Nữ nghệ sĩ Thanh Hương với “hành trang văn hóa”

Trong vườn hoa nghệ thuật sân khấu Cách mạng Việt Nam, Thanh Hương là một trong số nhà văn nữ hiếm hoi hành nghề lâu dài và có nhiều kịch bản được dàn dựng thành tác phẩm tiêu biểu. Đã để lại những dấu ấn đậm sâu trên kịch trường và trong lòng khán giả.

Bên cạnh những tác phẩm kịch bản sân khấu thành công của chị, bằng ngòi bút văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa đầy ắp tính nhân văn, mang giá trị về cái đẹp của những con người mới. Với gương mặt, tâm hồn, bản lĩnh văn hóa Việt Nam như: anh Thân, chị Thảo (trong tác phẩm “Đôi bạn”); anh Nhiên (trong tác phẩm “Ngôi sao ban ngày”); Mẹ Duyên (trong tác phẩm “Bài ca người mẹ”)…
 


Nữ nghệ sĩ Thanh Hương 

Ở mỗi nhân vật trong những tác phẩm ấy, đã thể hiện cách ứng xử với làng xóm, quê hương, với thiên nhiên xã hội, tình đồng đội, tình yêu lao động, sự chiến thắng bản thân, vươn lên trong khó khăn, đẩy lùi cái tiêu cực, sẵn sàng hy sinh bảo vệ những gì là chân lý. Họ là những người rất gần gũi, thân quen và cũng rất “đời” trong cuộc sống thường nhật.

Thì với “Hành trang văn hóa”, chị lại hướng ngòi bút vào phần lý luận cùng những kiến giải mang tính khoa học với sự am hiểu sâu, rộng về cơ sở lý luận, hệ thống mỹ học Mác- Lênin, sự cảm thụ về mạch nguồn văn hóa truyền thống của dân tộc, từ thực tiễn trong đời sống hoạt động sáng tác mà chị đã trải nghiệm. Và, trước sự thay đổi lớn mạnh của đất nước, sự phát triển của văn hóa xã hội, nhu cầu vật chất tinh thần của con người đòi hỏi ngày càng cao… Hiện thực ấy, cho chị nhận thức và ý thức về văn hóa thêm sâu đậm và toàn diện để rồi kết tụ nên những điều căn cốt về quy luật phát triển của xã hội con người. Đặc biệt trong xã hội và con người trong thế kỳ XXI- thế kỷ của sự phát triển văn hóa, tôn vinh con người mà Việt Nam hội nhập vào Thập kỷ Quốc tế văn hóa và phát triển cùng thế giới.

“Hành trang văn hóa” với 12 tiêu đề: từ “Chuẩn bị hành trang văn hóa hội nhập thế kỷ XXI”; đến “Một số giải pháp để phát triển văn hóa”; “Văn hóa hòa bình của người Việt Nam”…

Nội dung các tiêu đề, được chị viết bằng văn phong bình dị, vừa có tính lý thuyết, vừa có tính hiện thực. Mặc dù, trong đó đề cập đến cả nghị quyết, chính sách, đường lối, pháp chế và cả những con số thống kê sô sánh… Nhưng không thấy khô khan, khó đọc. Mà thực tế chị đang tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng  và Nhà nước, gợi cho độc giả muốn tìm hiểu đi sâu. Có lẽ bởi chị đặt mình ở vị thế người nghe mà “diễn dạt”, để những lý thuyết trên giấy đi vào đời sống quần chúng nhân dân một cách tự nhiên như nó vốn có của xã hội!?

Dười cái nhìn văn hóa, chị đề cập tới “Văn hóa là cái gốc của một xã hội lành mạnh”. Sự đánh giá đó dựa trên lịch sử nền văn minh của nhân loại đã cho thấy rằng: Có con người là có văn hóa, con người tạo nên xã hội, mà xã hội lại là bộ mặt của văn hóa và văn hóa thông qua xã hội làm nên môi trường văn hóa. Trong đó có một thành tố biểu đạt của văn hóa- đó là văn học nghệ thuật. Nó góp tiếng nói vào việc tạo dựng môi trường văn hóa trong xã hội. Chị đã nêu lên “vị trí của văn hóa nghệ thuật trong việc xây dựng con người”. Trên cơ sở: văn hóa Việt Nam là văn hóa nhân cách luận, tức là văn hóa lo xây dựng nhân cách con người. Như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Cái cao quý nhất của một đất nước, một dân tộc là ở giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, ở giá trị quý báu nhất là con người”.

