Hữu Ước - Nghệ sĩ đa tài và ngẫu hứng

Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam trân trọng giới thiệu bài phát biểu của GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tại Tọa đàm "Hữu Ước với văn học nghệ thuật" sáng 14/10/2017 tại Công viên Ước (Sóc Sơn - Hà Nội).

Nhân dịp Cách mạng tháng 8 (19/8/2017) và 72 năm Quốc khánh nước Việt Nam XHCN, chúng tôi muốn chọn một số nghệ sĩ tiêu biểu để tổ chức tọa đàm hội thảo nhằm tôn vinh, phát huy những sáng tác của họ, đồng thời cũng động viên những nghệ sĩ có tuổi đời, tuổi nghề cao và cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật cách mạng như nữ nhà văn nhà viết kịch Thanh Hương, mà Hội nhà văn Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chúng tôi tổ chức hôm 19/8 vừa qua rất thành công.
 

GS Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chủ trì, phát biểu Tọa đàm "Hữu Ước với văn học nghệ thuật" .
 
Lần này, chúng tôi chọn Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, người lính dũng cảm trong chiến tranh chống Mỹ, nhà văn, nhà thơ và nhạc sẽ xuất sắc trong thời bình để trao đổi, đánh giá về những cống hiến của ông, biểu dương một nghệ sĩ chiến sĩ của văn nghệ cách mạng một nghệ sĩ đặc biệt chuyên sáng tạo theo ngẫu hứng mà rất thành công, ví dụ có lần anh đưa cho nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa bài thơ viếng mộ Bạch Cử Dị và đề nghị Tuyết Hoa hát xẩm, Tuyết Hoa thử hát và hát xong thì Hữu Ước khen hay và quyết định đưa bài hát này vào chương trình “Ngẫu hứng Hữu Ước” và “Tiếng lòng và Giọt mưa xuân” trong 7 đêm diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Một quyết định có tính “ngẫu hứng” nhưng đã được mọi người đồng tình, bởi hát xẩm sẽ làm phong phú thêm cho chương trình nghệ thuật “Ngẫu hứng Hữu Ước” mà anh đã chuẩn bị công phu từ nhiều ngày tháng qua.

Tiếp theo, tôi thử hát bài thơ lục bát “Chơi thơ” và “Viếng mộ Bạch Cử Dị” của Hữu Ước bằng điệu Hát Nam của tuồng. Không ngờ Hữu Ước cũng thấy được và đề nghị đưa tiết mục hát tuồng của tôi vào chương trình “Ngẫu hứng Hữu Ước”. Dĩ nhiên là tôi từ chối với lý do, tôi không phải là nghệ sĩ biểu diễn mà chỉ là nhà nghiên cứu làm thực nghiệm bằng hát và múa tuồng. Nhưng dù sao Hữu Ước cũng có cơ hội khám phá thêm tiềm năng của nghệ thuật dân tộc, cái nền cho nghệ sĩ ngẫu hứng sáng tạo không bị lai căng và lệch hướng.
 
Để lý giải về sáng tác ngẫu hứng từ văn thơ đến nhạc, họa, Hữu Ước bật máy cho chúng tôi nghe một số bài anh sáng tác theo ngẫu hứng như “Em vẫn đợi”, “Lời ru cỏ non”, “Mẹ tôi”, “Chúng tôi là chiến sĩ”… những ca khúc khá hay qua giọng ca vàng của các nghệ sĩ Thanh Lam, Thái Bảo, Trọng Tấn, Đức Long, Tùng Dương và nhóm Phương Bắc. Trung tướng Hữu Ước cho biết, vì sáng tác theo ngẫu hứng nên anh không bị chi phối và gò bó theo các quy tắc kỹ thuật sáng tác cổ điển, hoặc bị ràng buộc, gò ép bởi những nội dung chính trị, nên hầu hết thơ, nhạc và tranh vẽ của anh không bị công thức và trùng lặp. Ví dụ khi anh cảm hứng về cuộc đời người nghệ sĩ thì, tay cầm đàn gảy miệng hát vang lên thành bài “Chúng tôi là chiến sĩ” với nội dung chân thật, vui buồn xen lẫn, nhưng bao trùm là tinh thần lạc quan yêu đời của người nghệ sĩ được thể hiện bằng những ca từ mộc mạc chân thành, trong sáng với gia điệu rộn rã tươi vui. Dưới đây là toàn bộ ca từ của bài hát mà tôi muốn được trích giới thiệu để minh chứng sức sống và nét đẹp văn hóa của một dòng nhạc lành mạnh trong cái không gian văn hóa dân tộc đang bị văn nghệ thương mại làm hoen mờ, nhưng người nghệ sĩ của nhân dân vẫn luôn tự hòa và tuyên ngôn: “Chúng tôi là người nghệ sĩ với đàn ca sáo nhị mang tiếng hát cho đời bằng trái tim yêu thương. Ôi! Cuộc đời nghèo khó, với cơm áo tấm lòng. Đời người bao vất vả, một gánh buồn mang theo trên vai người nghệ sĩ, nhưng nào có sá gì, vì chúng tôi là nghệ sĩ, nghệ sĩ của nhân dân. Chúng tôi là nghệ sĩ giữa sân khấu cuộc đời vinh quang và cay đắng cứ đè nặng hai vai. Chúng tôi là người nghệ sĩ “Ai bảo dại là dại. Ai bảo khôn là khôn”. Nhưng nào có sã gì, khôn và dại như nhau. Vì chúng tôi là nghệ sĩ, nghệ sĩ của nhân dân”. Tuy là ngẫu hứng, nhưng không phải Hữu Ước nói bơng quơ, sáo rống, hoặc nói riêng cho mình, mà là tiếng nói thay cho những ai là nghệ sĩ của nhân dân, vì thế mà bài hát dễ dàng đi vào lòng công chúng và dễ thuộc dễ nghe.

