Tuy nhiên cũng có ý kiến nữa cho rằng tên gọi Bạc Liêu xuất phát từ tiếng Khmer dùng để chỉ cây đa cao: Po Loenh. Vậy đấy, chỉ có hai chữ thôi nhưng có mấy cách lý giải ngữ nghĩa khác nhau, xem ra vùng đất này cũng khá thú vị. Tìm về cái xứ sở “ăn chơi” nức tiếng Nam Kỳ một thủa, lặng nhìn cuộc sống bên đôi bờ sông nước hay thả hồn theo những cung đàn thổn thức mà lòng lại không khỏi vấn vương như thể “sương khói buồn để lại lòng ai” khi nghe những câu chuyện về đất và người nơi đây.
Tượng đài nhạc sỹ Cao Văn Lầu trong khu lưu niệm
1. Bạc Liêu, nơi đất lành chim đậu
Lịch sử tạo thành vùng đất Bạc Liêu có lẽ không nằm ngoài qui luật của quá trình hình thành và phát triển của miền đất Tây Nam Bộ nói riêng và cả khu vực Nam Bộ nói chung. Theo đó, từ khởi thủy đến nay đất Bạc Liêu cũng đã trải qua hàng triệu năm với bao kỳ biến đổi của lớp vỏ trái đất ở vùng Đông Dương. Ít ra là cũng có bốn giai đoạn đã đi qua, từ một địa hào trong đại Cổ sinh trở thành một vịnh biển mênh mông trong đại Trung sinh. Rồi từ vịnh biển lại biến thoái thành hình thái châu thổ sơ khai ở thời đại Tân sinh. Và cuối cùng là trạng thái châu thổ được định hình tương đối nguyên vẹn như hiện nay, thay đổi sau đợt biển tiến. Quá trình thứ tư này diễn ra cách đây ước chừng cũng có khoảng thời gian từ 18000 năm đến 11000 năm trước. Theo miêu tả của các nhà khoa học trong khoảng thời gian từ 18000 năm đến 11000 năm ấy cả bán đảo Cà Mau còn nằm trong vùng biển, sau đó biển rút làm mực nước hạ thấp khoảng từ 100 mét đến 120 mét. Sau đó, trong khoảng thời gian chừng 5000 năm nước lại dâng lên và giữ nguyên trạng đến ngày nay. Khi ấy núi lửa không những hoạt động ở vùng cao nguyên mà còn ở cả vùng ven biển và ngoài khơi. Và đi cùng với những hoạt động địa lý ấy thì đất trong lục địa được nâng lên và nước biển lại hạ xuống, những con sông đã chết trong thời kỳ biển tiến nay được dịp hồi sinh đem phù sa bồi đắp cho các vùng đất trũng. Như vậy chẳng biết vô tình hay hữu ý những diễn tiến ấy đã để lại cho chúng ta một châu thổ phì nhiêu màu mỡ. Nói cho rõ hơn, vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long chính là kết quả bồi đắp phù sa của dòng sông Mê Kông. Dòng Mê Kông hùng vĩ chảy từ Tây Tạng (Trung Quốc) qua Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia rồi đi qua Vịêt Nam để ra biển Đông. Sông Tiền và sông Hậu trên đất Việt chính hạ lưu của của con sông hùng vĩ ấy. Hành trình dẫn nước ra biển ấy cũng là hành trình đưa phù sa màu mỡ từ thượng nguồn và các vùng đất mà sông đi qua về hạ lưu bồi đắp để làm thành một đồng bằng châu thổ phì nhiêu. Vùng phù sa sông Mê Kông bồi đắp trên đất Việt ấy chính là đồng bằng châu thổ sông Cửu long ngày nay, trong đó có Bạc Liêu.
Cùng với những diễn tiến của tự nhiên là những diễn tiến của xã hội. Hay nói cách khác là song hành với quá trình bồi đắp châu thổ sông Cửu Long còn có lịch sử hình thành, phát triển và lụi tàn của những nền văn hóa trên các vùng đất ấy. Với vùng hạ lưu của sông MêKông, đất Bạc Liêu sẽ gắn liền với sự hình thành, phát triển và biến mất của các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp; trong đó nổi tiếng nhất là nền văn hoá Óc Eo của nhà nước Phù Nam mà tháp cổ Vĩnh Hưng cùng nhiều di chỉ khảo cổ đã được khai quật ở nơi này là một minh chứng rõ ràng khó có thể chối cãi.
