Nguyễn Quang Bích, thi tướng của miền Tây Bắc

Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890) tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong là một vị quan thanh liêm của triều đình nhà Nguyễn, một danh tướng của phong trào Cần Vương lãnh đạo quân dân khắp vùng Tây Bắc tiến hành phong trào kháng chiến chống Pháp hồi cuối thế kỉ XIX. Đồng thời ông cũng là một nhà thơ yêu nước.

Thơ ông là một bức tranh sinh động về cảnh vật và cuộc sống kháng chiến của con người vùng Tây Bắc. Ở đấy người ta nghe thấy một tiếng lòng yêu nước sục sôi, bi hùng thống thiết. Ngót 130 năm đã đi qua, tấm lòng yêu nước thương dân của ông vẫn còn sống mãi trong lòng người Tây Bắc. Ông quả xứng danh là “Phật sống” như đương thời nhân dân đã từng ngưỡng mộ và xưng tụng.
 


Quân vụ đại thần, Thuần trung tướng quân Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890)

Nguyễn Quang Bích vốn họ Ngô nhưng ông nội ông lại đổi sang họ ngoại, họ Nguyễn. Bởi thế ông còn có tên gọi là Ngô Quang Bích. Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức 7 tháng 5 năm 1832) tại làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Nghe kể, thủa nhỏ ông học rất giỏi nhưng đỗ muộn. Năm 1861, ông đỗ cử nhân và được bổ làm giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Làm được một năm thì ông cáo quan về dạy học. Đến năm 1869 ông tiếp tục thi đình và đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ. Sau đó ông được bổ làm Tri phủ Lâm Thao (Phú Thọ), rồi Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) và lần lượt làm Án sát tỉnh Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám Huế, Án sát tỉnh Bình Định. Năm 1875, ông từng được vua Tự Đức giao cho duyệt bộ sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”. Cũng trong năm đó nhà Nguyễn cho mở doanh điền Hưng Hóa (Phú Thọ) để vừa khai hoang vừa phòng vệ ở khu vực núi rừng Tây Bắc và Nguyễn Quang Bích lại được cử làm Chánh sứ sơn phòng, năm sau ông được kiêm thêm chức Tuần phủ Hưng Hóa. Năm 1885, khi vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu và nhân dân cả nước đúng dậy chống Pháp cứu nước, Nguyễn Quang Bích được phong cấp Thượng thư bộ Lễ sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ đại thần, được toàn quyền chọn văn võ các cấp và hai lần được giao nhiệm vụ mang quốc thư sang Trung Quốc cầu viện. Tuy nhiên do Pháp - Thanh ký ước Thiên Tân (1885) nên việc bất thành. Nói vậy nhưng ông cũng đã phần nào tranh thủ được tình cảm và sự giúp đỡ ít ỏi của người Trung Hoa, cụ thể là Sầm Dục Anh (Tổng đốc Vân Quý) đã gửi một ít vũ khí, đạn dược, vật phẩm sang để khích lệ tinh thần kháng chiến của nghĩa quân.

Suốt cuộc đời làm quan, Nguyễn Quang Bích sống thanh liêm, đức độ. Đặc biệt, ông là vị quan nhà Nguyễn cương quyết chống lại đường lối thỏa hiệp với Pháp. Sau sự việc cầu Thanh bất thành, Nguyễn Quang Bích đã trực tiếp lãnh đạo phong trào chống Pháp ở Tây Bắc. Khi Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã chỉ huy binh lính giữ thành. Do lực yếu quân mỏng, Nguyễn Quang Bích định theo gương Tổng đốc thành Hà Nội (Hoàng Diệu) tuẫn tiết ngay trên vọng lâu của kỳ đài. Tuy nhiên các tướng lĩnh bên ông đã kịp thời can ngăn, đưa ông lên ngựa, phá vòng vây của quân Pháp chạy về Tam Nông (Phú Thọ) rồi đến Cẩm Khê (Phú Thọ). Tại đây ông đã thu thập quân binh tính chuyện chiến đấu dài lâu, ông đã nói với các tướng sĩ và con cháu rằng: “Ta đã đem thân hứa quốc, không cần đi lại thăm nom. Sau này có nhớ đến ta cứ lấy ngày mất thành Hưng Hóa mà làm giỗ”. Và quân Pháp đã không ít lần sai người dùng vinh hoa phú quí dụ ông đầu hàng nhưng Nguyễn Quang Bích đã khẳng khái mà trả lời bọn chúng: “Rồi, nếu mà thắng, mà sống thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết thì cũng làm qủy thiêng giết giặc… Thà chịu tội với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế; một chữ thú từ nay xin đừng nhắc lại nữa và cũng đừng có khuyên bừa”.

