Xử lý nghiêm Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS dùng súng

Ông Lê Quang Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc) tay lăm lăm khẩu súng ngắn đe doạ bắn những người nghiện ma túy đang dùng thuốc tại trung tâm này đang gây xôn xao dư luận. Trả lời với báo giới, ông Lê Quang Sơn cho rằng đây chỉ là súng đồ chơi bằng nhựa mua cho con dùng?

 
Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên nơi ông Hoàng Văn Sơn đang công tác. Ảnh chụp chiều 27/9/2017

Qua tìm hiểu được biết đây là súng thật chứ không phải súng đố chơi bằng nhựa như ông Lê Quang Sơn nói. Khẩu súng này do ông Hoàng Văn Sơn làm việc tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Sở Y tế Vĩnh Phúc) là người đại diện cho đơn vị này ký vào hóa đơn mua súng ngày 25/5/2007 với số tiền trị giá mua súng là 4.403.730 đ gồm 6 viên đạn. 
 
 
Hóa đơn mua súng và 6 viên đạn ngày 25/5/2007 của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS do ông Hoàng Văn Sơn ký thời điểm còn công tác tại Trung tâm này.

Ông Hoàng Văn Sơn, trước đó công tác tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, sau đó chuyển công tác về Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc, rồi chuyền công tác về Sở Y tế Vĩnh Phúc. Năm 2015, ông Hoàng Văn Sơn được điều động về Trung tâm Y tế TP Vĩnh Yên, hiện giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính của đơn vị này.

Vấn đề dư luận đang quan tâm là sau khi không còn công tác tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS nữa thì khẩu súng và 6 viên đạn ông Hoàng Văn Sơn là người đứng mua giao cho ai? Có biên bản bàn giao không? Thông tin mà phóng viên có được trong số 6 viên đạn mà Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS mua năm 2007 hiện chỉ còn 3 viên đạn.

Tuy là súng thật nhưng ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS lại trả lời báo chí đấy chỉ là khẩu súng nhựa đồ chơi là vi phạm quy chế sử dụng súng?
 
 
Người đàn ông cầm khẩu súng là ông Lê Quang Sơn. Ảnh cắt từ clip. Nguồn VOV

Để làm rõ nguồn gốc khẩu súng ông Lê Quang Sơn đe dọa bắn những người nghiện ma túy, ngày 27/9, PV đã liên hệ để làm việc với ông Hoàng Văn Sơn, hiện là Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Yên.

Sau khi liên hệ bằng điện thoại để gặp và làm việc, vừa bước vào phòng ông Hoàng Văn Sơn sẵng giọng: "Tôi chỉ làm việc với người có giấy giới thiệu và không làm việc với người có thẻ Nhà báo".

Đây là đòi hỏi vô lý của ông Hoàng Văn Sơn, vi phạm Luật Báo chí năm 2016. Cụ thể là vi phạm khoản c - Điều 25 về "Quyền và nghĩa vụ của Nhà báo" trong Luật báo chí 2016, quy định rõ: "c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật".

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn số: 390/STTTT-BCXB dô ông Trần Gia Long, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông ký gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, Huyện ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Đảng ủy, UBND các xã, phường, thị trấn, nêu rõ khi làm việc với phóng viên các cơ quan báo chí:

- Không nên làm việc qua điện thoại, nên làm việc trực tiếp.

- Trong trường hợp, cơ quan, đơn vị chưa có điều kiện làm việc ngay với báo chí, có thể thống nhất với phóng viên, nhà báo để bố trí thời gian làm việc phù hợp.

- Khi tiếp xúc phóng viên báo chí: Chỉ làm việc khi thấy đủ điều kiện đảm bảo (xuất trình Thẻ Nhà báo - Như quy định tại Điều 8, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP, ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí). Với trường hợp phóng viên chưa được cấp Thẻ Nhà báo thì phải có Giấy giới thiệu do Tổng Biên tập hoặc Phó Tổng Biên tập ký còn thời hạn sử dụng, kèm theo chứng minh thư nhân dân. Các loại thẻ do cơ quan báo chí cấp không có giá trị pháp lý hành nghề (thẻ phóng viên, thẻ hội viên, cộng tác viên). Nếu người tự xưng là nhà báo, phóng viên mà không có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân thì có quyền từ chối làm việc và cung cấp thông tin.

Thiết nghĩ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật việc sử dụng súng không đúng quy định của ông Lê Quang Sơn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc), đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sự vi phạm Luật báo chí 2016 của ông Hoàng Văn Sơn, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm Y tế TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc).

Quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định tại Điều 25 Luật báo chí 2016, cụ thể như sau:
 
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo
 
1. Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo.
 
2. Nhà báo có các quyền sau đây:
 
a) Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp;
 
b) Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật;
 
c) Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;
 
d) Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
 
đ) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí;
 
e) Khước từ việc tham gia biên soạn hoặc thể hiện tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật.
 
3. Nhà báo có các nghĩa vụ sau đây:
 
a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;
 
b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm;
 
c) Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật;
 
d) Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
 
đ) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình và về những hành vi vi phạm pháp luật;
 
e) Tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
 
Phúc Vĩnh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xu-ly-nghiem-giam-doc-trung-tam-phong-chong-hivaids-dung-sung-a11142.html