Theo nhịp thăng trầm của thời gian, vùng đất Bạc Liêu lại được tái sinh bởi sự cộng cư của các tộc người Việt, Khơme và Hoa, trong đó có vai trò to lớn của gia đình Mạc Cửu. Mạc Cửu (1655 - 1735) là người ở Lôi Châu (Trung Quốc). Ông là một trong những cựu thần của nhà Minh tham gia phong trào bài Thanh nhưng bị thất bại. Để tránh bị trả thù Mạc Cửu phải mang gia đình ly hương, vượt biển về phương Nam để lập quê mới. Từ con thuyền lênh đênh trên biển ông đã đến Nam Vang thuộc Chân Lạp xin định cư và khai phá vùng đất Mang Khảm rồi thuần phục nhà Nguyễn. Vốn là người có tài tổ chức, Mạc Cửu đã chiêu tập các lưu dân người Việt, người Khmer, người Hoa xây dựng làng mạc, mở mang phố xá, phát triển giao thương, khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất ở suốt cả một vùng đất rộng lớn từ Hà Tiên tới Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Nghe kể, năm 1757, Bạc Liêu được sáp nhập vào Hà Tiên. Lúc ấy ở Hà Tiên đã có một số khá đông người Triều Châu vừa di cư sang chưa có chỗ định cư. Nhân dịp này Tổng binh Mạc Thiên Tích (1718 - 1780) - con trai Mạc Cửu đã đem toàn bộ số người Triều Châu vừa đến cùng một số người Khmer và cả người Việt xuống vùng đất Bạc Liêu để khai hoang lập ấp. Khu định cư ban đầu của những di dân này nằm trong địa bàn của chợ Bạc Liêu ngày nay. Có lẽ đây cũng là những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu mà công lao gây dựng thuộc về họ Mạc. Với chủ trương để cho dân tự do khẩn hoang, không thu tô thuế, chỉ đứng ra thu mua sản phẩm và bán lại cho khách buôn mà họ Mạc đã qui tụ được rất nhiều lưu dân. Để rồi chính những lưu dân này đã biến vùng đất hoang dại thành những biển lúa mênh mông; biến những bãi cỏ bao la che kín chân trời thành những làng mạc trù phú; biến những kênh rạch chằng chịt thành những thủy lộ ngày đêm ghe thuyền các nơi, các nước vào ra mua bán tấp nập. Có thể nói, xét về mặt lịch sử, sự hình thành làng mạc xóm thôn ở vùng đất Bạc Liêu không giống với sự hình thành làng mạc ở những làng quê khác trên mọi vùng miền của đất nước. Làng mạc ấy không phải là “cha truyền con nối” mà là sự tụ họp của các lưu dân “xiếu tán”, của những người nghèo khổ phải “tha phương cầu thực”. Những lưu dân người Việt, người Khmer, người Hoa đã đan xen với nhau, tương trợ lẫn nhau, đoàn kết khi hoạn nạn, chân thành cởi mở với nhau để cùng lao động sản xuất sinh tồn trên vùng quê mới.
Chưa hết, đất Bạc Liêu còn đãi người không phải sự màu mỡ của phù sa trên những đồng ruộng, của tôm cá trong những kênh rạch sông nước mà còn bởi sự giàu có của các cánh đồng muối suốt trong suốt hơn 50 cây số bờ biển. Người phương Nam thường đố nhau rằng: “Ở đâu là xứ cơ cầu/ Đất cào lên muối làm giàu như chơi”. Xứ cơ cầu này chẳng phải đâu xa mà chính là đất Bạc Liêu. Người ta bảo muối ở Bạc Liêu trắng tinh, bỏ hạt muối vào đầu lưỡi người ta thấy có vị ngọt nhẹ sau vị mặn, một vị rất riêng mà muối ở các vùng khác không bao giờ có được. Bởi thế người Bạc Liêu đã tự hào gọi hạt muối quê mình là ngọc biển. Cũng bởi sự ưu đãi này mà từ ngày xưa đã có rất nhiều người đến đất Bạc Liêu để kiếm sống, sinh tồn. Và họ cũng đã truyền nghề nối nghiệp cho nhau đến tận ngày nay.
