(Ảnh Internet)
Thế thời phải... “cướp ngôi”
Nửa sau thế kỷ XIV xã hội Đại Việt đã lâm vào một cuộc khủng hoàng trầm trọng. Các điền trang ngày một phát triển, nhưng sản xuất lại trở nên trì trệ, đời sống các nông nô, nô tì trong đó bị bần cùng hoá. Mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra, nông dân nổi dậy bạo động, điển hình là cuộc khởi nghĩa của Ngô Bệ ở núi Yên Phụ (Hải Dương) năm 1344 - 1360.
Triều đình nhà Trần ngày một sa đọa. Nhiều đại thần tham nhũng, rượu chè cờ bạc, tham ăn, hiếu sắc, Nhà vua (Trần Dụ Tông) cũng ăn chơi xa xỉ trụy lạc. Chu Văn An đã từng dâng sớ Thất trảm, xin chém 7 gian thần, nhưng bị từ chối. Dương Nhật Lễ (con người phường chèo, cháu Dụ Tông) nối ngôi Dụ Tông, gây sự biến, muốn đổi họ, bị các triều thần lật đổ, gây nên khủng hoảng cung đình.
Bên ngoài, Champa nhiều lần gây xung đột, chiến tranh với Đại Việt, đem quân vào đánh phá Thăng Long. Duệ Tông đi đánh Champa, lâm nạn tại thành Đồ Bàn. Chỉ đến khi Chế Bồng Nga tử trận (1390), chiến tranh mới tạm yên. Tiếp đó, nhà Minh ở phương Bắc lại gây sức ép, hạch sách, đòi cống nạp, mượn đường, đe doạ xâm lược, càng làm cuộc khủng hoảng thêm sâu sắc, đe doạ sự tồn tại của vương triều.
Vào cuối triều Trần, xã hội đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn gay gắt. Hồ Quý Ly có bài thơ nói về tâm niệm của mình: Cũng một duộc vua hèn/ Hôn Đức và Linh Đức/ Sao chẳng sớm liệu đi? Chỉ để người nhọc sức.
Mà nếu ông không kết thúc thì đất nước sẽ tới đâu khi cả vương triều nhà Trần rệu rã, bê tha, bất lực? Đó là việc cần làm, nếu đứng trên lập trường vì quyền lợi đất nước, chứ không vì quyền lợi của một cá nhân, một dòng họ.
Người ta cho rằng tại Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần “chính sự phiền hà” mà giặc Minh xâm lược nước ta. Dù nhà Hồ thay ngôi nhà Trần hay không thì nhà Minh vẫn xâm lược. Dẫn chiếu từ thời Trần Phế Đế cho thấy khi Trần Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành, Minh Thái Tổ đã định đánh Đại Việt, nhưng do có người can gián (chưa có thời cơ tốt) nên tạm thôi. Tới khi Minh Thái Tổ chết, cháu nội Minh Huệ Đế (Chu Doãn Văn) là ông vua ôn hoà lên thay (1398), Hồ Quý Ly chọn thời điểm lấy ngôi nhà Trần (1400) lúc đó khá phù hợp, khi bản thân ông tuổi đã cao. Nhưng biến cố sau đó nằm ngoài dự tính của ông. Không lâu sau (1403), Doãn Văn bị chú là Chu Lệ cướp ngôi. Chu Lệ là một ông vua hiếu chiến và đây cũng có thể xem là một nguyên nhân khiến Đại Ngu bị xâm lược. Nếu Quý Ly không lấy ngôi nhà Trần thì sau khi ông mất, nhà Trần suy yếu và kiệt quệ. Có chăng là “thiên thời” thay đổi mà Hồ Quý Ly đã không thể lường trước nổi. (Hành sự tại nhân, thành sự tại thiên).
