Vua Bảo Đại vi hành
>> Kỳ 4: Khả năng giường chiếu đã chinh phục nhiều người đẹp
Bí ẩn xuất thân là con của ông vua “bất lực” Khải Định
Nhiều sách chép lại rằng vua Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên là Nguyễn Phúc Thiển, tục danh “mệ Vững” sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 (ngày 23 tháng 9 năm Quý Sửu) tại Huế, là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu. Về thân thế của Bảo Đại vẫn còn nhiều nghi ngờ, vì vua Khải Định bị mang tiếng là bất lực và không thích gần đàn bà. Thế nhưng không hiểu sao bà vợ thứ ba của vua Khải Định là Huệ phi Hoàng Thị Cúc lại sinh ra Vĩnh Thuỵ, lên ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại, bà Từ Cung được vinh danh là Đoan Huy Hoàng thái hậu.
Vua Khải Định là Hoàng trưởng tử của vua Đồng Khánh (1885 - 1888). Khải Định là một trong hai vị vua mang tiếng “bất lực”, nghĩa là kém khả năng trong tình dục, ân ái. Suốt 10 năm làm vua (1916 - 1925), ông đã nuôi Nguyễn Đắc Vọng làm thị vệ. Ban đêm ông ôm Vọng mà ngủ. Nhờ sự khéo léo trong việc phục tùng này mà ông Vọng đã được thăng tiến đến Ngũ đẳng thị vệ. Những buổi sáng phải ra điện Cần Chánh thiết triều, các bà đứng hai hàng bái kiến đón chào, ông liền dùng tay ôm gọn hai vạt áo bào sát vào người để khỏi vương vào “đàn bà”. Nhiều người biết Khải Định bất lực, chính vua cũng nhận điều đó. Thế nhưng các quan đại thần thì vẫn muốn “tiến” cung con gái mình vào làm vợ vua. Khó lòng chối từ, vua thường nói với các quan rằng: ”Nội cung của Trẫm là một cái chùa (ý nói không có chuyện ái ân tình dục),ai muốn tu thì cứ vào!”. Do đó, dù Khải Định không gần gũi đàn bà, ông vẫn có đủ tam cung lục viện như các vua tiền triều. Trong số đông đảo các bà vợ vua Khải Định,được nhắc đến nhiều nhất là Đệ nhất Giai phi họ Trương, bà Ân phi Hồ Thị Chỉ và bà Huệ phi Hoàng Thị Cúc (tức bà Từ Cung, mẹ đẻ của vua Bảo Đại).
Người ta nói rằng vì để tỏ lòng hiếu đối với hai bà mẹ, vì muốn làm vui lòng hai bà mẹ mà phải dựng kịch bản có con. Vua Khải Định được đào tạo trong nền văn hóa cổ. Hẳn vua dư biết rằng “Bất hiếu hữu tam, vô tự vi đại”, trong ba điều bất hiếu thì việc không có con nối dõi là tội lớn nhất, nhưng đồng thời vua cũng phải biết rằng để tỏ lòng hiếu với hai bà mẹ bằng cách nhận con người khác làm con, thì đều này lại càng bất hiếu đối với cha mẹ và tổ tiên dòng họ hơn nữa.
CAOM, lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại. SPCE 376 (Phòng báo chí quân đội viễn chinh) từng ám chỉ một tin đồn nói rằng Toàn quyền Pierrte Pasquier là cha thật sự của Bảo Đại. Một số người trong Hoàng tộc ngày nay còn khẳng định không phải là ông Hường Đề là cha đẻ của Bảo Đại mà là một người khác, có họ với các bà thái hậu mẹ đẻ hay mẹ kế của vua Khải Định. Trong tư liệu nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong cuốn “Nội cung triều Nguyễn tập 2” cũng đề cập đến điều này. Ông Hường Đề cùng tuổi với vua Khải Định (sinh 1885), xuất thân Tây học, bạn rất thân của ông vua Khải Định, thường giúp thông ngôn khi ông Hoàng này phải tiếp xúc với người Pháp. Ra đời với nghề dạy học, năm 1916, khi trở thành vua Khải Định, ông Hường Đề được phong làm Ngự tiền Văn Phòng. Và sau đó làm đến Tham tri Bộ Lễ, Bố chánh Thanh Hóa.
Chân dung vua Khải Định và vua Bảo Đại có nhiều nét tương đồng.
