Nguyễn Vỹ - một trí thức, nhân cách vĩ đại

Ngày 30/10, tại thành phố Quảng Ngãi đã diễn ra Hội thảo “Nguyễn Vỹ, cuộc đời và sự nghiệp”, kỷ niệm 105 năm ngày sinh (1910 - 2017) Nguyễn Vỹ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức nhằm làm sáng tỏ cuộc đời và sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ, một trí thức tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, cũng là của nước Việt Nam 70 năm từ đầu thế kỷ XX.



Nguyễn Vỹ bên con gái - Ảnh do phóng viên chụp lại

Cả cuộc đời vì cách mạng dân tộc

Nguyễn Vỹ (sinh năm 1910) tại làng Tân Hội, sau đó đổi thành Phổ Phong, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Thân phụ của ông là Nguyễn Thuyên từng làm quan ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nhưng sau đó từ chức để tham gia phong trào cần vương chống Pháp. Gia đình ông có nhiều người tham gia phong trào yêu nước như bác ruột ông bị Pháp đày ra Côn Đảo suốt 9 năm, người anh con bác ruột là Nguyễn Nghiêm, chiến sĩ công sản, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi cũng bị địch chém đầu tại bến Tam Thương (Trà Khúc) năm 1931 khi mới tròn 27 tuổi.

Bản thân Nguyễn Vỹ là học sinh yêu nước, có tinh thần chống Pháp. Khi còn là học sinh trung học ở trường Quốc học Quy Nhơn, ông đã tham gia phong trào chống thực dân nên bị đuổi học, sau đó ông ra Hà Nội tiếp tục học ban Tú tài.

Trong cuộc đời của ông đã hai lần bị bỏ tù, một lần bị tù thực dân Pháp, một lần bị tù phát - xít Nhật. PGS.TS Đoàn Lê Giang - Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM đề dẫn, năm 1937, ông viết nhiều bài chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp đăng trên tờ Le Cygne (Bạch Nga, song ngữ Pháp - Việt, do ông sáng lập), nên tờ báo bị rút giấy phép vĩnh viễn, còn bản thân ông bị tòa án thực dân kết tội “phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia”, bị tuyên phạt 6 tháng tù giam và 3.000 quan tiền. Năm 1939, khi quân Nhật vào chiếm đóng Đông Dương, quân Pháp đầu hành, Nguyễn Vỹ viết 2 quyển sách cảnh báo về nguy cơ phát - xít Nhật Kẻ thù là Nhật Bản, cái họa Nhật Bản nên hiến binh Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê cho đến năm 1945 mới được thả.

Nhưng cuộc đời vẫn chưa yên với ông, là một nhà văn với khuynh hướng dân chủ, ông lập các tờ báo, bênh vực người nghèo, công kích nhà cầm quyền. TS. Mai Bá Ẩn trong tham luận “Nguyễn Vỹ” Tầm - tâm - tài và tỉnh của người làm báo”, Nguyễn Vỹ tiếp tục sáng lập tờ báo Tổ Quốc tại Sài Gòn, những bài viết của ông trực tiếp công kích nhà cầm quyền đương thời nên không lâu sau, tờ báo bị đóng cửa. Không chịu khoanh tay, ông lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản tại Đà Lạt, đến Bán nguyệt sản Phổ thông, tuần báo Bông lúa, Thằng Bờm,…Năm 1956, lợi dụng việc được mời làm cố vấn cho chính quyền đương thời (chỉ một thời gian rồi ông tự đồng rút lui), ông tái bản Nhật báo Dân ta, nhưng đến năm 1965 vì chống lại chính quyền, nên bị đóng cửa. 
 