Những cải cách táo bạo
Trong hoàn cảnh nhà Trần đã suy yếu cực độ, đất nước nghiêng ngả, nhân dân cực khổ, Hồ Quý Ly được cử giữ chức cao nhất trong triều. Năm 1395 Thượng hoàng Trần Nghệ Tông chết, ông được cử làm Phụ chính Thái sư, tước Trung tuyên Vệ quốc Đại vương, nắm trọn quyền hành trong nước.
Năm 1400, ông truất ngôi vua Trần, lập nên nhà Hồ, chấn chỉnh bộ máy quan lại.
Chưa được một năm, Hồ Quý Ly theo cách nhà Trần, nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương, làm Thái Thượng Hoàng.
Hồ Quý Ly là vị vua Việt Nam đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa dân tộc, cho dịch các kinh, thư, thi. Chính ông đã biên tập thiên "vô dật" để dạy cho con cái nhà quan và soạn ra 14 thiên Minh đạo dâng lên Trần Nghệ Tông khi trước.
Về mặt xã hội, ông thiết lập sở "Quản tế" (như Sở y tế ngày nay). Ở các lộ, ông đều lập một kho lúa gọi là "Thường bình", lấy tiền công mua lúa trữ vào, phòng những năm mất mùa đem bán rẻ cho dân chúng.
Hồ Quí Ly thực sự muốn dân của mình an cư lạc nghiệp. Nhưng chính sách cho vương công mộ dân lập ấp của nhà Trần đã khiến cho xã hội đại loạn. Trong chiến tranh kế sách này phát huy rất tốt hiệu quả. Nhưng sau chiến tranh nó phát huy cái hại không kém. Các vương công nhà Trần ai cũng có quân đội riêng , có lãnh thổ vua ban hoặc lập ấp mà nên. Thời bình họ lại quay sang đấm đá lẫn nhau, vua Trần không thể dùng lời giải tán được họ, hay dùng sức mạnh vì là người trong họ. Sau khi lên ngôi, ông thực thi lại chính sách phân phối ruộng đất, quy định trong nước chỉ trừ đại vương và trưởng công chúa, còn không người nào được phép có quá 10 mẫu ruộng. Số ruộng thừa phải nộp lại cho Nhà nước. Ông còn hạn chế số nô tỳ trong các nhà quyền quý, các gia đình phải tùy theo thứ bậc mà nuôi tôi tớ nhiều hay ít, không được quá số quy định.
Hồ Quý Ly đã cho cải tổ lại bộ máy chỉ huy quân sự lúc bấy giờ: tổ chức các kì thi sát hạch nhân tài, tìm cách chấn chỉnh và tăng cường quân đội như đưa vào đội ngũ những người khỏe mạnh và giảm bớt người yếu.
Năm 1375 Hồ Quý Ly đã đề nghị “chọn các viên quan người nào có tài năng luyện tập võ nghệ thông hiểu thao lược thì không cử là tôn thất, đều cho làm tướng coi quân”.
Năm 1397 ông cho quân lính xây dựng cơ sở tại An Tôn để rồi sau đó chuyển hẳn kinh thành về nơi đây, đây là một sự tính toán khôn ngoan.Với việc làm này, Hồ Quý Ly nhằm mục đích tránh xa và một phần để loại bỏ bớt sự phản kháng của tầng lớp quan lại, quý tộc Trần đã tồn tại gần hai trăm năm ở kinh thành Thăng Long. Đồng thời là để phòng bị chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc. Sử cũ cũng đã ghi lại rằng An Tôn (Thanh Hoá) là một huyện nhỏ nhưng lại có đầy đủ các dạng địa hình (có sông, biển, núi non hùng vĩ…). Nếu như nói Thăng Long là nơi thích hợp để xây dựng một kinh đô phát triển và mạnh hơn về kinh tế, thì An Tôn là nơi xây dựng một kinh thành phát triển và phát huy thế mạnh hơn về quốc phòng. Điều này phù hợp với điều kiện xã hội đang khủng hoảng nghiêm trọng trên cả hai mặt chính trị-quân sự và đặc biêt là đất nước đang đứng trước hoạ xâm lược. Như vậy, ngoài Thăng Long ra thì không có nơi nào thích hợp hơn An Tôn để làm khinh thành.
