Nhà viết kịch Lê Quý Hiền và những tìm tòi mới lạ

Kịch bản của Lê Quý Hiền không sa vào việc minh họa câu chuyện mà nặng về những vấn đề triết lý nhân sinh với những phát hiện những vấn đề mới, lạ trong cuộc sống.

Sau khi đọc và xem kịch của anh, người ta tiếp tục trăn trở về nhân vật và vấn đề trong kịch hơn là cốt truyện kịch. Người trong làng sân khấu thường nghĩ về kịch bản Lê Quý Hiền như thế.  
 

Viết không nhiều, cho đến nay, Lê Quý Hiền đã trình làng gần 40 tác phẩm sân khấu. Nhiều kịch bản của anh đã được các đạo diễn trong Nam, ngoài Bắc dàn dựng, trong đó có Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Kịch Quân đội, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Trần Hữu Trang, các đoàn kịch, Ca Kịch Thanh Hóa, Nam Định, Bình Định, Nghệ An, Thái Bình… Nhiều tác phẩn sân khấu của anh đã để lại những dấu ấn trong khán giả và đồng nghiệp như vở diễn: Hão, Trang đời gõ cửa, Vàng, Quên và nhớ, Nửa không thấy, Vai diễn giữa đời thường, Lỡm, Thiên thần ra trận, Những người đi tiếp, Vượt qua đêm tối, Đi tìm điều không mất, Những linh hồn thức, Bác không phải là vua…

Là người Hà Nội gốc, nhưng ai đã gặp Lê Quý Hiền đều nhận thấy anh thật mộc mạc, mộc mạc đến xuề xòa. Lúc nào cũng vội vàng tất bật, bỗng chốc trịnh trọng, bỗng chốc tếu táo và bỗng chốc trầm tư. Nhưng cái đọng trong người đối thoại là một cảm nhận về nhà viết kịch Lê Quý Hiền sâu sắc, đắm say với sáng tạo. Gặp anh sau câu chào hỏi thăm về nhau, dù mới tuần trước gặp trong cuộc hội thảo, hay đã mấy năm mới gặp lại, Lê Quý Hiền đã nồng nhiệt và thật hồn nhiên kể chuyện về công việc viết kịch bản. Có khi anh độc thoại luôn lời thoại của nhân vật kịch mà anh tâm đắc. Anh thuộc lời mà mình đã viết không cần đọc kịch bản. Rồi cao hứng lên, anh còn vẽ sơ đồ về cấu trúc kịch bản, về sự phát triển tâm lý nhân vật. Đang say sưa vui cười, rồi lại trầm tư thở dài bảo rằng: Mình phải viết lại màn cuối cho đã hơn…
 
Khi còn là cậu bé thiếu niên mới 15 tuổi đang học phổ thông, Lê Quý Hiền đã có kịch bản đầu tay được đăng trên Văn nghệ Hà Tây từ năm 1968. Ham mê viết kịch từ ngày niên thiếu ấy cứ nhân lên trong anh cùng năm tháng. Nhưng sau khi tốt nghiệp phổ thông anh đã thi vào trường Sư phạm (10+3) rồi anh đã có hơn 6 năm là thầy giáo dạy văn. Nhưng từ thời ấy, cuộc đời anh hình như vẫn còn món nợ với sân khấu, thế là anh xa nghề dạy học thi vào Trường Đại học Sân khấu. Niềm vui đã đến với Lê Quý Hiền, anh đỗ điểm cao và được chọn sang Nga (Liên Xô cũ) học tại Học viện Sân khấu Matxcơva, ngành lý luận phê bình sân khấu. Tốt nghiệp anh về nước, nhận công tác tại Viện Nghiên cứu Sân khấu. Sau này vào cuối những năm 90, Lê Quý Hiền đã chuyển công tác về Báo Sức khỏe và Đời sống. 
 
Anh từng làm nghiên cứu, phê bình sân khấu, rồi là nhà báo với chức vụ Trưởng ban Xã hội - Bạn đọc, trong nhiều năm qua. Là nhà viết kịch, nhà báo, nhà lý luận phê bình sân  khấu và cả nhà giáo trong trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, vị trí nào Lê Quý Hiền cũng tận tâm, say mê và có nhiều đóng góp, nhưng công việc sáng tác kịch bản sân khấu vẫn là nỗi đam mê cả đời anh. 
 
