Non nước chùa Thầy

Theo các nhà phong thủy thì hệ thống núi non ở đây là chi long, gân mạch bắt nguồn từ tổ sơn Tản Viên linh thiêng uốn lượn chìm nổi hàng chục cây số tụ hội về đây với mười tám ngọn núi nổi lên giữa vùng đồng bằng mênh mông lúa vàng để tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo được người đời truyền tụng như một Hạ Long trên cạn của xứ Đoài ngàn năm văn hiến.



Tác giả đứng trước chùa Thầy

Chùa Thầy nằm ở xã Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội. Đây là một vùng đất địa linh gắn liền với tên tuổi của những danh nhân như tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, nổi tiếng thời loạn mười hai xứ quân; Sư tổ Từ Đạo Hạnh với những huyền thoại li kì của Phật giáo, danh sĩ Cao Bá Quát với thời kì làm giáo thụ ở phủ Quốc; dòng họ Phan Huy với những văn thần Phan Huy Ích, Phan Huy Chú… Đây cũng là quê hương của nhiều vị tướng quân thời hiện đại như cố Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (tiền thân của Bộ đội Biên phòng ngày nay); Phan Thu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đương thời cũng đã có một vài lần về ở và làm việc.

Vùng đất linh thiêng, thanh bình, yên ả này với những cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp có đủ núi, sông, đồng bãi đã đi vào thơ Quang Dũng làm thổn thức người đọc gần xa đã làm ta mơ đến: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều khuya khoát thổi đêm trăng”.


Đoàn công tác của chúng tôi có dịp về Quốc Oai làm việc với Trường THCS Sài Sơn của phủ Quốc. Nhân dịp này các bạn phủ Quốc đã đưa anh em chúng tôi đến thăm chùa bái Phật, vãn cảnh non Sài. Với tình cảm yêu quí và cũng muốn cho anh em chúng tôi một kỉ niệm đẹp về vùng đất Phật, các bạn đã thu xếp cho chúng tôi một bữa cơm chay ở chính chùa Cao trên đỉnh núi. Thật thú vị. Trong đời mấy khi đã có được cái duyên như vậy. Cơm chay thanh tịnh, tình người thiết tha hòa trong cảnh chùa linh diệu thật khôn tả. Ngắm nhìn những mái chùa nhấp nhô bên sườn non; trầm mặc trong vườn đào nơi người xưa giam mình mười năm soạn quốc sử (Lịch triều hiến chương loại chí); ngửi trầm hương nhẹ nhẹ lan tỏa trong không gian; lắng tai nghe tiếng kinh tụng hòa trong tiếng chuông, tiếng mõ lúc khoan lúc nhặt vang vọng bên vách núi u tịch của chốn non bồng đã gợi lên trong ta bao điều suy tưởng. Chuyến vãn du của anh em bè bạn phủ Quốc dành cho chúng tôi thật ý nghĩa và để lại trong tôi biết bao xúc cảm trước phong cảnh hữu tình nơi đất Phật với những sơn kì thủy tú. 

Núi Thầy nằm trong quần thể thập bát đại danh sơn của phủ Quốc. Theo các nhà phong thủy thì hệ thống núi non ở đây là chi long, gân mạch bắt nguồn từ tổ sơn Tản Viên linh thiêng uốn lượn chìm nổi hàng chục cây số tụ hội về đây với mười tám ngọn núi nổi lên giữa vùng đồng bằng mênh mông lúa vàng để tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo được người đời truyền tụng như một Hạ Long trên cạn của xứ Đoài ngàn năm văn hiến. Trung tâm của quần thể núi non này chính là núi Thầy (núi Sài Sơn). Người ta bảo ngọn núi này là con rồng lẻ đàn (quái long). Con rồng này đang trầm mình trên mặt hồ nước mà đầu rồng là ngọn Long Đẩu. Nhưng cũng dáng hình ấy có người thì lại cho rằng núi Sài Sơn chính là một con rồng và ngọn Long Đẩu là viên ngọc nằm trong miệng rồng. Thật là phong phú cho trí tưởng tượng. Đứng trên đỉnh non Sài dõi mắt về bốn phía ta có thể thấy phía xa xa dòng sông Đáy uốn cong mền mại, êm đềm xuôi chảy; gần hơn có các núi Hoàng Xá, Phượng Hoàng, Hoa Phát, Hương Sơn, Kỳ Lân, Âm Giang, Ông Minh, Mỏm Vọ… giống như hàng đàn các con lân, con phượng, con qui, con cóc đang chầu về đỉnh núi Sài Sơn. Đặc biệt núi Hoàng Xá giống như một con voi khổng lồ đang nằm phủ phục với cái đầu đang hướng về kinh thành Thăng Long như một bức tường thành che chắn từ xa cho ngọn núi linh thiêng. Cảnh vật núi sông như thế thật hữu tình và gợi bao điều cho trí tưởng tượng dân gian. Tuy nhiên, theo kiến giải của các nhà địa chất, vào cuối kỉ Héc xi ni vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng đã xảy ra một cuộc vận động tân kiến tạo. Sau cuộc vận động này, bề mặt đất đai vùng phủ Quốc có chỗ lồi chỗ lõm, nơi lõm xuống là vùng trũng, còn nơi lồi lên là những ngọn núi đá vôi. Bởi thế trên dải đất ấy có vô số ngọn núi đá vôi, có ngọn liên tiếp kề nhau tạo thành dải, có ngọn đứng lẻ loi, riêng rẽ như những chiếc bát úp. Đấy chính là những dấu vết còn sót lại trong vận động kiến tạo đồng bằng.
 


