Địa đạo Củ Chi: Ký ức, dấu ấn và thời gian

Cách trung tâm TP. HCM khoảng hơn 70 km về phía Tây Bắc, địa đạo Củ Chi ngày nào là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định, của Huyện ủy và toàn thể nhân dân huyện Củ Chi. Nơi đây là thế trận đánh giặc vô cùng biến hóa, bao phen khiến giặc Mỹ kinh hoàng, khiếp đảm.


 
Khu di tích Địa đạo Củ Chi cách trung tâm TP. HCM khoảng 70 km về phía Tây Bắc.

Ngày nay đến địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được tham quan tìm hiểu hệ thống địa đạo gắn liền với những chiến tích vang dội. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo với hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện dài trên 200 km (được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là địa đạo dài nhất Việt Nam), có nơi ăn, ở, hội họp và chiến đấu. Hệ thống địa đạo thể hiện ý chí kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi, biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. 

Tham quan công trình tái hiện Vùng Giải phóng Củ Chi trong giai đoạn 1960 - 1975; cảnh làng mạc Củ Chi trước chiến tranh với cây trái xum xuê, bốn mùa nặng quả, cảnh tàn phá của bom đạn Mỹ, mô hình ấp chiến lược mà Mỹ và tay sai áp dụng để kiểm soát dân cư, thể hiện cảnh trai gái hăng hái tòng quân đánh giặc… 

Du khách còn đến viếng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đây là công trình lịch sử văn hóa của TP. HCM, khánh thành vào ngày 19-12-1995 để chào mừng 20 năm ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Đền được xây dựng trên khu đất rộng 70.000m2, gồm có cổng tam quan, nhà văn bia, tháp chín tầng cao khoảng 40m. 

Trong điện chính có đặt bia khắc tên 50.000 người con của tổ quốc Việt Nam đã chiến đấu và hi sinh trên đất Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1995 đến nay, đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược được trùng tu nâng cấp 2 lần thay đổi các chất liệu composite bằng đá và đồng như: hoa văn đế cột, rồng, liễn, hạc… nhằm mang tính vĩnh cửu cũng như bổ sung thêm nhiều danh sách liệt sĩ để khắc tên trên bia đá.

Tham quan tầng hầm Đền trưng bày ở 9 không gian theo chủ đề “Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiên cường bất khuất”; tham quan công trình rừng gỗ quý được sưu tầm từ 3 miền đất nước và các biểu tượng đặc trưng như: Chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế), Bến Nhà Rồng (Miền Nam).

Du khách còn có thể vui chơi giải trí, mua sắm hàng lưu niệm trong không khí thoáng mát, trong lành; và được thưởng thức những đặc sản miền quê. Địa đạo Củ Chi vừa là điểm tham quan hấp dẫn, vừa là nơi họp mặt để ôn lại truyền thống, là nơi sinh hoạt dã ngoại, cắm trại lý tưởng cho các đoàn thể và học sinh - sinh viên.

Đến TP. HCM thân yêu, các bạn hãy thăm địa đạo Củ Chi để hiểu thế nào là cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ của ông cha ta; hiểu đúng nguyện vọng sâu sắc của dân tộc Việt Nam: yêu hòa bình, độc lập, hạnh phúc ấm no vĩnh viễn.
 
 
Du khách thăm quan đường hầm nằm trong hệ thống địa đạo Củ Chi


 
Công trình tái hiện vùng giải phóng.


 
Cảnh cưa bom của những chiến sĩ cảm tử trong thời chiến.


 
Du khác thưởng thức món khoai mì, cơm nắm muối vừng.


 
Hàng lưu niệm được bày bán trong khu di tích địa đạo.


 
Tháp 9 tầng, cao 40m nằm trong đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược.


 
Đền Bến Dược.



Những chiến sỹ trong vùng giải phóng.
 
Đức Anh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dia-dao-cu-chi-ky-uc-dau-an-va-thoi-gian-a11445.html