Với những gì trời phú cho đất Bạc Liêu nên những cánh đồng sình lầy hoang sơ thủa nào đã nhanh chóng trở nên thành một vùng dân cư đông đúc và trù phú. Không phải ngẫu nhiên, năm 1882, Lamothe de Carrier - Tham biện đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu đã bảo rằng: “Trong hiện tại Bạc Liêu chưa ra gì nhưng trong tương lai sẽ nhanh chóng trở nên thành phố lớn nhất của Nam Kỳ, sau Sài Gòn” (Theo Sơn Nam, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2009). Như thế đất Bạc Liêu chẳng xứng danh là nơi “đất lành chim đậu” hay sao?
Tác giả và ông Trần Trinh Đức, con trai công tử Bạc Liêu
2. Bạc Liêu, đất nhờ người nổi tiếng
Nhắc đến Bạc Liêu hẳn nhiều người đều nhớ đến câu thành ngữ “Công tử Bạc liêu” để lý giải về sự phóng khoáng trong cách sống, cách “ăn chơi” của một nhân vật có thật của đất này. Đó là ông Trần Trinh Huy (1900 – 1974) người được mệnh danh là “Công tử Bạc Liêu”. Theo như những gì trong dân gian truyền kể thì ông Trần Trinh Huy sinh gia trong một gia đình đại điền chủ giàu nức tiếng ở đất Nam Bộ. Người ta bảo ông Trần Trinh Trạch (cha của ông Trần Trinh Huy) là chủ nhân của 74 sở điền với 110.000 hétta đất trồng lúa và gần 100.000 hétta ruộng muối cùng với một núi tài sản ước tính tương đương trên 5 tấn vàng. Cũng bởi giàu có như thế mà đương thời dân Nam Kỳ xếp gia đình ông thuộc vào loại “Tứ đại phú hộ” và truyền nhau câu nói “Nhất Sĩ nhì Phương tam Xường tứ Trạch”. Ông Trần Trinh Huy là người được thừa hưởng khối tài sản khổng lồ của cha để lại. Tuy nhiên khác với sự nổi tiếng về lối sống giản dị và tài làm ăn của ông Trần Trinh Trạch thì ông Trần Trinh Huy lại nổi tiếng về những lối chơi ngông, cách tiêu tiền xa hoa vào loại bậc nhất trong Nam ngoài Bắc.
Kể về tính cách phóng khoáng và những lối ăn chơi ngông cuồng của ông Trần Trinh Huy có lẽ cả Nam Bộ đương thời và dân trong Nam ngoài Bắc sau này ít nhiều đều được nghe kể qua các câu chuyện và các giai thoại về “Công tử Bạc Liêu”. Người ta bảo rằng ông Trần Trinh Huy đương thời sở hữu một máy bay (lúc bấy giờ ở Việt Nam chỉ có hai chiếc máy bay, một của vua Bảo Đại và một của Trần Trinh Huy) và hai xe ô tô hiệu Peugeot và Ford Vedette. Chiếc xe thể thao Peugeot sản xuất năm 1922 dùng để đi chơi thể thao (lúc bấy giờ Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc, một của vua Bảo Đại và một của Trần Trinh Huy). Còn chiếc Ford Vedette “Công tử Bạc Liêu” dùng để đi đòi nợ. Ngoài ra “Công tử Bạc Liêu” còn có canô để đi đường thủy (khi ấy người dân chỉ đi thuyền chèo bằng tay). Có lẽ “Công tử Bạc Liêu” không chịu thua kém ai về sự xa hoa và sành điệu, kể cả vua. Không những thế, ông cũng không chịu thua kém người Pháp mặc dù người Pháp đang cai trị nước ta lúc bấy giờ. Bằng chứng là ông