Hữu Ước không chỉ là một nghệ sĩ đa tài, một nhà quản lý xuất sắc, mà là người hoạt động từ thiện hết mình. Anh cho biết: Sau thành công của cuộc đấu giá bức tranh “Thân cò” 4 tỷ đồng và tranh “Tình yêu” với giá 1 tỷ đồng rưỡi, Báo Công an nhân dân tiếp tục thực hiện hai chương trình: “Ngẫu hứng Hữu Ước” và “Tiếng lòng và Giọt mưa xuân” với sự góp mặt của các NSND Trọng Khôi, Trần Tiến, Doàn Châu, Trần Hiếu, Quang Thọ, Thế Anh và Đoàn Dũng, cùng nhiều nghệ sĩ tài năng khác diễn ra bảy tối liền tại Nhà hát lớn Hà Nội, có cả triễn lãm tranh Hữu Ước. Số tiền thu được sẽ góp với số tiền bán tranh trước đây đưa vào quỹ XHTT của Báo CAND và sẽ trích ra mua 1000 con trâu, bò giúp cho đồng bào miền núi phía Bắc bị thiệt hại trong đợt rét hại vừa qua. Ôi! Còn gì ý nghĩa và thiết thực hơn đối với cảnh nghèo của người dân miền núi phía Bắc sau hơn một tháng lạnh giá. Đối với Hữu Ước làm từ thiện đã trở thành nghĩa vụ thiêng liêng trong chuỗi thời gian hàng thập kỷ. Hữu Ước ngẫu hứng trong sáng tác, nhưng lại vô cùng thận trọng trong công việc mà anh đã từng quản lý bốn tờ báo thuộc ngành CAND.
 
Tôi nhớ có lần Hữu Ước báo cho tôi biết một cái lỗi chết người khi tờ An ninh Thế giới in sai chỉ một cái dâu chữ u thành chữ ư biến nghĩa từ thủ tướng của mình thành chữ thử tướng của mình và như vậy là phải hủy mất gần một vạn tờ báo để in lại cho đúng. Nêu lại câu chuyện trên để thấy nghề làm báo, nhất là quản lý một tờ báo vô cùng khó khăn vất vả nếu không nói là nguy hiểm. Hữu Ước cũng đã từng sập tiệm khi phải nhờ cô út đi vay tiền thầu tờ báo Cuộc sống và Pháp luật, nhưng thất bại đến mức phải bán nhà, rồi dắt vợ con ở nhờ tại gara ôtô của một vị thứ trưởng tốt bụng. Là một con người đấy nghị lực “một lần ngã là một lần bớt dại”, nếu không nói là một lần khôn hơn. Cụ thể là nhà báo Hữu Ước lại phải vượt qua thử thách và tìm cách làm nên sự nghiệp lớn: Từ Thiếu tá lên Trung tá, Đại tá rồi lên Thiếu tướng và cuối cùng là Trung tướng. Từ cán bộ phát hành trở thành Tổng biên tập một tờ báo lớn và cả tập đoàn báo chí truyền hình Bộ Công an. Đúng là sự phát triển kỳ diệu.
 
Tôi quan thân với nhà báo, nhà văn Hữu Ước từ thời anh còn làm lính của hai Tổng Biên tập Báo CATP Hồ Chí Minh là Huỳnh Bá Thành và Hà Phi Long, mà đã là lính thì khi phải “khiêng võng” cũng phải làm tròn như danh nhân Lê Đại Cang (tổng đốc An Giang) xưa kia. Tôi cũng đã từng đến trụ sở Báo an ninh thế giới ở 73 Trần Quốc Toản với gian phòng vẻn vẹn 10 thước vuông chỉ đủ chất báo chứ không có chỗ ngồi! Hữu Ước phải nằm gối đầu trên báo, nhưng chính đây là bệ phóng của Hữu Ước để anh bay thẳng tới biệt thự 100 Yết Kiêu và từ địa chỉ này (nói theo phong thủy) Hữu Ước không những phát triển tập đoàn báo chí Công an mà còn phát triển sự nghiệp với tốc độ rất nhanh. Đó là một đi sản văn hóa của ngành công an, nói riếng và đất nước nói chung. Di sản lớn ấy không chỉ có tập đoàn báo CAND mà có hàng trăm tác phẩm văn học thơ ca, âm nhạc và mỹ thuật, mà tác giả Hữu Ước chỉ có một cái đầu khổng lồ, một sức khỏe phi thường và một trái tim rung động một cách ngẫu hứng tạo nên cảm xúc cao trào thì khó mà làm nên những tác phẩm sống động và hấp dẫn mang giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao. Ví dụ khi đến thăm Đền Hùng anh ngồi ở bậc tam cấp nơi ngày xưa Bác Hồ ngồi nói chuyện với binh đoàn... một câu nổi tiếng “Các Vua Hùng có công dựng nước thì Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Hữu Ước vừa đọc, vừa gõ nhịp và cho ngay ra những nốt nhạc hào hùng để rồi hoàn thành một bài hát ca ngợi Hồ Chủ Tịch rất hay.

