
Bà Ka Nhôi bên gia tài ché cổ của gia đình mình.
Người nặng lòng với ché
Ngược hướng Quốc lộ 20 về cây số 16 (thuộc địa phận xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, Lâm Đồng), nhà của K’Brêu nằm lọt thỏm trong một quãng đồi thấp chan hòa nắng gió. K’Brêu không có nhà, chỉ có vợ là bà Ka Nhôi. Nhưng nghe người K’ho trong làng bảo thì hai vợ chồng ấy như một, đều nặng lòng với văn hóa K’ho mình.
Tưởng chúng tôi là giới mua đồ cổ nên khi vừa chạm mặt, một cụ ông trạc chừng 80 tuổi nói như dò hỏi: “Mấy anh đến mua ché cổ phải không? Ở đây không có đâu. Mà có cũng không bán đâu. Giữ lại cho lũ trẻ thôi!”. Rồi ông cụ lặng lẽ ngồi cạnh bà Ka Nhôi, không hỏi thêm nhưng đầy vẻ nghi ngờ. Theo lời kể của bà Ka Nhôi, hiện hộ gia đình bà đang sở hữu nhiều ché cổ nhất chốn này với hơn 50 chiếc ché lớn, nhỏ khác nhau, được sắp xếp cẩn thận ở một bên vách nhà. Trong đó có những chiếc ché hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, trong đó, có đến 6 chiếc ché cổ có giá từ 100 đến 180 triệu đồng.
Theo bà Ka Nhôi, để có được những chiếc ché này, cụ cố của bà đã phải lặn lội đổi mỗi chiếc ché từ 2 đến 10 con trâu, tùy theo giá trị của mỗi chiếc. Tuy nhiên, khi chúng tôi gặng hỏi về nguồn gốc, giá trị cụ thể của mỗi chiếc ché thì bà Ka Nhôi bảo “không biết”. Bà Nhôi nói là nói chơi vậy thôi, chứ là người con của núi như bà thì đâu có lạ gì giá trị của ché, nhưng tôi không hỏi nữa. Tuy nhiên, theo bà Nhôi thì hiện tại những ché cổ còn được ông bà lưu giữ nơi đây chỉ bằng một nửa so với những năm trước đây. Bây giờ, khó nhà nào có thể giữ được nguyên vẹn những cổ vật trong nhà. Bà Ka Nhôi bảo ché gắn liền với đời sống sinh hoạt lễ hội thần thánh của đồng bào K’ho tự ngàn đời. Ché thể hiện đẳng cấp, sự giàu - nghèo của người sở hữu. Hơn thế, ché còn được người K’ho xem như một linh vật. Xưa kia, trong những đêm trường gió hú, bên ánh lửa nhà sàn, bên ché rượu cần không bao giờ cạn, các lời ru, kể hát được truyền từ đời bà, đời mẹ sang đời con, đời cháu. Cứ thế, cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng, ngôi nhà dài, rượu cần, lửa rừng…, chiếc ché đã lặn sâu vào ký ức cộng đồng. Ngày xưa, tộc họ nào được xem là giàu có khi có được nhiều của cải, ché chiêng cổ và luôn có địa vị trong xã hội. Do đó, đồng bào luôn ưa chuộng sắm ché cổ để thể hiện sự giàu có, uy tín của mình. Những cổ vật được đồng bào xếp ngay ngắn trên gác bếp, trên bàn thờ thể hiện sự giàu có của mỗi gia đình, tộc họ.
Nghe nhiều người kể chuyện sưu tầm cổ vật, tôi cứ nghĩ đến những đại gia dư giả tiền bạc, nhà cửa khang trang, thế nhưng khi ngồi trong ngôi nhà của vợ chồng Ka Nhôi thì hoàn toàn ngược lại. Nhà thấp, vách ván tạm bợ, mọi thứ trong nhà tuềnh toàng, duy chỉ có những chiếc ché và nhiều cổ vật mà ông bà sưu tầm được là quý nhất. Với ông bà mỗi cái chiêng, ché, vòng đeo tay của dân tộc mình hàm chứa cả một kho tàng văn hóa mà không phải ai cũng khám phá ra.
