Lê Quang Đinh con người và sự nghiệp
Lê Quang Đinh (1759 – 1813), tự là Tri Chỉ, hiệu là Tấn Trai, nguyên quê quán ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, thân sinh tên là Lê Quang Sách từng làm thủ ngự ở Đã Bồng, mất trong lúc Lê Quang Định còn nhỏ. Sau khi cha mất, Lê Quang Định theo anh trai là Lê Quang Hiến vào huyện Bình Dương ở Gia Đinh sinh sống.
Vốn thông minh, hiếu học, Lê Quang Định theo học với thầy Võ Trường Toản, lớn lên Lê Quang Định được một Đông y cư sỹ quý mến tài năng của cậu học trò nghèo mồ côi cha, nhưng thông minh ham học và có chí tiến thủ, nên Đông y cư sỹ đã gả con gái cho Lê Quang Định, nhờ vậy mà việc học hành của Lê Quang Định đã có gia đình nhà vợ chu cấp cho.
Năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm lại thành Gia Định, mở khoa thi kén chọn người hiền tài ra giúp sức, Lê Quang Định trúng tuyển, được tiến cử với chúa Nguyễn Phúc Ánh. Lê Quang Định được cử làm Hàn lâm viện Chế cáo, chuyên việc khuyến nông, sau đó sung chức Đông cung Thị giảng rồi thăng lên chức Hữu tham tri bộ Binh, từng theo quân đi trông coi việc lương thảo.
Năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Gia Long, lập ra vương triều nhà Nguyễn. Vua Gia Long phong cho Lê Quang Định làm Hiệp trấn xứ Thanh Hóa, rồi Thượng thư bộ Binh, sung Chánh sứ, cùng đi với hai vị Phó sứ là Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát sang Trung Quốc đi sứ nhà Thanh, trần tình về việc đổi quốc hiệu là Nam Việt.
Nhưng cuối cùng vua nhà Thanh lúc đó là Thanh Nhân Tông (1760 – 1820) không đồng ý cho nước ta đổi quốc hiệu là Nam Việt, bởi vì Nam Việt là quốc hiệu cũ của nước ta từ thời Triệu Đà, vua nhà Thanh lo sợ nhân dân ta có cớ quốc hiệu Nam Việt sau này sẽ đòi lại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc, chứ không phải vì sợ lẫn lộn với tên Việt Đông, Việt Tây của hai tỉnh này.
Bởi vì trong chữ Hán, chữ “Việt” trong Việt Đông và Việt Tây, khác với chữ “Việt” trong Nam Việt, cuối cùng vua Thanh Nhân Tông sợ mất lòng nước ta, mới cho đặt quốc hiệu đảo lại hai chữ Nam Việt thành Việt Nam. Năm Giáp Tý 1804, phái đoàn đi sứ của ta do Lê Quang Định về đến kinh đô Phú Xuân (Huế) và từ đó đất nước ta có tên là Việt Nam cho đến ngày nay.
Năm Bính Dần 1806, Lê Quang Định lãnh sắc lệnh làm sách Đại Việt nhất thống dư địa chí, sách sau khi biên soạn xong gồm 10 quyển, khảo đủ đồ tịch trong nước từ kinh sử vào Nam tới Hà Tiên, ra Bắc tới Lạng Sơn, nhất nhất đều biên chép hết.
Năm Kỷ Tỵ đời vua Gia Long 1809, Lê Quang Định được làm Thượng thư bộ Hộ kiêm quản Khâm thiên giám, năm 1810, ông lại được giao trọng trách coi sắp đặt bộ điền thổ.
Đến năm Quý Dậu 1813, Lê Quang Định mất, hưởng thọ 54 tuổi, về sau này, mãi đến năm Nhâm Tý 1852, đời vua Tự Đức, tên tuổi của Lê Quang Định cùng với Ngô Nhân Tịnh mới được thờ ở miếu Trung Hưng công thần.
Những sáng tác của Lê Quang Định
Bộ Hoàng Việt nhất thống dư địa chí gồm 10 quyển do Lê Quang Định biên soạn, đầu sách là bài biểu dâng sách của tác giả, bài này nói rõ lý do, phương pháp và thời gian biên soạn, đề niên hiệu Gia Long thứ 5, sách chép tay, mỗi quyển sách làm một tập.
Thứ đến là Phàm lệ, gồm sáu điều Đại để nói sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có hai phần: Phần thứ nhất là Dịch lộ, ghi rõ đường đi, mau chậm, dài ngắn từ kinh đô Phú Xuân đến thành Gia Định, và từ kinh đô Phú Xuân ra đến Thăng Long, rồi đến ải Nam Quan; Phần thứ hai là Thực lục, ghi rõ đường đi ở các trấn, từ đường cái quan đi ra, lấy lỵ sở các trấn làm nơi bắt đầu. Ngoài ra còn nói rõ chiều dài từng dặm (lý), từng từ dùng trong sách như thế nào, còn về phong tục thổ sản thì chỉ nói qua.
Như vậy sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chính là bộ địa lý đầu tiên của triều nhà Nguyễn dưới thời vua Gia Long, sách tuy sơ lược về môn địa lý cổ, nhưng về dịch lộ, đường đi và các tên trạm thì khá chính xác và rõ ràng.
Bộ Gia Định tam gia thi tập là tập thơ in chung với Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, tên tuổi của ba người trên được người đương thời xưng tặng là ba nhà thơ lớn của đất Gia Đinh (Gia Định tam gia) trong nhóm Bình Dương thi xã.
Bộ Hoa Nguyên thi thảo, tập thơ có 74 bài, hầu hết các bài thơ trong Hoa Nguyên thi thảo là vịnh cảnh vật, thù đáp hay cảm hoài trong chuyến đi sứ Trung Quốc và trong đó có một số bài sáng tác ở trong nước trước lúc từ giã để đi sứ và lúc đi sứ trở về.
Vương Quốc Hoa