Những tòa nhà, cao ốc mọc lên sừng sững, đường xá thênh thang, xe cộ tấp nập. Nhưng trên ngã ba sông Bến Nghé, thời gian như dừng trôi: hơn một thế kỷ, bến nhà rồng vẫn đứng đó hiên ngang, mang trên mình nét cổ kính, thiêng liêng và đầy ý nghĩa lịch sử.
Bến Nhà Rồng những năm đầu thế kỷ XX - Ảnh tư liệu
Buổi sáng Sài thành, trong tiết trời se lạnh, để lại sau lưng sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố, chúng tôi ghé thăm bến cảng Nhà Rồng. Là người con xứ nghệ quê Bác, nhưng mỗi lần đến đây, trong tôi lại dâng lên niềm cảm xúc khó tả. Hàng cây khẽ lung lay trước gió, từng cụm sen, hoa mai khoe sắc, tỏa ngát mùi hương. Những con sóng vỗ về, dập dìu trên mạn thuyền, bờ sông Bến Nghé. Đâu đây, tiếng chim líu lo, ríu rít chuyền cành như hòa chung niềm vui đất nước vào xuân. Hơn 100 năm trước trên bến Nhà Rồng, khi con tàu đô đốc Latouch Trévile mang theo chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, trên bến đậu đầy tàu buôn và tàu chiến của Pháp, dọc kênh Bến Nghé những người phu khuân vác nghèo khổ tìm chén cơm, manh áo dưới những làn roi áp bức bất công…
Bến Nhà Rồng ngày nay
Mới sáng sớm nhưng khách tham quan trong và ngoài nước đã tấp nập ghé thăm. Những nhân viên bảo tàng trong trang phục gọn gàng, nghiêm trang ân cần hướng dẫn du khách. Chẳng ai bảo ai, mọi người trật tự xếp hàng, lặng lẽ bước chậm rãi qua những gian phòng trưng bày. Đứng bên cạnh tôi trong gian phòng chủ đề “Bác Hồ một tình yêu bao la”, cặp vợ chồng tóc điểm hoa râm đến từ Bình Dương xúc động chăm chú nhìn từng bức ảnh của Bác. Chợt bà nắm lấy tay ông, giọng trìu mến, xúc động: “Mình không có cơ hội gặp Bác nhưng cứ mỗi lần vào đây tui như thấy Bác đứng trước mắt mình ông ạ. Khi ra đi tìm đường cứu nước Bác chỉ hai bàn tay trắng, nhưng khi về Bác mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cả dân tộc. Công lao ấy không thể nào kể hết”. Nói xong, ông bà lại dẫn nhau đi, không quên ghé qua ghi vào cuốn sổ lưu niệm những cảm xúc yêu thương, kính trọng vị cha già dân tộc.
Hình ảnh bác luôn nồng ấm, gần gũi với nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, đồng bào Miền Nam tập kết ở Hà Đông - Ảnh tư liệu
Trong đoàn du khách người Pháp, có một người đàn ông tuổi xế chiều, chân bước đi khập khễnh, trên tay chiếc máy ảnh cũ kỹ lặng lẽ qua từng gian phòng ghi lại các tấm hình tư liệu. Ông dừng lại bên bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn cùng các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam rất lâu. Bàn tay rung rung ấn nút chụp, môi ông mấp máy, mắt rưng lệ không thốt lên lời. Có lẽ ông là cựu binh, từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Những hình ảnh về đất nước – con người nơi đây để lại trong ông những ký ức, cảm xúc khó quên.
Không phải ngày lễ hay cuối tuần, nhưng khách tham quan đến bến Nhà Rồng hàng ngày luôn đông đúc. Theo số liệu ghi lại, mỗi năm bến Nhà Rồng có hơn 200.000 ngàn lượt người con đất Việt, đông đảo bạn bè quốc tế đến viếng thăm. Hiện tại bảo tàng có 9 phòng với gần 1.500m2 diện tích trưng bày. Trong đó có 6 phòng trưng bày những chuyên đề cố định bao gồm tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan tới tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 3 phòng trưng bày chuyên đề thời thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tuyên truyền trong từng thời gian nhất định.
Gió từ sông Sài Gòn thổi vào mát rượi. Lâu lâu tiếng còi tàu hú dài khiến lòng người day dứt, bồi hồi. Có phải lúc Bác ra đi, con tàu Latouch Trévile cũng cất lên những âm thanh rền vang, da diết như thế? Chợt căn phòng chộn rộn hẳn lên bởi tiếng líu lo của các em học sinh một trường mẫu giáo trên địa bàn quận 7. Sau khi được cô giáo kể chuyện về cuộc đời Bác Hồ, Bác Tôn, nhiều em tranh nhau ôm lấy chân hai bác, cất tiếng gọi thân thương “Ông ơi, ông à, cháu yêu ông lắm….”. Còn rất nhiều, nhiều lắm những tình cảm kính yêu mà con cháu Bác lưu lại trong cuốn sổ lưu niệm. Anh nhân viên bảo tàng tâm sự với chúng tôi: “Có những người vừa viết, vừa không cầm được nước mắt. Lòng yêu thương, kính trọng của nhân dân đối với Bác là vô hạn. Cứ vài tháng, cuốn sổ này lại được chép đầy trang, phải thay cuốn sổ mới khác”.
