Bức chân dung truyền thần Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một trong những di vật của Trạng Bùng còn lại
Chẳng biết, thời xưa, ngôi nhà khi ông dạy học ra sao còn bây giờ chốn ấy chính là nơi hàng ngày con cháu và khách thập phương tìm về khói nhang viếng cụ. Trong không gian của trầm nhang, thả hồn theo những làn khói vấn vương quấn quyện mà lòng không khỏi bâng khuâng nghĩ đến người. Sống vắt mình qua hai thế kỉ đầy biến loạn của các thế lực phong kiến Lê - Trịnh - Mạc, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), tự Hoàng Phu, hiệu Nghị Trai, Mai Nham Tử đã để lại cho chúng ta một cuộc đời hiển hách lừng danh, được đánh giá vào hạng “nhân vật đệ nhất trong nước” (Đỗ Uông), được triều đình nhà Lê liệt vào loại “Trung nghĩa nội luỹ, Kiệt tiết tuyên lực công thần, Kim tử vinh lộc đại phu”. Cuộc đời của con người ấy giản dị lão thực mà trung hiếu, nhân hậu vô ngần. Cả cuộc đời, Trạng Bùng đã hiến dâng trọn vẹn cho đất nước, cho nhân dân; tận tâm, tận lực với sự nghiệp trung hưng; dốc lòng dốc sức phò giúp nhà Lê mà chẳng màng danh lợi. Hơn 80 năm cuộc đời, như một vì sao sáng trên bầu trời đất Việt ở thế kỉ XVI đầu thế kỉ XVII, Phùng Khắc Khoan đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp kinh bang tế thế và một nhân cách vô cùng cao đẹp. Tài năng và nhân cách ấy sống mãi trong sự yêu mến, trân trọng và ngợi ca của người đời.
Làng Bùng (tức Phùng Xá, do biến âm) là một làng cổ, tọa lạc trên dải đất bán sơn địa. Tương truyền, thành hoàng làng Phùng Thanh Hòa (một tướng tài có nhiều công lao đối với nhà Tiền Lý) nhân một lần qua An Hoa Trang thấy thế đất đẹp (toàn bộ làng là một khu đất nhô lên, khum cao so với xung quanh; trước làng có đường bộ đi qua, đặc biệt là hồ nước nhỏ án ngữ trước mặt làm làng nổi lên như một chiếc ấn khổng lồ; đằng sau có cánh đồng rộng bao quanh, đứng trên cao nhìn xuống làng tựa như quyển sách đặt ngậm vào mỏ con chim xanh; phía xa xa là sông Đáy và sông Tích nước hợp dòng xuôi chảy; mạn phía tây bắc cách làng khoảng năm cây số là những núi đồi gò đống thanh kỳ, nổi bật là núi Câu Lậu có các chùa Tây Phương, Cực Lạc; ngay sát cạnh, phía đông bắc là thập lục đại danh sơn của phủ Quốc, nổi tiếng với Chùa Thầy và động Hoàng Xá) nên đã dừng chân gặp gỡ nhân dân, xây dựng làng xóm. Để ghi nhớ công lao tạo dựng ấy nên dân làng đã lấy họ của tướng quân Phùng Thanh Hòa để đổi tên từ An Hoa Trang thành Phùng Gia Trang, tức làng Phùng Xá sau này. Và cũng từ đó tướng quân cũng đã trở thành thủy tổ của họ Phùng ở trên đất làng Bùng.
Cứ theo cách tính trên, làng Bùng cũng có dư một ngàn năm trăm tuổi. Trải theo thời gian, cái làng cổ nằm trong nôi văn hóa xứ Đoài cũng đã sản sinh cho đất Việt biết bao anh tài, tuấn kiệt. Tiêu biểu như: thời Lý có Đại tư mã Nguyễn Cảnh Câu; thời Trần có Hàn Lâm viện Thị thư Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt; Thời Lê, ngoài “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Phùng Khắc Khoan còn có Đặc tiến Kim tử vinh Lộc Đại phu Phùng Lĩnh Hầu, tiến sĩ Vũ Đình Dung, sau đó cùng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ còn có hai cha con Học sĩ Nguyễn Nham (khoa thi Ất Mùi năm 1715) và Nguyễn Thì Lượng (khoa thi Tân Hợi năm 1731)… Trong số những nhân kiệt ấy nổi bật nhất là Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, đương thời được nhân dân suy tôn là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” (Trạng nguyên của Việt Nam và Trung Quốc).
