Hoàn lương trở thành tỷ phú nhờ trồng nấm

Chỉ vì một phút nóng vội muốn làm giàu nhanh chóng cùng với sự thiếu hiểu biết đã biến người cán bộ xã đội trưởng thành kẻ phạm tội “hủy hoại rừng”. Nhờ sự tin tưởng, động viên của người thân bạn bè đã giúp anh thay đổi bản thân, vươn lên phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời...



Anh Thương đang tận tình chỉ cách trồng nấm cho mọi người trong thôn. 

Trở thành tội phạm vì thiếu hiểu biết

Trong vòng quay hối hả của xã hội hiện đại, có rất nhiều thanh thiếu niên muốn thể hiện bản thân nhưng chỉ vì một phút nông nổi lại chọn cách thể hiện sai lầm. Có những người chưa hiểu hết giá trị của cuộc sống nên đã chọn lối sống buông tuồng vô ích, thậm chí làm những điều trái đạo đức, pháp luật nên để lại nỗi đau cho người thân và xã hội. Cũng có trường hợp do hoàn cảnh gia đình không êm ấm, khó khăn, bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo dẫn đến phạm pháp. Thế nhưng cũng có không ít những thanh thiếu niên sinh ra trong gia đình khá giả, được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học, muốn gì được đấy, thành thử “chiều quá sinh hư”, tụ tập chơi bời, hút chích, từ đó vi phạm pháp luật, phải trả giá cho lỗi lầm sau song sắt nhà tù.

Anh Đinh Ái Thương (SN 1979, ngụ thôn Giang Tân, xã Ea Púk, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) là một trong số đó. Năm 2010, khi đang là Xã đội trưởng xã Ea Púk thì anh bị Tòa án nhân dân huyện Krông Năng tuyên phạt 4,5 năm về tội hủy hoại rừng chỉ vì thiếu hiểu biết. Mỗi khi có người nhắc lại chuyện cũ, ánh mắt anh Thương đượm buồn khi nhớ về những ngày tháng sống trong chốn tù lao của mình.

Vốn sinh ra trong một gia có điều kiện kinh tế thuộc loại khó khăn nhất nhì trong thôn ở huyện miền núi Minh Hóa, Quảng Bình lại đông con nên năm 1992, bố mẹ anh Thương cơm đùm cơm nắm mang theo các con vào Đắk Lắk lập nghiệp với hi vọng đổi đời. Cuộc sống ở miền đất mới cũng không khá hơn được là mấy. 


Để lo cái ăn cái mặc cho đàn con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn, lên bố mẹ anh Thương phải nai lưng ra làm việc trên rẫy mặc cho con mình như cây cỏ ngoài rẫy tự lớn lên như cây cỏ ngoài đồng. Cuộc sống khó khăn khiến anh không có điều kiện được đến trường đến lớp đầy đủ. Anh Thương cũng giống như bao đứa trẻ khác trên mảnh đất này sau khi biết hết mặt con chữ thì nghỉ học để theo chân bố mẹ nên rẫy. Đến tuổi trưởng thành, giống như bao chàng trai người Mường khác anh được bố mẹ dựng vợ gả chồng. Sau khi lấy vợ, anh được bố mẹ cho ra một khoảnh đất riêng trên địa bàn thôn Giang Tân để lập nghiệp.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thế nhưng, ngoài thời gian tham gia lao động sản xuất ở nhà, anh Thương còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Nhờ sự năng nổ của bản thân, năm 2010 anh Thương được bầu làm xã đội trưởng. Trong năm đó, cũng chỉ vì cuộc sống gia đình mình quá khó khăn nên khi thấy đất thuộc tiểu khu 333 - 340, thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng màu mỡ nên anh Thương có bàn với vợ rủ thêm các hộ khác bỏ công sức, tiền bạc thuê máy móc phát quang diện tích đất trên, lấy đất trồng củ mì. Anh Thương không hề biết hành vi của mình đang vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. 

Ngay sau khi phát hiện hành vi hủy hoại rừng tại tiểu khu 333 - 340 do anh Thương chủ mưu, lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan CSĐT, Công an huyện Krông Năng thụ lý hồ sơ vụ việc tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của anh Thương cùng các đồng phạm. Sau khi được các điều tra viên giải thích cặn kẽ, anh Thương ngớ người hiểu ra hành vi phạm tội của mình thì đã quá muộn. Bản án, 4,5 năm của Tòa án nhân dân huyện Krông Năng dành cho anh Thương về tội hủy hoại rừng là cái giá quá đắt cho sự thiếu hiểu biết của mình.
 


Nhờ sự tin tưởng động viên của mọi người đã giúp anh Thương vượt qua lỗi lầm vươn lên làm giàu, thay đổi cuộc đời mình.

