Ngụp lặn đời nghêu theo con nước vơi đầy

Mùa này biển lặng, những con sóng cứ xô vào bờ chao chát. Người đàn ông đi biển, người phụ nữ và đám trẻ con ở nhà, xách cào ra biển. Những con nghêu gầy guộc là nguồn sống thêm không chỉ của một, một vài, mà của hầu như tất cả người dân làng biển Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam).



Những người phụ nữ lặn ngụp với biển...

Phụ nữ, trẻ em, cái cào và con sóng…

Buổi trưa biển vắng, những con thuyền cũ kỹ nằm chơ vơ quăn queo dưới cái nắng nóng chan chát mặt người. Bên cạnh sự xơ xác vì gió biển đến thê lòng của một làng biển, những người phụ nữ, những chú bé mặt cúi gầm xuống bọt sóng, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Một chị phụ nữ xách cào đi xuống mép nước, và dần dần từ trên bãi cát mênh mông, người dân làng biển Hà Quang và Phước Lộc (Tam Tiến, Núi Thành) kéo nhau ra ngoài khơi xa gần cây số, nơi con nước ròng rút đi bỏ lại bãi cát màu xám xịt, để làm cuộc mưu sinh mỗi ngày. Chị Trần Thị Thu (39 tuổi, thôn Hà Quang) nhìn con nước, nhìn trời rồi tấm tắc: “Hôm nay biển lặng và yên ắng thật. Trời cũng quang đãng không mưa dầm như những hôm trước. Đây là thời tiết thích hợp nhất để chúng tui cào đây!”. Nói rồi chị lội xuống nước, những con sóng lăn tăn dưới thân mình…

Ở những làng biển này, bắt đầu từ khoảng 5 giờ sáng, những thuyền đánh cá ngoài khơi trở về và các tiểu thương chờ sẵn ào ra. Họ chọn mua hải sản rồi đổ về các chợ trung tâm bán. Rồi chỉ một lúc sau, chợ cá buổi sáng sẽ vãn. Người đàn ông đi biển sẽ về nhà ngủ, hay làm bạn với vài xị rượu đế để giải bớt đi những nhọc nhằn trên biển. Còn lại đám đàn bà và trẻ nít lại phải ngâm mình trong nước, trân mình hơi sương giá lạnh để kiếm thêm chút tiền từ chiếc cào đơn sơ để bù vào những chuyến biển không thành của cánh đàn ông. Bà Phạm Thị Hồng (58 tuổi, thôn Hà Quang) trầm ngâm: “Mấy năm nay những đội tàu đi biển thu nhập không còn được như trước, giá cả xăng dầu lại đắt đỏ nên có chuyến biển đi về lỗ nặng. Nhưng không biết đi biển thì còn biết làm gì. Cái nghề cào nghêu này được bao nhiêu đâu chú, nhưng nó cũng giúp chúng tôi có được cái ăn cho qua ngày!” Ở làng biển này, hàng ngày có hàng trăm người đi cào nghêu để bán lấy tiền, nhưng chỉ có phụ nữ và trẻ em làm thôi, đàn ông đều đi biển hết. Suốt ngày họ phơi mình trong nắng, gió và nước biển, nếu may mắn có người kiếm được vài trăm ngàn đồng, góp phần cải thiện cuộc sống. 

Nghề này thu nhập không cao, nhưng an toàn và không cần đầu tư gì nhiều. Dụng cụ cào nghêu khá đơn giản, gồm thanh gỗ, tấm lưới, bên dưới gắn lưỡi sắt, có thể tự làm hoặc mua với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng, cùng chiếc túi đựng nghêu bằng vải hoặc nilông đeo ngoặt phía sau lưng là có thể hành nghề. Thêm vào đó là sức chịu đựng dẻo dai với nắng gió và nỗi buồn chán. Bà Hồng ngậm ngùi: “Phải dùng mười đầu ngón tay bới cát tìm nghêu. Lâu ngày móng tay bị cát, vỏ ốc, mảnh sành... cứa làm cho chai sần hết, đau nhức không chịu nổi. Chân ngâm trong nước biển lâu ngày nên bị nước ăn, bong tróc ngứa ngáy vô cùng. Những người làm lâu ngày thì mắc chứng khớp, đau lưng, cột sống… đủ bệnh cả chú ơi. Mà không làm thì còn biết làm gì nữa!” Gần 60 tuổi thì cũng ngần ấy năm bà Hồng gắn cuộc đời mình vào những con nghêu và lao xao sóng nước. Giờ đây khi đã bước về già, bà mới biết mình bị thoái hóa gần hết đốt sống lưng. Cứ làm vài phút, bà lại phải nghỉ giải lao dùng tay đấm vào lưng bùm bụp để bớt đau.

Nhưng việc cào nghêu cũng tùy vào sự may mắn, có khi cào cả buổi mà chẳng thấy nghêu đâu nhưng có ngày chỉ cào một lúc cũng được kha khá. “Muốn tìm được nghêu, phải kiên nhẫn. Ngày nào khá tui cũng kiếm được 50 đến 70 ngàn đồng, nhưng cũng có khi về không!” chị Phan Thị Hải (33 tuổi, thôn Phước Lộc) cho biết. 