Đúng là đất địa linh sinh nhân kiệt. Tương truyền Phùng Khắc Khoan là em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức là cháu ngoại của Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Thị Lan. Người ta kể bà mẹ họ Nhữ có tư chất thông minh, học rộng, tinh thông phong thủy, giỏi học số. Bà ôm mộng lớn sinh quí tử nên đã ngao du khắp nơi tìm người thỏa chí. Và rồi, cả Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan đã được sinh ra trong cái khát vọng lớn lao, phi thường ấy. Tuy nhiên đó chỉ là truyền thuyết. Trở lại với sử sách lưu truyền, đặc biệt là tư liệu của họ Phùng ở làng Bùng về Phùng Khăc Khoan, chúng ta được biết Phùng tiên sinh sớm mồ côi mẹ. Khi vừa sinh đã có tướng lạ “Tiếng to, mắt đẹp, cốt cách khác người, lúc năm sáu tuổi đã có khí vũ đại nhân” (Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí chuyện). Nhìn con trai, mẹ ông bảo với cha ông rằng: “Xem con bẩm chất tốt, không phải loại con trai thường. Ông nên dạy nó học, xem nó lập chí, vạn nhất trời xanh không phụ may gặp thời, phò được thiên hạ nghiêng đổ, giúp được đất nước cùng đường” (Mai Lĩnh hầu thành mẫu chí chuyện). Theo lời vợ, cha của Phùng Khắc Khoan, khi đó làm Huyện Doãn Đông Lan (Đoan Hùng, Phú Thọ) đã khai tâm, nhập học cho ông. Phùng Khắc Khoan thông minh, học hành tấn tới với cha. Đến năm 16 tuổi, Huyện Doãn Đông Lan đã gửi ông sang Hải Dương theo học Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tại đây ông đã được Trạng Trình truyền dạy cho mọi điều về chữ nghĩa, học thuật. Trong số những học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan nổi lên là một người tiêu biểu, xuất chúng nhất. Ông nổi tiếng văn tài, tinh thông thuật số nhưng không đi thi và không chịu ra làm quan với nhà Mạc. Đến đầu đời vua Lê Trung Tông, ông theo Lê Bá Lỵ tham gia công cuộc phù Lê diệt Mạc. Năm 1557, Phùng Khắc Khoan tham gia kỳ thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa) và đỗ đầu khoa. Biết ông là người mưu lược học thức uyên thâm, Thái sư Trịnh Kiểm đã cho giữ chức Ký lục ở ngự dinh và cho tham dự việc cơ mật. Đến năm 1580, ông lại tham gia thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hóa) và đỗ Hoàng giáp rồi được thăng làm Đô cấp sự trung. Năm 1582, vì sự phấn chí nào đó, ông đã xin từ quan về sống ở ngôi nhà vua ban ở Vạn Lại nhưng đến năm sau ông lại ra làm quan với chức Hồng lô tự khanh. Năm 1585, ông lại được thăng chức Hữu thị lang bộ Công, rồi cử làm Thừa chính sứ Thanh Hoa. Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân ra Thăng Long đánh đuổi được nhà Mạc, thu phục kinh đô, bình định thiên hạ. Ông theo vua về Thăng Long. Năm sau, xét công lao bốn chục năm ở nội lũy, Phùng Khắc Khoan được vinh phong: Trung nghĩa nội lũy, Kiệt tiết tuyên lực công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tán trị thừa chánh sứ ty Thừa chánh sứ Thanh Hoa đẳng xứ. Đến năm 1595, ông lại được thăng Tả thị lang bộ Công, một trọng chức hàng đại thần, tước Tòng tam phẩm. Đến năm 1597, ông được cử làm Chánh sứ sang triều Minh (Trung Quốc) để khôi phục quan hệ bang giao hai nước. Sau 16 tháng đi sứ, ông đã hoàn thành vẻ vang công việc (bác bỏ việc nhà Minh đòi cống người vàng thế thân, phản đối việc nhà Minh dung túng họ Mạc làm phản; bằng tuệ trí và tài đối đáp, ông đã đề cao được uy thế nước Việt khiến triều đình nhà Minh và sứ thần các nước Triều, Nhật Bản phải kính nể; đem được nhiều giống nông sản: ngô, vừng, đậu về nước; học được nghề làm cày, làm bừa, dệt sồi, dệt lượt về dạy cho dân …) trong sự tôn vinh và tâm phục của mọi người, ông đã được vinh thăng chức Lại bộ Tả thị lang, tước Mai Lĩnh hầu. Từ năm 1600 đến năm 1619, vua Lê Kính Tông lên nối ngôi, xét công lao hiến kế diệt trừ phản loạn, Phùng Khắc Khoan lại được thăng làm Thượng thư bộ Công rồi chuyển làm Thượng thư Lễ, Thượng thư bộ Hộ, Mai Lĩnh Hầu, Thượng trụ quốc; vinh hàm tốt bậc: Chánh nhất phẩm. Khoảng năm 79 tuổi Phùng Khắc Khoan xin về quê trí sĩ ở quê nhà và nhiệt tình tham gia xây dựng làng xóm. Tại quê hương ông đã tổ chức nhân dân đào mương dẫn nước vào các cánh đồng của làng và quanh núi Thầy; dạy dân trồng ngô, trồng đậu, trồng vừng, dệt lượt và sản xuất nông cụ… Ngoài ra, Phùng Khắc Khoan còn mở rộng Thư đường dạy dân chữ nghĩa, rèn luyện văn chương và bỏ tiền xây dựng và trùng tu nhiều danh lam thắng cảnh trong vùng, nhất là chùa Thầy. Năm Quí Sửu (1613) ngày 24 tháng 9 Phùng Khắc Khoan mất tại Phùng Xá, hưởng thọ 86 tuổi. Khi mất, ông được triều đình truy tặng Thái Phó, cấp lộc điền và sứ điền. Cảm kích công đức của ông, nhân dân Phùng Xá đã tôn vinh ông làm phúc thần của làng, đời đời hương khói.
Lặng ngắm chân dung Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
Chiều nay chúng tôi về Hoằng đạo thư đường, đứng giữa chốn xưa của cụ mà lòng đầy xúc động. Ngôi nhà tọa lạc trên một khu đất rộng chừng 2 sào Bắc bộ. Nghe nói nhà này nguyên là đất của Thám hoa họ Nguyễn đời Trần. Theo dòng chữ Hán ghi trên thượng lương ta được biết thời gian sửa chữa lớn và hoàn thiện ngôi nhà này là năm Duy Tân thứ nhất (1907). Ngôi nhà này đương thời chính là nơi sinh ra, lớn lên và dạy học của Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan. Nhà thờ được xây bằng gạch đá ong (loại gạch đặc trưng của xứ Đoài), lợp ngói mũi và thiết kế theo hình chữ Nhị gồm Bái đường và Thượng điện. Nhà nhìn về hướng Đông, xung quanh là tường xây bao bọc. Phần trên là Thượng điện, gian giữa thượng điện, phần bên trong có đặt chiếc khám, trong khám là bức tượng đồng chân dung cụ Trạng; phía ngoài là bàn thờ và nghi trượng, đặc biệt là đôi gậy càng cua. Hai gian bên đặt bàn thờ tổ phụ. Trên các xà, cột có treo các bức hoành phi, câu đối. Trên nóc Thượng điện có đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Cách