Tín ngưỡng thờ cúng và điều cấm kỵ trên sống nước

Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có sông ngòi chằng chịt, mà có 7 tỉnh nằm ven biển gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang với tổng chiều dài bờ biển trên 600 km và nhiều hòn đảo lớn nhỏ. Nơi nào có đánh bắt, có người làm nghề hạ bạc, nơi đó có thờ cúng.

 
Cúng Bà – Cậu
 
Ngư dân và người đi sông đi biển ĐBSCL thờ cúng Cá Ông, Bà Cậu và các nữ thần có liên quan đến vùng biển như Thủy Long Thánh Mẫu, Bà Chúa Xứ, Bà Chúa Hòn, Thiên Hậu Thánh mẫu, tức nữ thần biển. Ngoài ra, bà con ở vùng biển đảo và sông rạch còn thờ cúng các vị thần linh vô hình hoặc hữu hình mà ông cha ta đã từng tế lễ; có thể là hiền thần từng cứu mạng con người như Rái Cá, Ông Nược, cũng có thể là hung thần ác quỷ như Ông Hèo (loài đẻn lớn), Thần Xà… Ở một số nơi ngư dân còn thờ cúng cả những người tử nạn vì nghề nghiệp hoặc chết bất đắc kỳ tử ở ngoài khơi.
 
Trước kia, tại ĐBSCL, một số nơi như Đồng Tháp cứ sau mùa tát đìa, mùa khai thác cá, các chủ đìa đều long trọng tổ chức cúng cầu ngư tại Gò Tháp, có rước bóng rỗi về múa bóng thật linh đình. Tại xã An Thủy, Ba Tri – Bến Tre hiện nay vẫn còn miếu thờ Bà Thủy, tên là miếu Bà An Thạnh, được dân làng tôn kính và sùng bái.
 
Đối với ngư dân và những người làm nghề sông nước, tuy không phải là người trực tiếp đánh bắt nhưng những người “lấy ghe làm nhà”, lấy “sông nước làm quê hương”, đều coi ghe thuyền là người bạn thân thiết. Do đó, những người đi ghe thuyền, tàu bè đều có chung một tín ngưỡng là thờ Thủy Thần, cụ thể như Cá Ông, Bà – Cậu, Quan Âm Nam Hải…cũng giống như ngư dân.
 
-Thờ cúng Cá Ông: Thờ Cá Ông là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của ngư dân vùng ven biển và các đảo. Hầu hết các làng chài đều có lăng miếu thờ cá ông, hay cá voi, còn gọi là “Nam hải đại tướng quân”. Tương truyền khi tàu ghe bị nạn, sắp chìm, cá Ông thường xuất hiện nâng đỡ, đưa tàu thuyền và người vào bờ thoát nạn. Truyền thuyết dân gian cũng kể rằng trên đường bôn tẩu, đoàn tùy tùng của Nguyễn Ánh đã nhiều lần được cá Ông, cá sấu và 2 con rái cá cứu thoát nạn nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong cho cá Ông tước hiệu Nam Hải đại tướng quân; phong cho đàn cá sấu là “Tân Ngạc ngư long” và hai con rái cá là “Lang lại nhị tướng quân”. Nghi thức Nghinh Ông giống như nghi thức cúng đình thần, cũng long trọng rước linh vị và sắc thần, chỉ khác nhau ở chỗ lễ hội Nghinh Ông diễn ra trên tàu ghe. Ý nghĩa của lễ hội Nghinh Ông thể hiện lòng tri ân và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, xóm làng sung túc, người ra khơi bình yên trở về, đánh bắt được nhiều cá tôm.
 
-Thờ cúng Bà – Cậu: Đây là tín ngưỡng phổ biến nhất của những người làm nghề hạ bạc và giới thương hồ ở Nam bộ. Hầu hết các ghe xuồng, tàu bè đều có bàn thờ Bà – Cậu với những kiêng kỵ, cúng kiếng thật chu đáo. Theo tín ngưỡng thờ Bà – Cậu, cư dân miền Trung vào Nam bộ đã chịu ảnh hưởng văn hóa của người Chăm, họ đồng hóa Bà Thiên y Ana với nữ thần sóng gió, tức Thủy Long. Nơi ở của Bà là Lục Cung Thủy Triều. Còn Cậu là cậu Trài (Tài) và cậu Quý “nhị vị công tử”, con trai của Bà, hóa thân từ Thiên y Ana.
 
-Thờ cúng Quan Âm Nam Hải: Quan Âm Nam Hải là điểm tựa tâm linh của ngư dân, của những người đi sông đi biển. Theo tín ngưỡng dân gian, Phật Quan Âm, mặt nhìn ra khơi luôn ứng hiện để cứu độ dân lành và giúp mọi người hướng thiện, có lòng thành vượt qua những khổ ải trầm luân. Có khi ngài hóa thành nghìn thân để cứu vớt chúng sinh, có khi hóa thành vị Phật nhiều tay, nhiều mắt để quan sát và lắng nghe lời khẩn cầu của thế gian.
 
Ngoài các tín ngưỡng trên, ngư dân còn thờ cúng cô hồn và cúng người tử nạn trên sông nước. Đặc biệt tại Đồng Tháp ngoài việc thờ Thành hoàng bổn cảnh, bà con còn thờ Đại Càn Quốc gia Nam hải và thường cúng vào tháng Chạp khi mùa đánh bắt vào vụ.
 
