Bến Giang Đình nay chẳng còn hồn của “Giang Đình cổ độ”
Theo các nhà nghiên cứu, bến Giang Đình vốn là bến đò Tả Ao, gọi theo tên của làng Tả Ao bên bờ sông. Chẳng ai biết nó có tự thuở nào.
Sau đó vào năm Tân Mão (1771), thân phụ của Nguyễn Du là Tể tướng Xuân quận công Nguyễn Nghiễm cáo lão về quê ở đất Tiên Điền. Quan lại địa phương nghe tin bèn sức dân mở đường đón tiếp, còn cho xây cả “giang đình” (cái đình bên sông) làm chỗ nghỉ chân. Từ đó mà được gọi là bến Giang Đình.
Bến Giang Đình nằm sát bên trung tâm huyện lỵ, ngay trên bờ là chợ huyện cũng được gọi là chợ Giang Đình. Trục đường chính của huyện Nghi Xuân cũng đi ngang qua đây. Tất cả tạo nên một vị thế đắc địa, giúp nó trở thành một trung tâm giao thương sầm uất suốt mấy trăm năm.
Nơi đây vừa là điểm tập trung hàng hóa từ khắp nơi do thuyền buôn mang đến, đồng thời cũng là chỗ để người dân địa phương mua bán sản vật trong vùng.
Thương nhân từ khắp mọi miền Nam Bắc, thậm chí có cả người Hoa, người Nhật, người Ấn Độ, Tây Dương… theo những tuyến đường biển đến đây lập phường buôn bán. Họ mang theo gấm vóc, tơ lụa, sành sứ, kim khí, thuốc bắc… để bán cho dân địa phương.
Chiều ngược lại, người dân Nghi Xuân cũng có chỗ để trao đổi các sản vật của mình, chủ yếu là nông sản và cá tôm đánh bắt được. Ngoài ra, các phường săn ở Tiên Điền, Xuân Viên… cũng thường mang thịt thú rừng đến bán…
Bến Giang Đình còn rất đẹp. Ngoài bãi sông là rừng bần đứng đan tay xếp hàng, ngăn sóng chắn gió. Trên bờ là những thân cây cổ thụ nghiêng soi mặt nước, dân cư đông đúc, ngựa xe tấp nập lại qua.
Đây cũng là nơi để thân nhân tiễn người đi xa. Vợ tiễn chân chồng, cha mẹ tiễn chân con cái. Suốt mấy trăm năm, biết bao nhiêu hiền tài, danh sỹ đã từ bến sông này cất bước ra đi mang theo ước mơ, hoài bão của cả gia đình, dòng họ. Có kẻ trở về thành công, vinh hiển. Cũng có những người, đơn giản chỉ là một cuộc chia ly.
Các ông Nghè, các vị khoa bảng sau khi đỗ đạt thành tài, “vinh quy bái tổ” cũng được đón tiếp tại đây. Quan lại địa phương mở hội mừng ngay trong “giang đình”, rồi mới xênh xang ngựa xe rước về quê bái tổ.
Văn nhân thi sỹ trong vùng cũng rất thích lấy Giang Đình làm nơi tụ họp, hàn huyên trà tửu, rồi lúc hứng lên thì dong thuyền ra sông mà vãn cảnh, ngoạn du…
Bến Giang Đình ngày nay đã chẳng còn là “Giang Đình cổ độ” hào hoa trong quá khứ. Chợ huyện đã chuyển sang địa điểm khác. Một cái bến đò nho nhỏ được mở ra bên cạnh, cũng được gọi là “bến Giang Đình”.
Hỏi thăm mãi mới có người biết về nơi bến cũ. Ông lão đứng bên bờ sông chỉ tay mông lung ra phía trước: “Bến Giang Đình đó chú!”. Gió hiu hiu thổi. Bóng những cây bần non nhá nhem in trên mặt nước. Chiều dần buông trên sông Lam.
Hoa Phẩm thắng triền
Hoa Phẩm là tên của khu chợ nức tiếng đất Nghi Xuân một thời. Chợ nằm trên sườn núi Na thuộc dãy Hồng Lĩnh, nay thuộc địa phận xã Xuân Lam. Văn hóa làng xã của nước ta xưa vốn gắn liền với chợ, vừa là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa, lại cũng là chỗ giao lưu gặp gỡ của mọi người.
Chợ Hoa Phẩm ở giữa lưng chừng núi, phía dưới là đường cái quan thông thương Nam Bắc, xa xa là sông Lam tấp nập thuyền bè, chính là cảnh:
Chênh vênh quán lá chen hoa tím
Vắt vẻo đường quan hương thoáng bay
Theo nhiều ghi chép, khu chợ này từng duy trì là một trung tâm thương mại lớn suốt từ thời nhà Lý cho đến cuối thời Hậu Lê. Cạnh chợ còn có “trạm”, có “nhà quán” là nơi quan quân nghỉ ngơi khi kinh lý… cho nên lại càng sầm uất.
Sau này, vua Lê Lợi trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đã táng vợ là bà Lý Nguyên Phi ở núi Na nên chợ được dời xuống bãi Chế sát bờ sông, vì thế mà còn có tên là Chợ Chế.
Thời bấy giờ, không ít tao nhân mặc khách xem chợ là nơi lý tưởng để gặp gỡ, du ngoạn. Ngay cả vua Lê Thánh Tông khi tuần du phương Nam, ngang qua chợ Chế thấy đẹp quá mà cũng “tức cảnh sinh tình”, bèn làm thơ vịnh:
… Chợ họp bên sông gẫm có chiều
Thuyền bày trên đất xem nhiều thế
Cảnh vật bằng đây họa có hai…
Thế rồi nhà Hậu Lê suy, đất nước phân chia thành Đàng Ngoài - Đàng Trong, bước vào thời kỳ loạn lạc. Chợ Hoa Phẩm nằm trên đường cái quan ở khu vực giáp ranh nên cũng thường xuyên gặp phải cảnh binh đao, do đó mà ngày càng tàn lụi.
Dấu tích của “Hoa Phẩm thắng triền” ngày nay, theo nhiều nhà nghiên cứu địa chí của huyện Nghi Xuân, thì chính là chợ Củi.
Chợ Củi nằm dưới chân dãy Ngũ Mã, cũng “trên bến dưới thuyền”, cũng đường cái quan ngang qua… song chỉ lèo tèo vài thứ hàng quán họp vào sáng sớm, chủ yếu buôn bán nhu yếu phẩm cho cư dân quanh đó.
Còn đâu là cái hồn của “Chợ Chế một tháng sáu phiên – Một quan mà bán tám tiền cũng đi”?!
Kỳ cuối: Song Ngư hý thủy – Cô Độc lâm lưu
Thái Hồ