Từ năm 1885 đến 1890, Nguyễn Quang Bích vừa trực tiếp chỉ huy lực lượng vừa tìm cách liên kết với các thủ lĩnh phong trào yêu nước khác trong vùng như Nguyễn Thiện Thuật, Đèo Văn Trì, Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan, Cầm Văn Thanh để cùng chống Pháp. Và, ông cũng đã lôi kéo được khá nhiều sĩ phu, hào trưởng cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Thái, Mường, H’Mông, Dao, Nùng… trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc ủng hộ nghĩa quân nổi dậy chống Pháp. Cuộc kháng chiến của ông đang phát triển và thu được một số thắng lợi thì bất ngờ ông đổ bệnh rồi mất tại căn cứ Tôn Sơn vào ngày rằm tháng Chạp năm Canh Dần (tức 24 tháng 1 năm 1890). Ông ra đi trong niềm thương tiếc và ngưỡng mộ của mọi người, khi nợ nước còn giang dở. Thi hài của ông đã được nghĩa quân mai táng tại đại bản doanh trên núi Tôn Sơn - Mộ Xuân xã Xuân An, huyện Yên Lập (Phú Thọ). Vài năm sau, hài cốt của ông đã được gia đình bí mật đưa về quê nhà. Cảm kích tấm lòng nhân nghĩa, yêu nước của Nguyễn Quang Bích, nhân dân nhiều nơi ở Phú Thọ đã dựng đền, miếu để thờ ông và nghĩa quân; đặc biệt ở chính nơi ông mất nhân dân đã suy tôn ông làm thành hoàng và thờ trong đình Đạng. Chiến khu xưa của Nguyễn Quang Bích với ngọn đồi, khe suối ở Tôn Sơn vẫn được nhân dân lưu giữ và nhắc đến như một kỉ niệm thiêng liêng. Giờ đây phần mộ, từ đường và những đình, đền thờ Nguyễn Quang Bích và các nghĩa binh ở các căn cứ Tôn Sơn - Mộ Xuân (Yên Lập) hay Tiên Lương (Cẩm Khê) đều đã được công nhận là những di tích lịch sử văn hóa. 

Không chỉ là nhà ngoại giao, không chỉ là vị tướng của nghĩa quân chống Pháp ở Tây Bắc, Nguyễn Quang Bích còn là một thi nhân trên đất này. Nói cách khác, ông là một thi tướng của vùng Tây Bắc thời chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX. Các tác phẩm của ông trong hoàn cảnh như thế chắc chắn đã bị thất lạc khá nhiều. Nhưng những gì còn lưu giữ và tìm lại được (văn có bài “văn sách” trong cuộc thi đình, “Thư trả lời quân Pháp”; thơ có “Ngư phong thi tập” gồm 97 bài), ta thấy ông là người có tri thức sâu rộng, có tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc; đặc biệt là tình yêu nước tha thiết và căm thù giặc sâu sắc. Hãy khoan bàn đến bài “văn sách” hay bức thư trả lời quân Pháp, chỉ xem riêng “Ngư phong thi tập” ta cũng đủ để nhận ra những điều đã nói.

