Về trường Dục Thanh nhớ thầy giáo Nguyễn Tất Thành

Cùng với thời gian và những biến cố của lịch sử, ngôi trường Dục Thanh (39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, Bình Thuận), nơi Bác Hồ dừng chân dạy học vẫn còn đó như một minh chứng cho tinh thần hiếu học và yêu nước của nhân dân ta những năm đầu thế kỷ XX.

Những năm qua mái trường Dục Thanh đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước về thăm quan, tìm hiểu, tri ân lại quá khứ, lịch sử. Đã hơn một trăm năm trôi qua kể từ ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học nơi đây, nhưng hình ảnh Người như đang hiển hiện qua từng lớp học, bục giảng, hàng ghế… khiến bao người xúc động rưng rưng.
 


Trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học.

Hưởng ứng phong trào Duy Tân do các sĩ phu yêu nước Phan Chu Trinh, Trần Qúy Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng, năm 1907 trường Dục Thanh được xây dựng trên đất nhà thờ họ Nguyễn. Những người sáng lập ban đầu là các cụ Nguyễn Qúy Anh, Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà yêu nước Nguyễn Thông), Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi và Trần Lệ Chất. Mục tiêu của trường là mở mang dân trí, khơi dậy ý thức giống nòi, dân tộc. Tháng 9 - 1910, trên đường đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành được ông nghè Trương Gia Mô, vốn là bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu đến dạy học tại trường Dục Thanh. Một trong những học sinh đầu tiên của thầy Thành là ông Nguyễn Kinh Chi, con cụ Nguyễn Hiệt Chi, về sau làm bác sĩ, Thứ trưởng Bộ y tế, đại biểu Quốc hội khóa I - IV nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Theo Tiến sĩ Trần Viết Lưu (Ban Tuyên giáo Trung ương) thầy Thành dạy học ở Phan Thiết nhưng không coi đó là kế mưu sinh, không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước, yêu đồng bào cho các học trò nhỏ của mình. Qua lời kể của các cụ Nguyễn Qúy Phầu, Nguyễn Đăng Lầu, từng là học trò cũ, thì thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu dạy chữ Quốc Ngữ, Hán Văn và môn thể dục. Người giảng bài rất nhiệt tình, dễ hiểu. Những bài khó thầy giảng chậm và kỹ, luôn hỏi han trò có hiểu không, và giảng đến chừng nào hiểu mới thôi. Trong các giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh rỗi, thầy Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh đi du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, đình làng Đức Nghĩa. Sự chăm chỉ, hết mình với công việc dạy học của thầy Thành đã được ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao, các trò kính mến, thương yêu.
 


Cây khế được Bác chăm sóc sau những giờ đứng lớp.



Giếng nước nơi Người thường múc nước tưới chăm sóc cây cối trong vườn.

Cách nay hơn 100 năm, vào tháng 3 - 1911, thầy Nguyễn Tất Thành rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn với giấy thông hành mang tên Văn Ba do hai cụ Trần Lệ Chất và Hồ Tá Bang lo giúp. Ngày 5/6/1911, chiếc tàu buôn Latusơ - Tơrơvin kéo hồi còi dài rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thầy giáo, người con, người thanh niên yêu nước ra đi tìm đường cứu quốc. Tại trường Dục Thanh, thời gian ngắn sau ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Qúy Anh chuyển vào Sài Gòn đảm trách Đổng lý phân cuộc Liên thành ở Chợ Lớn nên không còn ai làm giám hiệu, và vì nhiều lí do khách quan khác nên ngôi trường đóng cửa vào năm 1912. Sau ngày đất nước giải phóng, ngôi trường Dục Thanh được phục dựng lại để tỏ lòng thành kính, biết ơn các văn sĩ yêu nước, Bác Hồ kính yêu, qua đó giáo dục thế hệ trẻ tinh thần ái quốc và khắc ghi công lao của cha ông. Ngày 12 -12 -1989, trường đón nhận bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia do Bộ Văn hóa trao tặng.

Những ngày này, nhiều người dân, học sinh, sinh viên trong tỉnh Bình Thuận và cả nước về thăm ngôi trường Dục Thanh. Dòng người tấp nập nhưng chẳng thấy có cảnh chen lấn, ồn ào, ai cũng lặng lẽ kính cẩn đi qua từng gian phòng, lớp học, tưởng nhớ lại những năm tháng nơi Bác Hồ kính yêu dừng chân dạy học trước lúc ra đi tìm đường cứu nước.

Em Nguyễn Hoàng Tú (quê Hà Tĩnh, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh) xúc động cho biết: “Được về thăm mái trường dục Thanh nơi các bậc cao niên và Bác Hồ một thời dạy học, chúng em ai cũng bồi hồi xúc động. Di tích không chỉ đẹp về kiến trúc mỹ thuật, cổ kính mà còn có ý nghĩa giáo dục đối với các thế hệ trẻ, nhắc nhở chúng em không được quên công lao to lớn của cha ông và Bác Hồ kính yêu. Chúng em nguyện sẽ cố gắng học tập, lao động để xứng đáng với thành quả mà các bậc tiền nhân để lại”.

 


Hướng dẫn viên miệt mài kể những kỉ niệm của Bác một thời ở trường. 

Từ quê Bác xa xôi, gia đình chị Nguyễn Thị Nga (ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu) vào thăm trường Dục Thanh vui vẻ cho biết: “Di tích lịch sử nơi Bác Hồ dừng chân dạy học tôi biết qua sách báo, nhiều lần mong được ghé thăm mà chưa có dịp. Năm nay mặc dù thời gian được nghỉ không nhiều nhưng gia đình tôi tranh thủ vào Bình Thuận chơi, đưa các con đến trường Dục Thanh để các cháu biết ôn lại lịch sử, ghi nhớ công ơn của Bác Hồ và các bậc tiền nhân. Chuyến đi mặc dù hơi xa xôi, vất vả nhưng với gia đình tôi thấy thật ý nghĩa”.    

Trong những vị khách về thăm mái trường Dục Thanh ngày này, chúng tôi thấy nhiều khách du lịch quốc tế, trong đó có những người đã lớn tuổi, tóc bạc trắng. Họ lặng lẽ thăm quan từ gian phòng này sang lớp học khác, ngắm nhìn say sưa những bục giảng, tấm bảng, hàng ghế cũ kỹ nhưng còn chắc chắn, vẹn nguyên. Những vị khách Tây thầm thì, to nhỏ với nhau, ánh mắt toát lên sự ngưỡng mộ, khâm phục và thích thú. Qua một thông dịch viên, anh David Moyes (người Mỹ) cho chúng tôi hay: “Đọc trong các tài liệu lịch sử, tôi biết trước lúc buôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học nơi này. Một con người giản dị mà tài hoa, khiêm nhường mà hết sức vĩ đại, đi đến đâu cũng được mọi người kính trọng, yêu thương, bất kể màu da, sắc tộc. Với riêng tôi và cả người Mỹ, Bác Hồ luôn thân thương, gần gũi, đó là vị lãnh tụ đức độ, toàn năng. Được đến thăm mái trường Dục Thanh, chúng tôi hết sức thích thú và tự hào. Nhân dịp này sẽ cố gắng đi nhiều nơi di tích mà Bác Hồ đã từng làm việc, sinh sống”.
 
Đức Anh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-truong-duc-thanh-nho-thay-giao-nguyen-tat-thanh-a11461.html