Thượng điện một khoảng sân lọng (chừng hơn một mét) là Bái đường. Hai bên giáp nối có tường đắp nổi mỗi bên một con ngựa, đốc nhà đắp bờ đảng, phía trước có hai cột trụ cao 4 mét, đỉnh mỗi trụ có đắp con nghê. Toà Bái đường, còn gọi là Hoàng đạo thư đường. Trong tòa Bái đường 5 gian hiện đang lưu giữ những thư tịch, bia kí nói về cuộc đời và sự nghiệp cụa Phùng Khắc Khoan. Trước Bái đường là một sân khá rộng lát gạch bát. Ngoài sân là ao vườn, ngăn cách giữa sân với ao vườn là một bức bình phong xây bằng gạch, rộng khoảng 2 mét và cao khoảng hơn 1.5 mét. Khu nhà thờ hiện lưu giữ chiếc long ngai mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII cùng khá nhiều hiện vật có giá trị ước đoán có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế lỷ XIX cùng 11 sắc phong (từ thời Cảnh Hưng đến thời Thiệu Trị) và 4 cuốn sách chữ Hán. Cuốn thứ nhất là bản sao chưa rõ năm chép, phần đầu “Phụ công thi tập”, phần sau “Sư hoa thi tập”, tập hợp những bài thơ của Phùng Khắc Khoan. Cuốn thứ hai là “Ký lục tiên tổ sự tích lược” chép tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ nôm “Đào nguyên hành” (còn có tên khác là “Lâm truyền vãn”). Cuốn thứ ba là chép các điều khoản con cháu Phùng Khắc Khoan được miễn lệ. Cuốn thứ tư là “Phùng tướng công phụng Bắc sứ lý” (bản sao) ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh năm 1598. Đặc biệt nhà thờ còn lưu giữ được ba bức tranh lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan và 2 chiếc gậy cắm sừng hươu là những kỷ vật của cụ Trạng. Có thể nói nhà thờ này giống như một bảo tàng về danh nhân Phùng Khắc Khoan.
Từ nhà thờ chúng tôi tìm về mộ của Trạng Bùng. Mộ phần của cụ nằm cách nhà thờ khoảng 300 mét, gần đình. Mộ nhìn về hướng Bắc, xung quanh mộ là tường xây bằng gạch đá ong, cao chừng hơn 1 mét. Phần mộ cụ đặt lộ thiên, phía trước có hai ông phỗng đá. Đầu mộ xây một bệ thờ đặt hai bia đá ghi tóm tắt công trạng và những bài thơ ca ngợi tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, khắc thời Tự Đức, năm 1857 và 1858. Ghi nhớ công lao của cụ Trạng, hàng năm dân xã Phùng Xá và các hậu duệ họ Phùng tổ chức giỗ cụ vào ngày 24 tháng 9 âm lịch. Trong ngày giỗ này, chi trưởng họ Phùng có tục phải chuẩn bị hai thứ là liễn cháo đậu xanh và cà muối, tương truyền hai món ăn này sinh thời Phùng Khắc Khoan rất thích.
Không chỉ là chính khách quan trọng của vương triều Lê trung hưng, Phùng Khắc Khoan còn là một cây cao bóng cả trên thi đàn nước Việt ở thế kỉ XVI. Trước tác của ông có lẽ cũng đã thất lạc ít nhiều nhưng những gì mà gia tộc còn lưu giữ, tư liệu trong các tàng thư, tư liệu tìm thấy ở Triều Tiên, Nhật Bản chúng ta thấy thơ, văn của ông có đủ cả Nôm và Hán với nhiều kiểu loại khác nhau: thơ ngôn chí; thơ đi sứ; thơ tặng, tiễn, vịnh; thơ huấn đồng; văn tế; câu đối; văn bia … Tổng số kiểm đếm có đến trên 500 