Cái thời huy hoàng, rực rỡ của hai nhà Đinh, Lê cũng đã trôi qua trên một ngàn năm lịch sử. Những cung điện nguy nga lộng lẫy với cột vàng ngói bạc trên đất cố đô thủa xưa giờ đây cũng không còn nữa nhưng dấu tích của “quân thành” Hoa Lư cùng với đền đài, miếu mạo của người xưa thì vẫn sừng sững như thi gan cùng tuế nguyệt để làm minh chứng cho vàng son một thủa. Theo thăng trầm của thời gian, tạo hóa không chỉ ban cho đất này cái thế thủ hiểm với bốn bề vách núi dựng đứng và vào ra độc đạo nhằm bảo vệ những chính quyền phong kiến non trẻ đầu tiên của nước Việt mà còn phú cho nơi đây những núi sông diễm lệ tựa như “Hạ Long trên cạn” với non nước hang động thơ mộng hữu tình làm say đắm lòng người. Đất ấy đúng là lộc trời, nơi lưu giữ những báu vật của thiên nhiên và lịch sử của tổ tiên giữ nước.
Cò đậu bên hồ Thung Nham
Chúng tôi về Thung Nham, để lại sau lưng những cờ hoa náo nhiệt của phố phường. Trên con đường qua Tam Cốc, hướng vào chùa Bích Động, tới ngã ba rồi rẽ trái đi theo độc đạo đổ bê tông với ba bề, bốn bên là những núi đã vôi hùng vĩ xanh rì bóng cây xen lẫn những hồ nước kênh rạch chằng chịt nở đầy hoa súng thay cho nhưng ao sen đang dần lụi tàn cuối vụ. Nhìn những khối núi lừng lững kỳ vĩ tựa đàn voi chiến cùng muôn hình thế dáng dễ làm cho trí tưởng tượng liên tưởng tới bao điều kỳ thú. Sau thời Đinh Lê, hồi cuối thế kỉ XVIII, mùa xuân năm 1789, khi đem quân ra Bắc, các tướng của Quang Trung đã đến nơi đây thị sát, tập trận và rồi tiến hành xuất quân từ phòng tuyến Tam Điệp về Thăng Long để quét sách hai mươi chín vạn quân xâm lược Mãn Thanh về nước. Bởi thế hành trình tìm đến với Thung Nham chúng tôi không chỉ muốn tìm về nơi ở của muôn loài hoàng hạc, giang sen, phượng hoàng, cò trắng… mà còn như thể đi tìm một cái gì đó của những bóng dáng lịch sử mà tiền nhân còn để vương lại đất này.
Thung Nham bây giờ đã có bàn tay chăm chút của con người nhưng những dấu vết hoang sơ của tự nhiên thì dường như vẫn còn khá nguyên vẹn. Theo con thuyền bồng bềnh trên mặt nước, mái chèo khoan thai khua nhịp đưa chúng tôi tiến vào sông ngầm để đi vào hang Bụt. Đang từ một không gian thoáng đãng rực rỡ nắng vàng phản chiếu mặt nước lóng lánh với muôn sắc tím của màu hoa súng, chúng tôi thấy cửa hang từ từ hiện ra trước mặt với cửa vòm bé nhỏ và tối sầm. Cứ thế thuyền trôi theo những tia sáng từ những đèn pin mà các chủ thuyền đã chuẩn bị sẵn cho khách xem động và mở đường dẫn lối vào sâu trong hang. Trong hang đá tự nhiên tối om, dài chừng nửa cây số ấy là một thế giới lung linh tuyệt đẹp của những nhũ đá còn nguyên vẹn từ thủa hồng hoang. Nhiều chỗ trần hang thấp mọi người trên thuyền phải cúi rạp xuống để khỏi bị va đập vào nhũ đá. Những nhũ đá tự nhiên rủ xuống với đủ muôn hình muôn sắc gợi lên biết bao hình ảnh kỳ thú của giới tự nhiên trong trí tưởng tượng của người xem như voi phủ, cô tiên, ông bụt, con rùa, bầu sữa,… Trong cái thế giới chỉ có đá và nước hòa trong tiếng mái chèo oàm oạp ấy thi thoảng vang lên tiếng xôn xao nói cười của du khách, tiếng đập cánh của đàn rơi đu mình trên vách đá càng tô đậm sự yên ắng tĩnh lặng của chốn thâm sơn cùng cốc.
Du khách tham quan vườn chim...
