Hành hương về chùa Giác Hoa ở phương Nam

Đấy là ngôi chùa được ni giới tỉnh nhà nhắc nhiều, cái nôi của giáo dục ni giới Nam Bộ, nơi hàng ni địa phương thường dự các giới đàn và đang có trường trung cấp ni và đặt Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo huyện Vĩnh Lợi.


Địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu từ thời chính quyền Sài Gòn đã có đặc điểm lạ: từ Sài Gòn đổ xuống cực Nam, lẽ ra “chạm” vào ranh giới thị xã (nay là thành phố) Bạc Liêu trước, một phường hay xã ngoại ô chẳng hạn - theo logic tự nhiên vì ranh đất liền mạch vì huyện Vĩnh Lợi đã giáp Bạc Liêu từ hướng Nam lên, lại ngắt đoạn và có diện tích phủ bên ngoài Bạc Liêu, giáp tỉnh Sóc Trăng - Cái Dày, Vĩnh Lợi, nơi chùa Giác Hoa tọa lạc trên một địa thế ba mặt giáp sông nước, nơi địa đầu tỉnh Bạc Liêu.

Rất lâu, tôi có duyên đi tàu đò bằng gỗ qua lại có ngôi chùa ẩn trong tường và lá xanh được dân gọi chùa Cô Hai Ngó, tục danh vị trụ trì khai sơn tạo tự.
 
Với cặp vé xe buýt Đại Thắng, tôi có chuyến hành hương Giác Hoa từ sáng nay. Qua cầu cái Dày, nhìn qua dải phân cách cổng chùa nghênh đón và theo lối nhỏ một đoạn vài trăm mét đến chiếc cầu cong vênh nho nhỏ, Giác Hoa ẩn trong màu xanh và nước sông phù sa dập dờn lục bình. Tôi “đi tắt đón đầu”, thay vì “trình diện” thú ký chùa như được dặn trước, lại sử dụng dế mọn chụp mải miết những chòm cây ủ rễ tua tủa, tượng Phật vút cao một góc khuôn viên và kinh hành trong khuôn viên rộng của đại tự.

Từng khối công trình là từng tuyệt tác kiến trúc độc đáo, đặc sắc khiến tôi có bất ngờ dù có “ngâm cứu” trước qua tư liệu. Chính điện cơ bản giống một công thự thời thuộc địa, ngự trên nền rất cao, kiên cố, màu vàng trầm mặc, mái ngói, nền gạch thẫm màu, cột gỗ, các ban thờ cũng bằng gỗ tốt…, cả một kiệt tác. Các khối công trình còn lại trung thành với mảng kiến trúc chung chủ đạo Đông – Tây, đậm dấu ấn Pháp, điểm xuyến bởi chút mái cong và những dòng ký tự Đông Phương ở phía trước, nối kết các công trình và trong không gian nội bộ từng công trình là các hành lang mát mẻ, bố trí khoa học, toàn bộ không gian Giác Hoa tự nhịp nhàng cứ như một bản nhạc hài hòa. Có thể nói, riêng về không gian sinh thái, thẩm mỹ, kiến trúc và sự cổ kính, Giác Hoa tự đạt mức độ khá cao. Điều đó có ý nghĩa khi công trình đã trôi qua thế kỷ, hoàn chỉnh từ 1919, biến thiên dâu bể, vậy mà tỉ lệ nguyên mẫu còn rất cao!
 
Đóng góp của địa thế vào nét thẩm mỹ của Giác Hoa tự là nhiều, những dòng kênh uốn khúc được phủ bởi những cụm lục bình, thấp thoáng những cây cầu khép ba mặt Giác Hoa trong môi trường mát mẻ, tường gạch công phu bao bọc...
 
Tôi dừng lại khá lâu nơi biển lớn ghi lại lịch sử ngôi chùa. Vùng đất phương Nam thời thuộc địa có cô Hai Ngó con một nông dân, lập gia thất và mầm ăn chất phác. Biến cố lớn khi phu quân qua đời sớm, giác ngộ với một thiền sư hậu duệ dòng thiền Lâm Tế ở vùng đất thiêng Châu Đốc, tu học và về quê nhà lập chùa, hình thành cơ sở quy mô nhất của ni giới phía Nam. Qua bao biến cố, ngôi chùa này từng che chở đỡ nâng đồng bào, đồng hành trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, bồi dưỡng nhân tài của hàng ni cả một vùng rộng lớn.
 
Tôi không đủ duyên đảnh lễ vị ni trụ trì, Sư cô Thích Nữ Nghiêm Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Phật học Cao trung Bạc Liêu. Nhưng tôi đã thỏa một mong cầu từ lâu khi có một buổi sáng trải nghiệm tâm linh nơi đất thiêng Giác Hoa và lắng lòng với câu chuyện như cổ tích về cuộc đời và con đường tu học nhập thế độ đời của cô Hai Ngó hồi đầu thế kỷ XX.
 
Một sáng như thế, ở sông nước Cái Dày, Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
 
Nguyễn Thành Công

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hanh-huong-ve-chua-giac-hoa-o-phuong-nam-a11154.html