Khởi đăng loạt bài những bí ẩn thâm cung bí sử của Cựu Hoàng Bảo Đại

Loạt bài dài kỳ về chuyện tình ái với những trận đòn ghen suýt mất mạng, với những chuyến phiêu lưu tình ái đầy hạnh phúc, cũng như những bí ẩn về thân thế của vị vua này được đăng tải để có một cái nhìn toàn diện hơn về vị vua này.

Là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn với vô vàn biến động về thời cuộc, thế nhưng những bí ẩn về tình ái của vị vua này không phải mấy người được biết, khi ông đã có 8 đời vợ cùng vô vàn những mối tình khác nhau với những “người đẹp tây, tàu, ta” cùng những buồn vui rất thường tình của chuyện chồng vợ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã từng nhận xét: “Người ta viết rất nhiều về triều Nguyễn, đặc biệt là về vua Bảo Đại và chuyện tình của cựu hoàng, nhưng không phải ai cũng viết chính xác, nhất là những chuyện của Bảo Đại”. 
 


Vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương

Kỳ 1: Vị vua từng hứa chung thủy một vợ một chồng nhưng thay đổi vì nhan sắc người tình

Khi lập Hoàng Hậu Nam Phương lên làm bậc mẫu nghi thiên hạ, vua Bảo Đại đã từng thề thốt sẽ chung thủy suốt đời với Hoàng Hậu, thế nhưng lời thề đó nhanh chóng bị lãng quên khi vị vua đa tình này liên tục có những mối tình khác, không chỉ với người phụ nữ Việt, mà còn cả với những bà Đầm, những cô Tàu lai khiến Hoàng Hậu Nam Phương vô cùng thất vọng.

Người chồng nhà vua nói lời gió bay

Bảo Đại (1913 - 1997) là hoàng đế thứ 13 trong vương triều nhà Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Năm 1926, sau khi vua Khải Định băng hà, Vĩnh Thụy được tôn lên kế vị làm vua, lấy niên hiệu Bảo Đại. Cuộc đời ông lắm thăng trầm, về sau sống lưu vong và mất tại Pháp năm 1997. Để có được nhiều người tình, ngoài việc đẹp trai, phong độ, có phong cách nhã nhặn và lịch thiệp, Bảo Đại còn “đặc biệt” có tâm hồn nghệ sĩ, đa tình, đam mê sắc đẹp và tình dục, kiên trì đeo bám, chi tiêu một cách hào phóng, thậm chí có thể mua hẳn một biệt thự để tặng cho người đẹp. Chính vì thế, ngoài Nam Phương Hoàng Hậu, Bảo Đại còn có 7 người vợ nữa. Ngoài vợ Việt Nam, Tàu và Pháp ra, ông còn có vô số những người tình ở Hồng Kông, Pháp, Nhật Bản, Zaire…, nên không thể biết được hết là ông còn có những bà vợ nào nữa.

Nói như thế, để thấy rằng đây là một vị vua đa tình. Mười năm học tập ở Pháp, năm 1932 vua Bảo Đại “hồi loan”. Bảo Đại là một ông vua đẹp trai, có Tây học, ham thích thể thao, săn bắn và âm nhạc, là hình ảnh lý tưởng của con gái Việt Nam, đặc biệt là con gái Huế thời bấy giờ và mãi nhiều năm về sau. Nhiều nhà quyền quý, có con gái đều nhắm đến vị Hoàng đế trẻ tuổi nầy. Sau ngày Bảo Đại về nước, bà Từ Cung - mẹ đẻ của vua Bảo Đại, đã chọn cô Bạch Yến là con ông Phó bảng Nguyễn Đình Tiến quê ở làng Chí Long (Phong Điền, Thừa Thiên) để chuẩn bị tiến cung. Cô Bạch Yến được dạy đàn ca, thơ phú, dạy ăn nói, đi lại cho đúng với lễ nghi trong cung cấm. Hằng ngày cô được tắm gội bằng sữa dê để giữ làn da đẹp. Nhưng rồi thật bẽ bàng, cuối cùng cô Bạch Yến đã không được Bảo Đại lưu ý. Bởi lúc này trong lòng Bảo Đại đã có một người con gái nhan sắc tuyệt trần là Nguyễn Hữu Thị Lan ở tận Phương Nam xa xôi. 