bài các loại. Đọc văn thơ ông chúng ta dễ dàng nhận ra cái tâm thế hăm hở nhập cuộc của một trang nam nhi quyết tâm học hành để làm nghiệp lớn. Chí ấy trong bài “Tự thuật” làm năm 16 tuổi ông đã viết “Nam nhi tự hữu hiển dương sự/ Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu” (Nam nhi có phận hiển cha mẹ/ Chẳng học trượng phu kiểu trượng kềnh). Khát vọng lập công danh, phò vua giúp đời theo kiểu khuôn mẫu của nho gia đã theo suốt cuộc đời ông. Chẳng thế mà khi chúc thọ vua Minh ông đã khéo léo nhắc đến lí tưởng hòa bình, không chiến tranh, xây dựng cuộc sống no ấm hạnh phúc cho muôn dân các nước: “Tư dân, tư thế hà đa hạnh/ Quốc thái bình phong tụng thái bình” (Dân này đời này sao được nhiều hạnh phúc/ Nước thái bình dân ca ngợi thái bình). Cốt cách và tấm lòng nhân ái ấy của Phùng Khắc Khoan không chỉ được thể hiện ở trong thơ mà còn được hành xử ở ngay trong cuộc sống hàng ngày, trong suốt cuộc đời hơn 80 năm của ông. Bởi thế, đến cuối đời, khi bị ốm nhìn lại những gì đã qua Trạng Bùng chẳng mảy may muộn phiền để đủ tự hào mà nói rằng: “Bình sinh chính trực hựu trung thành/ Tráng chí cao huyền nhật nguyệt minh” (Bệnh trung thư hoài); dịch thơ “Bình sinh chính trực lại trung thành/ Tráng chí cao ngời nhật nguyệt minh”. Có thể nói, trung quân, ái quốc là một tư tưởng nhất quán, xuyên suốt trong con người Phùng Khắc Khoan. Nhưng cũng không phải vì thế mà thơ ông chỉ quẩn quanh nơi sân rồng với vườn thượng uyển. Trái lại tấm lòng son ấy còn trải tới cả muôn dân, ông luôn lo lắng nhắc nhở bề trên phải biết quan tâm, bồi dưỡng gốc nước: “Thánh chúa thẩn kim cần vụ bản/ Nhân an canh tạc thái bình dân” (Xã nhật); dịch thơ “Vương thượng biết chuyên lo gốc nước/ An cư lạc nghiệp thái bình dân”. Cũng bởi vậy trong thơ ông cũng thường dạy bảo, khuyên dân chăm sóc từng “cái rau ngọn cỏ” hay từ “cách ăn cái ngủ”: “Cà con chớ lộn cà ông/ Vãi cải vãi vừng vãi cùng một nương”; “xanh lè cải mới lưỡi mèo/ Thả gần lú bú xin đèo bên sau”; “Già răm cho húng phải lui/ Măng ếch lá lốt hợp mùi xương xông”; “Bông lau lông vịt lấy bông/ Làm chăn làm đệm mùa đông ngự hàn”. Những vần thơ tuy nôm na, giản dị là vậy nhưng chứa đựng viết bao ân tình đối với dân, nước của bậc lương đống triều đình nhà Lê. Một nhân cách như thế thì cũng rất nặng tình với nước non quê nhà. Đọc thơ đi sứ của ông ta thật xúc động trước những nỗi niềm nhớ nhung quê hương da diết: “Vạn lý thiên triều dịch lộ trường/ Điểu minh yên thụ khách qui hương” (Ngẫu tác); dịch thơ “Đất nước xa vời vạn dặm đường/ Khói cây chim hót nhớ quê hương”. Ở bên đất Bắc, Phùng Khắc Khoan nhớ nhung đất nước bao nhiêu thì ông lại vui mừng, sung sướng bấy nhiêu khi được đặt chân lên Tổ quốc thân yêu sau ngót nửa nghìn ngày xa cách: “Bắc Nam hội liễu các ngôn hoàn/ Ngọ quá khinh thiều quá Trấn Quan/ Ngâm xứ phong vân hân đắc lực/ kinh thời thảo mộc hỷ khai