Lễ dâng sách “Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử” tại đền thờ Đồng Sâm

Sáng ngày 24/9/2017, tại đền thờ Đồng Sâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã diễn ra lễ dâng cuốn sách “Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử”. Cuốn sách đã được các nhà nghiên cứu trình lên ban thờ Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế.

 
Các nhà nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm trước đền thờ Đồng Sâm

Có mặt tại buổi lễ dâng cuốn sách “Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử” lên ban thờ Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế tại đền thờ Đồng Sâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có ông Nguyễn Công Nghiệp – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết, PGS-TS Trương Sỹ Hùng, Giáo sư Trần Đình Sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Gia Thắng, ông Nguyễn Thiện Thái – Nguyên Chánh án Tòa án nhân dân huyện Kiến Xương... cùng lãnh đạo UBND xã Hồng Thái. Buổi lễ đã diễn ra trang nghiêm, thành kính.
 
Trước khi thực hiện dâng cuốn sách lên ban thờ, chuông trận rộn rã vang lên, sau đó là chuông lệnh. Cuốn sách đã tập hợp các chữ ký của các tác giả có bài viết, được Giáo sư Nguyễn Khắc Mai và PGS-TS Trương Sỹ Hùng kính cẩn dâng lên. PGS-TS Trương Sỹ Hùng đã đọc lại những cống hiến lớn lao của Triệu Vũ Đế và nhà Triệu đối với dân tộc. Qua đó cho thấy Triệu Vũ Đế là con người kiệt xuất, cả gan, dám xưng đế một phương trước một Trung Hoa lớn mạnh khi đó.

Được biết, cuốn sách “Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử”- công trình của nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành: Nguyễn Văn An, Lê Văn Chi, Tạ Đức, Kiều Thu Hoạch, Trương Sỹ Hùng, Vũ Thế Khôi, Lã Duy Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trịnh Sinh, Trương Sỹ Tâm, Nguyễn Hữu Tâm, Trần Thị Băng Thanh, Lê Ngọc Thành, Nguyễn Gia Thắng, Đinh Khắc Thuân, Lê Kim Thuyên, Hà Văn Thùy, Triệu Triệu, Phạm Lê Trung, Nguyễn Việt. Cuốn sách do Giáo sư Nguyễn Khắc Mai và PGS-TS Trương Sỹ Hùng chủ biên, được xuất bản vào tháng 7/2017.

Sau buổi lễ dâng cuốn sách, các nhà nghiên cứu đã ôn lại những cống hiến của Triệu Đà nói riêng và nhà Triệu nói chung, để thấy được những đóng góp cũng như vai trò đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Công Nghiệp – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, tuy ông là người “ngoại đạo”, nhưng ông rất ngưỡng mộ Triệu Đà. Ông cho rằng, nhân vật này cần được nhìn nhận và đánh giá lại. Tới đây, nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo lớn liên quan đến Triệu Đà và nhà Triệu đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.
 
 
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đánh giá Triệu Đà là người đã xưng đế chống lại nhà Tần, lập quốc với danh xưng Nam Việt, phân rã bờ cõi một vùng từ “nam Ngũ Lĩnh…đến Cửu Chân, Hoan Ái”, là sự mở đầu cho một thực thể mới, Việt tộc lập quốc, xưng đế, để rồi, các triều đại phong kiến Việt đời nối đời, họ nối họ “hùng cứ một phương”sánh cùng các thế lực phong kiến phương Bắc. Chúng ta bây giờ không thể quên, không thể dửng dưng, không thể coi Triệu Đà như một bóng dáng lịch sử xa xôi, dường như chẳng có gì liên quan đến hôm nay.
 
Triệu Đà đã có công tổ chức một Nhà Nước, một Quốc gia của Việt tộc, có quốc thống mới, với “Quốc danh Nam Việt” (lời Hồ Chí Minh). Ông lập một triều đình, một nhà nước. Tạo lập một minh triết giữ nước, giữ lấy độc lập, chủ quyền cho muôn đời, Triệu Đà đã xưng là Triệu Vũ Đế... PGS-TS Trương Sỹ Hùng nhận định, nhân vật Triệu Đà trong nghiên cứu lịch sử hiện đại vẫn tiềm ẩn những ý kiến chưa thống nhất trong đánh giá. Tổ tiên xa xưa của Triệu Đà là người Bách Việt. Sau này, với tài năng của mình, Triệu Đà đã lập nên nước Nam Việt, độc lập với nhà Tần.
 
 
PGS-TS Trương Sỹ Hùng đọc lại công lao to lớn của Triệu Đà trước ban thờ
 
Về việc tại sao ở đền thờ Đồng Sâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có đền thờ vua Triệu Đà, ông Trương Sỹ Hùng cho biết, theo thần tích và truyền thuyết khẳng định, trong lần đi kinh lý dọc các cửa biển, triền sông để mở rộng địa bàn sinh tụ, đến Đồng Sâm, ông đã lấy một người vợ thứ họ Trình là người làng.
 
Những ý kiến còn lại của các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao công lao to lớn của Triệu Đà và nhà Triệu đối với dân tộc ta. Chúng ta cần phải nhìn nhận lại, đánh giá lại về Triệu Đà và nhà Triệu. Qua đó, cần phải có những cuộc nghiên cứu nghiêm cẩn, dài hơi. Bởi không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi đã nhắc đến nhà Triệu trong Bình Ngô Đại Cáo, rồi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhắc lại Triệu Đà trong hai câu thơ “Triệu Đà là vị hiền quân/Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời” (trích thơ ca Cách mạng Việt Bắc 1936-1945 NXB VHDT 1977).
 
Xa hơn nữa, năm 40 sau công nguyên, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh Tô Định, có viết trong Hịch Trưng Vương có câu “Từ Kinh Dương Vương đến Triệu Vũ Đế/ Tương truyền chính thống, vua bậc thánh hiền/Dân là hưng khởi, dân yên nước thịnh”. Thời Đinh Bộ Lĩnh trước khi dẹp loạn 12 sứ quân đã dâng lễ xin Triệu Vũ Đế. Sau khi lên ngôi vua, ông đã đến đình lễ tạ Triệu Vũ Đế...
 
 
Đền thờ Đồng Sâm thờ vua Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế
Vũ Gia Hà

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-dang-sach-nha-trieu-may-van-de-lich-su-tai-den-tho-dong-sam-a11132.html