Công việc này cũng bấp bênh và không có giờ giấc cụ thể vì phải tùy thuộc vào con nước lên, xuống. Bất kể sáng sớm, trưa hay khi trời nhá nhem tối, hễ nước rút là họ lại lao xuống biển. Trên bãi biển Tam Tiến, nhiều đứa trẻ cũng còng lưng vác chiếc cào cao quá người, chờ những con nước rút xuống lần lần để xuống cào. Trong khoảng không gian mênh mông của biển, hàng chục người thoăn thoắt cùng những chiếc cần cào. Có bao nhiêu sức lực họ đều dùng hết trong quãng thời gian này, bởi không thể chậm trễ hơn được nữa vì con nước thủy triều lớn đầy lên dần sẽ không chờ đợi họ. Trong số hàng chục người nhấp nhô, tận tụy cào, có những cái bóng nhỏ xíu cũng nhấp nhô theo con sóng bạc đầu, bạc người…
 




... họ ngâm mình dưới nước rất dễ viêm nhiễm và suy giảm sức khỏe. 

Màu của biển

Trưa trên bãi biển, những sợi nắng như dao cứa rát mặt người, đưa tay quệt vội dòng mồ hôi nhễ nhại trên trán, một cậu bé đáp lại lời tôi gọn lỏn và chua chát: “Khi cái bụng không no được thì còn biết gì nữa hả chú! Học hết lớp 3 là con đã biết cào nghêu rồi, đến chừ thì con đã trở thành dân cào chuyên nghiệp rồi. Mỗi ngày có hai con nước ròng cạn bất kể ngày hay đêm, kiếm thêm được trên 40.000 đồng. Đưa cho cha mẹ còn lại để dành, uống cà phê, chơi game… vậy là vui rồi!”. Tôi nhìn cậu bé, thân hình gầy guộc, đen rám, gương mặt già câng so với cái tuổi 12 của mình. Cậu bé cười: “Suốt ngày dãi nắng dầm mưa cùng biển, phải chạy đua với những con sóng thì làm sao tránh khỏi sự bào mòn của khí hậu biển. Ở đây ai cũng vậy hết chú à!”

Biển trưa vắng lặng, chỉ có tiếng gió thổi thông thốc đẩy những con sóng xô vào bờ nghe rạt rào bên tai. Nhưng điều đó không đủ để hăm dọa, cản ngăn bước chân những đoàn người cào nghêu ở đây.

Chị Phan Thị Chiến cười chua chát: “Gia đình tui có 3 đứa con mà chỉ có cần cào này là nuôi cho chúng ăn học. Làm được ngày nào là xào hết ngày nấy, nuôi lũ nhỏ cho nó học được đến đâu thì hay đến đó chứ không biết được. Đứa lớn mới 9 tuổi nhưng trông gầy yếu lắm nên chưa khiêng nổi cần cào, nếu không thì cũng cho nó nghỉ học để gia nhập “đội quân” cào nghêu này thôi.” Đấy là chuyện học, chuyện chăm lo cho lũ trẻ. Mà đâu phải chỉ một người, một gia đình. Đấy là chuyện của nhiều gia đình, của nhiều làng biển. Nhưng còn biết bao điều khác từ nghề cào nghêu!?

Chị Võ Thị Bảy (thôn Phước Lộc) bộc bạch: “Biết ngâm mình dưới nước như thế này dễ bị viêm nhiễm này nọ chứ, nhưng không làm thì lấy gì ăn. Khi nào có bệnh thì mua thuốc uống vậy. Mình cố từng ngày đi cào để kiếm tiền lo cho mấy đứa con nó có cái chữ, để mai này sẽ không khổ như mình nữa!” Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ được như chị Bảy, vì có nhiều gia đình vẫn để con nghỉ học “nối nghiệp” cào nghêu. Chị Bảy ngậm ngùi: “Biết là sức khỏe sẽ giảm sút nếu cứ ngâm mình mãi trong nước như thế này. Nhưng chú thấy đấy, đàn bà trẻ con chúng tôi còn làm gì hơn bây giờ hở chú, khi cuộc sống ở đây chỉ có nghề này còn làm ra được tiền, còn những nghề khác thì xem như vô vọng. Đất nông nghiệp thì không có, đi biển thì chuyến được chuyến thua. Chẳng lẽ ngồi chờ chết đói hay sao mà không chịu ra biển để cào nghêu chứ!”.

Trời dần về trưa, nắng chiếu xuống bỏng rát nhưng những người thợ cào nghêu vẫn cặm cụi đãi từng lớp cát tìm nghêu và chạy đua với con nước đang dâng cao dần. Màu của biển ám lên từng đôi cánh tay, từng đôi mắt và cả những câu nói mặn đắng của đời nghêu, chan chát đắng...
 
Minh Ngọc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ngup-lan-doi-ngheu-theo-con-nuoc-voi-day-a11126.html