-Đối với thợ đóng ghe xuồng: Việc thờ cúng của thợ đóng ghe xuồng được coi là một nghi thức nhằm biểu hiện lòng tri ân đối với người khuất mặt và các vị thần hộ mạng. Các lễ cúng gồm có: Cúng ghim lô diễn ra khi đặt miếng ván dài đầu tiên từ đầu tới cuối mũi ghe; cúng lên nề khi chuẩn bị sửa chữa ghe xuồng (đại tu); cúng khai nhãn: sau khi đóng xong phần vỏ ghe, chủ và trại ghe làm lễ cúng cầu mong cho ghe thuyền đi đúng hướng, tránh được rủi ro và tai nạn; cúng hạ nề: sau khi đóng ghe xong, rút nề, thay bằng con lăn; cúng hạ thủy khi hoàn tất, đẩy ghe xuống nước; cúng xuất hành: sau Tết, chủ ghe chọn ngày lành tháng tốt cho ghe xuất hành bằng cách chạy một vòng qua khỏi bến cũ rồi quay lại. Sau đó, khởi hành lúc nào cũng được.
 
Hàng năm, thợ đóng ghe xuồng thường cúng Tổ vào ngày ngày 13 tháng 6 và 20 tháng Chạp. Đối với các chủ ghe thì cúng Bà Cậu vào ngày 14 và 23 hàng tháng. Trong khi đó người đi xe thường cúng cô hồn vào ngày mùng 2 và 16.
 
-Những điều kiêng kỵ: Ngư dân và người làm nghề sông nước rất tin tưởng vào Bà – Cậu, nơi trang thờ dưới ghe lúc nào cũng có dĩa trái cây, ba chung nước và thường xuyên nhang khói. Những người trên ghe không bao giờ dám xúc phạm, thậm chí không được nói những điều xui xẻo, nhảm nhí.
 
Những người đi sông, đi biển rất kiêng cử những lời độc địa chua cay, quái gở, đồng thời tránh dùng những tiếng úp, lật, rơi, rớt, đổ, ngã, sẩy, trở, lăn, té, nhào… Chủ ghe cũng tin vào các cổ lệ như ghe thuyền đóng xong, muốn xuất hành hay khởi công đều tránh giờ Mẹo vì đó là giờ sinh cùa Bà Cậu. Các chủ ghe và trại đóng ghe xuồng rất kỵ những ai sờ vào mắt ghe, nhất là người lạ mặt. Khi bán ghe, chủ ghe không bao giờ bán đòn dài và máng tát nước. Nếu bỏ nghề, có thể đem tặng cho người khác.

Trên đường đi, người ngồi trên ghe xuồng kỵ gặp rắn và ngỗng lội trước mũi ghe, kỵ chở mèo và rùa (thậm chí tài công và chủ ghe cũng không ăn thịt mèo và rắn). Trái lại khi gặp chó lội ngang sông là điềm hên, gặp đom đóm bay nhiều là điềm tốt lành. Ngoài ra, khi ngồi trên thuyền làm cá lỡ để rơi con dao xuống nước, phải lặn mò cho được vì việc mất dao dưới đáy nước là điều cấm kỵ.
 
 
Một vài nơi còn giữ tục nhuộm lưới, xông lưới, dọn rửa ghe thuyền hoặc cúng vái để giải trừ xui xẻo mỗi khi gặp chuyện không may hoặc lỡ phạm vào điều cấm kỵ.
 
-Con mắt ghe – Một nét văn hóa độc đáo: Ghe thuyền vừa là phương tiện đi lại, làm ăn, vừa là công cụ gắn liền với phong tục, tập quán, lối sống của cư dân vùng sông nước. Người đi sông đi biển lúc nào cũng coi ghe thuyền là vật linh và quan tâm đến việc trang trí con mắt ghe sao cho thật sinh động, giống như truyền linh hồn cho ghe. Tuy nhiên, mỗi vùng miền đều có một quan niệm khác nhau về con mắt ghe.
 
Có truyền thuyết cho rằng vẽ giống mắt thuồng luồng sẽ xua các loài thủy quái. Lại có truyền thuyết nên vẽ giống mắt chim ó, khiến thủy quái không dám lại gần. Người sống bằng nghề sông nước lâu năm chỉ cần nhìn vào hình dáng, màu sắc của con mắt ghe là biết được xuất xứ của ghe thuyền từ đâu đến. Chẳng hạn như ghe thuyền ở ĐBSCL thường vẽ mắt tròn, tròng đen, nhãn trắng, toát lên thần thái hiền hòa.
 
Ngoài con mắt ghe, thợ đóng ghe thuyền còn tôn trọng những quy định thật nghiêm ngặt dù bất thành văn. Chẳng hạn như sau khi cúng ghim lô, miếng ván chuẩn đầu tiên đóng vào sườn ghe phải buộc vải đỏ, tuyệt đối không ai được nằm, ngồi trên miếng ván lô. Sau khi xong, chủ ghe thu lại những cây đinh hoặc bù lon đóng trên miếng ván lô cất kỹ, hoặc ném ra giữa sông rồi trám lại lỗ đinh bằng cây. Làm như thế sẽ không bị kẻ xấu hại. Có người nghĩ rằng nếu dùng đinh đóng lên miếng ván lô sẽ khiến cho thuyền dễ đụng, húc vào thuyền khác.
 
Mỗi người thợ đóng ghe thuyền đều có những kinh nghiệm và bí quyết riêng trong nghề. Bởi thế dân gian mới có câu “Làm ruộng ăn theo mùa. Làm ghe ăn theo mẹo”.
 
Tín ngưỡng và những kiêng kỵ trên tựu chung thể hiện tấm lòng cầu mong bình an đến với những người sống ở đầu sóng ngọn gió.
 
Hoài Phương

Nguồn: Cần Thơ Online

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tin-nguong-tho-cung-va-dieu-cam-ky-tren-song-nuoc-a10915.html