... và chiêm ngưỡng những nhũ đá trong động Nàng Tiên Cá
Hệ thống hang động, sông nước ở Thung Nham khá phong phú và kỳ thú. Động nàng Tiên Cá, động Vái Giời, động Ba Cô, động Thủy Cung cũng là những nơi giao hòa của đất đá trời mây non nước. Động Tiên Cá mát lạnh uốn lượn trong lòng núi với những cầu tre đưa du khách đi trên mặt nước và những giọt nước mát lành từ muôn hình nhũ đá nhỏ xuống thấm qua làn da làm hạ hỏa những nóng bức trong người để lại những cảm giác khoan khoái dễ chịu cùng những sảng khoái khi ngắm sờ thạch nhũ. Động Vái Giời nằm trên núi cao là nơi trời đất giao hòa. Đường lên động phải trải qua gần bốn trăm năm mươi bậc đá mới lên đến cửa hang. Nghe nói động rộng khoảng năm ngàn mét vuông với ba tầng động cùng hàng ngàn nhũ đá lung linh, kì ảo. Nhìn những thạch nhũ ở ba tầng động ấy dân gian đã tưởng tượng và đặt cho những cái tên cũng khá kì ngộ: Trần gian, Địa ngục và Thiên đường. Chúng tôi không biết những tên gọi ấy ở đây có mối liên hệ nhân duyên nào với nhà Phật hay không nhưng được nghe kể rằng, thời trước, người xưa thường lên động Vái Giời để lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Có lẽ cùng với những vẻ đẹp của tạo hóa ban cho thì niềm tin tâm linh ấy cũng đã góp phần làm nên sức hút kì diệu của đất này đó chăng?
Thung Nham là nơi đất lành chim đậu. Tôi đã từng nghe kể khi xưa, năm 1802, sau khi lập ra vương triều nhà Nguyễn, vua Gia Long đã ra Bắc thu phục nhân tâm kẻ sĩ. Trước khi về Thuận Hóa, ông có ghé qua Nguyên miếu ở trong thành Triệu Tường (Thanh Hóa) bái kiến tổ tiên. Lần trở về này Nguyễn Ánh cũng có ý định rời thành Tư Phố, thủ phủ của xứ Thanh xưa (ở làng Giàng xã Thiệu Dương huyện Thiệu Hóa) đến nơi khác nhưng lại chưa chọn được đất ưng ý. Và chính cái đêm ngủ lại ở tông miếu ấy, sau những canh khuya trằn trọc, nhà vua đã mơ thấy Hạc trắng về báo mộng và dẫn đường đi tìm đất xây thành. Thành ấy chính là thành Thọ Hạc bây giờ (còn gọi là Trấn thành Thanh Hóa). Kể lại chuyện xưa như thế là để thấy rằng Thung Nham không chỉ khi xưa mà ngay cả bây giờ vẫn đang là nơi đất lành cho gần năm mươi loài chim cư trú, trong đó quí giá nhất có các loại Phượng Hoàng (một trong tứ linh: Long – ly – Qui – Phượng) và đặc biệt là Bạch Hạc linh thiêng.
Trong dáng hoàng hôn của buổi chiều hôm, chiếc thuyền gỗ nhỏ bé nhẹ nhàng khua nước đưa chúng tôi len lỏi vào trong khu rừng ngập nước xanh ngắt rong đuôi chó còn khá nguyên sơ với những cỏ lau cỏ sậy um tùm dưới những chân núi đá vôi trùng điệp bóng cây xanh mát. Đó chính là vương quốc của những loài chim. Giữa không gian hoang sơ như thể chưa có dấu chân người ấy chim từ muôn phương sau một ngày kiếm ăn đang đưa nhau về đây từng đàn chao liệng giữa tầng không, bay lên sà xuống trên những ngọn cây trú ngụ qua đêm. Những cánh chim giăng mắc như đan dệt bầu trời rồi phủ trắng cả cánh rừng nước ngập, đôi chỗ nhìn như tuyết phủ. Càng đi sâu vào trong vườn chim cảnh vật càng trở nên huyền ảo. Tiếng mái chèo khua nước đánh động con cá nhảy làm mặt nước xao động dưới ánh dương vàng rực hòa trong thanh âm ríu rít của muôn ngàn tiếng chim như thể đang cùng nhau hòa tấu bản giao hưởng chiều thu giữa nơi núi cao sông sâu hồ rộng. Phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, sống động và hữu tình tựa như bức tranh thủy mạc làm mãn nhãn người xem, quyến rũ lòng người.