Thủy đình trên hồ Long Trì

Trên những ngọn núi này, đặc biệt là núi Sài Sơn thảm thực vật hiện còn lại cũng khá đa dạng với rất nhiều loài cây nhiệt đới (trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi) như gạo, đa, đại, xà cừ, bằng lăng, me, lim, lúc lắc, tre núi, sưa, chuối rừng, dương xỉ, cây leo…  và rất nhiều cây thuốc quí như đại đỏ, mạch môn đông, ráy, ba chạc, đơn tướng quân, sử quân tử, canh châu, sa nhân, hà thủ ô, thường sơn, huyết giác, uy linh tiên, dạ cẩm… Thảm thực vật phong phú này đã tạo nên bức tranh đa màu góp phần không nhỏ tô điểm cho cảnh quan núi Thầy.

Cùng với vẻ đẹp của những dáng hình tự nhiên, núi Thầy còn được mọi người biết đến bởi chùa Thầy cổ kính, linh thiêng và những truyền thuyết kì bí về thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là một quần thể di tích về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của phật giáo nổi tiếng xứ Đoài đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Nó có thể được coi là một bảo tàng mỹ thuật thu gọn của thời kì trung đại Việt Nam. Tính đến nay chùa đã có lịch sử tồn tại cả nghìn năm.

Theo như tài liệu lưu trữ thì ngôi chùa này có từ thế kỉ XI. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ (Hương Hải am) là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu luyện phật pháp. Sau đó vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm có hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, diện mạo và kiến trúc ban đầu của chùa không còn nữa mà liên tục được bổ sung và hoàn thiện. Theo như văn bia lưu lại, vào khoảng đầu thế kỉ XVII, thời kì chấn hưng của phật giáo, chính quyền phong kiến Lê – Trịnh đương thời cũng đã cho hưng công tu sửa. Qui mô và dấu tích của lần tu sửa này vẫn còn in đâm tới ngày nay, dù đã trải qua nhiều lần tu sửa khác. Theo đó chùa gồm có điện phật, điện thánh, nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Nhìn tổng quan về chùa Thiên Phúc, những người biết về phong thủy bảo rằng chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải của chùa dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ nước rộng xanh biếc có tên Long Chiểu hay Long Trì (ao rồng). Ngoài ra sân chùa chính là hàm rồng. Nhìn tổng thể các công trình từ ngoài vào trong ta sẽ thấy chùa có thiết kế sắp đặt như sau: núi Long Đẩu – Ao – Thủy đình – Sân chùa – Nhật Tiên kiều – Nguyệt Tiên kiều – đền Tam Phủ – Tam bảo – Điện thánh (Tam Bảo và Điện Thánh có kiến trúc hình chữ tam, hai tòa trước bao gồm các công trình Chùa Hộ - Thiêu Hương – Điện Phật; tòa phía sau là Điện Thánh (nơi thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh). Ngoài ra chùa còn có hai dãy hành lang vây bọc, kết thúc các khối công trình là Gác Chuông, Gác Trống, Nhà bia, sân Nhà Tổ, Nhà Tổ, Phòng Tăng, nhà bếp. Toàn thể các công trình của chùa nằm trên một diện tích khoảng trên 2400 m2. Một công trình kiến trúc quả là bề thế! Đúng từ xa nhìn về ngôi chùa, không suy luận theo quan niệm phong thủy, chỉ xét về mặt khoa học, chúng ta không khỏi bái phục con mắt của người xưa khi chọn đất dựng chùa.