Trong việc xây dựng con người, chị nhấn mạnh vào phần đối tượng là nữ giới ở sự bình đẳng, tiến bộ về tinh thân trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và cả tương lai, đó là: “Văn hóa nghệ thuật và người phụ nữ Việt Nam”, cùng với vấn đề “Gia đình văn hóa”.

Như chúng ta đều biết, vai trò, vị trí xã hội của người phụ nữ đã được minh chứng và khẳng định: Người phụ nữ là hiện thân của những giá trị văn hóa. Họ là người thầy đầu đời “truyền thụ”: cho con tâm sáng, trí đức. Chính người Mẹ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc; nuôi dưỡng tư tưởng, tạo dấu ấn tâm hồn để con hình thành nhân cách Con Người. Hơn lúc nào hết, trong sự phát triển văn minh, tiên tiến của thời đại khoa học kỹ thuật cao, mang tính toàn cầu hóa như hiện nay, thì vai trò của phụ nữ Việt Nam trong mối quan hệ xã hội và gia đình, rất cần sự quan tâm của các tổ chức Nhà nước, tạo môi trường vật chất, tinh thần ở nhiều lĩnh vực để nâng trí tuệ, nâng bản lĩnh của người phụ nữ lên tầm cao mới. Trên nền tảng văn hóa truyền thống dân tộc, đã có hàng ngàn năm của người phụ nữ Việt Nam: làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân; Phát huy vai trò người vợ, người mẹ, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần vào việc “trồng người”, giáo dục cách hành xử tử tế trong nếp sống, đạo lý văn hóa Việt Nam cho thế hệ con em ngày càng phát triển tốt đẹp, bền vững. Bởi lẽ: “Gia đình là hạt nhân của tế bào xã hội, là một sản phẩm tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội”.

Tất cả các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội và con người được đặt ra trong “Hành trang văn hóa” là những giá trị thực tiễn cuộc sống, bao gồm cả tư tưởng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, tinh thần và bản lĩnh Việt Nam. Bằng phương thức hoạt động đặc thù của văn học nghệ thuật, Thanh Hương đã đóng góp những quan điểm vào chủ trương, chính sách phù hợp về lĩnh vực văn hóa của Đảng và Nhà nước, thể hiện chị là một nghệ sĩ đồng thời là tri thức.

Trên văn đàn, ngòi bút của chị dù ở hoàn cảnh nào, đứng ở cương vị công tác nào, trong mảng sáng tác văn học, kịch bản sân khấu hay nghiên cứu lý luận về văn hóa con người thì vẫn là một mặt trận. Cái mặt trận văn hóa tư tưởng thật vẻ vang, sống động, hấp dẫn bởi cái phần văn nghệ, cái phần nhân bản của con người trong xã hội rất đẹp, rất đáng tự hào. Hình thức biểu thị của nó đa dạng và phong phú, dễ đi vào lòng người để cảm thụ cái mới, nhưng cũng đầy cam go, thử thách. Và, để có thể sống được cả đời với văn học nghệ thuật thật không đơn giản. Trước hết, ngoài những yêu cầu có trình độ học vấn, thì năng khiếu nghệ thuật là một đòi hỏi không thể thiếu. Rồi vốn sống, tinh thần học hỏi, tiếp thu văn hóa thế giới để tạo nên và phản ánh bản sắc của dân tộc, phù hợp với đất nước, con người xã hội Việt Nam. Mà quy luật đào thải ở nghệ thuật thật là khắc nghiệt. Ở nam giới, điều kiện để phấn đấu có nhiều thuận lợi hơn. Là phụ nữ, còn thiên chức làm vợ, làm mẹ. Rồi những hạn chế về sức khỏe, hạn chế giới tính… Tất cả là những rào cản dưới chân người phụ nữ đi trên con đường văn hóa nghệ thuật. Nhưng, tác giả Thanh Hương đã bước vào và đi, vượt lên nó, rồi đến đích trọn cả cuộc đời cho sự nghiệp, bằng sức lực, trí tuệ của một tinh thần và trách nhiệm cao. Chị đã đóng góp cho xã hội, cho đời sống văn hóa con người, đã làm được những điều đã nghĩ và đã nói. Thể hiện sự hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm, sức lao động mẫn cán, cái bản lĩnh kiên cường của người cầm bút có tâm, tín. Chị đúng là một nghệ sĩ- chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Nhân kỷ niệm 80 năm xuân đời chị, chúc chị luôn mạnh khỏe, đẹp như nghĩa của bội số tám, phúc thần, minh triết trong hành trang văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
PGS. TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình 

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nu-nghe-si-thanh-huong-voi-hanh-trang-van-hoa-a11404.html