Sự chân thành đã kết nối chúng ta

Khi những tự hào thái quá hay những mặc cảm buồn tủi đã qua, chúng ta vẫn có thể nói một cách trầm tĩnh rằng: chúng ta là người Việt Nam. Đó là điểm gặp nhau đầu tiên và có thể là cái còn lại sau cùng.



Nhà thơ Thanh Thảo

Tôi có may mắn, trong những năm chiến tranh, do công việc mà được tiếp xúc nhiều với văn học và báo chí Sài Gòn. Trong khi ở Hà Nội rất khó để tìm đọc một tác phẩm của nhà thơ nhà văn Sài Gòn, thì ở chiến trường Nam Bộ, tôi đã được đọc khá nhiều các tác giả Sài Gòn, kể cả những tác phẩm in trên báo. Ngày đó, hình thức in truyện feuilleton là rất phổ biến trên các tờ báo Sài Gòn, và đó cũng là một trong những cầu nối đưa độc giả bình dân tới với văn học viết. Cũng phải nói thêm là ngày ấy văn học thế giới đã được dịch và in rất nhiều ở Sài Gòn. Tôi đã được hưởng lợi từ việc đọc những tác phẩm kinh điển và những tác phẩm văn học đương đại được dịch ra Việt ngữ. Đã có hẳn một tủ sách lớn ở chiến khu do ông Nguyễn Văn Linh lập ra, và những người viết trẻ chúng tôi nhờ đó đã đọc được khá nhiều và học được rất nhiều.

Trong những ngày hòa bình đầu tiên ở Sài Gòn, tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh đã thỏa sức lang thang qua những phố bán sách, và đã mua được cả một tủ sách gồm các tác phẩm kinh điển nước ngoài và các tác giả Sài Gòn được bày bán rất tươi vui trên các vỉa hè. Tác phẩm hay thì dù bày bán ở đâu vẫn là tác phẩm hay. Huống chi, mua ở vỉa hè trong thời điểm ấy thì giá sách được hạ xuống rất nhiều, hợp với túi tiền ít ỏi của chúng tôi.
 
Với các anh chị nhà văn Sài Gòn, bây giờ là các nhà văn Việt hải ngoại, thì thực ra tôi không cảm thấy có vấn đề gì ngăn cách cả. Tôi còn nhớ, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi nhà văn (lúc ấy còn khá trẻ) Đỗ Khiêm (bút danh Đỗ Kh.) về Việt Nam cùng với nhà cách mạng đệ tứ lão thành là cụ Hoàng Khoa Khôi, tôi, nhà thơ Nguyễn Đỗ và nhà văn Thái Bá Lợi đã có những ngày rất vui với các anh ở Đà Nẵng. Tôi còn nhớ, trong một lần uống rượu vui ở nhà anh Thái Bá Lợi, tôi đã hỏi đùa cụ Hoàng Khoa Khôi: “Bác theo thuyết cách mạng thường trực của Trotski, cách mạng 24/24 giờ, vậy bác ngủ lúc nào? Với lúc bác ngủ, thì đâu biết cách mạng hay không cách mạng nữa?”. Anh em ở bàn rượu đã cười rất vui. Vậy đó. Và tôi đã nhận viết lời tựa cho tập sách “Ký sự đi Tây” của Đỗ Kh. có giấy phép in lần đầu ở Việt Nam. Xin trích lời chú của nhà văn Đặng Tiến: “Ký sự đi Tây (bút ký), Xuân Thu xuất bản tại Mỹ 1990, nhà xuất bản Văn hoá Thông tin tái bản tại Hà Nội cuối năm 1993, với lời tựa của Thanh Thảo”.( Đặng Tiến :”Đỗ Kh. Kẻ giải hoặc”).
 
Tôi nghe danh Tô Thùy Yên đã lâu, nhưng đọc thơ anh chậm hơn. Cũng một dịp may, khi tôi sang Paris dự Liên hoan Thơ quốc tế năm 2003, một tập thơ của Tô Thùy Yên đã đến với tôi tại quán Foyer Viet Nam của người bạn chủ quán - nhà thơ Võ Văn Thận.
 
“Ta về cúi mái đầu sương điểm
 
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
 
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
 
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” (Ta về)
 
Những niềm vui nho nhỏ, “vui lẻ loi” ấy nhiều khi lại sống trong ta, giúp ta năng lượng sống nhiều hơn những “trận cười thâu đêm” mà chẳng biết có vui thật không. Bài thơ Ta về được Tô Thùy Yên viết sau hơn mười năm phải sống trong khó khăn và buồn khổ. Đó có thể là thời gian dài nhất trong đời anh, nhưng cũng là thời gian khiến thơ anh đằm xuống một sức nặng khó tả. Đó là điều có lẽ không nhà thơ nào muốn, nhưng khi số phận đã “gõ cửa” đời ta, thì sự nhẫn nại chịu đựng lại làm nên một nhân cách thơ trầm tĩnh.
 
