Chùa Bà Đanh - di tích nổi tiếng tại Hà Nam

Chùa Bà Đanh được biết đến rộng rãi không phài vì ngôi chùa này đông người tìm về hành hương hay đông khách thăm quan du lịch mà di tích này được biết đến bởi câu ví von “Vắng như chùa Bà Đanh”.

Chùa Bà Đanh được biết đến rộng rãi không phài vì ngôi chùa này đông người tìm về hành hương hay đông khách thăm quan du lịch mà di tích này được biết đến bởi câu ví von “Vắng như chùa Bà Đanh”.

“Vắng như chùa Bà Đanh” dường như đã trở thành “thương hiệu” và là câu quen thuộc của người dân miền Bắc khi diễn tả một sự vắng vẻ, hiu quạnh. Vì sự quen thuộc và nổi tiếng đó mà chùa Bà Đanh được người ta biết đến nhiều, mặc dù những người đó chưa chắc đã thực sự đến đây.

Từ Hà Nội, đi thẳng quốc lộ 1 đến thành phố Phủ Lý rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú vào quốc lộ 21, đi khoảng 10 km, đến cầu treo Cấm Sơn sẽ nhìn thấy ngôi chùa cổ kính thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây, nhìn ra con sông Đáy hiền hòa.

Chùa Bà Đanh còn có tên chữ là Bảo Sơn tự, là danh thắng của đất Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét) một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta.

Còn về tên gọi chùa Bà Đanh thì theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay. Câu so sánh “Vắng như chùa Bà Đanh” có từ bao giờ và vì sao lại có sự so sánh đó đến nay vẫn còn là thắc mắc của nhiều người. Có nhiều cách lý giải về câu nói này nhưng ý kiến được cho là chuẩn xác nhất là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.

Ngày nay, đường đi đã thuận lợi hơn nhiều do đó khách tìm về thăm quan, hành hương cũng không còn vắng vẻ như xưa.

Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn khá bề thế bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, sẽ bắt gặp tấm biển bằng đá ghi “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc”. Lối dẫn vào chùa hiện đã trải nhựa phẳng lì, hai bên đường đi là hàng nhãn, vải xanh rợp bóng. Cổng tam quan của chùa được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản. Tuy nhiên cổng này chỉ mở khi chùa có đại lễ, những ngày thường du khách phải đi qua hai cổng nhỏ hai bên với mái ngói cong như hình bán nguyệt. Bước qua cánh cửa cổng khép hờ là khuôn viên rộng rãi, lát gạch tinh tươm rất sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa có đặt nhiều chậu cây cảnh, giỏ phong lan tạo và đặc biệt là những hàng cau khẳng khiu vươn cao..

Chùa Bà Đanh ngày nay đã không còn vắng vẻ như xưa..

Cũng giống kiến trúc của nhiều ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…, ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa này có những nét riêng độc đáo. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ, Pháp Vũ.

Nếu đến thăm quan, vãn cảnh chùa, du khách nên dành thời gian chiêm ngưỡng pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Năm 1994, Chùa Bà Đanh đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhiều năm nay, người ta đã không còn thấy cảnh vắng vẻ, hiu quạnh ở ngôi chùa này, câu “vắng như chùa bà Đanh” trước đây giờ đã được cải biên thành: “Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ. Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh”…

Theo Cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-ba-danh-di-tich-noi-tieng-tai-ha-nam-a1093.html