Tờ báo Phổ Thông

Việc liên tục sáng lập báo và tạp chí với chủ trương chống lại chính quyền thực dân cũ trước năm 1945, rồi chính quyền thực dân mới ở miền Nam trước năm 1975, đã từng vào tù ra tội vì làm báo, ông vẫn không khuất phục cường quyền. TS. Mai Bá Ẩn còn dẫn chuyện, câu chuyện Nguyễn Vỹ quyết định đăng bài của nhà thơ Sa Giang - Trần Tuấn Kiệt bút chiến với Đinh Hùng, được Trần Tuấn Kiệt kể lại như sau “thế lực Đinh Hùng rất mạnh. Ông này là bạn cố vấn Ngô Đình Nhu, thường nằm hút chung mâm đèn với cố vấn. Chỉ cần cố vấn gặc cái dọc tẩu xuống mâm đèn, ra lệnh một tiếng thì Nguyễn Vỹ và tôi bị mật vụ hỏi thăm sức khỏe ngay”. Điều này, chứng tỏ bản lĩnh và cái “Tầm” của Nguyễn Vỹ trong thời gian chủ nhiệm Tạp chí Phổ thông. Lời tâm sự của Nhà văn Thiếu Sơn về Nguyễn Vỹ “Mình ở tù ra, chẳng có thằng chủ báo nào dám đăng bài của mình hết, chỉ trừ có Nguyễn Vỹ”…

Đến ngày 4 - 2 - 1971, Nguyễn Vỹ qua đời bởi tai nạn giao thông trên đường đi từ Tân An về Sài Gòn, thọ 61 tuổi.

Một sự nghiệp thơ, văn đồ sộ

Với khoảng 40 năm hoạt động báo chí, văn học, Nguyễn Vỹ đã để lại nhiều tác phẩm, chỉ riêng về sách, ông đã xuất bản trên 20 đầu sách gồm nhiều thể loại như thơ, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, nghị luận. Sau năm 1975, nhiều sách của ông được tái bản, không kể thơ ông được tái bản trong các tuyển tập thì có 2 quyển sách được tái bản và yêu thích là Tuấn - chàng trai nước Việt và Văn thi sĩ tiền chiến.

Trong tham luận của tác giả Trần Tuấn “Vỹ - chàng trai xứ Quảng”, nhận định, Nguyễn Vỹ trong “Tuấn - chàng trai nước Việt” đã chỉ rõ: “Năm 1934, Trường thơ Bạch Nga xuất hiện đề xướng một quy luật thơ mới […] những bài thơ theo kiểu Bạch Nga “12 chân”, hoặc được xếp đặt dưới dạng hình học (tam giác, tứ giác, hình thoi,…), đối xứng và cách gieo sử dụng một vần, thì cũng là một lối làm thơ “tân hình thức”, dù loại thơ Tân hình thức hiện thời “phá phách” về mặt hình thức một cách triệt để, quyết liệt hơn...
 


Toàn cảnh Hội thảo Nguyễn Vỹ cuộc đời và sự nghiệp

PGS.TS Nguyễn Phong Nam, có tham luận “dấu ấn Nguyễn Vỹ trong lịch sử văn học Việt Nam”, Nguyễn Vỹ là nhà văn giàu cá tính, một trong số không nhiều tác giả đã để lại dấu ấn sâu đầm trong tâm trí người đọc cả về tài năng và nhân cách “… Đánh giá về vai trò lịch sử của nhà văn Nguyễn Vỹ, tôi cho rằng ông là người có công rất lớn trong việc góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định vai trò quan trọng của ông trong quá trình kiến tạo nền văn học mới chặng đầu thế kỷ XX - nền văn học được hình thành từ “cú” vượt thoát mang tính cách mạng. Nguyễn Vỹ chính là một trong những nhà văn đã góp phần làm thay đổi diện mạo và bản chất của văn học Việt Nam, vốn thuộc phạm trù văn học trung đại, ít thành tựu, khép kín, nhanh chóng bứt phá để hòa nhập vào dòng chảy của văn học hiện đại thế giới…”, trích tham luận PGS.TS Nam.

Hội thảo “Nguyễn Vỹ, cuộc đời và sự nghiệp” được tổ chức tại quê nhà, tỉnh Quảng Ngãi, cũng là “tiếng lòng” của nhà văn, nhà thơ, nhà báo đau đáu về quê hương, theo tác giả Trần Tuấn tại tham luận đã ghi rằng, chỉ một năm trước khi qua đời vì tai nạn giao thông, Nguyễn Vỹ đã viết những dòng thơ như đúc kết lại dòng máu - quê hương mình: Hiền dịu, đa tình nhưng cũng đầy kiệt phách “Quảng Ngãi - quê hương tôi/ Nhiệm màu guồng xe nước/ Tha thướt chập chùng/Lên men đồng lúa mướt/ Lả lướt mênh mông…”.
 
Phú Nhiêu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-vy-mot-tri-thuc-nhan-cach-vi-dai-a11350.html