GS Hoàng Chương
Tôi may mắn được đọc quyển Những bức thư thời chiến do Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng tặng và vinh dự được tham gia chỉ đạo, chủ trì cuộc hội thảo đặc biệt này.
Tôi nói đặc biệt vì đây là hội thảo về Những bức thư, việc làm hi hữu trong hoạt động học thuật xưa nay - Xưa nay chưa ở đâu hội thảo về Những bức thư, chỉ có ở Rumani hội thảo “Bức thư rơi”- “O scrisoara Perdute” của Caragiale, nhưng đây là chuyện sân khấu. Nên tôi coi hội thảo này là quan trọng nhất, vì đây là bản anh hùng ca bất diệt mà những dòng kẻ, những nốt nhạc được hòa âm, kết nối là những bức thư mang tư tưởng và tâm hồn vĩ đại của một dân tộc anh hùng - một dân tộc mà sự hy sinh đã đến tận cùng nhân loại đến đỉnh cao chót vót của nhân loại trong TK 20 và có lẽ mãi sau này.
Tôi đã đọc nhiều tiểu thuyết của nhiều nhà văn tên tuổi viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại - chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi cũng bị cuốn hút, cũng xúc động, bởi sự dũng cảm hy sinh của các nhân vật sống động, đó là những anh bộ đội cụ Hồ, những thanh niên xung phong, là những người dân bình thường nhưng vô cùng dũng cảm hy sinh vì tự do độc lập dân tộc của Tổ quốc. Nhưng dù sao đây vẫn là những nhân vật được hư cấu bởi tài năng của nhà văn, nên sự xúc động của người đọc bắt nguồn là từ hành động của hình tượng nhân vật và sự miêu tả của nhà văn.
Còn Những bức thư thời chiến không phải từ ngòi bút tài năng và óc tưởng tượng dồi dào của nhà văn, mà từ suy nghĩ, từ tấm lòng chân thực, việc làm chân thực của người chiến sĩ ngoài mặt trận muốn bày tỏ với cha mẹ, với vợ con, với người yêu hoặc người thân ở hậu phương miền Bắc Việt Nam.
Hàng ngàn bức thư là hàng ngàn tâm sự, hàng ngàn sự việc chân thực, chân thành, mà tác giả gửi tới gia đình, tới người thân, cho biết những điều sâu kín nhất, chân thực nhất xúc động nhất đang diễn ra trong thực tế cuộc chiến. Nội dung trong những bức thư thời chiến dù ngắn hay dài đều miêu tả về: Hiện thực chiến trường ác liệt nhất, về sự sống và cái chết, về tình yêu, tình thương và nỗi nhớ… Thậm chí không phải là thư mà chỉ một lá thiếp thôi mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã xúc cảm viết thành bài ca: “Cầm lá thiếp này lòng hướng vô Nam, dù xa muôn trùng, nhưng lòng anh vẫn thủy chung trọn đời…
Năm 1971, tôi đang học tập ở nước bạn Rumani, hoàn toàn vắng bặt tin nhà ở miền Nam Việt Nam! Bỗng một hôm tôi nhận được một bức thư của anh trai tôi gửi từ chiến trường Tây Nguyên qua gần một năm mới tới. Tôi đọc và xúc động không sao cầm được nước mắt khi anh tôi kể về sự gian khổ đến tột cùng ở chiến trường, hết muối ăn, thèm muối đến mức phải thè lưỡi liếm chiếc họp cù là đựng muối, nhưng đã hết sạch! Đi lạc trong rừng một mình không sợ địch mà sợ cọp nên phải chui vào bụng cây mà ngủ để lấy sức mà chiến đấu. Trong bức thư anh tôi còn kể, có lần đêm khuya anh lén bò vào nhà thăm cha mấy phút, cha tôi hỏi: Thằng C học tập công tác có tiến bộ không, nó có bắt chước Tây để râu không? Trong thư anh tôi kể về tình hình đấu tranh kiên cường hy sinh bất khuất của đồng bào quê tôi, nối tiếp truyền thống của Quang Trung - Nguyễn Huệ, của Tăng Bạt Hổ, Mai Xuân Thưởng, Ngô Mây. Bức thư đã tăng thêm nghị lực cho tôi mà ra sức học tập thật tốt để khi về nước làm được nhiều việc có ích cho sự nghiệp văn hóa dân tộc như hôm nay tôi đang làm dù đã ở tuổi xưa nay hiếm!
Đọc Những bức thư thời chiến, tôi tin rằng, mỗi bức thư của những chiến sĩ ở tiền tuyến gửi về cho gia đình đều mang thông điệp tinh thần, đã cổ vũ cho cha mẹ, vợ con và người yêu thêm nghị lực về sự hy sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, nên rất cảm động.