Ngẫu hứng Hữu Ước là như vậy và anh đã hiến dâng cho đời nhiều bản nhạc hay như: Lời ru cỏ non, Lời hò hẹn cuối cùng, Em vẫn đợi, Tình yêu của em, Một câu hò sông Hương, Khi em là thiên thanh. Những nhạc phẩm này đều được những ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Thái Bảo, Thanh Lam, Tấn Minh, Tùng Dương, Mai Hoa thể hiện rất thành công trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội. Ngay cả một ca khúc hoàn toàn viết ra từ ngẫu hứng chúng tôi người nghệ sĩ và khi dàn dựng Hữu Ước cũng ngẫu hứng chọn sáu NSND cao niên ở hai đầu đất nước hát và chính tiết mục này được khán giả hoan nghênh. Qua đấy ta thấy rõ hơn một Hữu Ước đa tài và đầy bản lĩnh, luôn luôn ngẫu hứng sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật lạ về hình thức và lạ cả về nội dung, kể cả bài Vỉa hè Hà Nội cũng rất lạ, nhưng cái lạ ở đây không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải bắt chước tây, tàu như một số nhạc sĩ trẻ mà người ta gọi là “đạo nhạc”.
 
Có tác phẩm của Hữu Ước mới nghe qua rồi mới thấy từ giai điệu đến ca từ bài Một câu hò sông Hương là hoàn toàn mới, hoàn toàn theo phong cách âm nhạc Hữu Ước tức là hơi hướng dân gian và sắc màu dân tộc Huế. Nhìn  qua lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, ta thấy Hữu Ước cũng có những thành tựu đáng nể phục. Những kịch bản cua ranh đều kết cấu màn lớp rất chuẩn, chuyện kịch phát triển từ tiệm tuyến đến cao trào, dồn dập, gây cấn và có pha chất hài, vừa châm biếm thói hư tật xấu vừ làm thư giãn người xem. Phong cách ấy, lối viết ngẫu hứng ấy thể hiện rất rõ trong kịch của Hữu Ước từ những vở đầu tiên như Quả báo, Vòng đời, đến Sếp rởm, Vòng vây cô đơn, Vòng xoáy. Nói đến kịch một hình thức văn học khó nhất (M.Gorki) nhưng Hữu Ước vẫn dấn thân thử sức và anh cũng đã thành công. Kịch nói là ngôn từ mà Hữu Ước rất sành về mặt này. Trên sân khấu diến viên không hát như chèo, tuồng, cải lương mà vẫn cuốn hút người xem. Phải công nhận Hữu Ước có một vốn ngôn từ vô cùng phong phú. Hầu hết kịch bản của Hữu Ước đều được dựng diễn, được thử thách qua sân khấu và phản ứng và hiệu ứng tới khán giả rất tốt nên nhiều vở kịch của Hữu Ước đã được giải thưởng của Hội sân khấu Việt Nam và Bộ Công an. Rất tiếc là người nghệ sĩ tài hoa này bị chi phối quá nhiều thời gian cho công tác quản lý Tổng cục chính trị Bộ Công an và điều hành tập đoàn báo chí, truyền hình Công an, nên việc sáng tác kịch không được liên tục.
 
Tuy vậy sự nghiệp sáng tác văn hoạc nghệ thuật của trung tướng nhà văn Hữu Ước cũng đáng nể phục. Từ văn, thơ, nhạc, họa đến sân khấu và điện ảnh, Hữu Ước đều có tác phẩm hay, ít người sánh kịp. Hy vọng sắp tới đây Hữu Ước có thêm những bộ tiểu thuyết hay như Kiếp người, có nhiều bài thơ, bản nhạc hay như trong các tập Hữu Ước ngẫu hứng thơ, nhạc và những bức tranh đặc sắc như bức Thân cò mà anh đã bán được nhiểu tỷ đồng để cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Tây Bắc trước đây.
 
Tôi xin kết luận: Trung tướng nhà văn Hữu Ước là một tài năng mà nói như Lênin: Tài năng là của hiếm phải được chăm sóc một cách thường xuyên và tế nhị.
 
Gs Hoàng Chương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huu-uoc-nghe-si-da-tai-va-ngau-hung-a11264.html