Quần thể di tích Linh địa Lâm cấm Tân An xã bị biến dạng do các đối tượng nguỵ tạo lịch sử

Suốt 3 năm qua, người dân phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng vô cùng bức xúc trước việc quần thể Di tích lịch sử cách mạng Linh địa Lâm cấm Tân An xã bị một số đối tượng ngang nhiên làm thay đổi hiện trạng. Cùng với đó là một bản “châu bộ” lập làng giả mạo làm trên chất liệu giấy A4 được phát tán khắp nơi gây ra sự xáo trộn về mặt tâm thức.



Bản châu bộ thật được các nhà khoa học công nhận

Cố tình làm biến dạng di tích lịch sử văn hóa

Quần thể di tích lịch sử cách mạng Linh địa Lâm cấm Tân An xã có diện tích trên 20 ngàn m2 và có niên đại khoảng 260 năm tuổi, quần thể bao gồm các hệ thống công trình: Đình Tân Thái, 7 khu lăng mộ của các bậc Tiền Hình và Hậu hiền (tức những bậc tiền nhân có công khai lập làng Tân Thái) và Tổ đình Lê tộc Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong đó, đình Tân Thái và 7 khu lăng mộ của các bậc tiền nhân là một di tích lịch sử, là trung tâm văn hóa tiến ngưỡng không thể thiếu của người dân quận Sơn Trà. Hằng năm, cứ vào ngày 30/11 đến ngày 1/12 AL, người dân phường Tân Thái lại tập trung đông đảo tổ chức tảo mộ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và tổ chức lễ cầu an.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, tập tục ấy vẫn còn lưu giữ và nó được xem là một truyền thống văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân sở tại.


Năm 1990, đình làng Tân Thái được Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng công nhận di tích lịch sử văn hóa. 

Thế nhưng nguyên trạng của di tích bắt đầu bị biến dạng khi vào thời gian tháng 9/2011 tại quần thể di tích này bỗng dưng xuất hiện 7 ngôi mộ mới lạ tự xưng là bia mộ của các bậc “tiền hiền” lập làng. 

Khu bia mộ mới này có diện tích khoảng 500m2, nằm khuất sau 7 khu lăng mộ của các bậc Tiền hiền và Hậu hiền. Mặt trước của tấm bia khắc ghi 5 dòng chữ Hán: “Tuế thứ Quý tỵ niên trọng xuân 1953 đồng nhị xã Trần Văn Tộc phụng lập/ Thượng niệm Thái Thủy Tổ Thủy Tổ Trần Văn Cai nguyên Thượng Thơ Bộ Lại công đức khai nguyên nhị xã Nam An Chí Tân An Tiền Hiền Thượng Đẳng Thần/ Đáo lịch Triều Cảnh Hưng nguyên niên khai tiền quy dân thành lập Tân An xã/ Thái tuế Canh than niên lục ngoạt nhị thấp nhật/ Nam an hiệp Tân An thuận thượng nhị thập nhất mẫu nhị xã ký thủ vi bằng/ Bổn xã Trần văn tộc đồng tái tạo 1996… Phía bên dưới của tấm bia ghi đại diện bổn tộc gồm: Trần Văn Thuyết, Trần Văn Cư, Trần Đăng Sơn, Trần Văn Tân, Trần Văn Bán, Trần Văn Lịch, Trần Văn Tám và Trần Văn Hà”.

Sự việc cố tình “viết lại lịch sử”, phá hoại làm biến dạng di tích của một số cá nhân này đã làm cho người dân trong vùng vô cùng bức xúc, các nhà nghiên cứu lịch sử hết sức phẫn nộ.

Cùng với đó, vào khoảng thời gian trên, các đối tượng này lại tiếp tục phát tán một tập tài liệu gọi là “châu bộ” của làng Tân Thái, niên đại Cảnh Hưng nguyên niên 1740 trên địa bàn phường Mân Thái. Nội dung của “châu bộ” này nói đến việc khai ấp, lập làng, đồng thời ghi rõ danh tính của những vị đươc coi là tiền hiền, hậu hiền đã có công trong quá trình khai phá và phát triển làng Tân Thái.

Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng này đã căn cứ vào nội dung "châu bộ" giả này còn ngang nhiên dựng văn bia tự xưng “tiền hiền” và khắc ghi chữ mới ở đình Tân Thái, đồng thời đập bỏ 7 tấm bia truy niệm các bậc tiền hiền, hậu hiền mà các quan viên, chức sắc địa phương, các hương hào cùng nhân dân xã Tân Thái (cũ) đã thiết lập cách đây hơn 50 năm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, “châu bộ” lập làng này có khổ 17cm x 29cm, gồm 6 tờ khổ A4, trong đó chỉ có 3 trang viết chữ, bìa ngoài có hai chữ "châu bộ" và đóng dấu triện. Khi tiếp xúc với "châu bộ" này, nhà nghiên cứu Hán Nôm - Đinh Thị Toan cho biết: Tài liệu này rất thiếu độ tin cậy, yếu về mặt Hán ngữ vì có nhiều sai sót rất cơ bản về chữ viết cũng như những vấn đề thuộc lĩnh vực lịch sử.