Không như nhiều tác giả viết kịch thường hay xây dựng xung đột kịch giữa nhân vật với nhân vật. Phần lớn các kịch bản của Lê Quý Hiền lại xây dựng xung đột kịch giữa nhân vật và hoàn cảnh, giữa nhận thức và hành động, để rồi phải tìm cách giải quyết mối xung đột này. Quả thật đây là vấn đề khá nan giải cho người viết, nếu tay nghề non sẽ khó có thành công. Đặc biệt các nhân vật trong kịch Lê Quý Hiền đa phần là người tốt. Trong vở Hão, cũng toàn người không xấu nhưng đầy bi kịch vì nghèo, vì thương con. Trong kịch Qua dòng, Ngàn năm Đại Việt, tuy nhân vật ở những vị trí đối lập nhưng họ có cùng chung lịch sử, chung những danh nhân, chung dòng máu Việt và chuyện xóa bỏ hận thù phải xảy ra như một tất yếu. Trong Vòng tay cuộc đời, Bác không phải là vua, Những người đi tiếp, Là ai, Vai diễn giữa đời thường, Những linh hồn thức, Đi tìm điều không mất ... nhân vật cũng toàn là người tốt. Anh không chủ tâm để nhân vật đấu tranh, cãi nhau quyết liệt mà tập trung đấu tranh với hoàn cảnh. Hình như xung đột với hoàn cảnh mới là vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết. Để có xung đột này, những tình tiết, sự kiện tréo ngoe luôn được đặt ra, thậm chí làm được việc tốt, người tốt cũng đầy cam go. Vì thế, khi tấm màn nhung khép lại rồi, khán giả vẫn trăn trở và kịch hấp dẫn khán giả vì sự trăn trở đó. Dường như tự mỗi khán giả lại giải quyết sự xung đột chứ không phải tác giả kịch.
 
Trong Vàng, chuyện đơn giản khi một nhà bác học già phát minh ra một loại thuốc để vảy vào ai đó nếu họ tốt thì biến thành vàng, nếu họ xấu thì sẽ xấu hơn, nguy hiểm hơn là một giả định. Giả định này lại rất thật như một cảnh báo từ mấy chục năm trước của tác giả; khi cuộc sống có thêm vàng, kinh tế khá hơn thì người tốt bớt dần đi để người chưa tốt nhiều lên với thói vô cảm, ích kỷ, tham vọng bẩn thỉu…  
 
 
Cảnh trong vở "Những linh hồn thức"của Lê Quý Hiền. 

Đi và viết như là hành trình của cuộc đời Lê Quý Hiền. Là nhà viết kịch, Lê Quý Hiền còn là nhà báo xông xáo, năng động. Công việc báo chí giúp anh đi lắm, gặp nhiều lại dễ tiếp cận với những tư liệu có thật để từ đó trăn trở về số phận con người trong từng sự vụ đơn lẻ, để rồi có thể cấu tứ thành kịch bản. Công việc làm báo của một nhà viết kịch là điều thuận lợi cho anh được trải nghiệm thú vị của đời sống, hàng ngày được bồi đắp thực tế sinh động. Cùng với các bài phóng sự điều tra, nhà viết kịch Lê Quý Hiền đã có rất nhiều bài báo về các vấn đề về sân khấu. Trước các vấn đề bức xúc của đời sống sân khấu, Lê Qúy Hiền đã thẳng thắn nói những trăn trở của mình trên các báo, các diễn đàn hội thảo khiến không ít những nhà quản lý trong nghề mới đầu không vừa lòng, nhưng sau đó họ cũng công nhận như khi anh đề cập về định hướng sân khấu Kịch nói, vấn đề khán giả, hay sân khấu trong cơ chế thị trường, Chính sách đầu tư cho sân khấu. Xôn xao nhất là "Có một sân khấu quyền lực?" Tác giả đã nói thẳng hiện tượng làm lãnh đạo đơn vị nghệ thuật là trở thành đạo diễn, còn học đạo diễn xong nhưng không có chức quyền thì… khó thành đạo diễn - Điều này thật là vô lý, rồi diễn viên thân thiết là có vai. Mặc dù không phù hợp về chuyên môn. Hiện tượng này có cả ở sân khấu hai miền Nam Bắc, nhưng ngoài Bắc nhiều hơn. Vì sân khấu trong Nam đa phần các diễn viên không trong biên chế, họ thuộc các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa. Và theo anh thì nói tới biên chế là nói tới quyền lực rồi?
 
Say mê sáng tạo, không ngừng tìm tòi, phát hiện cái mới với một cảm quan tinh tế, sâu sắc, độc đáo, đầy tình người tình đời cùng tình yêu sân khấu đau đáu đã được thể hiện trong các kịch bản và phát biểu của anh trong các hội thảo, bài báo trong nhiều thập kỷ qua. 
 
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền không tham viết nhiều, nhưng kịch bản của anh thường nhận được giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Hội Sân khấu và được các đơn vị nghệ thuật sân khấu hồ hởi đón nhận, dàn dựng. Phải chăng đó cũng là điều mong muốn của mỗi tác giả kịch. Một niềm vui đã đến với nhà viết kịch Lê Quý Hiền, năm 2012, anh vinh dự được nhận Giải thưởng của Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
 
Hoàng Kim Dung
(Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nha-viet-kich-le-quy-hien-va-nhung-tim-toi-moi-la-a11419.html