinh doanh làm dịch vụ Sinh Vật Cảnh để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch...góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện môi trường và đáng sống. Trước mắt cụ đề nghị tập trung làm tiểu cảnh thu nhỏ Vịnh Hạ Long tại Thủ đô Hà Nội và cụ xung phong ủng hộ vật chất và tinh thần cho công trình giàu ý nghĩa này.
 
 
Ông Nguyễn Gia Hiền (người ngồi bên trái) lưu niệm cùng Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách.
 
Tiễn đoàn ra về trong sự lưu luyến, cụ đứng ở cửa nhìn theo vẫy tay chào đoàn đã đi xa! Nhìn cảnh tượng xúc động đó, chúng tôi thấu hiểu tâm tình của cụ với tổ chức Hội và phong trào Sinh Vật Cảnh rất sâu nặng. Chúng tôi như thể nhận được trách nhiệm nặng nề hơn trước những công việc sắp tới của mình.
 
Đến thăm nhà thư pháp nổi tiếng Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Bách một nhà văn hóa nặng lòng và đầy duyên nợ với những người làm công tác Sinh Vật Cảnh Thủ đô. Cụ năm nay đã 94 tuổi nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn và uyên bác đến kinh ngạc. Cụ dành nhiều thời gian trao đổi về thời kỳ văn hóa thủy tổ của người Việt và mối liên hệ với Sinh Vật Cảnh một cách rất minh triết, uyên bác.
 
 
Ông Hoàng Kim Trung (người ngồi bên trái) lưu niệm cùng Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách
 
Chiều đông se se lạnh, trên chiếc xe taxi, đồng chí Hoàng Kim Trung rất hồ hởi tươi cười nói bày tỏ niềm vui về một ngày đi thăm các bậc tiền bối trong công tác Sinh Vật Cảnh và văn hóa gắn bó sâu sắc với tổ chức Hội và phong trào Thủ đô Hà Nội mấy chục năm qua. Còn tôi lại suy tư về các thế hệ đồng hành cùng Sinh Vật Cảnh Thủ đô. Thế hệ thứ nhất là các vị tiền bối như cụ Đỗ Phượng, cụ Lê Mỹ Cát, cụ Nguyễn Văn Bách...với chiều sâu văn hóa, sự uyên bác, uy tín và tinh thần cách mạng rất cao. Thế hệ thứ hai là những người như đồng chí Hoàng Kim Trung, Nguyễn Văn Kết, Lã Văn Lục...Thế hệ thứ ba như các đồng chí Nguyễn Gia Thọ, Nguyễn Gia Hiền, Đỗ Văn Hài...Và thế hệ thứ tư là những người như chúng tôi tuổi còn trẻ.
 
Những gì đang diễn ra sôi động và hiệu quả của phong trào Sinh Vật Cảnh Thủ đô cho thấy mối liên kết rất chặt chẽ của cả bốn thế hệ nêu trên với quyết tâm hành động theo tinh thần một cuộc cách mạng cảnh quan trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện" do Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta khởi xướng và thực hiện qua phong trào Tết Trồng cây vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước!
 
Trân trọng những giá trị truyền thống quý báu trong công tác Sinh Vật Cảnh đã được tổ tiên và các bậc tiền bối trao truyền qua bao thế hệ đã giúp chúng ta vững bước trên con đường thiên lý hôm nay!
 
Người ở, người đi, người đã nghỉ công tác và người đang đồng hành nhưng nghĩa tình Sinh Vật Cảnh còn mãi...!
 
Vương Xuân Nguyên

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghia-tinh-con-mai-a11568.html