Trần Trinh Huy còn thuê người Pháp làm công cho mình (ông Henri Espérinas, sau này ông này lấy cô em thứ tư của ông Huy) thậm chí ông lấy cả một cô đầm Pháp, con của một nhà cũng thuộc loại trâm anh thế phiệt về làm vợ (thời đó bọn Pháp rất khinh rẻ người Việt, chúng gọi người Việt là A-na-mít). Ông ông Henri Espérinas làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội đồng Trạch, dưới quyền của Trần Trinh Huy. Theo hợp đồng, ông Henri Espérinas được hưởng 10% số lợi tức thu được. Bởi thế, ông Henri Espérinas bỏ cả nước Pháp để về Việt Nam làm mướn cho “Công tử Bạc Liêu”. Người ta bảo ông Trần Trinh Huy không chỉ dùng canô đi thăm đồng mà còn dùng cả máy bay. Có một lần ông Huy đi thăm ruộng ở Cà Mau bằng máy bay nhưng do không hiểu kỹ về đường bay cũng như kỹ thuật lái nên đã bay sang tận Thái Lan. Khi biết mình đã bay vào đất Thái Lan, định quay về nhưng không may máy bay lại hết xăng nên ông đành phải cho máy bay hạ cánh xuống đất Thái. Đương nhiên “Công tử Bạc Liêu” cùng phi cơ bị câu lưu tại Thái Lan. Người Thái đã báo cho ông Trần Trinh Trạch biết. Ông Trạch đã phải cho người chở 3 chiếc ghe chày loại lớn đầy lúa sang Thái Lan nộp phạt và chuộc công tử Huy cùng máy bay mang về, ước tính khoản nộp phạt đó qui đổi cũng tương đương 10 kg vàng.
Chưa hết, lối chơi ngông của “Công tử Bạc Liêu” còn được truyền miệng qua những giai thoại đốt tiền vì những mỹ nhân. Theo lời kể của con trai ông và những lời đồn đại, Công tử Bạc Liêu có 4 người vợ chính thức và có rất nhiều nhân tình. Hồi ấy, hiếm có người đẹp nào lại từ chối được những đồng tiền vạn năng của công tử nếu như ông đã để ý. Và ông đã từng vì một người đẹp mà không tiếc những tờ 100 đồng làm đuốc tìm vật rơi dưới gầm bàn hoặc cùng một công tử khác ở Mỹ Tho thi nhau dùng tiền làm củi nấu 1 kg đậu xanh thành chè. Không những thế, cuộc đời của công tử Bạc Liêu còn chìm đắm trong tửu sắc và các sòng bạc, vũ trường, khách sạn lớn ở Sài Gòn. Người ta kể, mỗi lần công tử từ Bạc Liêu lên Sài Gòn là ngồi trên chiếc xe hơi cáu cạnh có người lái và lưng túi đầy ắp tiền toàn tờ 100 đồng trở lên (hồi ấy ai mà có tờ 100 đồng, tờ giấy bạc bộ lư đều bị lính kín theo dõi). Nghe nói, để lấy lòng một người đẹp công tử Bạc Liêu đã đánh một ván bài 30000 đồng (giá một giạ lúa hồi đó bằng 1,7 đồng, lương Thống đốc Nam Kỳ chưa đến 3000 đồng một tháng). Cú xuống tiền ấy làm các con bạc lẫn tài phán phải sững sờ và ngay lập tức phá kỷ lục trong các sòng bạc ở chợ Lớn. Chưa hết, công tử Bạc Liêu còn vì si mê một ca sĩ mà bao nguyên một nhà hàng với một thực khách duy nhất là mình với giá 100 000 ngàn đồng (tương đương 0.5 kg vàng). Cú chơi khét tiếng có một không hai này của công tử Bạc Liêu một lần nữa lại làm chấn động giới ăn chơi Sài Gòn.
