Uyên Trừng danh tự nay đã chẳng còn dấu vết
Kỳ 1: Hồng Sơn liệt chướng - Đan Nhai quy phàm
Uyên Trừng danh tự
Chùa Uyên Trừng hay còn gọi là chùa Hoa Tạng, được xây dựng trên sườn ngọn núi Dằng thuộc dãy Hồng Lĩnh (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân) từ thời nhà Lý (1009 - 1225). Đây cũng chính là ngôi chùa tại Hà Tĩnh được sử sách ghi chép sớm nhất.
Từ sông Lam rẽ vào hói Dằng, ngược lên một đoạn sẽ nhìn thấy Uyên Trừng tự ở bên hữu ngạn. Ngôi chùa ẩn mình giữa rừng cây cổ thụ, lưng tựa vào núi, mặt ngoảnh ra sông. Ngoài chùa ra còn có Am Viện cho khách nghỉ ngơi, vãn cảnh.
Phía trước chùa là vực thẳm sâu hàng chục mét, tách biệt thế gian. Bên cạnh còn có tiểu khê (khe suối nhỏ) chảy ra từ lòng núi, nước trong văn vắt, róc rách đêm ngày. Khung cảnh u tịch nên thơ, rất gần với cảnh giới Thiền trong Phật Pháp.
Chính vì vậy mà chùa Uyên Trừng cũng gắn liền với nhiều vị cao tăng danh tiếng trong quá khứ. Tiêu biểu nhất chính là Thiền sư Hiện Quang.
Thiền sư Hiện Quang (? - 1221) chính là sư Tổ của Trúc Lâm đầu đà Trần Nhân Tông. Ông tên tục là Lê Thuần, sinh tại đất Thăng Long, tu hành đạt đạo tại Uyên Trừng tự, sau già yếu mới lui về lập am nơi Yên Tử.
Hiện Quang được coi là người khai sơn của chùa Hoa Yên núi Yên Tử, đồng thời cũng là vị tổ sư khai hóa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau này được Trần Nhân Tông phát dương quang đại, trở thành một Thiền phái danh tiếng cho đến tận ngày nay.
Uyên Trừng tự cũng là nơi mà các “tao nhân mặc khách” thường xuyên lui tới, trong đó có cả Đại thi hào Nguyễn Du. Tương truyền rằng mỗi khi buồn bực, ông đều tìm lên chùa để trò chuyện với Huyền Hư Tử - một nhà sư đạo hạnh rất cao, tinh thông giáo lý và cũng là bạn bè thân thiết của Nguyễn Du.
Đáng tiếc thay, giờ đây “danh” xưa vẫn ghi nhưng “tự” thì đã không còn dấu tích.
Sau nhiều thế kỷ (ước chừng khoảng bảy - tám trăm năm) hưng thịnh, ngôi chùa bắt đầu bị tàn phá từ giai đoạn cuối thời nhà Nguyễn, nghe đâu do chính con cháu của vị “Nhân Khách” đã sáng lập chùa thực hiện mà không rõ nguyên nhân.
Uyên Trừng Tự suy tàn nhanh chóng, cho đến giữa thế kỷ XX thì hoàn toàn bị xóa sổ cả những dấu tích cuối cùng vì chủ trương “hợp tự” sai lầm. Rừng cây cổ thụ bao quanh chùa cũng đã bị tàn phá hết. Cây cao bóng cả chẳng còn!
Giờ đây ngay cả những người dân địa phương cũng chẳng thể xác định được đâu là nơi ngôi cổ tự danh tiếng một thời từng án ngữ. Có lẽ vì thế nên dù núi Dằng vẫn đó,mà đã mất đi vẻ thanh u, tĩnh mịch thuở nào.
Quần Mộc bình sa
Từ trên cầu Bến Thủy phóng tầm mắt nhìn ra phía biển, ta bắt gặp “Quần Mộc bình sa” chính là dải đất bồi nổi lên ở giữa dòng sông, bây giờ thuộc xã Xuân Giang. Quần Mộc nghĩa là rừng cây tụ hội, còn “bình sa” chính là bãi cát bồi.
Quần Mộc xưa kia là bãi đất hoang bằng phẳng, được viền quanh bởi rừng bần xanh tốt quanh năm, trông xa xa như đang nổi dập dờn trên sóng nước. Mỗi buổi chiều hôm hay sáng sớm còn được tô điểm thêm bởi hàng đàn cò trắng nối đuôi nhau đan dệt trên trời.
Nơi đây vốn cũng là bãi chiến trường xưa, nơi quân Đàng Ngoài và Đàng Trong từng có rất nhiều lần đụng độ. Sau mỗi trận chiến thường là thây phơi thành đống, “mộc” (khiên) rải khắp nơi. Những năm trước vẫn còn cả dấu tích của thành lũy do vua Quang Trung xây để đánh nhau với quân Nguyễn Ánh. Vì thế mà Quần Mộc có khi còn được gọi “Cồn Mộc” với chữ “mộc” mang hai nghĩa khác nhau.
Vào thời điểm thái bình, Quần Mộc còn được dùng làm trường thi, vừa rộng rãi yên tĩnh với thí sinh, lại an toàn dễ kiểm soát cho các quan giám khảo.
Sau này bãi bồi ngày càng mở rộng, rừng bần xung quanh đã thưa thớt đi nhiều. Dân cư sinh sống trên hòn đảo cũng ngày càng đông đúc.
Cồn Mộc giờ đây được gọi là Xuân Giang 2, với diện tích chừng 4 - 5 km2, thuộc vào xã Xuân Giang. Nơi đây đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tốt quanh năm. Ngoài là “vựa lạc” của địa phương thì nơi đây còn là một vùng sinh thái lý tưởng, tuy chưa được khai thác do khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhưng ẩn chứa một tiềm năng cảnh quan và du lịch cực kỳ hấp dẫn.
Chỉ mong sao “Quần Mộc bình sa” sẽ giữ mãi được cho mình những đàn cò trắng tinh khôi.
Kỳ 3: Giang Đình cổ độ - Hoa Phẩm thắng triền
Thái Hồ