Là một bậc trí thức tài hoa không phải ngẫu nhiên mà Chu Mạnh Trinh thốt lên nỗi niềm tâm sự, trong bài tựa Thanh Tâm tài nhân thi tập:Than ôi! Một bước phong trần, mấy phen chìm nổi!Trời tình mờ mịt, bể giận mênh mông/Sợi tơ mành theo gió đưa đi; cánh hoa rụng chọn gì đất sạch?“Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa/Thế mà giống đa tình luống những sầu chung, hạt lệ Tầm Dương chan chứa. Lòng cảm cựu ai xui thương mướn ? Nghe câu Ngọc Thụ não nùng! Cho hay danh sĩ giai nhân, cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ/Ngán nỗi non xanh đất đỏ để riêng ai luân lạc đau lòng! Với chỉ một đoạn trích ngắn trên, thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã tự bạch được nỗi niềm tâm sự, lấy văn chương mà tỏ rõ chí mình.
Chu Mạnh Trinh sinh năm 1862 mất năm 1905, vị tiến sĩ tài hoa quê làng Phú Thị, tổng Mễ Sở (nay thuộc xã Bình Minh huyện Khoái châu, tỉnh Hưng Yên) chỉ được hưởng dương “tứ thập tam niên tuế”. Như vậy hành trạng Chu tiên sinh diễn ra trên sân khấu cuộc đời gói trọn trong thời kỳ thực dân Pháp đã xâm chiếm và đô hộ cả ba miền Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ của Việt Nam.
Xuất thân là “con nhà nòi” nên ông được rèn cặp học hành từng bước theo độ tuổi trưởng thành. Theo học phó bảng Phạm Hy Lượng nổi tiếng ở phố Nam Ngư, Hà Nội, được thày dạy yêu tính nết, mến đức tài mà gả con gái cho. Năm 19 tuổi, Chu Mạnh Trinh thi đỗ tú tài (1880). Năm Bính Tuất (1886) ông thi đỗ đầu - giải nguyên - kỳ thi hương. Năm Nhâm Thìn (1892), ông đỗ tiến sĩ kỳ thi hội. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh được triều đình bù nhìn nhà Nguyễn bổ nhiệm chức tri phủ Lý Nhân, sau lại được thăng chức án sát các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, trong khoảng 10 năm (1893-1903). Người đương thời gọi Chu Mạnh Trinh là ông nghè Phú Thị. Khi cáo quan từ chức về làng được hai năm thì Chu Mạnh Trinh tạ thế.
Là quan chức tham gia bộ máy chính quyền ở cấp tỉnh, phủ, nhưng đó là chính phủ thuộc địa, dường như Chu Mạnh Trinh nhậm chức với thái độ xem xét, thăm dò cho tường tỏ hơn bản chất của chế độ chính trị của xã hội đương thời. Đúng lúc Chu Mạnh Trinh thi đỗ giải nguyên, thời ấy được coi là nổi tiếng ở làng xã, tổng huyện thì vua quan nhà Nguyễn đã ký hàng ước 1883 – 1884, công nhận nền cai trị của thực dân Pháp. Dĩ nhiên Chu Mạnh Trinh nhìn thấy sự tha hóa của một vương triều thối nát, sự nhiễu nhương của bộ máy quan lại của chính quyền thuộc địa; song với địa vị một trí thức nho giáo vừa thi đỗ, Chu Mạnh Trinh sẽ xoay chuyển sao đây trước sự trì độn và tàn bạo dưới sự quản thúc của xã hội nửa Tây nửa Đông. Vì thế trong thời kỳ làm quan, ông tỏ ra là người công minh chính trực, cảm thông với mọi tầng lớp nhân dân.