Chùa có mặt nước hồ vây quanh, phía trước có núi án, núi chầu. Địa thế này đã làm cho ngôi chùa mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Núi Sài sẽ chẳng khác gì bức tường tự nhiên ngăn cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè nhiệt đới. Các khối công trình bên ngoài của chùa Thầy, ấn tượng nhất có lẽ là Thủy đình ở giữa hồ nước, trước chùa và hai cầu Nhật Tiên kiều, Nguyệt Tiên kiều. Thủy đình là một căn nhà nhỏ hình vuông nổi trên mặt nước làm theo kiểu chồng diềm tám mái, lợp ngói mũi hài, bờ nóc gắn hoa chanh hộp rỗng, phần hai đầu đao của bờ nóc có hai con kìm ngậm dải hoa với đuôi cuộn xoáy hình tròn. Thủy đình này tương truyền do bà Thái Phi (vợ vua Mạc) quyên góp tiền xây dựng. Và đây cũng chính là nơi diễn ra các trò múa rối. Tương truyền thiền sư Từ Đạo Hạnh là ông tổ nghề của trò múa rối. Chính người đã dạy dân trò chơi này. Hai cầu Nhật Tiên kiều và Nguyệt Tiên kiều có kết cấu kiến trúc giống nhau theo kiểu cầu thượng gia – hạ kiều. Nhìn từ xa hai cây cầu này cong cong trông rất giống mi mắt của con rồng. Nghe nói cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cung tiến làm đôi cầu này. Cùng với các công trình kiến trúc bên ngoài thì kiến trúc các công trình và đồ vật trong chùa Thiên Phúc cũng là những di vật rất có giá trị. Các tòa Tiền Đường, Điện Phật, Thiêu Hương, Gác Chuông… tuy được tu sửa nhiều lần nhưng dấu tích của thời Lê Sơ và nhà Nguyễn vẫn hiển lộ rõ ràng. Các mảng chạm khắc, trang trí trên các cột, kèo, bờ nóc rất tinh xảo và mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỉ XVII. Các di vật trong chùa cũng khá phong phú. Tiêu biểu như hệ thống văn bia, bệ đá hoa sen (thời trần), tượng phật; đặc biệt là bộ tượng Tam Thế và bộ tượng Di Đà Tam Tôn bằng gỗ (có thể nói là cổ nhất nước ta còn sót lại, cũng được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia)… 

 


Nguyệt Tiên kiều





Vườn Đào nơi Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí

Tìm hiểu về kiến trúc của chùa Thầy, ta cũng sẽ thấy nó khác với nhiều ngôi chùa thường gặp. Đó là kiểu kiến trúc Tiền Phật – Hậu Thánh (vừa thờ Phật vừa thờ Thánh). Có thể nói đây là ngôi chùa Tiền Phật – Hậu Thánh đầu tiên ở Bắc Bộ. Theo nhiều người nói thì đến chùa Thầy người ta rất tin vào sự linh thiêng của Đức Thánh (Từ Đạo Hạnh). Sử liệu về cuộc đời tu luyện của thiền Từ Đạo Hạnh cho biết: giai đoạn đầu của sự nghiệp người tu luyện ở chùa Láng (Quận Đống Đa, Hà Nội) nhưng về sau lại chuyển về chùa Thầy, người đã đắc đạo và hóa Thánh tại đây. Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu theo trường phái Mật Giáo với bài thần chú Phật đỉnh Tôn thắng Đà la ni. Nhờ bền công bền trí tu luyện mà ngài có nhiều pháp thuật cao cường như các phép phù chú, đốt ngón tay cầu đảo, gọi gió, hô mưa, chữa bệnh... Tương truyền nhờ có những phép thuật này mà ngài đã giết chết pháp sư Đại Điên trả thù cho cha. Theo truyền thuyết, ngài còn ngăn Giác Hoàng (hậu thân của Đại Điên) không cho đầu thai làm con vua Lý Nhân Tông. Rồi đến lượt mình, ngài đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu để trở thành vua Lý Thần Tông. Tương truyền khi tu hành ở núi Thầy, thiền sư Từ Đạo Hạnh ngoài giảng đạo còn có công lao dạy dỗ dân chúng làm ăn và bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp dân lành nên được nhân dân yêu quí và tôn sùng. Khi ngài hóa nhân dân đã làm tượng và dựng điện thờ ngài tại chùa. Từ Đạo Hạnh hóa vào ngày mùng bảy tháng ba âm lịch. Bởi vậy cứ đến ngày ngài hóa nhân dân trong vùng (cả dân vùng Láng) đều mở hội để tưởng nhớ.

