Lễ hội dân gian độc đáo ở miền Tây Nghệ An (Bài 1)

Theo quan niệm về thế giới tâm linh của đồng bào Thái ở Nghệ An thì vạn vật trong vũ trụ đều ẩn chứa linh hồn. Đóng vai trò kết nối giữa thế giới thần linh và thế giới thực tại là các thầy mo - tượng trưng cho thế giới thần quyền.



Ngày hội của đồng bào Thái

Từ rất xa xưa, tất cả các bản làng người Thái đều tổ chức lễ hội Xăng Khan. Có thể nói đây là lễ hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào dân tộc Thái.

Ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân tộc


Đối với Lễ hội Xăng Khan, thì đây là một nét tín ngưỡng tâm linh độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Một số nơi khác gọi là Kin chiêng boóc mạy, Hội Chá Chiêng.... Lễ hội là dịp để bà con dân bản tạ ơn công lao của các ông mo - những người đóng vai trò nối kết giữa đời sống thực tại của bản làng và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà tổ tiên. Khi hạt thóc đã nằm trong bồ, khí trời đã ấm áp, vạn vật đang sinh sôi, các ông mo chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ hội. Thông thường, Lễ hội Xăng Khan thường được tổ chức 3 - 5 năm/lần tại nhà ông mo có uy tín nhất bản, được gọi là mo chủ. 

Mấy ngày trước khi lễ hội diễn ra, trai gái trong làng đến nhà giúp ông mo hoàn tất các công việc chuẩn bị. Họ giã gạo, đánh trống, khua chiêng, khắc luống ngân vang khắp cả rừng núi, sông suối để báo cho các vị thần linh và ông bà tổ tiên biết rằng bản làng sắp mở hội. Tiếng trống chiêng vang xa đến đâu, người dân nơi ấy liền tìm đến chung vui. 

Nghi thức chính của lễ hội Xăng Khan không cầu kỳ tốn kém, lễ vật thường là 7 - 10 vò rượu cần, 2 con lợn, 2 con gà cùng cá nướng, trầu cau… Vật không thể thiếu trong lễ hội là cây Boọc mạy được dựng ngay giữa nhà, là nơi để hành lễ. Cây Boọc mạy được làm từ cây tre hoặc nứa già, cao 4m, được khoét nhiều lỗ chia thành nhiều tầng khác nhau. Mỗi lỗ được bố trí treo những vật tượng trưng như chim, cá, ve sầu, rắn… Những vật này làm từ ruột cây sắn, cây tang trong rừng, được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… Trên đỉnh cây Boọc mạy cắm một cây ô hình vuông, được các thiếu nữ dùng khi các ông mo nhảy Xăng Khan.

Sau lễ cúng, các thầy mo cùng dân bản nhảy múa xung quang cây hoa (có Boóc mạy). Hội càng về khuya càng nhộn nhịp với những trò diễn đầy thú vị của các thầy mo cũng như tất cả mọi người dự hội Xăng Khan. Hái hoa (Kếp boóc) là phần cuối của lễ hội Xăng Khan, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.
 


Bà con dân bản tất bật chuẩn bị cho lễ hội ở nhà thầy mo chính



Cây boọc mạy - linh hồn của lễ hội Xăng Khan...



... và các thầy mo cùng tập trung chuẩn bị cho lễ hội

Chung tay bảo tồn và khôi phục

Theo bậc cao niên ở các bản làng đồng bào Thái miền Tây Nghệ An, lễ hội Xăng Khan có từ xa xưa. Thủa đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Xăng khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau, mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng Khan ở mỗi nơi cũng có sự khác biệt. Những năm sau này, nhiều bản làng Thái không còn lễ hội Xăng Khan nữa, nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người và cách ứng xử của con người đối với lễ hội.

Có thể nhận thấy tín ngưỡng trong Lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh (tất cả mọi sự vật đều có linh hồn) và thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng. Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan nên Lễ hội Xăng Khan đã dần vắng bóng trong các bản làng người Thái từ 30 - 40 năm nay. Nó chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già và thi thoảng được tái hiện qua các tiết mục văn nghệ biểu diễn trên sân khấu. Thời gian gần đây, nhận thấy vai trò của Lễ hội Xăng Khan trong đời sống văn hóa - tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, một số địa phương đã và đang hình thành ý tưởng khôi phục Lễ hội Xăng Khan. Điển hình như huyện Kỳ Sơn hiện đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch”. Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là ưu tiên việc nghiên cứu khôi phục lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có Lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái. 

Nằm trong khuôn khổ Đề án này, từ năm 2010 đến nay, bà con dân tộc Thái ở bản Na - xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) đã hai lần tổ chức Lễ hội Xăng Khan. Ông Vi Đình Tới, người giữ vai trò mo chủ trong hai lần tổ chức lễ hội xăng khan ở bản Na cho biết: “Tôi thật sự không lưu giữ được tài liệu nào hướng dẫn cách tiến hành xăng khan, nhưng ngày còn trẻ, tôi thường theo chân các thầy mo khi hành lễ nên vẫn còn nhớ rất rõ. Qua hai lần tổ chức Xăng Khan, tôi thấy bà con bản Na hưởng ứng rất vui vẻ và nhiệt tình, tình đoàn kết bản làng càng được thắt chặt...”. Ngoài huyện Kỳ Sơn, các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong hiện cũng đang triển khai sưu tầm, nghiên cứu để khôi phục Lễ hội Xăng Khan. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng đối với đồng bào dân tộc Thái, bởi lẽ họ đang có cơ hội tìm lại một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo có lúc tưởng như đã bị thất truyền.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong đó, Lễ hội Xăng Khan của người Thái tỉnh Nghệ An, gồm các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, là 1 trong 7 Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia được công bố dịp này.

Ba năm mới tổ chức một lần, hội Xăng Khan là cho mọi người cảm thấy vui hơn, từ lễ hội này mối quan hệ xóm bản càng thêm bền chặt. Và ngày nay lễ hội Xăng Khan đã thực sự trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Thái ở miền Tây xứ Nghệ. 

Còn tiếp...

 
Minh Thụ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-hoi-dan-gian-doc-dao-o-mien-tay-nghe-an-bai-1-a11148.html