Nguy cơ hư hại di sản trước biến đổi khí hậu

Nhìn thực trạng miền Trung mấy ngày nay mà thương, nhưng nhìn những di sản văn hóa phải chịu cảnh mục nát, xuống cấp hư hại khi dầm mình trong nước lũ thì còn xót hơn nữa! Vấn đề này đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần phải bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa trước sự ảnh hưởng nặng nề của thiên tai khí hậu.

Di sản văn hóa và thiên nhiên vốn rất mong manh và nhạy cảm trước những tác động của các yếu tố biến đổi khí hậu. Thiên tai, động đất, núi lửa, lũ lụt, hạn hán... đều tác động tiêu cực đến sự tồn tại của di sản.
 


Cả ngôi chùa ngập chìm trong biển nước

Đối mặt nhiều nguy cơ…

Nước ta không phải chịu động đất, núi lửa phun trào, sóng thần nhưng, hàng năm lại phải đối mặt với hàng chục cơn bão ngày càng diễn biến phức tạp, đê vỡ, nhiều vùng bị lụt lội, ngoài những thiệt hại về người, về của, thì di sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm nào cũng bị mưa bão ghé qua. Năm nay, chỉ trong vòng hơn một tháng đã có tới mấy lần ngập nước và bão “ghé” qua càn quét. Nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng bị ngập nặng. Không chỉ ở thành phố Vinh mà tại các huyện như Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò… cũng chìm trong biển nước…

Sự biến đổi khí hậu nặng nề đã tác động rất tiêu cực đến các di sản văn hóa. Những bức tường thành cổ rêu phong bị gió lốc cuốn nghiêng, chân thành bị ngâm nước gây lún sụt. Những công trình kiến trúc tráng lệ bằng gỗ sơn son, thếp vàng có tuổi cả trăm năm luôn bị thử thách bởi mưa bão thường niên. Nước lũ không chỉ ngăn bước chân của các đoàn du khách tham quan mà còn tác động làm giảm thiểu độ bền và sức chịu đựng của di tích. Kèm với lũ lụt là nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, mối mọt, cây cối mọc ký sinh trên các công trình, dẫn đến sự phá hủy di tích. Bên cạnh lũ lụt, nóng ẩm là hạn hán, hơi muối biển và nhiều tác nhân gây hại khác do sự biến đổi khí hậu đưa lại.

Di sản văn hóa ở Nghệ An, Hà Tĩnh nằm rải ra trên khắp địa phương, nhiều di sản được làm bằng các vật liệu hữu cơ nên càng chịu nhiều tổn thất, nhất là những di sản nằm trong vùng phân lũ. Ngay cả hệ thống di tích đình, đền… tuy làm bằng gạch đá nhưng cũng chịu tác động thường xuyên của khí hậu nóng ẩm gió biển, mưa lũ và hơi nước biển gây mủn bề mặt của các di sản...


Tuy các di sản chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ của sự biến đổi khí hậu như vậy nhưng, các hoạt động mang tính phòng ngừa tác động của sự biến đổi khí hậu đối với di sản ở hai tỉnh này những năm qua vẫn chưa rõ ràng. Sở dĩ có tình trạng đó, một phần do nhận thức chung về hiểm họa của thay đổi khí hậu còn rất hời hợt. Một phần do thực trạng kinh tế còn nghèo, các nỗ lực chung trong phòng chống thiên tai vẫn còn bị hạn chế, chủ yếu tập trung giải quyết các hiểm họa trực tiếp, đột xuất, ít có sự chuẩn bị mang tính phòng ngừa. Mặt khác do quan niệm: “nước lụt thì lút cả làng” cho nên cái lo lớn về đời sống của con người vùng lũ lấn át những cái lo nhỏ, nếu có thể gọi như thế đối với di sản trong lúc này. Có thể nói, mối quan tâm của chính quyền và cộng đồng hiện nay đối với thiên tai vẫn là mối quan tâm chung chung, chứ chưa chuyên tâm vào một lĩnh vực cụ thể nào.
 


Những viên ngói cổ rệu rã trước thiên tai
 


Nguy cơ rêu phong, mục nát là không thể tránh khỏi với các mái đình, đền, chùa xưa

Chung tay chủ động…

Để bảo vệ di sản trước những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về hiểm họa của biến đổi khí hậu đến những người ở vùng có di sản văn hóa, giúp họ phát huy tri thức bản địa để tìm ra phương thức ứng phó hiệu quả.

Nhận thức và những hành động của chúng ta về vấn đề này trong thời gian vừa qua rất mờ nhạt, hầu như chưa có động thái gì mang tính chủ động. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần nâng cao nhận thức về hiểm họa của thay đổi khí hậu, tránh thái độ chủ quan, thờ ơ, đồng thời chủ động tổ chức nghiên cứu các tác động của thay đổi khí hậu tại từng di sản và từng cụm di sản, từng vùng, miền trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung. Về phía các cơ quan quản lý di sản trong cả nước từ Trung ương đến địa phương, từ quản lý di sản thế giới đến các di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh cần xác định trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn nhưng các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Ủy ban Di sản thế giới, tìm ra những kinh nghiệm tốt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (cả những kinh nghiệm dân gian truyền thống và kỹ thuật tiên tiến). Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm đó trong mạng lưới các di sản và trong cộng đồng. Kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan ở Trung ương và địa phương nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản như quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ rừng .v.v.

Theo đó, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng việc thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức: tổ chức các hoạt động thông qua bảng chữ điện tử, đèn Led tại trung tâm đô thị, tuyên truyền trên trang tin điện tử, trạm truyền thanh, băng rôn, thư viện cấp huyện qua việc trưng bày, giới thiệu các tài liệu phục vụ công chúng có nội dung liên quan phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Cần gia cố, tăng cường khả năng chịu lực để kéo dài tuổi thọ của các công trình di tích, hạ tầng phục vụ du lịch; duy trì các hoạt động bơm nước tạo độ ẩm chống cháy, đê bao ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ nước lụt, mưa bão hay nhiệt độ tăng cao khi diễn biến khí hậu. Tại các Khu di tích, điểm tham quan, việc cắt tỉa cành tán cây xanh, nhánh khô của cây cao, cổ thụ, hoa kiểng được thực hiện thường xuyên nhằm hạn chế nguy cơ gây mất an toàn đối với du khách; trồng bổ sung cây chắn gió ở các tuyến vành đai để hạn chế giông lốc gây tác hại đến kiến trúc di tích, công trình phục vụ dịch vụ lữ hành và bảo đảm hạn chế thấp nhất sự hư hại và xuống cấp di tích.

Chúng ta đã có nhiều bài học về sự chủ quan đối với tác hại của thiên tai, nhất là lũ lụt, khô hạn, hỏa hoạn (năm 2007 đã cháy hai di tích là đình Ngọa Long (Hà Nội) và chùa Dơi (An Giang), dịch bệnh, động đất (thường xảy ra ở khu vực Điện Biên). Những sự chủ quan đó đã phải trả giá bằng nhiều sinh mệnh, tài sản, việc khắc phục hậu quả kéo dài nhiều năm. Trong những thiệt hại chung đó, di sản văn hóa và thiên nhiên cũng bị ảnh hưởng một phần đáng kể. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần có những hành động tích cực, cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nếu không muốn có những tiếc nuối sau này.
 
Minh Thụ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguy-co-hu-hai-di-san-truoc-bien-doi-khi-hau-a11221.html