Ngày giỗ của Đức Thánh ở làng Thầy đã trở thành một lễ hội to và vui nhất trong vùng. Lễ hội này đã đi vào tâm thức của người dân trong vùng và được ca dao và phương ngôn của người xứ Đoài lưu truyền rất nhiều: “Nhất vui là hội chùa Thầy”, “Nhớ ngày mùng bảy tháng ba/ Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy”. Lễ hội chùa thầy cũng là một lễ hội khá độc đáo. Cứ đến ngày mùng bảy tháng ba âm lịch hàng năm du khách thập phương lại nô nức đổ về chùa Thầy lễ Phật, lễ Thánh cầu may và leo núi, chơi hang, vãn cảnh với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đông và vui nhất, có lẽ là những nam thanh nữ tú.


Trở lại với thời xa xưa, theo các thư tịch cổ, chúng ta được biết, hàng năm nhất là vào dịp mùa xuân, trai gái người Việt có tục chơi động, chơi hang để nghỉ ngơi, giải trí kết thúc một năm làm việc vất vả đồng thời cũng để chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới. Trong những dịp này, lễ hội chùa Thầy có rất nhiều hang, động trên núi sẽ là một điểm đến lí tưởng cho những cuộc chơi và cũng là một cơ hội cho họ gặp gỡ, giao duyên. Điều này sẽ là một sự khác thường trong xã hội phong kiến với nhưng quan điểm nam nữ thụ thụ bất thân hà khắc của Nho gia. Phải chăng đây là những biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực trong dân gian của người Việt còn lưu vết lại trong lễ hội mùa xuân này. Mỗi dịp lễ hội, du xuân đầu năm trên núi Thầy, sau khi vãn cảnh chùa lễ phật, trai gái lại kéo nhau men theo các đường mòn bên vách núi để tỏa đi chơi chợ Trời, hang Thánh hóa, hang Gió, hang Bò, đặc biệt là hang Cắc Cớ. Hang Cắc cớ rất sâu, dưới hang có bể xương người, nghe nói khoảng chừng hàng ngàn bộ.

Theo truyền thuyết đây là những bộ xương của quân tướng Lữ Gia sau khi chống lại nhà Hán bất thành đã bị vây chết trong hang. Để xuống được dưới hang trai gái phải dắt tay nhau, đốt đuốc soi đèn, rất vất vả mới xuống được. Bởi thế, xuống hang xong mà đã có không ít đôi đã nên duyên. Do vậy, trai gái cũng có nhiều người mong được trẩy hội chùa Thầy để thành vợ, thành chồng. Chẳng thế ca dao của xứ Đoài có nhắc: “Núi chùa Thầy có hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy” hay “Gái chưa chồng chơi hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”. Nhìn rộng ra, ở vùng cao có chợ tình. Chợ tình ở vùng cao phía Bắc là một trong những phong tục mang đậm chất nhân văn cho trai gái nơi đây thì lễ hội chùa Thầy ở góc nhìn này cũng là một trong những biểu hiện tốt đẹp ấy. Cho nên ca dao vùng này cũng có những bài đã mượn hình ảnh của núi Thầy để bày tỏ khát vọng, thổ lộ tình cảm của trai gái một cách rất chân thành, tha thiết: “Mưa từ trong núi mưa ra/ Mưa khắp thiên hạ mưa qua chùa Thầy/ Đôi ta bắt gặp nhau đây/ Như con bò gầy gặp bãi cỏ non”. 


Chiều đông lạnh giá, lặng nhìn rừng cây thay lá trên đỉnh núi u tịch, tâm ta bỗng trở lên nhẹ nhàng, thư thái lạ làm sao! Phải chăng non Sài cảnh bụt đã thanh lọc tâm hồn đưa ta trở về với cảnh giới chốn bồng lai. Tạm biệt non tiên nhưng dư âm của lời thơ, tiếng hát (bác chủ quán trên hang Cắc Cớ đọc thơ tặng mọi người trong đoàn và cô giáo Sài Sơn đã ứng tác hát văn đáp từ) vẫn thổn thức trong lòng làm ta nôn nao nhớ mãi non Sài.
 
Phan Anh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/non-nuoc-chua-thay-a10953.html