Nhắc về thơ Tô Thùy Yên, chợt hiện trong tôi hình ảnh một kinh thành xa lắc:
 
“Nắng mưa đâu chẳng là mưa nắng
 
Sao nắng mưa này da diết hơn?”
 
Tô Thùy Yên sinh ở Nam bộ, hai câu thơ ấy anh viết về Huế, và tôi hiểu, với một nhà thơ Việt xa xứ, thì đất Việt đâu cũng quê nhà, đâu cũng đầy những nhớ thương day dứt. Nhà thơ Nam bộ ấy vừa nhớ Huế, thì bỗng nhớ ngay đến vùng sông nước quê mình:
 
“Mùa nước nổi qua mùa nước giựt,
 
Đốt tay nào Thân Dậu niên lai?
 
Em về giồng dưới, qua bưng gió,
 
Dạ bời bời nỗi sậy, niềm mây…” (Nhớ có lần, trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát).
 
Tôi cũng là người có 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, sống với bà con Nam Bộ, nên tôi rất thấm thía với đoạn thơ này.
 
Người ta nói thơ Tô Thùy Yên vừa dân tộc vừa hiện đại, rồi có thể phân tích thi pháp thơ anh thế này thế khác. Tôi chỉ nói đơn giản: Thơ ấy hay. Khi thơ đã hay thì có thể nó gồm cả những gì người ta đã nói, hoặc nó chỉ là… thơ hay. Vậy thôi. Sao biết là thơ hay? Khi thơ ấy đi vào lòng người, thấm sâu vào tâm cảm ta, làm ta mỗi một lúc buồn nào cũng có thể nhớ vài câu thơ ấy, thế thì nó hay rồi. Và tôi muốn nói thêm: Tô Thùy Yên có thể rất giỏi tiếng Anh, nhưng anh chỉ có thể làm thơ bằng tiếng Việt. Điều này cũng không cần phân tích. Tôi cảm về thơ Tô Thùy Yên như khi nghe tiếng kêu buồn buồn xa vọng của con bìm bịp trên miền sông nước Cửu Long.
 
Dù không đủ thời gian và điều kiện để đọc hết thơ của những nhà thơ Việt định cư ở nước ngoài, nhưng với những gì mình đã đọc, tôi có thể nói rằng hầu hết thơ của những nhà thơ xa quê hương đều đáng quý, đáng trân trọng. Đó là thơ của những thân phận người Việt, là thế giới nội tâm của người Việt luôn cảm thấy trong vô thức nỗi cô đơn của con người khi bị bật gốc, khi phải tha hương, thậm chí lưu vong. Đó là thơ của nỗi hoài nhớ, của những day dứt, những buồn vui đau khổ không thoát ngoài cái “danh tính” người Việt. Khi hòa nhập vào thơ Việt hiện đại, thơ những người Việt định cư ở nước ngoài sẽ làm phong phú, làm giàu có thêm cho thơ Việt.
 
Nếu nỗi đau lớn nhất của đất nước ta là nỗi đau chia cắt, thì niềm vui lớn nhất của người Việt chúng ta chính là niềm vui sum họp. Bây giờ, được gặp nhau là mừng, nói như nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ở Canada trong một loạt bài phỏng vấn các nhà thơ Việt trong và ngoài nước, thì “Mừng vui còn có hôm nay”. Tôi cảm thấy sâu sắc phía sau nỗi mừng vui vì “còn có hôm nay” ấy là một nỗi đau. Vì tôi cũng là người đã “lang thang qua chiến tranh”, tôi cũng là người kháng chiến cũ, và may mắn còn sống sót, cũng giống như nhiều nhà văn nhà thơ Việt trong quân đội Sài Gòn ngày xưa.
 
Như nhà thơ Du Tử Lê mà tôi quí mến.  
 
Còn nhớ có lần, nhà thơ Du Tử Lê về Quảng Ngãi làm đám cưới cho con trai, đã đến thăm tôi. Dù chưa gặp nhau lần nào, trong chiến tranh lại từng ở hai chiến tuyến đối địch, nhưng chúng tôi đã hồ hởi chuyện trò với nhau như những người bạn. Khi tôi hỏi vì sao lâu nay anh không về thăm quê, anh Du Tử Lê thú nhận là anh... sợ. Sợ và ngại, chẳng biết những anh em văn nghệ, những nhà thơ đồng nghiệp trong nước sẽ đối đãi với mình thế nào? Sau cuộc chuyện trò và mời tôi tham dự đám cưới con trai lấy vợ Quảng Ngãi, anh Lê nói: “Nếu tôi biết gặp các anh mà vui và cởi mở thế này, tôi đã xin về thăm quê từ lâu. Nếu một lúc nào đó trong tương lai tôi xin về định cư tại... Quảng Ngãi, anh nghĩ sao?”.
 