Tăng cường củng cố sức mạnh quân sự quốc phòng, Hồ Quý Ly đã cho cải tiến các loại vũ khí. Tiêu biểu là Hồ Nguyên Trừng (con của Hồ Quý Ly ) đã chế tạo ra súng thần cơ, thuyền chiến cổ lâu đi biển.
Trên lĩnh vực tài chính, việc ban hành tiền giấy là việc làm mới mẻ ở Việt Nam nhằm giữ lại một lượng đồng cần thiết để chế tạo vũ khí phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Đây là việc làm hết sức thiết thực.
Lòng dân “không theo”
Khi phải đối phó với nguy cơ xâm lược của nhà Minh, Hồ Quý Ly chỉ mong dùng lực đối lực để chống lại kẻ địch đất rộng người nhiều mà không tính tới chiến thuật, không tính tới sức mạnh của nhân dân. Ông than thở với các quan: "Ước gì có 100 vạn quân để chống lại giặc bắc". Về điểm này Hồ Nguyên Trừng sáng suốt hơn ông. Khi được Hồ Quý Ly giao phó việc quân sự, Hồ Nguyên Trừng nói "Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi". Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Hồ Quý Ly chống lại thế lực ngoại bang của nhà Minh là sự mất lòng dân.
Chính sách hạn điền gặp phải sự phản kháng quyết liệt của vương hầu quý tộc Trần (đây là điều tất yếu và có lẽ Hồ Quý Ly đã biết trước điều này). Ông cũng mất đi sự ủng hộ của những địa chủ có ruộng đất lớn hơn 10 mẫu.
Việc ban hành tiền giấy của Hồ Quý Ly không được sự hưởng ứng của người dân mà đặc biệt tầng lớp thương buôn lớn. Vì tiền giấy khó bảo quản (dễ bị rách nát) mà trong khi đó nhân dân ta lúc bấy giờ làm nông nghiệp là chủ yếu, thường xuyên tiếp xúc với ruộng nước (độ ẩm nước ta đến hơn 80%). Thêm vào đó là tiền giấy lúc này rất mới mẻ với nhân dân ta. Mặc khác tiền giấy đi vào lưu thông trong nhân dân dưới sự cưỡng chế của triều đình, lại rất dễ bị làm giả. Cụ thể là vào năm 1399 Nguyễn Nhữ đã làm tiền giả trên núi sau đó đem đi lưu hành. Chính vì các lý do trên tiền giấy không được tín nhiệm trong nhân dân và bị mất giá, dẫn đến chính sách này không có hiệu quả cao.
Chính sách hạn nô của Hồ Quý Ly thiếu tính triệt để, ông đã chuyển đổi một số lớn gia nô thành quan nô (nô lệ nhà nước), những nô lệ này họ chỉ được thay đổi “ông chủ” chứ không được thay đổi về thân phận.
Năm 1397 trong khi sức dân đang suy kiệt vì phải gánh chịu hậu quả khủng hoảng của xã hội thì một lần nữa phải gồng mình lên đi lao dịch xây dựng kinh thành ở An Tôn, điều này đã làm cho người dân oán hận triều đình.
Sau khi củng cố được thế lực, Hồ Quý Ly tiến hành các âm mưu sát hại các quan lại và quý tộc tôn thất triều Trần. Trong hội thề Đồn Sơn (1399), 370 quý tộc quan liêu, đứng đầu là Trần Khát Chân đã âm mưu giết Quý Ly nhưng không thành, tất cả bị Hồ Quý Ly giết hại. Nhà Hồ không lấy được lòng dân. Dù rằng triều Trần đã suy tàn nhưng đây vẫn là một triều đại có công với đất nước và nhân dân vẫn nặng lòng với “chủ” cũ.
Lê Bá Đại