Khâm Thiên Giám triều Nguyễn hiện nay ra sao?

Đối với các quốc gia phương Đông, nơi mà người dân chịu ảnh hưởng rất lớn trong tín ngưỡng tâm linh, thờ cúng, phong thủy thì ở đó vai trò của thiên văn học càng hết sức quan trọng.

Kể từ ngày chấm dứt chế độ phong kiến (1945) thì Khâm Thiên Giám triều Nguyễn đã không còn hoạt động. Tuy nhiên những chứng tích của nó còn lưu lại cho đến ngày nay khiến cho những du khách tham quan trong và ngoài nước không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối.
 


Cổng vào Khâm Thiên Giám đã hư hỏng nặng nề

Từng là “trung tâm khí tượng” của nước Việt Nam

Những năm đầu sau khi lên ngôi vua, vua Gia Long (1802 – 1820), quyết định cho xây dựng Khâm Thiên Giám, đây là cơ quan trực thuộc bộ Lễ, chịu trách nhiệm giữ việc liệu đoán khí hậu, suy tính độ mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, nghiệm hiện tượng trời đất để dạy bảo dân thì giờ làm ăn, biên soạn lịch. Việc phát hành lịch trong toàn quốc của Khâm Thiên Giám có ảnh hưởng lớn trong việc, theo dõi lựa chọn ngày giờ làm ăn, gieo, gặt mùa vụ của người nông dân.
 






Chứng tích về thiên văn học mang giá trị văn hóa, lịch sử cao

Vì vậy, Khâm Thiên Giám được xem là nơi hệ trọng của quốc gia, ấn định tất cả những ngày, tháng tốt xấu trong việc tổ chức những lễ tế trời đất, xã tắc, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đó là những lễ tế quan trọng hằng năm của chế độ phong kiến xưa, và được xem là nguồn cơn của sự thịnh trị, an bình quốc gia. Bên cạnh đó, các quan lại trong Khâm Thiên Giám đều là những người am hiểu thiên văn, địa lý, phong thủy trực hỗ trợ vua và hoàng tộc xác định những khu vực phong thủy tốt để xây lăng miếu thờ tự.

Sau này, vua Khải Định cho dời Khâm Thiên Giám về khu vực phía Tây sát bên Đại nội nằm ngay bên cạnh Bộ học và từ đó tồn tại mãi đến năm 1945. Cũng như bao công trình cổ trên đất cố đô, với kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống, Khâm Thiên Giám kết hợp với Bộ học nằm cạnh bên tạo nên một chuỗi công trình kiến trúc đa dạng về mặt phong thủy lẫn kết cấu. Bên trong Khâm Thiên Giám hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều những chứng tích nghiên cứu về chiêm tinh, bói toán và còn nguyên giá trị tham khảo, nghiên cứu cho đến ngày nay.
 


Gian nhà chính đã đổ nát phần nhiều



Một góc phần mái đã đổ sập hoàn toàn

Xuống cấp trầm trọng

Hiện nay phủ Khâm Thiên Giám tọa lạc ở địa chỉ 82 Hàn Thuyên, TP Huế, nhưng chỉ còn lưu lại những dấu tích ít ỏi so với tổng thể đồ sộ như trăm năm về trước. Chiếc cổng vào bám đầy rong rêu, gian giữa ngôi nhà đã đổ nát hơn 50%, diện tích còn lại đều đã được người dân dọn đến sinh sống và bám trụ đã hàng chục năm ở nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Duyệt, con dâu của quan Tống Châu Phu từng làm việc tại Khâm Thiên Giám ngày trước, tâm sự: “Trước đây, Khâm Thiên Giám vốn là một nơi rộng rãi, thoáng mát. Những qua những năm bị chiến tranh tàn phá nên hư hại rất nhiều. Cùng với đó việc sau ngày giải phóng, người dân dọn đến đây sống nhiều, lâu ngày lấn chiếm diện tích khu vực, hiện nay thì Khâm Thiên Giám chỉ còn trơ lại gian nhà chính giữa nhưng cũng đã xuống cấp trầm trọng”.

Được biết bà Duyệt đã gửi đơn lên UBND tỉnh và Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, nhằm bày tỏ nguyện vọng di chuyển đến khu tái định cư mới, trả lại phần diện tích đang sinh sống tại Khâm Thiên Giám để Nhà nước thực hiện việc trùng tu và bảo tồn di tích. Tuy nhiên đến nay, nguyện vọng của bà vẫn chưa được đáp ứng.
 


Án thờ đưc Khổng Tử đổ nát bên một góc gian nhà



Bản quy hoạch Khu vực Khâm Thiên Giám và Bộ Học được dựng cạnh bên đường Hàn Thuyên, TP Huế

Theo tìm hiểu, vào mùa mưa ở khu vực này thường xuyện bị ẩm thấp, mưa dột, khả năng đổ sập của các cột chống là rất lớn, gây nguy hiểm cho người dân sống xung quanh. Đầu năm 2017, bà Hồ Thị The đã chủ động dời đi nơi khác sinh sống do lo ngại khu vực gian nhà giữa phủ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trước tình hình đó, UBND tỉnh cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã nhiều lần cử chuyện viên về đo đạc, nghiên cứu đánh giá mức độ xuống cấp của công trình, qua đó ghi nhận thực trạng để có những phương án trùng tu di tích khu vực di tích Khâm Thiên Giám. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các cơ quan ban ngành có thẩm quyền có cơ chế trùng tu, bảo tồn hợp lý thì khu vực này đang ngày càng xuống cấp trầm trọng hơn. Đáng chú ý, là khu vực Khâm Thiên Giám và Bộ Học gần đó đã được chính quyền khoanh vùng bảo vệ và có phương án trùng tu từ lâu.

Đều đáng buồn là, tuy nằm ngay sát bên Đại nội và nằm trong khu vực quần thể di tích Cố đô Huế nhưng khi khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tham Khâm Thiên Giám đều không khỏi tiếc nuối cho số phận của một nơi từng là “trung tâm khí tượng” của nước Việt. 
 
Bảo Trung - Xuân Trường

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/kham-thien-giam-trieu-nguyen-hien-nay-ra-sao-a11116.html