Theo nhà thơ quê ở Nam Sách thì quy trình hoàn thành một mối tình gồm 4 bước: bước một là nhìn xa để biết, bước hai là tặng thơ làm quen, bước ba là nhờ vả mọi người vun vào để kết thân, và bước cuối cùng khi thấy đủ thân rồi thì sẽ cất lên 3 tiếng “Anh yêu em".
Lý thuyết là như thế, nhưng mà khi thực hành thì Lão Khoa là học trò hạng bét. Cái đầu hói không sửa được đã đành, khoản ăn mặc thì Lão kiên trì với bộ quân phục bạc phếch, khi sơ vin thì chỗ thòi ra chỗ thụt vào, cái khóa dây lưng cứ lệch sang tận hông.
Chúng tôi sắp xếp cho Lão Khoa lần lượt gặp các em xinh tươi trong trạm: Oanh, Én, Thu, Phê, Lành, Loan, Nga, Hường, Hằng, Hoa và vài em khác nữa. Mỗi lần như thế, tôi và Ngọc Bái giả vờ bàn chuyện trên trời dưới biển nhưng mắt thỉnh thoảng liếc qua và lắng tai nghe xem Lão nói gì.
Phải đến hơn chục phút mới nghe thấy Lão nói câu đầu tiên: Em về công tác ở trạm lâu chưa? Cô gái: Dạ chưa lâu lắm, chú (à) anh ạ. Chừng năm phút sau nghe Lão hỏi tiếp: Mấy giờ thì em phải đi làm? Cô gái: Chết rồi, cháu (à) em đi làm đây, cái Hằng bảo là nó thích anh lắm đấy!
Chẳng mấy chốc hai câu hỏi của Lão Khoa trở thành đề tài bàn tán sôi nổi của đám con gái, cứ hễ gặp và trả lời đủ hai câu hỏi của Lão là các cô đứng dậy, cô này giới thiệu Lão cho cô khác. Khoảng hai ba tháng gì đó mọi người mới nhận ra dạo này nhà thơ không đến trạm 66 uống bia hơi nữa...
Sau này, người có duyên trở thành bà Khoa nói với tôi là cô ngưỡng mộ nhà thơ từ lâu, yêu thầm nhớ trộm, chỉ gặp đúng có một lần thì đánh gục nhà thơ luôn. Ngoại trừ chút phiền phức trong lễ cưới là khi chụp hình chú rể phải kê một viên gạch dưới bàn chân cho cao bằng cô dâu, cuộc hôn nhân của tác giả “Góc sân và khoảng trời” rất tốt đẹp và hạnh phúc.
Lê Trọng Hà