Những người cựu binh hạnh phúc khi lần được viếng thăm bến cảng Nhà Rồng
Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm trước bến Nhà Rồng
Khó nhọc lê bước qua từng căn phòng, nhưng gương mặt người cựu chiến binh Trần Văn Cẩu vẫn không giấu được niềm phấn khởi. Là người con Hà Nội, tham gia chiến trường Campuchia những năm 1977 - 1979, để lại một phần thân thể trên nước bạn. Khi hòa bình lập lại, đã bao lần anh ước ao được ghé thăm thành phố mang tên Người, đặt chân lên bến tàu mà năm xưa Bác ra đi tìm đường cứu nước. Vậy mà cho đến hôm nay, niềm ước ao giản dị ấy mới thực hiện được. “Hành quân, tập kết qua những chặng đường gian khổ, hình ảnh của Bác luôn ở trong tôi, cho chúng tôi sức mạnh, niềm tin để sống và chiến đấu. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước thay da đổi thịt từng ngày, hôm nay tôi thật sự hạnh phúc khi được viếng thăm nơi người đi tìm hình của nước”.
Anh kể cho tôi nghe nhiều chuyện quá khứ, lúc tuổi thơ gặp Bác ở đâu, khi nghe tin Bác mất trong anh hụt hẫng như thế nào. Rồi khi lớn lên, anh tham gia chiến trường, bị thương nặng ở Campuchia và nghị lực chiến thắng “tử thần” ra sao. Cuộc đời anh như một thước phim quay chậm, rành rõ, chi tiết, hùng hồn. Và trong thước phim xuyên suốt cuộc đời ấy, lúc nào hình ảnh Bác cũng hiện lên nồng ấm, chân thành, soi sáng dẫn lối cho anh bước qua gian nguy, thử thách.
Chòm râu bạc trắng, ông Trần Văn Liên (80 tuổi , Thanh Trì, Hà Nội) chỉ vào bức ảnh Bác Hồ đang tham gia chống hạn trong một lần về xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì (tỉnh Hà Đông cũ). Giọng ông run run xúc động: “Cả cuộc đời tôi, hạnh phúc nhất là được gặp Bác lần đó. Sau này cứ có dịp vào miền Nam, tôi lại bảo con cháu đưa đến đây để được nhìn thấy Bác”.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng “thay da, đổi thịt”, những công trình cao vút chọc trời, đời sống người dân khởi sắc, khắp phố xá, ngõ hẻm lộng lẫy sắc cờ, đèn hoa. Nhà rồng vẫn cổ kính, trang nghiêm đứng sừng sững với thời gian, chứng kiến sự đổi thay, phát triển từng ngày của quê hương, đất nước!
Các bạn trẻ trường Đại học Sư phạm TPHCM thăm quan bảo tàng học tập
Đôi nét về bến nhà rồng
Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4/3/1863 sau khi thực dân Pháp bình định được Nam kỳ, do Công ty Vận tải đường biển (tiếng Pháp: Messageries Maritimes) xây cất để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Nóc nhà gắn hình rồng, ở giữa thay vì viên ngọc thì là chiếc phù hiệu mang hình “Đầu ngựa và chiếc mỏ neo”. Phù hiệu đầu ngựa hàm chỉ thời trước bên Pháp, công ty này chuyên lãnh chở đường bộ với ngựa kéo xe, còn mỏ neo tượng trưng cho tàu thuyền. Trụ sở công ty được giới bình dân gọi là Nhà Rồng, có nhiều thuyết về cái tên này: có thuyết nói rằng vì có gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh trên nóc nhà, một thuyết khác cho rằng Nhà Rồng có nghĩa là Gia Long (“Nhà” là “Gia”, “Rồng” là “Long”), bến Nhà Rồng được người Pháp đặt để nhớ tới quan hệ của vua Gia Long với nước Pháp. Người lớn tuổi gọi tên là Sở Ông Năm, vì hãng tàu biển này do quan năm Pháp Domergue đứng ra sáng lập.
Tháng 10 năm 1865, người Pháp cho dựng cột cờ Thủ Ngữ. Từ “Thủ Ngữ” có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi.
Gần cuối năm 1899, công ty được phép xây cất bến cho tàu cặp vào. Bến lót ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông 42m (phía tàu cặp vào). Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra bến có cầu rộng 10m. Ban đầu xây hai bến, sau đó xây thêm bến thứ ba.
Năm 1919, công ty được phép xây bến bằng xi măng cốt thép, nhưng không thực hiện được, phải đến tháng 3 năm 1930 mới hoàn thành bến mới, chỉ một bến nhưng dài 430m. Toàn bộ kiến trúc xưa của tòa trụ sở thương cảng Nhà Rồng hầu như còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Đức Anh