800 năm ngày sinh Lý Chiêu Hoàng – Vị vua cuối cùng của vương triều nhà Lý

Công chúa Lý Chiêu Thánh lên làm vua, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc bấy giờ phe cánh trong triều đình của họ Trần rất mạnh. Đầu năm Ất Dậu 1225, Trần Thủ Độ đã bố trí cho cháu ruột của mình là Trần Cảnh (1218 -1277) lúc đó mới dược 7 tuổi vào triều giữ chức Chính thủ chi hậu, và một vương triều mới bắt đầu từ việc đùa nghịch của vị vua nhỏ Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh.

Lý Chiêu Hoàng (1217 – 1278), tự là Chiêu Thánh, sinh vào tháng 9 năm Đinh Sửu 1217, là con gái út của vua Lý Huệ Tông (1194 -1224). Vua Lý Huệ Tông là ông vua bất hạnh không có con trai để nối dõi, bản thân nhà vua này thường xuyên bị bệnh ốm yếu. Tháng 10 năm 1224, Trần Thủ Độ (1194 – 1264) lúc đó đang làm đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, sau đó cai quản các đội quân bảo vệ kinh thành. Trần Thủ Độ đã ép vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho công chúa Lý Chiêu Thánh.
 

Tượng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng đầu đội miện Kim Khôi, mình khoác áo long bào ở đền Rồng. Ảnh tư liệu
 
Công chúa Lý Chiêu Thánh lên làm vua, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc bấy giờ phe cánh trong triều đình của họ Trần rất mạnh. Đầu năm Ất Dậu 1225, Trần Thủ Độ đã bố trí cho cháu ruột của mình là Trần Cảnh (1218 -1277) lúc đó mới dược 7 tuổi vào triều giữ chức Chính thủ chi hậu, và một vương triều mới bắt đầu từ việc đùa nghịch của vị vua nhỏ Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh.
 
Một hôm Chính thủ Trần Cảnh khoanh tay đứng chực chầu ở bên ngoài, phải giữ việc bưng nước rửa, nên được vào hầu bên trong. Lý Chiêu Hoàng trông thấy Trần Cảnh lấy làm ưa thích, nhà vua thấy Trần Cảnh trạc tuổi mình, phấn khởi nói: “Thế là ta có bạn chơi rồi đây”.
 
Và từ đó mỗi khi chơi đêm, Lý Chiêu Hoàng đều gọi Trần Cảnh đến để cùng chơi, thấy Trần Cảnh  đứng ở chỗ tối thì thân đến trêu trọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một lần Trần Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Lý Chiêu Hoàng rửa mặt, lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Trần Cảnh rồi trêu cười, đến khi Trần Cảnh bưng khăn chầu thì Lý Chiêu Hoàng lấy khăn ném cho Trần Cảnh.
 
Những sự việc trên, Trần Cảnh không dám nói gì, về nhà thưa với chú là Trần Thủ Độ, Trần Thủ Độ suy nghĩ một lát rồi nói nhỏ vói Trần Cảnh rằng nếu lần sau nhà vua mà ném khăn chầu cho thì cứ nói như thế, như thế… Cũng vì việc này mà Trần Thủ Độ sợ việc bị tiết lộ ra ngoài thì cả họ sẽ bị giết, nên đem gia tộc thân thích vào ở trong cung cấm. Trần Thủ Độ cho đóng cửa thành và các cửa cung, cho người đến canh giữ, các quan đến chầu không được vào. Trần Thủ Độ còn cho loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”.
 
Các quan trong triều nghe tin đều ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó họ cũng đã hiểu ra sự việc, nhưng do thanh thế của dòng họ Trần lúc đó rất mạnh, nên họ đều phải vâng phục mệnh lệnh của Trần Thủ Độ và xin chọn ngày vào chầu. Trần Thủ Độ sau đó liền nhân danh Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
 
Sau khi chiếu chỉ được ban ra, Trần Thủ Độ cho mở hội lớn ở điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng ngự trên ngai vàng, các quan đại thần mặc triều phục vào chầu. Trước mặt bá quan văn võ triều đình, Lý Chiêu Hoàng cởi bỏ áo hoàng bào, mời Trần Cảnh lên ngôi. Sự kiện trên diễn ra vào ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu 1225. Như vậy, vương triều nhà Lý được thành lập từ năm 1010, đến năm 1225 thì chấm dứt, tổng cộng nhà Lý tồn tại được 215 năm, trải qua 9 đời vua, và Lý Chiêu Hoàng chính là vị vua cuối cùng của vương triều nhà Lý trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
 
Đánh giá về sự việc trên, sau này sử gia Trần Trọng Kim (1882 – 1953) khi nhận xét về Trần thủ Độ, ông nhận xé như sau: “Đối với nhà Lý là gian ác, nhưng đối với nhà Trần lại là công thần”.
 
Lý Chiêu Hoàng sau khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, đổi tên thành Hoàng hậu Chiêu Thánh. Hoàng hậu Chiêu Thánh sống với Trần Cảnh 12 năm, từ năm 1225 đến năm 1237, nhưng không có con. Thái sư Trần Thủ Độ sợ Trần Cảnh không có con nối dõi, nhân biết công chúa Thuận Thiên đang có thai được 3 tháng,  Thuận Thiên là chị ruột của Hoàng hậu Chiêu Thánh, và công chúa Thuận thiên lúc đó đang là vợ của Trần Liễu, Trần Liễu lại chính là anh ruột của Trần Cảnh.
 
Vì vậy mà Trần Thủ Độ đã ép Trần Cảnh phải bỏ Hoàng hậu Chiêu Thánh, lập chị dâu mình là vợ của Trần Liễu, tức công chúa Thuận Thiên lên làm Hoàng hậu. Từ đó Chiêu Thánh phải sống trong cảnh cô đơn suốt hơn 20 năm.
 
Đến năm Mậu Ngọ 1258, sau khi đánh thắng được  quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất, Chiêu Thánh lúc đó cũng đã được 41 tuổi. Vua Trần Thánh Tông (1240 -1290) được Thái thượng hoàng Trần Cảnh đồng ý, nên đã hạ lệnh gả Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần, lúc đó Lê Phụ Trần đang là một danh tướng của nhà Trần có công lớn trong việc đánh thắng quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất.
 
Chiêu Thánh đã sống với Lê Phụ Trần, và sinh được hai người con, một trai ,một gái. Đến năm Mậu Dần 1278, Chiêu Thánh mất, hưởng thọ 61 tuổi.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/800-nam-ngay-sinh-ly-chieu-hoang-vi-vua-cuoi-cung-cua-vuong-trieu-nha-ly-a11085.html