Thực dân Pháp dựng Đồng Khánh lên ngôi vua, mạnh tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở khắp ba kỳ. Nhằm dập tắt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy ở Hưng Yên, giới cầm quyền nhất thời cả tin, đã đưa Chu Mạnh Trinh về làm Án sát Hưng Yên - chính nơi quê hương ông để “tạo điều kiện” cho ông dễ bề “dẹp loạn”. Trái lại, Chu Mạnh Trinh đã ngầm giúp cuộc khởi nghĩa. Không lùng bắt, bắn giết các nghĩa sĩ đã tham gia. Lường trước sự việc sẽ bị triều đình trừng phạt, bãi miễn, ông đã chủ động xin từ chức.
Sinh thời, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã sống hết mình với quê hương đất nước, lấy hết cả khả năng và nghị lực, tiền bạc và của cải, tạo dựng ra những di tích vật thể văn hóa tâm linh, khiến cho muôn dân, trăm họ đồng lòng ngưỡng mộ. Với tài năng văn chương, thi sĩ Chu Mạnh Trinh đã sáng tác bằng trí tuệ triết học bình dân, thấu hiểu tiền nhân, thấm thía tinh thần dân tộc độc đáo, ghi lại cảm hứng chân thực trào dâng tính xã hội nhân văn, tạo ra những nét đồng cảm tâm lý, gây ấn tượng mạng, mới lạ, độc đáo trong tâm hồn nhiều thế hệ người đọc. Nhiều bài thơ đề vịnh, câu đối về phong cảnh, di tích… của ông còn lưu giữ trong văn khắc tại nhiều địa phương đã khiến cho các danh lam thắng cảnh ấy trên vùng đất Hưng Yên, Hà Nội… nổi tiếng, thu hút du khách thập phương tìm đến viếng thăm.
Quan niệm “thi dĩ ngôn chí” trong sáng tác thơ ca, trong công hành văn khí của Chu Mạnh Trinh đã thể hiện cốt cách một nhà Nho tài tử, có tinh thần yêu nước thương nòi. Ông làm quan, nhưng bất đồng với chính sách hà khắc, bạo tàn của giai cấp thống trị đương thời. Nước mất nhà tan, dân lao động bị đẩy vào cảnh bần hàn cơ cực, nhà nhà ly tán, người người khổ đau. Xã hội tràn ngập những đối nhân xử thế bất công, xảo trá… ngăn cản Chu Mạnh Trinh thi thố hoài bão góp phần làm cho dân giàu nước mạnh. Chu tiên sinh tự tạo cho mình một con người thứ hai; tìm đến thú vui trong các làn điệu dân ca, du ngoạn tiêu dao, quyên góp công của xây dựng đình, đền, chùa, làm thơ đề vịnh ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngợi hay phê phán nhân vật trong danh tác Truyện Kiều. Tổng đốc Lê Hoan ra đề thi. Người dự thi phải làm: “Một bài tựa tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân bằng chữ Hán, theo thể văn tứ lục; Một bài tổng vịnh đề từ; 20 bài thơ đường luật, chữ Hán hoặc chữ Nôm, vịnh các nhân vật Kim Vân Kiều truyện dựa theo từng hồi trong truyện”.
Kết quả cuộc thi được công bố. Giải nhất về thơ Nôm thuộc về Chu Mạnh Trinh, giải nhất về thơ chữ Hán được trao cho Chu Thấp Hy. Song, văn chương dù ở mức đánh giá khẳng định ở cấp độ nào cũng phải trải qua thời gian để dư luận xã hội kiểm định. Cuộc thi nổi tiếng từ tao đàn phố Hiến đã lùi vào quá khứ hơn 100 năm, những bài thơ Vịnh Kiều của Chu Mạnh Trinh vẫn được nhiều người truyền tụng, bình phẩm. Chẳng hạn như: Dan díu vì ai luống ngẩn ngơ/Để ai gió đón lại trăng chờ/Đào tơ đã ngỏ đường ong bướm/Liễu yếu còn e trận gió mưa/Lựa mối tơ tình năm ngón dạo/Lập lờ lửa dục một lời thưa/Giá trong muốn vẹn niềm băng tuyết/Nào phải trăng hoa khéo ỡm ờ. Cách nói bóng gió bằng ngôn ngữ thơ thất ngôn bát cú của Chu Mạnh Trinh không chỉ dừng lại nói lên tâm trạng chàng Kim Trọng khi mới tỏ tình với Thúy Kiều. Tỏ tình với nhau rồi, bỗng nhiên việc đời may rủi, hoàn cảnh tạo ra tình thế: chàng phải tạm xa nàng về quê chịu tang chú ruột. Tưởng chừng chỉ là thời gian ngắn ngủi tạm thời xa nhau, ai lường trước đó là cuộc chia ly kéo dài đằng đẵng 15 năm thương nhớ.Thuyết tài mệnh tương đố đã đi vào kết cấu truyện Kiều bất hủ của Nguyễn Du, nhưng qua cảm nhận của Chu Mạnh Trinh, hình ảnh văn học của Kim Trọng lại chứa đựng tâm tư riêng, kín đáo, sâu sắc của chính tác giả: Đào tơ đã ngỏ đường ong bướm/ Liễu yếu còn e trận gió mưa.