nhan” (Trấn Nam Quan); dịch thơ “Việt Trung hội họp việc yên hàn/ Xe nhẹ đón đưa khỏi Trấn Quan/ Sang sảng ngâm thơ chào đất nước/ Mừng vui ngắm nghía cảnh giang san”. Đọc thơ Phùng Khắc Khoan ta thấy tâm hồn ông cũng tinh tế lắm, lúc nào cũng hòa nhịp với muôn vẻ thanh tú của núi sông cây cỏ: “Sơn sơn cao dữ bạch vân tề/ Vãn thích sơn thôn xướng dã kê/ Phong tĩnh ỷ lâu văn địch lộng/ Canh thân bang thế hưởng cùng đề” (Vãn túc Quảng địa); dịch thơ “Núi tiếp núi cao cùng mây trắng/ Xóm núi nghe văng vẳng gà rừng/ Gió yên tựa cửa nghe sáo vẳng/ Khuya đến bên thềm tiếng dế mừng” hay “Điểu ngữ hoan nghênh tùng hạ khách/ Hoa dung tĩnh đối động trung tiên” (Đăng Phật Tích sơn); dịch thơ: “Chim dưới bóng thông chào đón khách/ Hoa trong hang núi lặng nhìn tiên”. Một tâm hồn như thế hẳn là tình cảm với bạn bè cũng sẽ là một nội dung rất sâu sắc trong thơ ông. Đọc thơ ông ta sẽ thấy ông càng nhân hậu bao nhiêu thì với bạn bè ông cũng trân trọng, yêu quí bấy nhiên: “Tự cổ cùng thông do tuế tiết/ Phong trần nhân phẩm quí tương tri” (Trừ tịch Nguyễn Thanh Trai kiến ký); dịch thơ “Được mất xưa nay thường đắp đổi/ Đời người quí kẻ mặn tình xưa”. Tình bạn ấy với Trạng Bùng không chỉ có giới hạn ở trong nước mà nó còn được mở rộng ra với cả bạn bè năm châu bốn bể. Chẳng thế mà chuyến đi sứ nhà Minh, Phùng Khắc Khoan đã để lại những dấu ấn tình cảm đẹp đẽ của một Việt Nam thân thiện, tình cảm và yêu quí hòa bình trong mắt bạn bè Triều Tiên, Nhật Bản. Có lẽ mối tình hữu nghị giữa Việt Nam với Triều Tiên, Nhật Bản đã được Trạng Bùng quan tâm vun xới từ thủa đó. Những tình cảm ấy ta thấy rất rõ trong những vần thơ đi sứ: “Thử hồi huề mãn thiên hương tụ/ Hòa khí huân vi vạn vũ đồng” (Tống Lưu Cầu quốc sứ); dịch thơ: “Ngày về hữu nghị thơm tho/ Gió mang hòa khí đến cho muôn nhà” hay: “Giao lân tiện thị tín vi bản/ Tiến đức thâm duy kính tác dư/ Ký thủ sứ thiều hoàn quốc nhật/ Nam lai ngũ sắc vọng vân xa” (Mai Nam Nghị Trai Thứ Triều Tiên quí quốc Lý sứ công thi vận); dịch thơ: “Bền vững bang giao tin ấy gốc/ Trau dồi đức tiến kính là trên/ Nhớ ngày sứ bộ quay về nước/ Trông bóng xe mây rẽ mỗi bên”.
Đứng giữa Hoàng đạo thư đường, ngắm bức chân dung, đọc lại thơ người và thắp nén nhang thơm bái lạy tưởng nhớ ơn đức Trạng Bùng mà lòng đầy bâng khuâng, cảm kích. Đã trên bốn thế kỉ đi qua, hình ảnh và tấm lòng của cụ Phùng Khắc Khoan vẫn sống mãi trong lòng hậu thế. Trạng Bùng quả đúng là ngôi sao sáng trên bầu trời đất Việt từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII đúng như lời đánh giá của Chu Thần Cao Bá Quát “Văn chương lẫy lừng đất Bắc chính sự vững trời Nam”. Hình ảnh ấy, tấm lòng ấy sẽ còn sống mãi với đất nước quê hương.
Giang Sơn
Chú thích: Các bản dich thơ trong bài viết là của Bùi Duy Tân và Trần Lê Sáng. Trích theo sách “Phùng Khắc Khoan cuộc đời và thơ văn”, Trần Lê Sáng, nhà xuất bản Hà Nội, 1985.