Hình tượng rồng trong nghệ thuật thời Nguyễn

Rồng là một hình tượng đặc biệt trong nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt, bởi linh vật này là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng nhất gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc.



Lưỡng long chầu nguyệt trên mái Bảo tàng lịch sử tỉnh TT.Huế

Người Việt Nam tự nhận mình là con Rồng cháu Tiên, trong đó Rồng là biểu tượng của yêu tố dương, của người cha, của núi, của sức mạnh..., còn Tiên là biểu tượng của yếu tố âm, của người Mẹ, của biển, của sự mềm mại. 

Hơn nghìn năm trước, hình tượng rồng đã xuất hiện ở cung điện thời Đinh, Tiền Lê. Đầu thời Lý, việc đức vua Thái Tổ tìm ra và xây dựng kinh đô mới cho nước Đại Việt cũng gắn liền với hình tượng rồng bay lên. Tên gọi Thăng Long cũng bắt nguồn từ đó. Ở thời Lý, Trần, Rồng xuất hiện nhiều nơi và mang những đặc trưng riêng, dễ phân biệt. Rồng thời Lý thon dài, không vảy, hay gọi là “rồng giun”, kỳ thực chưa thoát khỏi hình rắn.
 


Linh vật Rồng đắp vữa sành sứ trên mái Điện Thái Hòa – Đại Nội Huế



Hình ảnh rồng trên chất liệu tre nứa làm rèm tại Thái Bình Lâu – Đại Nội Huế

Rồng thời Trần mập khỏe hơn, thân có vảy, cách thể hiện phóng khoáng mạnh mẽ hơn hẳn rồng Lý. Những tác phẩm điêu khắc đá, những bức phù điêu gốm mang hình tượng rồng thời Lý, Trần tìm thấy được cho đến nay đã và vẫn sẽ là biểu tượng, niềm tự hào của mỗi người Việt Nam về nền văn hiến nghìn năm của mình. Nhưng phải đến thời Nguyễn, hình tượng rồng mới đạt đến sự phong phú tối đa về đề tài, chất liệu và phương thức thể hiện.

Linh vật rồng tiêu chuẩn phải là sự hội tụ đầy đủ các đặc điểm được cho là tốt đẹp nhất của 9 con vật có thật: Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống. Và nếu là rồng tượng trưng cho hoàng đế thì thân phải có 81 vảy dương, 36 vảy âm, thân uốn 9 khúc (tức phải là số 9 hoặc bội số của 9 con số lẻ số dương cao nhất), chân rồng lại phải có 5 móng (số chính giữa trong hàng số lẻ). Thiếu những yếu tố trên, rồng không còn là linh vật rồng đích thực nữa mà là những biến thể của nó, thường được xem là em út, con cháu của rồng. Những biến thể này thường được dùng tượng trưng cho hoàng tử, hoàng thân và các quan lại, hay đơn giản chỉ dùng để trang trí như mãng long, giao long, long mã…
 


Hình tượng Rồng làm từ chất liệu đá tại lăng vua Gia Long

Thời Nguyễn, các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng nay vẫn bảo tồn được vô số. Trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo phải kể đến là những chiếc ấn báu của Hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá. Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng: Uốn khúc cong, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngữa… hình dáng sinh động nhưng vẫn giữ được vẻ oai nghiêm. Trên bình phong thì thường tạo tác thành từng đôi đối xứng kiểu rồng chầu mặt trời, chầu mặt trăng hoặc hình mặt rồng nhìn thẳng. Ngoài ra rồng còn được thể hiện trên các chất liệu khác như đồng, gỗ, đá, đắp vữa sành sứ.

Trên nóc mái cung điện, cung điện càng quan trọng thì trang trí rồng càng nhiều, kích thước càng lớn, tiêu biểu là nóc mái Ngọ Môn, cổng chính của Hoàng thành và điện Thái Hòa, ngôi điện có chiếc ngai vàng của triều đại ngự trị. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng, đứng ở phía nào của điện Thái Hòa người ta cũng đều thấy hình ảnh của 9 con rồng đang bay lượn trên nóc mái. Điều đó cũng khiến công trình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát.

Rồng thời Nguyễn còn được thể hiện trên nhiều chất liệu khác, như sơn mài, sơn thếp vàng bạc, ngọc, ngà, xương, đồ pháp lam, đồ gốm sứ, đồ dệt, thêu... mà chất liệu nào cũng có không ít các tác phẩm xuất sắc. Đạt được thành tựu trên chỉ có thể lí giải bằng nguyên do, rồng đã trở thành một đặc trưng riêng của văn hóa Việt.

Ngô Sinh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hinh-tuong-rong-trong-nghe-thuat-thoi-nguyen-a10886.html