Trước hết, thơ của Nguyễn Quang Bích là tiếng nói đầy trách nhiệm của một trang nam nhi trước vận mệnh cứu nước khi tổ quốc bị lâm nguy. Bởi thế trong ông lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm của kẻ sĩ với đất nước: “Vị hữu quyên ai năng báo quốc/ Khả kham bôn thoán cận toàn thân” (Tống quy nhân cảm tác); dịch nghĩa: “Chưa chút mảy may đền nợ nước/ Lòng nào trốn tránh vẹn riêng thân”. Và, hơn ai hết bao giờ ông cũng biết đặt nghĩa lớn vượt lên tình riêng: “Cảm tác hương quan nhi nữ niệm/ Bức viên đồ bản chúa tâm ưu” (Đối hữu nhân diện đàm); dịch nghĩa: “Đâu dám để lòng vương vấn tình vợ con, làng xóm/ Mà chỉ vì bức dư đồ đang khiến lòng vua lo lắng”. Tâm sự này của ông ta không chỉ thấy ở trong thơ mà còn là sự thực ở ngoài đời. Nghe kể, thấy Nguyễn Quang Bích là người có uy tín, Pháp cho Bố chính Hưng Hóa là Bùi Quang Bích và Tri phủ Lâm Thao là Nguyễn Khái Hợp tới dụ hàng nhưng ông đã từ chối. Không khuất phục được ông, bọn chúng đã cho bắt bắt mẹ ông để dụ. Nhưng vì nghĩa lớn, ông đã gạt nước mắt để tiếp tục kháng chiến. Một con người “trung quân ái quốc” đến như vậy nên khi nhìn cảnh giang sơn gấm vóc bị “rợ Tây dương” chà đạp, thôn tính thì lòng nào chẳng đau, chẳng tủi. Nỗi niềm ấy ông cũng đã cất lên thống thiết: “Giang sơn cử mục hồn như tạc/ Phong vũ thương tâm chỉ tự sầu” (Di trú Văn Chấn Thượng Bằng La); dịch nghĩa: “Đưa mắt nhìn núi sông, thấy cảnh sắc vẫn còn như cũ/ Nhưng đau lòng khi mưa gió bên trời, nghĩ vận nước càng thêm buồn tủi”. Bởi thế, ông thề quyết tâm giết giặc như diệt trừ cỏ xấu để giữ gìn dư đồ giang sơn xã tắc: “Thệ bả phi nhân tận lực sam” (Điếu Thiết Nhai); dịch nghĩa: “Thề trừ cỏ xấu sạch nương trồng”.

Cất tiếng khóc chào đời tại vùng quê biển Thái Bình, Nguyễn Quang Bích có khoảng 40 năm gắn bó với quê nhà, số năm còn lại ông chủ yếu sống ở phủ Hưng Hoá (khoảng 15 năm). Bởi thế vùng đất Tây Bắc này có thể coi là quê hương thứ hai của ông. Tại đây Nguyễn Quang Bích đã sống một cuộc sống vô cùng dân dã và gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc. Hơn bao giờ hết, tư tưởng gần dân, thân dân, thương dân mà ông đã từng thể hiện trong “văn sách” đã được dịp hiển lộ bằng những hành đồng rất chân thực: “Vạn nhân sơn đầu nhất ốc khoan/ Đào nhiên cư tụ tự sinh an/ Song tuyền khuất khúc dương môn dẫn/ Chúng lĩnh cao đề hướng diện bàn/ Bất sự nghi văn tồn cổ chất/ Tương vong tác tức, miệt cơ hàn/ Hậu nghinh văn đạo quan nhân chí/ đáo thử quan nhân lệ dục sàn” (Miêu dân hậu nghinh đề gia cảm tác); dịch thơ: “Đầu non nhà cửa rộng thênh/ Dân vui hội tụ yên bình sinh nhai/ Suối khe đôi nhánh cửa ngoài/ Ngọn cao ngọn thấp non phơi trước nhà/ Tục xưa chẳng chuộng văn hoa/ Dù đói rét cũng hoá ra thư nhàn/ Vui mừng chờ đón ông quan/ Ông quan lại muốn hai hàng lệ rơi”. Mối tình quan - dân hiện lên thật chất phát, hồn nhiên. Tất cả cùng niềm nở, yêu quí lẫn nhau. Cái cảnh người dân thiểu số ở bên suối, bên núi đón mệnh quan triều đình như thế đã khiến nhà thơ muốn rơi lệ. Lệ rơi ở đây sao mà ấm áp đến thế! Những con mắt nhìn nhau đầy đồng cảm, đầy thiện cảm như thể bà con thân thiết chứ chẳng phải người xa lạ. Hỏi rằng tấm tình với nhau như thế thì còn gì hơn. Với con mắt thân thiện như vậy, ông quan nhà Nguyễn kia cũng đã thấu hiểu mọi thứ về cuộc sống và phong tục của đồng bào nơi đây: “Giá ốc sơn nhai bạng thuỷ mi/ Vang lai thù thiểu mậu thiên ty/ Thị trung cưỡng phụ Nùng, Miêu tạp/ Phỏng đáo phiên đầu án nhật kỳ” (Biên tục); dịch thơ: “Nhà dựng đầu non cạnh suối khe/ Đổi, mua đôi lúc hoặc đi, về/ Địu mang chợ lẫn dân Nùng, Mèo/ Theo lệ từng phiên họp đúng kỳ”. Có thể nói, nếu không phải là người gần gũi với đồng bào, không chịu am hiểu đồng bào thì làm sao nhà thơ lại có thể lại có những câu thơ tỏ tường đến thế. Một buổi chợ phiên hiện lên dưới con mắt của nhà thơ thật sinh động với đầy đủ những nét sinh hoạt vốn có của con người nơi đây.
 