Những chuyện kể trên đã cho thấy tính cách phóng khoáng, hào hoa của “Công tử Bạc Liêu”. Tuy nhiên giữa giai thoại và thực tế chưa hẳn đã là đúng hoàn toàn. Sự thực ra sao thì có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới tường tận còn những chuyện bàn tán của người đời thì vẫn chỉ là những giai thoại, không tránh khỏi những chuyện “thêm mắm thêm muối” cho li kỳ. Nhưng dù sao thì những giai thoại cũng phải có những căn nguyên nhất định. Căn nguyên ấy ở công tử Huy có lẽ là sự giàu có nức tiếng miền Tây của gia đình ông Trạch cùng với tính tình hào hoa, phóng khoáng cùng lối ăn chơi ngông cuồng xa xỉ vào loại bậc nhất trời Nam, không ai có thể sánh kịp.
Trong những giai thoại về những thói ăn chơi phóng khoáng, ngông cuồng của công tử Bạc Liêu có lẽ ít nhiều cũng có chuyện bị đồn thổi. Ông Trần Trinh Đức (năm nay 71 tuổi, con trai công tử Bạc Liêu) đã từng kể cho tôi nghe rằng: Ba tôi tính tình phong nhã, hào hoa, phóng khoáng thì đã rõ. Ông cũng có lúc chơi ngông nhưng là chơi để cho thiên hạ biết tới mình. Ba tôi là người có ăn học cho nên dù ngông thì cũng không tới mức đem tiền ra để đốt như thiên hạ thường nhắc. Hoặc như chuyện ba tôi mua máy bay là để dùng vào mục đích sát trùng sâu bọ phá lúa chứ không phải là để khoe với thiên hạ. Cái này là ông học được ở bên Pháp (dùng máy bay đi thả thuốc diệt sâu). Không những thế, năm 1947, ba tôi cũng đã giúp đỡ Việt Minh qua lời kêu gọi của ông Hai Sớm (Trần Văn Phong), Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ba tôi giúp đỡ Việt Minh vải vóc, thuốc men, và 13000 giạ lúa. Ngoài ra ông cũng giảm tô cho tá điền từ 50% đến 80% hoặc 100%. Ông chưa bao giờ làm tay sai cho giặc. Và ông Đức cũng đã rất tự hào về người cha Công tử Bạc Liêu của mình. Ông bảo: tôi rất tự hào về ba mình. Ông xứng đáng với câu thành ngữ dân gian thường nói “Hùm chết để da người ta chết để tiếng”. Thật thú vị, mỗi khi nhắc đến đất Bạc Liêu là người ta lại nhớ đến Công tử Bạc Liêu - cha tôi.
Đúng là đất nổi tiếng nhờ người. Nhưng những người làm đất nổi tiếng ở đất Bạc Liêu không chỉ có “Công tử Bạc Liêu” mà còn có cả những danh ca nức tiếng một thời, người đã được vinh danh như là một trong những ông tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử phương Nam (sau nghệ nhân Nguyễn Quang Đại, còn gọi là Ba Đợi - một nhạc quan của triều đình Huế; vào nửa cuối thế kỷ 19, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông đã vào Nam truyền dạy nhạc lễ và nhạc tài tử). Đó là cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) với bản tình ca “Dạ cổ hoài lang” đã ăn sâu vào trong máu thịt mọi người, nhất là người Nam Bộ suốt hàng trăm năm qua. Phải nói, nếu Bắc Việt nổi tiếng với những chiếu chèo, miền Trung nổi tiếng với hát bội, bài chòi, hò, ví dặm… thì Nam Bộ rất thích thú với đờn ca tài tử. Nghe nói, Đờn ca tài tử được khởi nguồn từ những người dân vùng Ngũ Quảng. Họ là những lưu dân đầu tiên theo lệnh chúa Nguyễn vào khai khẩn vùng đất phương Nam. Trong những lưu dân ấy có không ít người là giáo phường nhạc lễ của triều đình Huế. Có thể, ở nơi đất mới họ nhớ về quê hương bản quán, trong tâm trạng tha hương, sau những giờ lao động mệt nhọc, họ đã tìm đến nhau ôm cây đàn cất tiếng hát. Họ cùng nhau tấu lên những lời ca khúc nhạc vừa để thư giãn vừa để giãi bày nỗi nhớ cố hương hay những nỗi niềm tâm trạng. Những nhạc cụ được sử dụng trong loại hình âm nhạc này thường có đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (còn gọi là tứ tuyệt). Ra đời từ đó và theo thời gian, đờn ca tài tử đã trở thành món đặc sản của miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở Bạc Liêu.
