Viết kịch bản sân khấu với thể loại Kịch nói là một việc không dễ của một nghề khá chông chênh trong phạm trù “Nghiệp” khắc nghiệt – khi hiểu đó là… cái lẽ sống phải nhận, phải tự dằn vặt, tự xé nhỏ cắt lát mình trong nhằng nhịt những nghịch lý vô chừng mà học thuật gọi là: mâu thuẫn!
“Mâu” là vật nhọn phải cố đâm cho thủng!
“Thuẫn” là vật đỡ phải không để bị đâm thủng!
Hai cái “phải” đó tạo nên yếu tố “kịch tính” của sân khấu mà trước hết “Nó” phải được bắt đầu từ trong kịch bản của tác giả. (Nếu có thể nói: Mâu thuẫn là “đặc sản” mang tính bất biến làm nên sân khấu).
Có nhiều quan niệm về sân khấu, nhưng quan niệm: Sân là sàn, khấu là đấu – sân khấu là cái sàn diễn ra các cuộc đấu quyết liệt, không khoan nhượng, thậm chí là hủy diệt nhau,… để dẫn tới một “nhận cảm” có tính triết học, tư tưởng – thẩm mỹ,… làm thay đổi tình huống, tình thế, tình người,… nên được quan tâm hơn cả.
Tác giả kịch bản là chủ thể tạo dựng kết cấu cốt chuyện kịch, trong đó – mâu thuẫn (ở các cấp độ và phạm vi khác nhau) là vấn đề trung tâm.
Đứng về “giới tính” – người đàn ông gần với sự “va đập” hơn.
Vậy thì Người phụ nữ viết kịch bản sân khấu (thể loại Kịch nói) tạo dựng mâu thuẫn từ “trái tim yêu thương” đầy “nữ tính” – sẽ phải “đánh đổi” một phần “mình” trong tác phẩm.
Cây bút Nữ - Thanh Hương chấp nhận cuộc “đổi” đó tự nhiên như là… “nó” phải thế để được đúng Mình là người bị “chọn” – được “bắt” để làm Nữ nông cày trên cánh đồng chữ.
(Căn cứ vào bảng thống kê thì “Mùa hoa bưởi” viết, dựng năm 1962 và “Đối mặt” là năm 2015! Tức là có tới 53 năm, Tác giả Thanh Hương đắm vào các vấn đề của cuộc sống, trong cuộc đời các Con người Nhân vật vừa có thật và lại cần phải “hư cấu” để “có kịch” - Làm nên kịch tính hấp dẫn Đơn vị biểu diễn và Ekip “chọn dựng” và sau cùng là đến với người xem.
Nhiều chất liệu người để có Con Người của kịch bản và sân khấu.
Đề tài Bà viết – đa dạng!
Nhiều kịch chủng sân khấu dựng kịch bản của Bà!
Sân khấu Địa phương Bà dừng lại nhiều hơn (như là…) Quảng Ninh với 2 HCV cho “Khi tình yêu lên tiếng” (1990), “Vàng” (1985) và gần 30 kịch bản, sau đó là các tập kịch bản và ấn phẩm sách, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cùng trách nhiệm của 1 Đại biểu Quốc hội – đó là Nhà viết kịch (Nữ) Thanh Hương của chúng ta, của sân khấu đương đại.
Những gì Bà đã làm, làm xong cho mình, cho cả chúng ta – đã được định vị “giá trị”.
Tôi – ngưỡng mộ Nhà viết kịch (Đặng) Thanh Hương trong công việc có tính Định mệnh của Cuộc đời tôi là: Văn học và Sân khấu.
Và … mong - Bà rút “kén” phần còn lại đáng trân trọng của Cuộc đời – viết tiếp.
NSƯT, Đạo diễn Lê Chức