Sự thật và giai thoại
Nhiều sách sử ghi lại, năm 1912, Hoàng tộc phải đối mặt với một thực tế đáng buồn. Khải Định bị bệnh liệt dương không thể có con. Bà vợ chính thất của ông rất buồn vì chồng đêm đêm chỉ mải mê đánh bạc chẳng đoái hoài gì đến chuyện chăn gối. Bà còn trách cứ ông Hoàng chỉ đòi bà làm sao xin gia đình cha mẹ đẻ cho nhiều tiền để thoả mãn máu mê cờ bạc. Chán nản, bà cả bỏ về ở với cha mẹ đẻ, cũng là một đại thần trong triều. Khải Định bèn chọn một bà hai cũng xuất thân quyền quý, trước đây đã định tiến cung nhưng không được Vua chấp nhận. Song chẳng bao lâu, bà vợ hai này cũng không tránh khỏi thất vọng như bà cả. Khải Định cũng chỉ ham mê bàn tứ sắc, tổ tôm hơn là ngó ngàng tới bà vợ mới. Khải Định tội nghiệp này đã không có được niềm vui chăn gối lại buồn vì không có con nối dõi. Thời bấy giờ không có con trai là một bất hạnh lớn, có tội với tổ tiên. Lúc Thành Thái bị phế truất năm 1907, người Pháp định đưa Khải Định lên nối ngôi, nhưng ngặt một nỗi ông đã 23 tuổi nhưng vẫn không có con nên bị gọi là người vô hậu, đình thần không muốn đặt lên ngai vàng một người vô hậu nên phải chấp nhận Duy Tân (là con vua Thành Thái) lên làm vua. Không được hưởng thú vui chăn gối, Khải Định có nhiều bạn bè thân thiết lui tới để khi cùng nhau rượu chè cờ bạc trong đó có ông Hường Đề trạc tuổi ông Hoàng nhưng về vai vế, ông Hoàng phải gọi ông Hường Đề là ông con nhà chú. Trong câu chuyện tâm sự ông Hường Đề thông cảm với nỗi khổ tâm của người cháu “bất lực” và để tạ ơn cho vay tiền đánh bạc, ông mách cho cháu một phương thuốc bổ dương làm bằng xương chồn hoang hầm với sâm nhung và nhiều vị thuốc bắc khác.
Đó là một buổi tối năm 1912. Quả nhiên khi ăn xong khải định thấy hứng khởi ngay và sẵn có người đầy tớ gái trong nhà tên là Hoàng Thị Cúc (tức bà Từ Cung) đã được ông Hường Đề chuẩn bị sẵn và may mắn sao cô Cúc đã thụ thai. Và câu chuyện Khải Định sắp có con, không phải với bà vợ cả luôn luôn niệm Phật trong chùa cũng không phải với bà vợ hai luôn oán giận mà với một người đàn bà xuất thân thấp hèn. Đình thần và họ hàng thân thích đều ngạc nhiên và mừng rỡ xem như có phép lạ. Tuy vậy hai bà, vợ cả và vợ hai, vẫn chưa hết ngạc nhiên thấy cô Cúc làm sao lại có thể dễ dàng thành công với người chồng bất lực của họ. Để xác minh thực hư, hai bà đã dỗ dành thậm chí dùng cả roi vọt để tra hỏi. Trước sau bà Cúc vẫn đinh ninh một lời khai là đích thị có mang với ông Hoàng Phụng hoá chứ không có ai khác. Rằng một đêm nọ, sau khi dự tiệc ở Tòa Khâm Sứ về, vua Khải Định ngó bộ ngà ngà và hứng tình, gọi anh người hầu, biểu: “Coi có đứa mô ở dưới đó, kêu lên cho ta một đứa!” Người hầu vâng lịnh đi kiếm. Thường thì trong phủ có hai ba chị, nhưng hôm đó chị thì đi ra ngoài có việc, chị thì có tháng, chỉ một mình bà Cúc rảnh rang sạch sẽ nên được kêu lên hầu. Sau đó bà Cúc có thai. Khi biết bà Cúc có thai, hai bà Hoàng liền mở một cuộc tra hỏi gắt gao. Vì cái bụng bà Cúc đã lùm lùm, nên phải cho đào cái hố nông, bắt bà Cúc nằm sấp bụng xuống đó cho an toàn rồi mới sai nhịp roi vào mông mà hỏi tội. Dù bị đánh nhưng trước sau bà Cúc cũng chỉ một mực khai là có thai với Khải Định. Hỏi ngày tháng gần nhau, bà Cúc khai ra, hai bà biểu ghi sổ và hăm rằng: “Nếu sau ni mi đẻ không đúng ngày đúng tháng thì ta chém đầu ba họ!”. Bà Cúc khóc lóc cam đoan là đúng sự thật. Hai bà đem việc này hỏi lại Khải Định thì ông cũng công nhận đúng y như vậy. Sau sinh ra vua Bảo Đại, tính ngày tháng đúng y như đã khai nên hai bà Hoàng mới công nhận.