Sự trăn trở cùng với niềm đam mê sẵn có nên ông K’Brêu và vợ đã cất công đi khắp các làng để sưu tầm. Những lúc tìm được vật quý mà không có tiền, ông bà lại chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để kiếm tiền mua về, sau đó lại đi làm công lấy tiền trả nợ. Đề cập đến số phận của những cổ vật thì bà Ka Nhôi buồn buồn: “Nhiều người tìm mua nhưng tôi không bán, tôi muốn trưng bày để mọi người hiểu thêm văn hóa truyền thống. Đặc biệt, tôi mong muốn sẽ để lại “gia tài” này để đứa con gái của tôi hiểu thêm về văn hóa nơi nó đang sống, hy vọng nó sẽ hiểu niềm đam mê của cha mẹ!”, bà Ka Nhôi nói.
Một góc gia tài của gia đình bà Ka Nhôi.
Nỗi buồn của núi
Nói chuyện với tôi, bà Ka Nhôi buồn buồn cho biết, do giá thành của mỗi chiếc ché rất cao, trung bình từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng nên nhiều năm trở lại đây, số lượng tiểu thương miền xuôi lên ngỏ lời mua ngày một nhiều. Ché được trả với giá cao khiến nhiều gia đình đã bị đồng tiền làm cho hoa mắt và lần lượt bán đi một cách không thương tiếc. Lần đầu tiên cổ vật làng được bán với giá 30 triệu đồng/cái của nhà ông K’Grấy đã vô tình mở ra trào lưu mua bán cổ vật giữa đại ngàn này. Và ít tháng sau đó, hộ ông K’Pếp cũng đã bán đi chiếc ché cổ của nhà mình để xây nhà mới, trang trải cuộc sống. Từ đó về sau, nhiều chiếc ché cổ, rồi cả những chiếc chiêng, mâm đồng, nồi đồng, cũng lần lượt được bán đi cho các tiểu thương miền xuôi, những người chuyên buôn đồ cổ. Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người lên hỏi mua ché cổ và ra giá rất cao khiến người dân khó giữ được lòng tham của mình nữa.
Có tiền, đồng bào đua nhau xây dựng những ngôi nhà xây khang trang phục vụ cuộc sống lâu dài. Chỉ trong thời gian ngắn, số nhà xây tại làng đã mọc ngày một nhiều; rồi điện lưới được kéo về, cuộc sống của đồng bào đã thay đổi hẳn; những chiếc tivi, xe máy cũng dần được sắm sửa theo từng hộ gia đình. Và như một lẽ tất nhiên, một khi cuộc sống của đồng bào đã thay đổi, những sắc phục sành điệu nơi những người trẻ cùng với dấu vết thị thành đang lấn át loại hình văn hóa núi vốn duy cảm, hồn nhiên. Những ngôi nhà xây ngày càng nhiều, trong khi ngôi nhà dài chính là nơi để “nuôi” cái ché, cái chiêng nhưng không gian ấy đang ngày càng bị thu hẹp. Mất rừng, mất nhà dài là mất đi một dạng thức văn hóa, đồng nghĩa với việc số lượng cổ vật ở làng ngày một ít dần và đứng trước nguy cơ biến mất. Trong khi ý thức bảo quản của người dân chưa cao, sự quản lý buông lỏng của các nhà chức trách địa phương cùng với đó là giá thành mua cổ vật rất cao từ các thương gia, đã khiến những cổ vật có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại làng cứ thế ra đi theo sức hút của đồng tiền…
Thi thoảng, trong câu chuyện với chúng tôi, Già K’Liuh năm nay 81 tuổi, người nhỏ thó trong bộ áo len cũ, nhưng ánh mắt thì cực kỳ sắc sảo ngồi buồn như bóng núi. Già bảo “Mất rồi! không còn gì nữa rồi. Ché không còn, chiêng không còn. Lũ trẻ cũng không còn say sưa với văn hóa người K’ho nữa! Buồn lắm!” già K’Liuh nói mà đôi mắt buồn thăm thẳm. Trong đôi mắt của già đã chẳng còn thấy một bộ trang phục thổ cẩm nào. Hình ảnh các sơn nữ địu con lên rẫy lại càng tuyệt nhiên không. Từ rừng, con người đi ra. Nhưng cũng từ rừng, con người lại mất hút vào đó. Rừng là bản nguyên, là cội nguồn ở đầu bên này và cũng là cõi mịt mùng thăm thẳm phía bên kia… Giờ thì rừng không còn nữa, già K’Liuh buồn là phải.
Trọng Đức