Mẹ Huỳnh Thị Kế - Mẹ của Liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn - Chiến sĩ Hải quân hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 - Ảnh: PV
Một mình trong căn nhà trống vắng ở tuổi 84, người Mẹ Việt Nam anh hùng ngồi lau nước mắt khi nhắc lại kí ức về đứa con trai duy nhất của mình. Chúng tôi kính cẩn xin phép mẹ được thắp nén nhang cho anh Đoàn trong căn nhà nhỏ ở tổ 47 phường Hòa Cường Nam – quận Hải Châu - Đà Nẵng. Mẹ Huỳnh Thị Kế lau lại di ảnh của Liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn – Chiến sĩ Hải quân hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 mà nước mắt chảy dài.
Nỗi nhớ rồi cũng vơi dần theo năm tháng, có nhiều lúc nhớ con mẹ khóc cạn cả nước mắt. Nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận vì đứa con của mình đã anh dũng hy sinh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Mẹ có hai người con - một trai một gái - đứa con trai duy nhất đã vĩnh viễn nằm lại nơi đảo xa sóng dữ. Ngày anh tòng quân, ở cái tuổi 19 xanh vời vợi, anh lén giấu mẹ đăng kí nhập ngũ. Trước ngày anh lên đường, anh chìa cái giấy tòng quân và nghẹn ngào xa mẹ ra hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Mẹ cứ day dứt mãi trước lúc lên đường, anh có chạy vội về nhà tìm mẹ chào tạm biệt nhưng chẳng gặp được. Và đó cũng là kí ức cuối cùng của mẹ về đứa con trai duy nhất của mình. Mẹ ngồi nhà khóc hết nước mắt, khóc vì thương con chứ chẳng trách nó, mẹ khóc vì sao con đi biền biệt chẳng một bức hồi âm.
Anh lên đường lúc tuổi vừa tròn 19, nhà lúc đấy nghèo túng cũng chẳng có gì cho con lên đường. Được bộ quần áo anh gấp vội mang theo, rồi mẹ nghẹn ngào: “Nó đi mà mẹ thương lắm, nhưng mẹ không cản vì mẹ biết nó đi là để bảo vệ Tổ quốc. Mẹ chỉ buồn là nhà quá nghèo, chẳng có thứ gì làm kỉ vật của nó cả”. Thế rồi anh đi biền biệt chẳng về, cũng không một bức thư gửi về thăm mẹ. 3 năm sau ngày anh lên đường, mẹ mới nhận được giấy báo là anh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Ngày cầm giấy báo trên tay, mẹ khóc nhiều lắm, khóc vì thương con lên đường mà mẹ con chẳng gặp được nhau lần cuối. Khóc vì 3 năm dài vẫn hy vọng con bình an hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thế mà…
Mẹ vẫn thường xuyên xem thời sự vào buổi tối, có những lần xem tư liệu về cuộc chiến Gạc Ma năm 1988, mẹ đau lòng chảy dài nước mắt nhưng cũng nguôi ngoai phần nào vì biết rằng anh đã hy sinh anh dũng như thế nào. Ngày anh đi mẹ không can ngăn, và giờ mẹ cũng không hối tiếc. Mẹ tôn trọng quyết định của anh và chấp nhận sự thực đau xót ấy.
Những bằng ghi công của gia đình mẹ Kế.

Bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sỹ Nguyễn Phú Đoàn.
Vừa lau nước mắt, mẹ vừa kể về anh Đoàn bằng chút kí ức còn sót lại cách đây gần 30 năm, về đứa con trai lanh lợi xốc vác của mẹ. Năm nay đã 84 tuổi, mẹ cũng chẳng còn sức để gánh rau ra chợ bán như trước. Ông đã qua đời vài năm trước vì tuổi già đau ốm liên miên. Giờ mẹ cũng ở cái tuổi gần đất xa trời. Mấy hôm nay mẹ bị cao huyết áp, nhà cũng chẳng có ai ngoài mấy cô cậu sinh viên ở trọ phía sau nhà: “Nhìn mấy đứa ấy mẹ lại nhớ anh nhiều hơn, nhưng cũng nhờ tụi nó đỡ đần cho tuổi già những lúc ốm đau mà con gái chưa về kịp. Giờ thì cũng chỉ biết vui vầy với đứa cháu ngoại, nó hay ghé nhà chơi thăm mẹ nên cũng đỡ buồn”.
Căn nhà nhỏ dành riêng một góc để treo những tấm Bằng khen, mẹ cẩn trọng treo nó ở ngay đầu giường mấy chục năm nay để nhắc nhở rằng đứa con mình đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Vẫn còn đó những ngôi mộ gió liệt sĩ Gạc Ma nằm lặng lẽ mà hiên ngang tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) như một lời răn dạy thế hệ con cháu Việt Nam về trận hải chiến đầy đau thương – Gạc Ma 1988.
Còn tiếp...
Ngọc Huy - Minh Ngọc