Không cảm động sao được, khi đọc những bức thư của liệt sĩ Trần Đồng, tham mưu trưởng Trung đoàn đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trong trận đánh ác liệt ở đầm Thị Nại - Quy Nhơn tháng 12/1967 gửi cho vợ trong đó có những câu: “Về văn hóa em cố gắng học cho tốt, mỗi năm phải đạt một lớp”, “Phải năng học tập chính trị…” Nhân dịp này anh tặng em cây bút (có trong gói đồ), đồ đạc gồm có: 2 cái vỏ chăn cũ/một cái màn cũ/1 cái quần cũ và 2 cái áo sơ mi cũ/một cái áo 4 túi xanh¹. Những thứ này em xem thứ nào dùng được thì dùng, thứ nào không dùng được thì cho các em dùng. Nhưng theo anh, cái màn và 2 cái chăn nên để dành, nay mai con học lên lớp trên cần đi cắm trại hoặc đi đâu chút ít có màn, có chăn cho con nó mang theo, còn trong cái cặp có một cái bật lửa, một đèn pin, ba cặp pin một con dao cũ của anh và hai lọ thuốc gửi về cho em dùng, cái cặp cho con đựng sách đi học…”
------------------
(1)Tất cả đều cũ
Qua những dòng thư trên, người đọc không những hình dung được mối liên hệ vô cùng mật thiết, vô cùng thiêng liêng giữa tiền tuyến và hậu phuơng, giữa người chiến sĩ ngoài mặt trận với gia đình vợ con mà có thấy được cảnh nghèo khổ thiếu thốn của nhân dân miền Bắc trong thời chiến như thế nào và quan trọng hơn là người chiến sĩ ấy, người chồng ấy luôn luôn động viện vợ mình phấn đấu học tập văn hóa và chính trị trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong thời chiến!
Trong bản anh hùng ca - Những bức thư thời chiến có rất nhiều khúc ca-Aria tuyệt vời mà tôi có thể dẫn ra đây bức thư của người con trai “chưa biết mặt ba” (tr 28, 29), đó là Hồ Văn Hiếu gửi từ chiến trường miền Nam ra Bắc cho cha là Hồ Cường-cán bộ tập kết năm 1955, Hồ Văn Hiếu học hết lớp 4 (10 tuổi) được tổ chức giao nhiệm vụ giao liên, sau đó làm binh vận và được kết nạp Đảng lúc 16 tuổi, nhưng đến khi được công nhận chính thức thì hy sinh. Trong nhiều bức thư gửi cho cha ở miền Bắc, Hồ Hiếu đều lạc quan viết trong niềm vui chiến đấu và tin tưởng chiến thắng. Trong đó có những câu: Ngày thống nhất ba về, ba, con mình sẽ gặp nhau (nếu con hy sinh thì thôi) làm cách mạng là phải hy sinh, tù đầy, đó là lẽ thường. Nhưng hy sinh vì quê hương là vinh dự lớn lao. Thật khó tìm nét đẹp nào hơn những nét đẹp của những chiến sĩ dũng cảm đội quân Cách mạng Việt Nam anh hùng, được thể hiện trong hàng ngàn bức thư thời chiến.
Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã đánh giá rất cao Tuyển tập “Những bức thư thời chiến Việt Nam” là một Công trình khoa học “Sưu tầm và giới thiệu” độc đáo mang tính nhân văn sâu sắc. Cuốn sách là kết quả của Cuộc vận động sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” được tiến hành từ tháng 12/2004, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam và tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đã có hàng vạn lá thư, hàng trăm cuốn nhật ký thời chiến được phát hiện, gửi đến cho những người sưu tầm và biên soạn sách. Đấy là cơ sở cho hàng trăm tác phẩm thuộc “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20” ra đời. (Trực tiếp nhà văn Đặng Vương Hưng đã sưu tầm, biên soạn và viết lời giới thiệu và tổ chức xuất bản cho 20 cuốn sách)…
Năm 2005, nhà văn Đặng Vương Hưng đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen vì có công sưu tầm và gần đây lại được “Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam” là Công trình được nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005-2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: Từ Chủ tịch nước đến nông dân, công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ giống nhau ở một điểm là đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình Việt Nam. Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết từ năm 1975, ông đã từ chiến trường gửi về gia đình 500 bức thư, mẹ ông đã dùng mo cau gói những bức thư ấy và đặt trên góc bếp khi có máy bay địch tới thì bà mẹ ôm mo cau chui xuống hầm cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Đó là di sản quý không đâu có được.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017); Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Quỹ mãi mãi tuổi 20, Hành trình “Mỗi nén hương một tấm lòng”… đồng tổ chức: Hội thảo khoa học Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc; nhằm khẳng định giá trị của Công trình khoa học này với các thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.
Tôi đã đọc gần 40 bản tham luận viết rất sâu sắc, công phu, giàu cảm xúc, có bài viết như một công trình khoa học với cảm xúc và đánh giá khác nhau, nhưng âm hưởng chung là ngợi ca những tác giả của những bức thư, ngợi ca những con người đã cảm và dũng cảm, ca ngợi những hành động anh hùng của những nhân vật trong những bức thư thời chiến mà tôi đã gọi là Bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam.
Hôm nay chúng ta tập họp tại đây, có cả những cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo để tưởng niệm, để ngợi ca những người đã chiến đấu hy sinh hoặc bị thương tật, vì tự do độc lập của dân tộc.
Thay mặt ban tổ chức hội thảo, tôi xin cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của quý vị lãnh đạo, nhà văn, nhà nghiên cứu và nhà báo đã nhiệt tình ủng hộ cho cuộc hội thảo này thành công.
Hà Nội 25/7/2017
GS Hoàng Chương
Tổng Giám đốc Trung tâm NCBT & PHVHDTVN