Hay chính là tác giả đã học hành thi đỗ, đang hồ hởi vào đời xây mộng đẹp mà thực tiễn đâu còn cơ hội! Sinh trưởng trong “thời loạn lạc/ Lớn lên gặp buổi gian nan” – theo cách bộc lộ gan ruột của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn từ thế kỷ XIII – nhà thơ, vị quan chức hàng tỉnh họ Chu biết lấy gì làm “tuyên ngôn” với nhân dân lao động. Biết rằng người Việt, dân Việt vốn giàu nghị lực, quí trọng độc lập tự do, yêu lao động, thích thưởng ngoạn thơ ca, nhưng hoàn cảnh hiện tại ai ai cũng đang ngậm đắng nuốt cay chịu mối ràng buộc “một cổ hai tròng” mà chưa có cách nào giải thoát được.Tuổi trẻ khi cha mẹ để tóc trái đào cho cậu ấm, Chu Mạnh Trinh nào đã biết gì chuyện cơm áo, gạo tiền, nói chi là việc dân việc nước. Có khi cậu bé thư sinh ấy còn cảm thấy hứng thú khi thấy tiếng súng ì ầm đâu đây trong thành phố, hay các quan Tây bà đầm, hay lính Pháp, lính châu Phi “đi lại nghênh ngang” mà ngầm nảy sinh những ước mơ nhiễu loạn ngây thơ.
Chu Mạnh Trinh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học. Thân phụ ông là cụ Chu Duy Tĩnh làm quan đến chức Ngự sử luôn chăm lo chu đáo cho con. Tìm thầy giỏi cho con học, đặt tên tự cho con tên tự là Cán Thần - cụ muốn gửi niềm mong ước cho con khôn lớn, trưởng thành sẽ là người tài cao, học rộng, có phẩm hàm chức tước để làm quan với lý tưởng vua sáng tôi hiền, “chăn dân trị đời” theo đạo Nho. Khốn nỗi thực tế đã làm đảo lộn tất cả.Lý tưởng cao đẹp của cụ - một tri thức, một quan chức cấp thấp - không mảy may tác dụng làm thay đổi tình thế thời cuộc.
Hết đời vua Tự Đức, vương triều Nguyễn đang sụp đổ dần từng mảng, phá vỡ cấu trúc vàng son của lịch sử phong kiến Việt Nam, trút vào đời sống dân sinh biết bao đau khổ tan hoang. Tầng lớp tri thức, các văn nhân thi sĩ từng bước tỏ rõ thái độ phản kháng chế độ cai trị của thực dân Pháp, của vua quan, ngụy quyền; họ tự phát tập hợp nhân tài, vật lực đứng lên chống thực thế lực cường quyền. Phấn đấu thi đỗ để lấy bằng cấp làm quan, giúp vua sáng; tôi hiền chẳng được, Chu Mạnh Trinh đành mượn thơ ca mà bộc lộ tâm tư. Vì thế, tư tưởng yêu nước của Chu Mạnh Trinh thể hiện trong thơ ca thật kín đáo, tế nhị.
Trương Sỹ Hùng