Hình ảnh ông Nguyễn Văn Tường mất lúc ở Tahiti
Con rơi lên làm Phụ chính đại thần?
Chắc hẳn chúng ta không thể quên, trận biến kinh thành Huế năm 1885 gắn liền với hai vị quan hàng đầu là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai ông cũng là bộ đôi phò tá nhiều đời vua. Trong đó, Nguyễn Văn Tường bị nghi ngờ là con rơi từ mối tình một đêm của vua Thiệu Trị. Vậy thực hư câu chuyện ra sao?
Giả thuyết này xuất phát từ quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Trong tác phẩm “Hương giang cố sự” của mình, tác giả có viết: ...Trong một lần vua Minh Mạng đi tuần du Quảng Trị, “có đem Tường Khánh Công (tức vua Thiệu Trị sau này) đi theo”.
Cũng tại hành cung Quảng Trị, bắt gặp một người con gái đẹp đi qua, Tường Khánh Công đã trải qua một đêm vợ chồng với người con gái đó. Khi theo phụ hoàng quay về kinh thành, ông không ngờ rằng người con gái ấy sau đêm đó đã có thai và sinh hạ một người con. Nguyễn Đắc Xuân khẳng định người con đó chính là Nguyễn Văn Tường. Cộng hưởng vào đó, cụ Tôn Thất Hào (cháu ngoại của Công nữ Như Khuê – công chúa Đoan Thuận – cũng chắc chắn, Nguyễn Văn Tường là con của vua Thiệu Trị. Cụ bác bỏ quan điểm Nguyễn Văn Tường là con một người thợ mộc trong “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” của nhà nghiên cứu người Nhật. Vị hậu duệ này còn lập luận thêm, nếu con thợ mộc thì Nguyễn Văn Tường khó có điều kiện để ăn học rồi đỗ đạt cao. Cụ cũng cho biết thêm vì là con hoang nên Nguyễn Văn Tường không được theo họ cha.
Vì không thể chối bỏ máu mủ, ruột thịt nên vua Thiệu Trị vẫn có trách nhiệm gửi tiền để con được học hành tử tế. Đây cũng là nguyên nhân khi nộp đơn ứng thí trong thi Hương, Nguyễn Văn Tường họ đã lấy họ vua là “Nguyễn Phúc”.
Tuy nhiên, lật lại sử sách, sẽ thấy những điểm bất hợp lí sau đây: Thứ nhất, sách “Đại Nam thực lục” và “Minh Mạng chính yếu” của Quốc sử quán triều Nguyễn không hề nhắc đến việc Minh Mạng đi tuần du Quảng Trị. Vậy nên có hay không chuyện Thiệu Trị có con rơi từ chuyến đi này vẫn còn bỏ ngỏ. Thứ hai, bản thân Nguyễn Văn Tường đã bị đích thân Thiệu Trị ra lệnh xử phạt nghiêm khắc khi dùng họ vua trong kì thi! Theo “Đại Nam thực lục chính biên”: “Trong danh sách tú tài trường Thừa Thiên có người tên là Nguyễn Phước Tường, vua ghét mạo dùng họ nhà vua, sai cắt bỏ nên trong sổ tú tài, đổi làm Nguyễn Văn Tường và giao cho Viện Đô sát trị tội. Thậm chí, vua còn ra thêm dụ, nhắc đến việc Gia Long khi lập triều lấy Nguyễn Phúc làm họ vua. Đến đời Minh Mạng lại tiếp tục nhấn mạnh việc kỵ húy chữ “Phúc”, đến thường dân áo vải còn biết tuân thủ. Vậy mà Nguyễn Văn Tường “đã đi học, đi thi, không thể nói là không biết, sao lại còn mạo đội họ vua? Quan tỉnh Quảng Trị và học quan ở phủ, huyện sở tại xét hạch, thu quyển, cứ việc sắp xếp đưa đi, quan Quốc tử giám và quan trường lại không một người nào kiểm điểm nêu ra, sao mà đui điếc cả một lũ đến thế? Bộ Lễ trước đây thu nhận danh sách cũng bỏ qua không biết. Tất cả đều là sơ sót, giao cho Viện Đô sát nghị xử”. Vậy là Nguyễn Văn Tường bị tội đồ một năm, học quan ở tỉnh, phủ, huyện, quan Quốc tử giám, quan trường, Bộ Lễ và Viện Đô sát đều chịu trách nhiệm liên đới.
Vậy, gia đình Nguyễn Văn Tường phản ứng ra sao về lời đồn ông là con rơi của Thiệu Trị? Trong gia phả họ Nguyễn cũng có ghi: “Thiệu Trị ngũ niên thi trúng tú tài hậu dĩ can quốc tánh quyển diện đề Nguyễn Phước Tường, truất lạc nghị án” (tức vào năm Thiệu Trị thứ 5, thi đậu tú tài, sau vì phạm húy họ vua, ngoài quyển thi đề Nguyễn Phước Tường, nên bị đánh rớt, nghị án). Bản thân Nguyễn Văn Tường im lặng trước dư luận, và đáp trả bằng hành động cho con trai ông - Nguyễn Văn Tộ lấy con gái của hoàng gia. Vậy nên nghi án con rơi này vẫn là một bí mật chưa có lời giải!
Vườn Hoa trong lăng Thiệu Trị
Quốc tang xa hoa
Ngày 4/10/1847, Thiệu Trị qua đời nhưng đến tận tám tháng sau mới làm lễ đưa đám! Với quan điểm “Sửa sang tang nghi là việc lớn. Dẫu hợp cả tài lực bốn bể năm châu cũng chưa dám cho là xa xỉ”, vua Tự Đức quyết tâm thúc đẩy xây lăng mộ vua Thiệu Trị một cách cực kỳ khẩn trương bằng mọi giá. Trong thời gian chờ đợi, quan tài của Thiệu Trị được đặt trong một ngôi nhà được xây dựng cấp tốc lên ngay trong Đại Nội. Cũng chính tại đó, trong 8 tháng xây cất lăng, mỗi ngày hai lần, Tự Đức lại đến cúng cơm cho tiên đế. Nhưng “cúng cơm” ở đây bao gồm hàng trăm mâm cho tất cả các hoàng thân quốc thích, bá quan triều đình, cung tần, mỹ nữ… Bởi vậy, ngày nào cũng giết trâu bò, lợn gà, ai đến chầu hầu cũng được và có phần mang về cho gia quyến. Sau khi hỏa táng các vật dụng theo vua cha sang thế giới bên kia, Tự Đức lại lập một đàn chay ở chùa Thiên Mụ cúng cả trên bờ lẫn dưới nước ròng rã hai mươi mốt ngày!
Thiệu Trị vốn là một ông vua dung dị và bản tính khá ôn hòa. Tuy nhiên ông cũng không tránh khỏi thị phi về việc có con rơi. Lúc sống trầm lặng nhưng đến khi qua đời, tang lễ của ông quả thực xa hoa bậc nhất!
Tuấn Giang