Tin mừng gần như chính thức được lan truyền. Những kẻ độc miệng trong đám cận thần cụt hứng không còn chế nhạo ông Hoàng liệt dương và vô hậu nữa. Khi đứa bé ra đời nhiều người thân thích liếc mắt nhìn trộm xem nó có giống ông Hoàng ở những chỗ nào. Lời đồn đại càng nổi hơn vì thời gian này ông Hương Đề cũng sinh hạ một đứa con trai nối dõi. Khổ một nỗi là cả hai đứa bé sao giống nhau như lột. Cũng cái đầu tròn bịch, chân tay cân đối, còn vua Khải Định thì dong dỏng cao, người gầy. Nhưng rồi điều bí mật mà mọi người đều biết tỏng được giữ kín. Mọi người đồn đại rằng chắc chắn là ông Hường Đề đã làm cho bà Cúc có thai trước rồi ông tặng lại cho người cháu để tạ ơn đã giúp đỡ ông trong lúc túng bấn. Điều đó chẳng quan trọng gì với bà Cúc miễn là đứa con trong bụng bà, ai cũng biết là tác phẩm của vua Khải Định, biết đâu chẳng là con trai thì có nhiều hi vọng trở thành Đông cung Thái tử kế vị ngôi vua. Bà đã giữ cái thai đó và lặng lẽ làm lễ cưới. Thời đó hiếm có một người đàn bà xuất thân nghèo hèn lại đã mang bầu và leo lên chức vị mệnh phụ, dù chỉ là vợ ba là một điều vô cùng kỳ lạ.
Chuyện ông vua Khải Định bị liệt dương ai cũng biết. Thấy nói ông cưới thêm mười bà phi nữa nhưng không ai sinh được người con nào. “Phép lạ” đã hết thiêng. Nhưng lệ trong triều vẫn cho ông rất nhiều phi tần với đủ lục viện mà ông không hề đụng đến người nào. Được chọn trong số con gái có nhan sắc trong nước, họ có đến hàng trăm người, sống tàn tạ buồn phiền trong cung điện lạnh lùng băng giá. Đó là những bộ mặt tượng trưng cho một triều đại bình thường.
Cha con giống nhau là thường. Cha cao mà sinh con thấp và ngược lại. Cha mập mà sinh con ốm và ngược lại. Đó là những điều cũng thường thấy và vốn không mấy khi gây thắc mắc ở người đời, nhưng một khi đã nói rằng giữa hai bên không phải là cha con mà lại giống nhau thì cần phải có lời cắt nghĩa hợp lý mới được, chứ không thể nói bừa như lời đồn thổi nói rằng vì em của bà Tiên Cung (mẹ vua Khải Định) là ông Dương Quang Lược lấy bà Cúc sinh ra vua Bảo Đại nên mới có sự giống nhau đó. Tuy nhiên sự giống nhau đó không những người Pháp công nhận mà ngay cả người xa lạ với chốn cung đình như cụ Vương Hồng Sển một khi được thấy tận mắt hai cha con vua Bảo Đại bằng xương bằng thịt cũng đã viết “Thậm chí con ruột của ông giống ông như khuôn đúc, mà miệng thế gian ăn mắm ăn muối vẫn đồn không phải thật con!”
Ngày nay, qua hình ảnh, chúng ta cũng có thể nhận ra nét giống nhau của hai nhân vật này thể hiện qua chiều cao và khuôn mặt, nhất là cái mũi. Cả hai đều có cái mũi cao và kín, cả hai đều có chiều cao không hổ thẹn với người Pháp, dù một bên gầy ốm và một bên mập mạp. Dẫu vậy, xuất thân thật sự của vua Bảo Đại đến bây giờ vẫn khiến nhiều người hồ nghi.
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Sự thật về thân thế của vua Bảo Đại có rất nhiều giai thoại, rất nhiều vấn đề và lời đồn đại vì vị vua này vốn cũng có nhiều người ganh ghét. Theo thiển ý của tôi thì tôi vẫn nghiêng về sự việc vua Bảo Đại là con trai của ông Hường Đề”.
Kỳ tới: Vua Duy Tân lấy con thầy để đền ơn dạy dỗ
Khôi Nguyên - Ngô Khoa