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh ra ở Long An nhưng đất Bạc Liêu là nơi dừng chân cuối cùng và thành danh của cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa. Từ năm 1916 đến năm 1918 ông đã sáng tác và hoàn thiện bài “Dạ cổ hoài lang” tiền thân của bài ca vọng cổ. Nghe kể, nhạc sĩ học nhạc của ông thầy mù tài hoa Lê Tài Khí (tục gọi Nhạc Khị hay Hai Khị) từ năm 1908. Nhờ năng khiếu và sự yêu thích, chăm chỉ nên ông học rất nhanh và mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ. Chẳng bao lâu Cao Văn Lầu đã trở thành một nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy Hai Khị.
Thế rồi đến năm 23 tuổi (1913), Cao Văn Lầu theo ý cha mẹ đã cưới cô Trần Thị Tấn (1899 - 1967), một cô gái nết na về làm vợ. Hai vợ chồng ở với nhau ba năm mà chẳng có con. Theo tục lệ cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ vợ. Dù rất thương vợ nhưng ông không thể trái lời. Ông đành phải trả vợ sang bên nhà ngoại nhưng mỗi khi có dịp chơi đàn ở đám về ông lại ghé vào thăm vợ, có bao nhiêu tiền ông đều đưa hết cho bà. Mỗi khi tiễn ông về, bà Tấn lưu luyến đứng nhìn cho đến khi bóng ông khuất dạng mới thôi. Giai đoạn cách xa cách đó, người ta thấy hằng đêm ông Lầu ngồi ôm đàn thẫn thờ và không lâu sau “Dạ cổ hoài lang” ra đời. Do quá nhớ thương vợ nên ông vẫn lén lút gặp bà. Rồi thì sau đó ít lâu vợ ông cũng đã mang bầu. Và thế là hai người lại được xum họp bên nhau. Hai ông bà đã sinh được 7 người con (5 trai, 2 gái).
Có thể nói trong tâm trạng nhớ nhung người vợ hiền thương đến tột độ, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã tự đặt mình vào vị trí của người vợ đang mong nhớ chồng để viết lên những tiếng lòng tha thiết. Và thật bất ngờ, vượt ra ngoài ý muốn của chủ nhân bản nhạc về nỗi đau chia ly của vợ chồng ông lại là sự khởi đầu cho sự đoàn viên và cũng là đỉnh cao sự nghiệp của người nghệ sĩ. Nhưng lạ thay, kể từ khi xuất hiện và trong quá trình lưu hành, bản tình ca vốn mang tâm sự riêng của một con người nhưng đã trở thành nỗi niềm chung của không ít người vợ có chồng bị bắt đi lính tham chiến tại Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bởi thế nên bài vọng cổ tình ca ấy đã nhanh chóng được hưởng ứng và lan tỏa. Có lẽ chẳng cần nhiều, chỉ một “Dạ cổ hoài lang” thôi cũng đủ để Cao Văn Lầu trở thành bất tử trong nghiệp đàn ca. Và cũng chỉ cần một “Dạ cổ hoài lang” với cái tên Cao Văn Lầu thôi đất Bạc Liêu cũng sẽ vang danh Nam Bộ. Cũng có lẽ vì thế mà nhân dân Nam Bộ đã xây dựng khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại chính giữa trung tâm thành phố ngay sau khi được UNESCO công nhận Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (ngày 5 tháng 12 năm 2013 tại thành phố Baku nước Cộng hòa Azerbaijan). Âu thế cũng chẳng phải đất nổi tiếng nhờ người đó sao?
Bên dòng sông Bạc Liêu sóng sánh phù sa cùng lục bình xuôi chảy, thả hồn theo sóng nước mênh mông, ngắm nhìn thành phố yên bình đang còn say giấc nồng trong buổi sớm mai giữa muôn tàu ghe xuôi ngược và lắng nghe những câu chuyện kể về đất và người, ta càng thấy thành phố phương Nam này thi vị và quyến rũ biết bao. Rồi, hẹn ngày trở lại!
Phan Anh