Hà Tĩnh: Đầu tư hơn 170 tỷ đồng bảo tồn dân ca ví, dặm, ca trù

Dự thảo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù Hà Tĩnh; giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo sáng ngày 06/10 vừa qua đã một lần nữa khẳng định những bước đi đúng đắn trong công tác bảo tồn, phát huy dân ca ví, dặm, ca trù…

Bắt nguồn từ lao động, được hình thành, sáng tạo trong lao động, hát Ví, Giặm, ca trù là phương tiện sinh hoạt văn nghệ tự túc của nhân dân để vui chơi, giải trí; là một tài sản tinh thần vô giá để thể hiện các quan niệm về cuộc sống, về đấu tranh, thể hiện các mối quan hệ xã hội - tự nhiên, thể hiện ý chí, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Các loại hình văn hóa phi vật thể này không chỉ có sức hấp dẫn với tầng lớp nhân dân lao động mà còn hấp dẫn, lôi cuốn nhiều danh sỹ, chí sỹ, nho sỹ, các nhà khoa bảng tham gia. Dân ca Ví, Giặm, ca trù còn được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, những kiến thức khoa học thường thức về đời sống một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Chính vì thế, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến hôm nay, dân ca Ví, Giặm, ca trù vẫn tồn tại và khẳng định sức sống của nó trong đời sống đương đại.
 


CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 

Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có gần 300 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh do Sở VH, TT&DL và ngành GD&ĐT thành lập; Và 2 câu lạc bộ Ca trù là CLB ca trù Cổ Đạm, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ (Nghi Xuân). Những năm qua, Hà Tĩnh đã có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy những giá trị của những loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy Dân ca Ví, Giặm,  gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Lực lượng nghệ nhân am hiểu một cách bài bản và có khả năng truyền dạy về Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đang giảm mạnh do tuổi cao sức yếu. Một số cơ chế, chính sách liên quan đến bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn bất cập. Nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh còn hạn chế. Không gian và phương thức tổ chức thực hành diễn xướng dân ca truyền thống bị mai một do tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác truyền dạy và diễn xướng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều thành tố của di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đang bị mai một, khó có khả năng phục hồi. Sự liên kết giữa các cấp, các địa phương, ban ngành trong bảo vệ và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chưa được chặt chẽ. Mặt khác, đối với Ca Trù: nhiều tư liệu về môn nghệ thuật Ca trù đã mất đi; các nghi lễ liên quan đến Ca trù bị mai một; số nghệ nhân có kỹ năng truyền dạy còn rất ít; là một loại hình Nghệ thuật vừa bác học vừa dân gian nên việc đào tạo, truyền nghề gặp rất nhiều khó khăn…
 


UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Đề án - Ảnh: Sở VH, TT&DL Hà Tĩnh

Để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm, ca trù, sáng 06/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù Hà Tĩnh; giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dự thảo Đề án đã tính toán kinh phí thực hiện với hơn 171,6 tỷ đồng cho cả 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2018 – 2025 cần hơn 115,5 tỷ đồng. Đồng thời đưa ra 06 nhóm giải pháp chủ yếu: về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường phối hợp giữa quản lý Nhà nước và vai trò của cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế; về xây dựng nguồn nhân lực; về xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tăng cường công tác quảng bá và tuyên truyền, lồng ghép việc bảo vệ và phát huy di sản dân ca Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù trong phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch.

Từ thực tế và yêu cầu bảo tồn, phát huy di sản, dự thảo đề ra mục tiêu giai đoạn 2018 – 2025 đảm bảo 100% các trường phổ thông trên địa bàn Hà Tĩnh đưa loại hình ví, giặm vào trường học; 100% các CLB dân ca ví, giặm được đầu tư trang thiết bị cần thiết; 2 năm tổ chức một lần tập huấn, đào tạo cán bộ nghiệp vụ về quản lý dân ca ví, giặm; 2 năm/lần duy trì tổ chức liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh và tham gia liên hoan với tỉnh Nghệ An; tổ chức 2 - 3 đợt trình diễn dân ca ví, giặm ở nước ngoài. Giai đoạn giai đoạn 2026 – 2030, mục tiêu được đề ra cao hơn như: thực hiện 2 - 3 đợt trình diễn giao lưu và quảng bá Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ở các Đông Nam Á và các nước khác. Đối với ca trù, giai đoạn 2018 – 2025, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của hai CLB hiện có; mỗi năm đào tạo từ 5 - 10 ca nương, kép đàn ca trù; thành lập mới thêm 3 CLB ca trù ở các địa phương Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh và TP. Hà Tĩnh. Giai đoạn từ 2026 – 2030, thành lập mới từ 3 - 5 CLB ca trù; tiếp tục duy trì Liên hoan Ca trù tại huyện Nghi Xuân và nâng cấp thành liên hoan ca trù toàn tỉnh.

Có thể thấy, Đề án đã tổng hợp một cách khoa học và đầy đủ những thành tựu đã đạt được cũng như chỉ ra những khó khăn, hạn chế và những giải pháp cần thiết của việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và Ca trù. Tự hào về kho tàng văn hóa quý giá của cha ông, các cấp, các ngành và những người con trên mảnh đất Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật trên quê hương mình.
 
Minh Thụ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ha-tinh-dau-tu-hon-170-ty-dong-bao-ton-dan-ca-vi-dam-ca-tru-a11235.html