Thu Đinh Dậu trên quê hương cách mạng Tân Trào

Tân Trào - căn cứ địa cách mạng của cả nước, là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng những sự kiện diễn ra tại Tân Trào cách đây 72 năm vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của người dân nơi đây.

 
Đình Tân Trào nơi diễn ra "Quốc dân Đại hội Tân Trào – Tiền thân của Quốc hội Việt Nam" các đây 72 năm - Ảnh: Đức Vinh

Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng người dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những con đường bê tông trải rộng, cờ hoa rực rỡ, những đoàn xe nối đuôi nhau đưa khách du lịch về thăm quan các di tích… là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về Tân Trào trong những ngày tháng 8 lịch sử.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào cho biết: Tháng 5 năm 1945, trước những diễn biến mau lẹ và yêu cầu của tình hình cách mạng, Bác Hồ chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã có những quyết định quan trọng, lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước tháng 8/1945. Từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng họp, quyết định chớp thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngày 16, 17/8/1945, Quốc dân đại hội Tân Trào - tiền thân của Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam họp tại đình Tân Trào, đã thảo luận nhất trí thông qua chủ trương của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Dưới gốc đa Tân Trào chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào.  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội...
 
Để tìm hiểu về những ngày cách mạng lịch sử ấy, chúng tôi đến thăm bà Nông Thị Mơ, một trong những người cao tuổi nhất ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Mặc dù năm nay đã 93 tuổi nhưng bà vẫn nhớ những sự kiện trọng đại diễn ra ở Tân Trào tháng 8/1945. Bà Mơ nhớ lại: Vào thời điểm ấy, hầu hết các gia đình trong thôn Tân Lập đều có cán bộ về ở nhờ. Mặc dù, lúc ấy cuộc sống của người dân trong thôn còn vô cùng khó khăn, nhưng không ai ngại khó, ngại khổ, mà nhà nhà đều góp gạo, góp muối… để nuôi cán bộ cách mạng. Đặc biệt, người dân trong thôn đều thực hiện “3 không” là không biết, không nói, không thấy để đảm bảo an toàn, bí mật cho Bác Hồ và những cán bộ đang hoạt động tại thôn.
 


 
Cây đa Tân Trào hồi sinh mạnh mẽ. Ảnh: Vũ Quang Đán
 
Bà Mơ cũng chia sẻ thêm, khi các cuộc họp diễn ra bà cũng như những người dân Tân Lập khi ấy đều không biết trong đình đang diễn ra những cuộc họp gì, không khí vô cùng tĩnh lặng và bí mật. Nhưng sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm lễ xuất quân dưới gốc đa Tân Trào thì bầu không khí đã thay đổi. Chưa bao giờ ở Tân Trào không khí cách mạng lại sục sôi đến vậy. Ai cũng hừng hực khí thế quyết giành lại độc lập cho Tổ quốc. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công đến nay, với người dân ở Tân Trào mùa thu năm nào cũng là mùa thu cách mạng, khí thế đánh giặc năm xưa nay đã chuyển thành khí thế lao động sản xuất, xây dựng quê hương.
 
Tân Trào là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất quân Giải phóng tiến về Hà Nội giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng thủ đô nên người dân ở Tân Trào rất tự hào vì quê hương mình là một phần quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Phát huy truyền thống trên quê hương cách mạng người dân Tân Trào hôm nay đã đoàn kết xây dựng quê hương, đưa Tân Trào trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Tân Trào hôm nay đang ngày càng phát triển.
 
 
Lán Nà Nưa (trước đây gọi là Nà Lừa) tại Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Vũ Quang Đán
 
Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Trong những năm qua, đảng bộ chính quyền và người dân xã Tân Trào luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương, đưa xã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.  Hiện nay, 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 100% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,52%; cơ cấu ngành nghề tại địa phương ngày càng đang dạng, ngoài sản xuất nông nghiệp Tân Trào còn đang đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, hàng hóa…
 

Một góc làng văn hóa du lịch thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang Đán
 
Ông Khải cũng cho biết thêm: Để tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh việc nâng cao giá trị cây chè, phát triển thương hiệu chè Vĩnh Tân, xã sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã. Theo đó, xã đã tham mưu, đề xuất lên cấp trên Đề án “Phát triển du lịch, dịch vụ Tân Trào giai đoạn 2017 – 2020”. Sau khi Đề án được phê duyệt xã sẽ tiến hành quy hoạch lại khu vực bán hàng phục vụ du khách; bố trí lại cảnh quan, khuôn viên bên ngoài khu di tích; kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư về đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng ki ốt bán hàng tập trung, khu vực nghỉ ngơi cho du khách trước khi vào thăm quan di tích; đầu tư các phương tiện đưa đón khách thăm quan: xe điện, xe xích lô…
 
Bên cạnh đó, xã Tân Trào sẽ tiến hành quy hoạch các khu dân cư tập trung; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường sinh thái; đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi, tham gia xuất khẩu lao động trong và ngoài nước... từng bước giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, Tân Trào đạt tiêu chí đô thị loại V (xã trở thành thị trấn), thu nhập bình quân đầu người đạt từ 28 – 30 triệu đồng/người/năm.    
 
Phạm Yến 

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thu-dinh-dau-tren-que-huong-cach-mang-tan-trao-a10967.html