Đền thờ Nguyễn Quang Bích và các nghĩa binh tại xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

Tây Bắc là địa bàn hoạt động của Nguyễn Quang Bích, từ Phú Thọ đến Yên Bái, Sơn La, Lai Châu đều in dấu chân ông. Cho nên cảnh vật của núi rừng đi vào thơ văn ông cũng rất tự nhiên. Xem bức tranh ấy người ta không thấy cảnh rừng thiêng nước độc như những định kiến thường gặp. Trái lại nơi ấy có phong cảnh rất thanh bình, đẹp đẽ với đủ các cung bậc khác nhau. Có khi đó là một bức tranh hùng vĩ, tươi sáng, thơ mộng: “Giang thế duyên phong tuyền/ Đài ngân đới vũ tiên/ Ngưng mầu sơn thượng khách/ Nghi tại bạch vân biên” (Sơn thượng); dịch thơ: “Sông vòng theo núi chảy/ Rêu đượm nước mưa đầy/ Đứng cao nhìn tít tắp/ Ngỡ mình ở trong mây”. Hay: “”Lăng không lĩnh thụ phiên thanh trướng/ Kích thạch thuyền ba tận bạch đầu/ Nhất vọng thương mang vô hạn tứ/ Nhần vân phiến phiến dữ thân du” (Quá Mã Điếm nhai); dich thơ: “Sóng nhô đầu bạc soi ghềnh đá/ Cây phủ màu xanh ngất giữa trời/ trông cảnh mênh mông lòng thấy cảm/ Ngỡ mình cùng với áng mây chơi”. Núi sông hùng vĩ, thơ mộng ấy có lúc rất đẹp, rất hiền nhưng cũng có khi rất dữ dằn, ghê gớm: “Tuấn lĩnh thiên trùng lập/ Nhiễu khê như thành hào/ Loạn thạch tích khê tâm/ Nhất vũ thành ba đào/ Quan giả câu hãi ngạc/ Bôn đằng cơ thiên thao/ Tài gian tệ sắc khai/ Thủy lạc sơn chính cao” (Đại Lịch đạo trung ngộ vũ); dịch thơ: “Núi dựng nghìn trùng ngất/ Khe như hào quanh thành/ Đá rối rít lòng khe/ Mưa đùng đùng nổi sóng/ Người xem đều hoảng kinh/ Ngang trời nước tràn ngập/ Chốt lát trời trong xanh/ Nước rút núi vươn mình”. Nói đến thiên nhiên Tây Bắc không thể không kể đến những dòng sông. Và đây là hình ảnh con sông Hông: "Hồng giang nhất đái thủy như nê/ Than thủy huyền lương dũng hạ đê/ Khứ lộ bằng phong tam nhật viễn/ Quy châu nhật ảnh vị hàm tê " (Hồng giang): dịch nghĩa: "Sông Hồng một dải, nước láng như bùn/ Thác đổ dốc như từ trên mái nhà giội xuống/ Đường đi thuận gió cũng phải mất hơn ba ngày/ Thế mà khi cập bến, phía tây mặt trời chưa gác núi". Nếu sông Hồng hiện lên hùng vĩ cùng với sắc màu như tên gọi thì Đà giang lại hiện lên với những thác ghềnh ngày đêm gầm réo: “Đà thủy tế châu ngại trách than/ Chiến Than hựu thị thập phần nan/ Thủy thanh hào báo thiên ngưu hống/ Thạch duẩn lân tuân vạn giáp toàn” (Quá Chiến than); dịch thơ: “Ngược thác sông Đà khó mấy mươi/ Nay qua thác Chiến khó bằng mười/ Nước như trâu rống nghe ầm tiếng/ Đá tựa gươm trần mọc khắp nơi”.