Cùng với không gian hoang sơ đẹp như miền cổ tích, vườn chim Thung Nham hiện đang lưu giữ trong mình những dấu tích lịch sử của hàng ngàn năm với bao điều bí mật kỳ thú chưa có lời giải đáp. Đó là cây đa linh thiêng hàng ngàn năm tuổi di chuyển và phủ bóng nơi đền thờ Việt Thắng Đại Vương (một bộ tướng của Đinh Tiên Hoàng Đế). Cây đa này không có thân chính (thân chính đã chết) mà chỉ có rễ lớn tạo thành thân, những cái thân to nhỏ khác nhau ấy xếp thành hàng dọc song song dài hàng chục mét giúp cây vươn cành tỏa bóng rợp mát cả góc đồi. Sự thần bí của cây đa này không phải ở chuyện có thân chính hay không mà ở sự di chuyển của nó xung quanh ngôi đền. Người ta bảo, nếu lấy đền thờ Việt Thắng Đại Vương làm tâm thì cây đa được di chuyển từ phía Đông qua Nam. Sở dĩ biết được điều này vì các cụ ở đây đã tìm được trong lòng đất quanh đền thờ dấu tích phần gốc của cây đa này. Hiện nay cây đa đang chuyển dịch về hướng Tây. Theo ước tính mỗi bước chuyển dịch này kéo dài khoảng ba trăm năm. Cùng với cây đa, dấu tích lịch sử thời Đinh Tiên Hoàng ở nơi đây còn phải kể đến cây duối hình bàn tay phật hơn ngàn năm tuổi hiện vẫn đang bám đá sống xanh tốt. Cây duối bám đá trải qua hơn ngàn năm nên khó có thể phân biệt được đâu là thân, đâu là rễ. Toàn bộ cây duối gắn kết chặt chẽ với tảng đá. Theo năm tháng, màu da (vỏ) của cụ duối hòa với màu đá tạo nên những dáng nét phôi pha của thời gian. Theo lời kể của dân bản địa thì cây duối này gắn với huyền thoại của Đinh Tiên Hoàng Đế nên bao đời nay nhân dân rất yêu quí. Tương truyền vào năm 968, sau khi dẹp xong loạn mười hai sứ quân và lên ngôi Hoàng Đế, Đinh Tiên Hoàng đã cùng các cận thần đi tuần quanh vùng kinh đô Hoa Lư. Khi đến vùng rừng núi Thung Nham, nhà vua cho mọi người dừng chân bên phiến đá để nghỉ bỗng có một con chim lạ bay qua và nhả vào long bào của đức vua một hạt màu vàng. Cho là điềm lành, vua và các cận thần bèn ươm hạt lạ đó vào bên phiến đá, rồi ngày đêm cử người chăm sóc. Điều lạ là toàn bộ cây duối chỉ sinh tồn trên tảng đá, rễ không ăn lan sang phần đất xung quanh mà chỉ bám chặt vào tảng đá. Người ta bảo cây duối ấy tượng trưng cho sức sống trường tồn của đất Việt. Điều kì thú là ngắm cây duối ở các phía khác nhau người ta sẽ thấy được các dáng thế khác nhau của cái cây cổ thụ độc nhất vô nhị trời Nam này. Theo hướng chính diện cây duối như thể bàn tay của đức Phật. Nhìn từ hướng Tây Nam cây duối có dáng ngũ phúc. Nhìn từ hướng Đông Nam cây duối có thế huynh đệ (hay gọi là phụ tử cũng được). Chẳng biết phúc lộc ra sao nhưng người ta bảo đến thăm cây duối thì cũng giống như đến viếng nhà vua nên sẽ được vua ban cho “thập toàn thập mỹ”. Và đã có không ít người đến viếng thăm cây duối đã cố gắng để được chạm tay mình vào ngón tay cái của bàn tay Phật ấy hòng cầu những điều may mắn, phúc lành. Thực hư đúng sai thế nào tôi chẳng rõ, chỉ thấy rằng có rất nhiều người đã tin như vậy. Không biết có phải vì điều này hay không mà dân gian quan niệm: cây duối là cây cổ thụ, trường tồn xanh tươi, trái cây màu vàng nên có tác dụng xua đuổi ma quỉ, ban tài phát lộc. Cho nên cây duối ấy là lộc trời cho. Bởi thế nó không chỉ là báu vật của Ninh Bình mà là của nước Việt. Có lẽ vì thế mà nó linh thiêng chẳng kẻ nào dám xâm phạm để sinh tồn cùng núi sông nước Việt và ban mọi phúc lành cho con dân trăm họ.
Hiện thực và huyền thoại trên vùng đất Thung Nham quả là những điều kỳ thú. Có lẽ ta cũng chẳng cần phải lý giải tường tận mà chỉ cần đến để ngắm và suy ngẫm, tin yêu vào những đức tin đó là đủ. Khu vườn chim Thung Nham nằm trong quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì những hiện thực và huyền thoại ấy sẽ tiếp tục “chắp đôi cánh” cho trí tưởng tượng, để gửi vào đó những ước vọng cùng bao “tâm tình tha thiết”.
Trường Giang