Tư Mã Quang: Nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc thời Bắc Tống

Trong cuộc sống hằng ngày thì Tư Mã Quang cũng ăn mặc rất giản dị, quần áo ấm đủ sạch sẽ là được, ăn cơm miễn no là được, ông không thích hư vinh mà yêu cầu thuận với tự nhiên. Thời bấy giờ, lối sống của Tư Mã Quang cũng bị không ít người cười chê, nhưng ông không hề để ý đến điều đó.


Tư Mã Quang con người và sự nghiệp

Tư Mã Quang (1019 – 1086), quê ở Thiển Châu, huyện Hạ Hương Thúc Thủy (ngày nay thuộc tỉnh Sơn Tây), tự là Quân Thực, người đời còn gọi ông là Thúc Thủy tiên sinh.
 
Tổ tiên của Tư Mã Quang ngàn đời chép sử, tổ phụ của ông chính là sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên (145 Tr.cn – 86 Tr.cn). Ngay từ thuở nhỏ, Tư Mã Quang đã nổi tiếng là thông minh, ham học và có năng khiếu chép sử, cha Tư Mã Quang cũng là một sử gia chép sử nổi tiếng. Năm 1037, dưới thời vua Tống Nhân Tông, Tư Mã Quang đỗ Tiến sỹ năm đó ông mới 18 tuổi. Sau khi đỗ Tiến sỹ, Tư Mã Quang được vua Tống Nhân Tông trọng dụng.
 
Sau khi đỗ Tiến sỹ, Tư Mã Quang được giao phụ trách các công trình xây dựng của triều đình, rồi được phong chức Giám thư phán quan ở huyện Vũ Thanh, đại diện cho triều đình, giám sát các quan lại ở địa phương. Sau đó, Tư Mã Quang lại được giữ chức Quán Các Hiệu Khám Đồng Tri Lễ Viện, đây là chức quan coi việc sửa chữa, hiệu đính văn từ thư tịch thuộc Hàn Lâm Viện.
 
Sau đó, Tư Mã Quang còn được giữ chức Đãi chế kiêm Thị Giảng Trị giám viện, là cố vấn bên cạnh Hoàng đế Tống Nhân Tông, giúp nhà vua soạn thảo chiếu chỉ, nhật lệnh. Đến năm 1065, Tư mã Quang được giữ chức Trực học sỹ, rồi chức Phan Quang ở Bộ Lại, kiểm soát việc thuyên chuyển, thăng giáng quan lại. Về sau Tư Mã Quang còn được làm Hàn Lâm Học Sỹ, quyền Ngự Sử Trung Thừa tướng và Hàn Lâm kiêm Thị Độc học sỹ.
 
Năm 1067, vua Tống Anh Tông mất, Trái tử Triệu Húc lên làm vua, hiệu là Tống Thần Tông. Trước khi lên làm vua, Tống Thần Tông đã nghe danh tiếng của Vương An Thạch (1021 – 1086), cho nên Tống Thần Tông đã sử dụng Vương An Thạch, và phong cho Vương An Thạch làm Tể tướng, và Tống Thần Tông đã đồng ý cho Vương An Thạch thực hiện biến pháp vào năm 1069.
 
Nhưng biến pháp của Vương An Thạch đã bị Tư Mã Quang ra sức phản đối. Vì phản đối chính sách biến pháp của Vương An Thạch, nên Tư Mã Quang bị biếm ra ngoài làm quan tri huyện ở Vĩnh Hưng. Đến năm 1071, Tư Mã Quang lại bị chuyển ra làm chức Phán quan Ngự Sử Đài ở Tây Kinh (Lạc Dương). Tại đây, tư Mã Quang đã từ quan, về lạc Dương soạn sách, tiếp tục công việc chép sử. Năm 1085, vua Tống Thần Tông mất, biến pháp của Vương An Thạch cũng bị hủy bỏ. Triệu Hủ lên làm vua, hiệu là Tống Triết Tông.
 
Năm 1086, Tống Triết Tông mời Tư Mã Quang về triều nhận chức Môn Hạ Thị Lang, và cương vị Tể tướng, chủ trì việc triều chính. Tư Mã Quang bấy giờ mới có quyền lực, chính thức phế bỏ biến pháp của Vương An Thạch. Sau đó Tư Mã Quang còn cho khôi phục các chế độ cũ trước đó, bãi truất, phế bỏ những người thuộc phe cánh của Vương An Thạch.
 
Cả cuộc đời của Tư Mã Quang luôn sống trong sạch, cần kiệm liêm chính. Điều này là do ông chịu ảnh hưởng của gia phong nhiều đời thanh bạch, vì vậy trong việc dạy dỗ con cái của ông sau này cũng dựa vào đó và không hề thay đổi. Tuy nhiên phải khó khăn lắm và do vận may lúc gần về già, ông mới có được người con trai nối dõi tông đường, đó là Tư Mã Khang, người sau này cũng làm nghề chép sử.
 
Tương truyền vợ của Tư Mã Quang rất xinh đẹp, nhưng bà lại không sinh được cho Tư Mã Quang người con nào, lúc đó Tư Mã Quang cũng đã ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con. Vì vậy mà vợ của Tư Mã Quang sợ ông không có người nối dõi nên bà đã hết sức lo lắng cho ông. Bởi vì Tư Mã Quang không có năm thê bảy thiếp như các đồng liêu khác, họ có con đàn cháu đống.
 