Tuy nhiên ẩn đằng sau bức tranh hùng vĩ thơ mộng của núi rừng Tây Bắc ta vẫn thấy hiện ra những nét tâm tư trĩu nặng trong lòng thi tướng. Những khi ấy, bức tranh sơn cước không đơn giản là bức tranh nữa mà ẩn trong đó là nỗi buồn thầm lặng, sâu kín đang chất chứa nỗi niềm: “Vạn thạch lâm giang chướng thủy phồn/ Nghi nhân độc chước tọa tà huân/ Bất kham sầu thậm ngưng mâu xứ/ Kỷ phiến sơn trung đậu bạch vân” (Tọa thạch độc chước); dich thơ: “Ghềnh đá nhấp nhô chắn nước chiều/ Cho ai ngồi uống dưới trời chiều/ Vời trông cảnh tượng sầu khôn xiết/ Lớp lớp non chồng mây trắng treo”. Nỗi buồn ấy phải chăng bắt nguồn từ việc báo đền ơn nước chưa thành. Và cũng có khi là nỗi nhớ quê hương, gia đình khi tha hương để thực hiện chí tang bồng. Bởi thế, nghe một tiếng chim rừng lòng ông không khỏi thổn thức bao nỗi nhớ nhung: “Trường khiếu sơn trung hành bất hành/ Ná kham thính nhĩ bộc tâm kinh/ Nhĩ thân tuy tiểu thanh hoàn lệ/ nhược vị hành nhân tố bất bình” (Kiến giá cô); dịch thơ: “Tiếng gà gáy rừng sâu bước gập ghềnh/ Nghe không chịu nổi giục lòng kinh/ Thân mày tuy bé kêu ghê thế/ Kêu hộ người đi nỗi bất bình”. 

Khép lại cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Quang Bích ta thấy: nếu như cuộc kháng chiến mà Nguyễn Quang Bích theo đuổi đã thể hiện khí phách và lòng yêu nước thiết tha của một trung thần nhà Nguyễn thì những vần thơ yên ngựa trong “Ngư phong thi tập” lại mở ra cho người đọc một tâm hồn vô cùng nhạy cảm và rất mực nhân hậu, bao dung. Ở ông, ta thấy hiện lên hình ảnh của một vị tướng lồng trong hình ảnh của một thi nhân. Hay nói cách khác, Nguyễn Quang Bích là một thi tướng của miền Tây Bắc. Cuộc đời của thi tướng thật phong phú và cao đẹp. Ông xứng đáng sống mãi trong sự ngưỡng mộ của người đời, đặc biệt là đồng bào vùng Tây Bắc. 
 
Giang Hiền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-quang-bich-thi-tuong-cua-mien-tay-bac-a11100.html