Sau sai lầm trở thành tỷ phú trồng nấm

Sau hơn ba năm tích cực cải tạo, đến đầu năm 2013 anh Thương được Chủ tịch nước ký quyết định đặng xá tha tù trước thời hạn 1,5 năm. Ngày trở về, chứng kiến cảnh 5 sào đất chuyên canh cây cà phê của gia đình bị bệnh triền miên, năng suất giảm cuộc sống của vợ con nheo nhóc khiến anh càng quyết tâm làm lại cuộc đời mình, thay đổi cuộc sống của gia đình không để vợ con mình phải chịu cực khổ. Nói là làm, vừa về hôm trước hôm sau anh đã vác cuốc lê rẫy làm quần quật. Thời gian rảnh rỗi, anh tranh thủ nghiên cứu sách báo để tìm thêm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình mình.

Thấy đây là mô hình mới ở địa phương chưa có người làm trong khi nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk về sử dụng các loại nấm ngày một tăng nhanh nên anh bàn với vợ mở trang trại nuôi nấm. 


Thấy chồng mình tu chí làm ăn ham làm giàu, vợ anh mừng ra mặt. Nhưng chị cũng không khỏi thắc mắc về vốn, kỹ thuật trồng. Thấy vợ thắc mắc, anh Thương mới giải thích cặn kẽ: “Ngày trước, lúc ở trong trại anh có được các cán bộ dạy cho kỹ thuật trồng nấm. Còn vốn thiếu thì ta đi vay”. Được vợ ủng hộ, anh bắt tay ngay vào kế hoạch của mình. Gạt bỏ hết mặc cảm của người đàn ông vừa “vào tù ra tội” anh chạy đến cửa các cơ quan ban nghành của địa phương để vay vốn, làm ăn. Thấy anh quyết tâm thay đổi chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho anh vay 45 triệu để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình từ nguồn vốn của Hội phụ nữ xã và Công đoàn địa phương. 

Toàn bộ số tiền hơn 100 triệu đồng mà bản thân vay mượn được anh Thương đầu tư để dựng trại nấm, mua bịch giống, máy móc phục vụ tưới tiêu. Năm đầu tiên, trồng thử nghiệm anh lên TP. Buôn Ma Thuột mua nguyên liệu. Ban đầu cũng như những người trồng nấm mới bước chân vào nghề khác, do chưa nắm vững kỹ thuật nên nhiều khi làm cả tuần mà vẫn không cho ra kết quả như ý muốn. Hơn 3000 bao nấm sò không cho ra sản phẩm như dự kiến, chỉ thu được chưa đầy 1 tấn nấm không đủ chi phí đầu. Không nản chí, vừa làm anh tìm hiểu thêm trên sách báo cách đóng bịch, làm meo tại chỗ, đồng thời tận dụng những bịch đã cho thu hoạch trước đây nên giảm được nửa giá thành. Đến lứa thứ hai anh Thương thu hoạch được gần 5 tấn nấm sò từ 3000 bao nấm.

Không bằng lòng với những thành công bước đầu của mình anh tiếp tục nghiên cứu rồi xây một phòng hấp nhiệt nhằm giảm chi phí sản xuất. Lứa nấm mới này, anh mạnh dạn thực hiện 12.000 bao và nâng cao kỹ thuật trồng nấm, theo đó một bao nấm của anh bây giờ cho ra 3 loại, gồm: Nấm mèo, nấm sò và nấm rơm. Hiện tại, trại nấm của anh có trên 15.000 bịch với đầy đủ các giống nấm như: Nấm sò, nấm mèo, nấm linh chi... cho thu hoạch quanh năm theo hình thức gối vụ, cứ 7 - 10 ngày/lần. Với giá thành như hiện tại 25 nghìn đồng/kg nấm sò, 80 nghìn đồng/kg nấm mèo... mỗi ngày trừ chi phí anh còn lãi từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Hiện đã có nhiều cá nhân trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng với anh để bao tiêu sản phẩm.

Ngoài việc trồng nấm, nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình anh cũng trồng thêm tiêu, bơ, sầu riêng xen canh cây cà phê. Thấy vườn nấm hoạt động hiệu quả, cuộc sống của gia đình anh Thương đang khấm khá trông thấy nên bà con trong thôn Giang Tân rất mừng. Họ cũng thường xuyên đến động viên và học hỏi cách trồng nấm từ anh Thương. Thấy bà con đến học tập cách làm của mình, chẳng những giấu nghề mà anh Thương còn tận tình chỉ bảo. Nhiều lần anh còn sang tận nhà các hộ gia đình khác trong thôn chỉ bảo từng chút một trong kỹ thuật trồng nấm. Anh bảo để có được ngày hôm nay có một phần rất lớn công lao của mọi người xung quanh anh. Bởi chính sự tin tưởng, động viên thường xuyên của gia đình, bạn bè hàng xóm chính là nguồn động lực vô tận giúp tôi xóa bỏ mặc cảm, tự tin hòa nhập xã hội tập trung phát triển kinh tế và làm lại cuộc đời. Niềm vui lớn nhất của anh hiện nay đó là được ở bên hai thiên thần nhỏ của mình khi cả hai con của anh đều chăm ngoan, cháu lớn năm nay học lớp 7 và năm nào cũng được tặng giấy khen là học sinh giỏi, tiên tiến.
 
Kim Bảng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoan-luong-tro-thanh-ty-phu-nho-trong-nam-a10878.html