Nhân ở trong phủ có một người hầu gái rất trẻ trung lại xinh đẹp, nên vợ Tư Mã Quang đã có ý làm mối cho ông, bà tạo điều kiện cho Tư Mã Quang có người nối dõi. Vì thế bà đã sắp đặt cho người hầu gái đó tắm rửa sạch sẽ, trang điểm thật đẹp, và dặn sau khi bà đi thì vào phòng của bà để chờ Tư Mã Quang đêm vào nằm ngủ, và vợ Tư Mã Quang  đã lấy cớ  là về bên nhà ngoại, để Tư Mã Quang được tự do, có thể ngủ với người hầu gái.
 
Nhưng đến đêm, lúc Tư Mã Quang vào phòng, thấy người hầu gái, ông đã tức giận quát người hầu gái lui ra ngoài, ông nói: “Con này láo thật, phu nhân mới đi có một ngày mà mày định giở trò à? Ta đây thề suốt đời trong đục chỉ có tắm ao ta”. Điều đó cho thấy một nhân cách, một con người sống rất mực đạo đức của Tư Mã Quang. Có lẽ vì suốt đời thanh bạch và sống rất đạo đức, nên  may mắn đã đến với Tư Mã Quang, khi ông đã ngoài 40 tuổi thì vợ ông lại sinh hạ cho ông được một người con trai để nối dõi tông đường, và người con trai đó chính là Tư Mã Khang, sau này cũng theo cha làm nghề chép sử.
 
Tư Mã Quang chịu ảnh hưởng gia phong của nhiều đời thanh bạch, cho nên trong việc dạy dỗ Tư Mã Khang, ông cũng không hề  sửa đổi. Tư Mã Quang từng viết một bài Huấn Kiệm Thị Khang, dạy con là Tư Mã Khang như sau: “Tiết kiệm thì ít ham muốn, người quân tử ít ham muốn thì không nô lệ vào vận dục, có thể theo đúng đạo mà làm. Kẻ tiểu nhân ít ham muốn thì có thể cẩn thận tiết dụng, tránh xa tội lỗi mà nhà cửa sung túc”.
 
Về cuối đời, Tư Mã Quang làm đến chức Tể tướng, đồng thời ông là nhà sử học lớn, thông kim bác cổ, tự nhiên có thể nhận thức sâu sắc về kiệm ước, còn những người nghèo trong nhà không sung túc dạy con tiết kiệm thì cũng có nhiều lý do. Nhưng những người giàu có, hay có quyền thế như Tư Mã Quang mà cũng dạy con tiết kiệm siêng năng mới là chuyện khó khăn và đáng quý.
 
Trong cuộc sống hằng ngày thì Tư Mã Quang cũng ăn mặc rất giản dị, quần áo ấm đủ sạch sẽ là được, ăn cơm miễn no là được, ông không thích hư vinh mà yêu cầu thuận với tự nhiên. Thời bấy giờ, lối sống của Tư Mã Quang cũng bị không ít người cười chê, nhưng ông không hề để ý đến điều đó.
 
Tên tuổi của nhà sử học gắn liền với bộ sách Tư Trị Thông Giám
 
Tư Mã Quang làm quan trải qua 4 đời vua nhà Bắc Tống là Tống Nhân Tông, Tống Anh Tông, Tống Thần Tông và Tống Triết Tông. Vào năm Bính Dần 1086, Tư Mã Quang bị bệnh mất và hưởng thọ 67 tuổi. Sau khi mất, ông được vua Tống Triết Tông ban tặng danh hiệu Sư Ân Quốc Công, ban cho tên thụy là Văn Chính. Tư Mã Quang đã để lại cho đời với bộ Sử Thông Chí gồm 8 quyển, biên soạn nội dung từ thời Chiến Quốc năm 475 Tr.cn đến Tần Nhị Thế năm 209 Tr.cn.
 
Sử Thông Chí hay còn gọi là Tư trị Thông Giám, đây là một tác phẩm lịch sử lớn của Trung Quốc, sở dĩ Tư Mã Quang viết bộ sử Tư Trị Thông Giám là để cung cấp một bộ sách giáo khoa lịch sử có hệ thống mà đơn giản rõ ràng cho các đế vương. Thông qua Tư Trị Thông Giám, Tư Mã Quang đã thu thập sử liệu phong phú, đem lịch sử mấy trăm năm đúc kết thông suốt tập trung vào một bộ sách. Tiến hành tháo gỡ vô số sự kiện đan xen nhau.
 
Về mặt tư tưởng sử học, Tư Trị Thông Giám đã phản ánh chủ trương của Tư Mã Quang là căn cứ vào sự việc, trực tiếp viết sách, không theo thuyết chính nhuận (chính triều và nhuận triều, chỉ cách sắp xếp chủ quan của nhiều sử gia). Bài trừ mê tín, phản đối cách nói quỷ thần quái dị, tôn sùng tiến bộ, ghi chép sơ lược sử cổ tường tận sử kim.Đồng thời Tư Mã Quang còn thể hiện phong cách viết văn tuyệt vời, hành văn sinh động đẹp đẽ, kết cấu chặt chẽ cẩn thận. Sở trường là về kể chuyện, đây là một mẫu mực của văn học lịch sử.
 
Tư Trị Thông Giám của Tư Mã Quang là một bộ sử vĩ đại, nó có ảnh hưởng rất sâu rộng trong lịch sử sử học Trung Quốc. Chính nhờ sự thành công to lớn của bộ sách Tư Trị Thông Giám, và những cống hiến to lớn đối với sử học Trung Quốc, nên tên tuổi của nhà sử học Tư Mã Quang mã mãi còn được người đời sau tôn vinh.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tu-ma-quang-nha-su-hoc-noi-tieng-cua-trung-quoc-thoi-bac-tong-a11060.html