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Duy Anh (Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho biết: Trong "châu bộ" đề cập đến nhân vật thượng thư bộ lại Trần Văn Cai - “thái thủy tổ thủy tổ” (nghĩa là siêu tổ tiên sinh ra các tổ tiên). Thế nhưng căn cứ vào các tài liệu mà cụ thể là trong tập “Các nhà Khoa bảng Việt Nam” và sách “Quốc triều Hương khoa lụ” thời phong kiến có chỉ rõ 5.326 nhà khoa bảng nhưng lại không hề có vị khoa bảng nào có tên Trần Văn Cai. Trong lịch sử Việt Nam cũng chưa hề có Thượng thư Bộ Lại nào tên là Trần Văn Cai như những gì đã khắc trên tấm văn bia mới xây, như vậy không thể nói "châu bộ" này được truyền lại từ trước đến nay. Hơn nữa thời điểm lập "châu bộ" này ở Đàng Trong chưa có Bộ lại nói riêng và lục Bộ nói chung... Từ đó có thể khẳng định đây là một văn bản giả mạo. 

Về các chữ viết và nội dung trên tấm bia văn có nội dung về vị “siêu tổ tiên” “Thượng thư bộ lại” Trần Văn Cai là bậc Tiền hiền thượng đẳng thần, người đầu tiên khai lập hai làng Nam An và Tân Thái (nay là phường Mân Thái, Thọ Quang). Theo nhà nghiên cứu lịch sử Lê Duy Anh thì trên tấm văn bia sai chính tả 13 chữ. Đầu tấm văn bia ghi Việt Nam Đà thành là sai danh xưng thời đại. Trong lịch sử văn hóa nhất là dưới thời nhà Nguyễn hoàn toàn không có "Tiền hiền thượng đẳng thần" như nội dung tấm văn bia: “Không có tiền hiền nào là thượng đẳng thần hết. Tiền hiền chỉ là “đại lang”, hậu hiện là “quý công” chứ không bao giờ có thượng đẳng thần. Ngay như bà Hiếu chiêu hoàng hậu, bà tổ của vua Gia Long cũng chỉ được gọi là trung đẳng thần, Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại cũng chỉ phong tước hầu mà cũng chỉ phong là trung đẳng thần thôi”.

Thêm vào đó, theo các tài liệu để lại, làng Nam An và làng Tân Thái có lịch sử lập làng cách nhau hơn 100 năm nên tuyệt nhiên vị Thái thuỷ tổ thuỷ tổ Trần Văn Cai nếu thực sự là “tiền hiền” lập làng thì tuổi đời của ông ít nhất phải trên 150 năm, điều này hoàn toàn vô lý.

“Châu bộ” thật cần được bảo tồn

Trong khi bộ “châu bạ” giả đang phát tán rộng rãi trên địa bàn phường Mân Thái thì một bộ lập làng được các giáo sư, các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá là thật hiện đã được công bố trước truyền thông đại chúng và các cơ quan chức năng. Và hiện nay “châu bộ” này đang được tộc họ Lê trong vùng đang giữ gìn.

Bản châu bộ này được đóng thành tập cùng với các giấy tờ khác thành 25 trang và 2 trang bìa, chất liệu bằng giấy gió - loại giấy tờ được sử dụng thời xưa, trong đó, phần văn bản châu bộ gồm 22 trang giấy viết chữ, 3 trang còn lại là một tờ đơn của xã Nam An thuận nhượng một sở rừng cấm cho xã Tân An để xã này xây dựng miếu thờ. Tập văn bản này hoàn toàn viết bằng chữ Hán, do được cất giữ khá lâu nên phần rìa văn bản đã bị hư hại, một số dòng chữ ở mép trang cũng bị mất nhưng nội dung chính đa phần được bảo lưu khá rõ ràng. 

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Duy Anh khẳng định: “Bộ này được lập từ triều Cảnh Hưng nhà Lê đến các triều vua nhà Nguyễn. Các dấu triện, chữ viết hàng trăm năm trước vẫn còn sắc nét”. Theo phân tích của nhà nghiên cứu Lê Duy Anh và các tài liệu để lại, vào năm Nhâm Thân - 1752, bốn cư dân của xã cũ Nam An xin xã cũ Nam An tách xã, lập xã hiệu. Năm 1769 sau khi được xã cũ Nam An đồng thuận, bốn cư dân của xã Nam An Lê Văn Thuận, Trần Văn Tuấn, Lê Văn Uyển, Nguyễn Văn Nghiêm đương đơn gửi đến triều đình xin biệt lập xã hiệu Tân An. Ngày 17/2 năm Gia Long thứ 14 - 1815 xét công lao có 10 nhân vật được xếp vào bộ khẩn trưng. Ngoài ra vào thời vua Tự Đức, xét công lao của các bậc tiền bối trải qua các đời Cảnh Hưng, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đã sắc phong tứ hậu hiền cho 4 người thuộc họ Nguyễn, Lê, Ngô, Đặng. Cách đây khoảng hơn 50 năm, các hương hào và nhân dân xã Tân Thái đã thiết lập 7 tấm bia truy niệm và hiện nay vẫn còn nguyên vẹn.

Bộ lập làng này đã được các bậc cao niên công bố trước sự chứng kiến của đại diện Đảng bộ, chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và cơ quan thông tấn báo chí, được đánh giá là rất có giá trị. Tuy nhiên, việc tồn tại bản “châu bộ” giả và việc các đối tượng cố tình làm biến dạng di tích đã và đang làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến văn hóa tín ngưỡng trong vùng.

Các bậc cao niên cũng như người dân trong làng mong muốn được các nhà nghiên cứu, cơ quan chuyên trách thẩm định giá trị, nội dung của hai bản châu bộ này trước sự chứng kiến của toàn dân để trả lại những gì vốn có lịch sử cho đình làng Tân Thái đã tồn tại từ mấy trăm năm qua. 
 
Uông Ngọc Tân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quan-the-di-tich-linh-dia-lam-cam-tan-an-xa-bi-bien-dang-do-cac-doi-tuong-nguy-tao-lich-su-a1119.html