Còn nghĩ sao nữa, dĩ nhiên là một nhà thơ, tôi rất vui vì quyết định ấy của anh.
 
Nhà thơ Du Tử Lê cũng vui mừng báo tôi biết là NXB Văn nghệ TP.HCM đã đồng ý in lại một tập Thơ tình Du Tử Lê gồm những bài thơ tình yêu thời chiến tranh. Tôi nói với Du Tử Lê là nếu anh in lại tại Việt Nam trường ca Mẹ về Biển Đông của anh, tôi tin tác phẩm này sẽ có tiếng vang. Theo tôi, đó là một trong những trường ca hiện đại viết bằng Việt ngữ hay nhất trong 30 năm qua. Năm 2003, khi có dịp ghé Paris, tôi đã được đọc trường ca này ở nhà một người bạn. Và tôi đã khóc.
 
Dù đi đâu về đâu thì người Việt vẫn là người Việt thôi. Và mẹ ta thì muôn đời vẫn là mẹ ta thôi! Tôi nghĩ, Hội Nhà văn nên có hẳn một kế hoạch dài hơi để tạm gọi là “Đưa thơ người Việt ở nước ngoài về quê hương”. Các nhà xuất bản cũng nên rộng rãi hơn trong chuyện cấp phép cho tác giả người Việt định cư ở nước ngoài có thể in thơ mình ở trong nước. Thơ, thật là thơ, bao giờ cũng mang tính nhân văn sâu sắc, vì nó là tiếng nói trực tiếp của tâm hồn con người. Nó phải tuyệt đối chân thành nếu muốn được đón nhận, nếu muốn tồn tại. Không có gì phải sợ thơ cả, nếu thực sự là những con người bình thường, những người đọc bình thường. Và đã là thơ thứ thiệt thì dù được sáng tác ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ được đón nhận được đồng cảm nếu nó thực sự gây được một “từ trường đồng cảm”. Những nhà thơ, nhất là nhà thơ người Việt với nhau, cũng rất cần được giao lưu, được đọc nhau nhiều hơn nữa trong một thế giới hiện đại mà không phải bao giờ và ở đâu thơ cũng được quan tâm đúng như nó đáng được như thế.
 
Trong suốt những năm tháng chiến tranh và cả sau hòa bình, tôi cũng đã gặp những thăng trầm. Có rất nhiều năm sau hòa bình, chúng tôi đã sống rất cực khổ về nhiều mặt. Nhưng tôi vẫn sáng tác, lắm khi còn viết được nhiều hơn, lắm khi coi những khốn khổ ấy là động lực cho mình sáng tác. Tôi nghĩ, những nhà thơ Việt ở nước ngoài cũng gặp những hoàn cảnh khó khăn như vậy. Cái quan trọng là thơ của chúng ta ra sao, vì đó là kết quả sau cùng. Tôi lại nhớ một đoạn thơ đầy tâm trạng của Tô Thùy Yên:
 
“Ở những mối đường tẽ ba tẽ bảy phân vân
 
Muốn xuống xe, làm như kẻ lang thang xưa,
 
Tung cao may rủi một đồng tiền hay một cành cây,
 
Nhờ tình cờ định hướng hộ” (Đại Bình Nguyên)
 
Không ai muốn rơi vào tâm trạng ấy để có thơ hay, nhưng khi đã lâm vào, thì chính những giọt thơ buồn như rượu mạnh ấy sẽ giải thoát mình khỏi mọi trầm cảm. Và tôi chợt thoát ra với đúng cảm giác này của tác giả khi kết thúc bài thơ:
 
“Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn
 
Anh không còn muốn tự định liệu”
 
Tôi cũng chưa bao giờ đến nước Mỹ để biết nó rộng và buồn như thế nào, nhưng thơ của một nhà thơ Việt xa xứ cho tôi cảm giác đó.
 
Và hôm nay, được gặp ở đây rất nhiều nhà thơ nhà văn mà tuổi đời còn trẻ hơn Du Tử Lê, Tô Thùy Yên và tôi rất nhiều, tôi chỉ muốn nói: cuộc gặp gỡ ấy giữa chúng ta đã bắt đầu từ rất lâu rồi, giữa những nhà thơ nhà văn Việt với nhau, dù ở bất cứ đâu.
 
Sự chân thành đã kết nối chúng ta.
 
Thanh Thảo

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/su-chan-thanh-da-ket-noi-chung-ta-a11306.html