
Chừng quãng hai chục năm trước, khi chúng tôi mới ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, thì cái trường võ của một vị võ sư,lương y nằm trên đất Sơn Tây là một biểu tượng cho tinh thần thượng võ, cho sự khám phá những khả năng tiềm ẩn mà con người tưởng chừng không làm được. Anh bạn tôi thì kiếm tìm, đọc toàn bộ những thông tin liên quan đến trường võ. Thậm chí còn nhảy xe khách từ trường đại học ở Hà Nội lên Sơn Tây để mong có cơ hội được diện kiến vị võ sư nổi tiếng Nguyễn Hữu Khai. Còn tôi, không đam mê võ thuật, thiên hướng nội tâm và gắn với âm nhac, nhưng vẫn tò mò với một hoạt động thu hút được đông đảo các bạn cùng trang lứa quan tâm như vậy. Gặp Lương y Nguyễn Hữu Khai bây giờ và gợi lại câu chuyện về trường võ ngày trước, như có ai đó mở nút thắt của một kỷ niệm đẹp đã trôi qua, ông say sưa kể chúng tôi về võ thuật cổ truyền. Với ông, võ thuật không đơn giản chỉ là những động tác đánh đấm, mà còn là một văn hóa, một triết lý mà chúng ta có thể soi rọi vào nó chiêm nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống. Võ thuật sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong cuộc sống, khám phá được những điều kỳ diệu của cơ thể, hiểu được nhiều hơn mối quan hệ giữa con người với trời đất, hiểu được hơn vị trí và tầm quan trọng của con người, chủ thể mà ông gọi là một tiểu vũ trụ.


Chẳng phải ngẫu nhiên Nguyễn Hữu Khai lại mê võ. Bởi trong quan niệm của y học truyền thống dân tộc, con người cũng được coi là trung tâm, là tiểu vũ trụ và tiểu vũ trụ này không thể tách rời khỏi mối quan hệ với trời và đất. Tức là Thiên - Địa - Nhân. Trời sinh ra con người ở đâu thì cũng sinh ra ngũ cốc thực thẩm để nuôi dưỡng đồng thời cũng sinh ra thảo dược, khoáng dược để chữa bệnh. Có lẽ vậy mà trong chiều dài lịch sử phát triển cho tới ngày nay chúng ta rõ ràng đồng thời có hai nền y học lớn, đó là Tây y và Đông y. Tây y là thuốc chữa nhận thấy dân tộc nào cũng có nền y học truyền thống bệnh do những người sống ở châu Âu, Mỹ phát minh ra, cũng tương tự, Đông y là thuốc chữa bệnh của những người sống ở khu vực Đông châu Á chắt lọc được từ hàng ngàn năm sinh sống cùng với thiên nhiên nơi đây. Chỉ có điều, nhắc tới Đông y lẽ ra sẽ bao hàm cả một vùng rộng lớn bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi cả Việt Nam, Lào, Campuchia… nhưng nền y học cổ truyền của Trung Quốc quá lớn mạnh, lại được ghi chép đầy đủ trong sử sách, vì thế, gần như lấn át hết các nền y học bản địa của các quốc gia khác trong cùng khu vực. Đây cũng chính là điều mà lương y Nguyễn Hữu Khai cùng nhiều đồng nghiệp khác trăn trở trong suốt gần cả cuộc đời đau đáu với nền y học dân gian của dân tộc.
Lương y Nguyễn Hữu Khai chia sẻ, nhiều hội thảo quốc tế, khi mình trình bày một bài thuốc, một giải pháp chữa bệnh hữu hiệu, vốn là phương thuốc của chính cha ông ta sáng chế ra, nhưng lại không được các bạn bè quốc tế công nhận. Một phần lý do chính là từ chúng ta, chưa có sự tách biệt rạch ròi trong chuyên môn cũng như cách gọi tên, chính chúng ta cũng gọi đó là Đông y. Ông Nguyễn Hữu Khai chia sẻ, “thực tế hiện ở Việt Nam có 3 nền y học cùng song song tồn tại là y học hiện đại của Tây, y học cổ truyền của Tàu và y học dân gian của ta”. Ba nền y học này, theo ông đều có những giá trị riêng và đều chung một đích đến, tuy nhiên, đó là ba phương pháp hoàn toàn khác nhau. “Giống như ta cùng đi đến TPHCM nhưng trên ba con đường khác nhau đó là đường thủy, đường sắt và đường bộ. Ba dòng y học này đều có phương pháp khác nhau, quan điểm khác nhau, tư duy khác nhau và kể cả đạo đức phong cách khác nhau thế nhưng hiện tại chúng ta chỉ áp dụng chung một luật cho cả ba con đường thì đi làm sao?”

Đó là một cái khó khăn khác, khó khăn này là thực tế khách quan, khi mà lâu nay, những lãnh đạo của Bộ Y tế chỉ thiên về Tây y, đông y và y học dân gian cổ truyền của dân tộc lại nhạt nhòa, dẫn đến không được tham gia và các hoạt động, hoạch định đường đi cho chính mình. Trong khi nếu đứng ở góc độ Tây y mà nhìn vào Đông y, Nam y thì có thể sẽ không thể thấu đáo. Thậm chí có khi những phương thuốc, bài chữa đã chăm sóc sức khỏe cho các thế hệ của dân tộc từ hàng nghìn năm nay, nhưng hiện nay lại không được công nhận theo quy chế, những lương y (Thầy thuốc y học cổ truyền) đang tiếp tục lưu giữ những bài thuốc cổ truyền của dân tộc ấy có khi lại bị cho là những lang băm… Và vì thế, quyết tâm có một hội tổ chức nghề nghiệp một là để khẳng định cái tôi với quốc tế, đồng thời cũng là để có được sự nhìn nhận đúng vị trị trong chính giới y học, nên Hội Nam Y Việt Nam đã được thành lập mà Nguyễn Hữu Khai là một trong những thành viên tích cực của Hội. Tất nhiên, con đường để tới một vị thế như mong muốn của những lương y với cái tâm hết mình vì cái tôi của nền y học dân gian dân tộc nước nhà.
Đem băn khăn về một nền y học dân gian truyền thống ứng dụng vào trong đời sống hiện đại này liệu có còn phù hợp? Lương y Nguyễn Hữu Khai gạt ngay, ông bảo: Bệnh nào có thuốc đó trị. Cũng có những chứng bệnh gọi là: “Nan y” nhưng nan y là khó chữa chứ không hẳn là không chữa được! Y học cổ truyền và phát kiến sáng tạo của các thầy lang vẫn luôn phát triển và sáng tạo theo thời cuộc. Thuốc của ngày hôm nay dựa trên bài thuốc đã có từ trong truyền thống và cộng thêm sự nghiên cứu có được từ kinh nghiệm của chính các lương y. Lại thêm thắc mắc về sự phong phú cùng tính khoa học của y học dân gian? Lương y Nguyễn Hữu Khai khẳng định: “Nền y học dân gian của ta là cả một cái hệ thống giáo dục y học khoa học đồ sộ, càng học càng thấy rộng, càng tích lũy càng thấy thiếu”. Ông dí dỏm, “cả đời tôi miệt mài học của các cụ chưa hết, đến giờ gần 70 tuổi đầu rồi, cho tôi sống thêm 100 năm nữa cũng chưa học hết vốn liếng của các cụ”. Chia tay ông mà trong lòng tôi rộn lên một niềm vui cho một nền y học, nền văn hóa chữa bệnh vô cùng đặc sắc của dân tộc đang dần hồi sinh.
Nguyễn Quang Long