Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tuổi thơ chan nước pha muối để ăn cơm

Với tôi, nhà văn Nguyễn Văn Học như là một người bạn chân tình, cũng như là một người anh đầy nhiệt huyết với tình yêu văn chương. Anh học khóa 8 khoa Sáng tác- Lý luận và Phê bình Văn học (tiền thân là trước Viết văn Nguyễn Du, nay là khoa Viết văn- Báo chí), trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

 
Phút hồn nhiên tạo dáng của anh

Xuất thân từ miền quê nghèo khó, chàng sinh viên trẻ ngày nào giờ đang là phóng viên Báo Nhân Dân. Với bút lực dồi dào, mỗi ngày anh thường dành khoảng 3 tiếng để viết tiểu thuyết. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi hiện tại ngoài 30 tuổi anh đang là chủ nhân của khoảng 30 đầu sách bao gồm nhiều thể loại: Tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, ký… Một nỗ lực tuyệt diệu mà số sách anh viết có lẽ là nhiều nhất so với các nhà văn cùng trang lứa.
 
Nhớ ngày tốt nghiệp đại học, anh đã tận tình đến tận khoa mang theo 1 bó hoa tươi và 2 cuốn sách nhỏ tặng tôi. Anh khá kiệm lời, kín đáo, nhưng lại rất năng động. Mỗi khi anh em tâm sự, tôi thấy anh thường chia sẻ nhiều về tuổi thơ anh, về những ngày lăn lộn mưu sinh kiếm sống.
 
Một lần, tôi được anh cho xem một cuốn sổ nhỏ chi chít chữ. Hóa ra là bản thảo tiểu thuyết của anh. Hàng trăm trang giấy ngồn ngộn những chữ và chữ. Anh rất nâng niu và cẩn thận giữ từng bản thảo của mình. Lao động chữ nghĩa vốn không dành cho những người yếu vía và hời hợt. Ở anh có đủ tố chất của một nhà văn: chăm viết, chăm đi, bén nhạy với cuộc sống… đồng thời là một nhà báo, nên những chuyến đi công tác của anh như thổi thêm những làn gió cất ngọn bút anh bay cao hơn, vươn xa hơn.
 


Số sách đã xuất bản của tác giả
 
Lần gần đây nhất, tôi và anh có may mắn được hội ngộ trong một cuộc trao giải văn học tại Bình Định, tôi lại được diện kiến những đức tính quý báu của anh. Cả chục người trong đoàn chúng tôi vui vẻ đi tham quan những địa điểm mà ban tổ chức đưa đi. Chúng tôi hồn nhiên mang điện thoại ra chụp các phong cảnh đẹp. Vậy nhưng tôi quan sát thấy anh đang xách chiếc loa đi để tiện cho trưởng đoàn dẫn dắt chương trình. Cứ mỗi điểm tham quan, anh lại khệ nệ xách xuống, rồi xách đi bộ theo đoàn cả hàng trăm mét. Có thể không mấy ai để ý tới điều đó, nhưng quả là hành động nho nhỏ của anh đã chinh phục trái tim tôi. Rồi trong một phút ngẫu hứng trên ô tô, anh còn làm cả một bài thơ tứ tuyệt tặng mọi người.
 


Chuyến công tác về vùng lũ của nhà văn Nguyễn Văn Học

Đến buổi tối, anh lại nằm trong số những người đầu tiên giúp kê dọn sân khấu, lần này là những chiếc loa công suất lớn nên cần thêm người phụ giúp. Anh nhanh nhẹn cùng làm việc với anh em mà vẫn luôn trong tâm thế vui vẻ, không nề hà, không ngại ngần. Thật đáng trân trọng một nhân cách trong đời thực.
 
Anh chia sẻ với tôi về tuổi thơ đầy gian khổ của mình. Có những lần ăn cơm, phải chan nước để ăn, có pha thêm chút muối trắng để lấy vị cho dễ ăn hơn. Những ngày tháng cơ cực ấy đã nén dồn lên ngòi bút miệt mài trong từng trang viết. Những tháng ngày mưu sinh của anh cũng để lại những lớp ký ức khó phai. Trong đó có thể nhắc tới khoảng thời gian anh làm trong 1 nhà nghỉ, được trò chuyện, được hiểu hơn về thân phận của những cô gái “bán hoa”. Phận đời éo le của bao người vẫn lưu dấu trong trí nhớ anh, để rồi những ký ức ấy cứ dần hiển hiện trong mỗi trang viết của anh. Rồi những chuyến công tác tới nhiều địa phương là một nguồn mạch ngầm cứ lặng lẽ chảy trong ngòi bút mang tên Nguyễn Văn Học. Tên của anh cũng như vận vào con người anh vậy.
 
Phụng Thiên

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nha-van-nguyen-van-hoc-tuoi-tho-chan-nuoc-pha-muoi-de-an-com-a11149.html