Chẳng mấy người biết được rằng khi lập Nam Phương Hoàng Hậu lên ngôi, vị vua này đã từng đứng trước cả ngàn người để thực hiện lời thề chung thủy với duy nhất một người phụ nữ. Thế nhưng đó chỉ là lời nói gió bay của đấng quân vương vốn nói ra một lời nặng tựa ngàn cân, khó có thể thay đổi. sự việc ấy bắt đầu từ việc Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu đi tới hôn nhân với nhau. Đám cưới của vị vua hào hoa Bảo Đại lúc 21 tuổi với một thiếu nữ tràn trề hương sắc từ tận miền Nam là Nguyễn Hữu Thị Lan khi ấy mới 19 tuổi đã diễn ra tại Huế ngày 23/4/1934, trước sự hiện diện của quần thần và đại diện nước Pháp tại Điện Cần Chánh. Ngay ngày hôm đó, thực thi lời giao ước hôn lễ, cô dâu Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm Hoàng Hậu với danh hiệu Nam Phương. Đó là một biệt lệ, đúng hơn là một ân huệ đầy khó khăn. Vì 12 đời vua nhà Nguyễn trước Bảo Đại, các bà vợ vua chỉ được phong tước Hoàng Phi, Vương Phi, Thứ Phi và đến khi chết mới được truy phong Hoàng Hậu. Nam Phương Hoàng Hậu có một sắc đẹp nức tiếng và từng được liệt vào danh sách “5 vị Hoàng Hậu đẹp nhất” thời bấy giờ. 

Một điều cần phải chú ý, đó là thời gian đó Nguyễn Hữu Thị Lan đang là một con chiên ngoan đạo của thiên chúa giáo. Mà theo giáo lý hôn nhân của ki tô giáo thì chuyện một vợ một chồng là chuyện đương nhiên và gần như là điều bắt buộc với tất cả các cặp vợ chồng. sẽ có đôi chút khó hiểu, bởi những người theo thiên chúa giáo rất ít khi kết hôn với người ngoại đạo. Nhưng có lẽ với vị vua này thì đó là một biệt lệ gần như không xảy ra ở thời kỳ đó bởi vai trò và vị thế to lớn của người đứng đầu đất nước. Nguyễn Hữu Thị Lan rất đẹp, có Tây học giống như Bảo Đại. Bà nhận lời tỏ tình của Bảo Đại với điều kiện Bảo Đại và triều đình của ông phải cam kết rằng bà phải được tấn phong Hoàng Hậu ngay trong ngày làm lễ cưới, được giữ nguyên đạo Thiên Chúa, các con sinh ra đều được rửa tội và được giữ đạo. Để kết hôn, phải được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai bắt buộc ai về tôn giáo. Tại điện cần chánh ngày hôn lễ hôm ấy, vị vua này đã hiên ngang đứng trước các quan đại thần, cả đại diện của mẫu quốc để đọc lời thề chung thủy một vợ một chồng với Nguyễn Hữu Thị Lan. Bảo Đại đã nói công khai với đình thần rằng ông “chống lại tục đa thê của vua chúa Việt Nam”. Nhưng rồi chính vị vua này đã phản bội lời thề ấy, khiến bà hoàng cuối cùng của triều nguyễn phải sống một cuộc sống lắm sầu tư và cả những sự ghen tuông kinh hoàng rất “đàn bà”.
 




Vẻ đẹp sắc nước hương trời của Hoàng Hậu Nam Phương

Người chồng đa tình bỏ quên Hoàng Hậu chốn cung cấm

Để phù hợp với nếp sống theo phương Tây, trước khi làm lễ cưới, Bảo Đại đã cho sửa nội thất điện Kiến Trung cổ kính thành một cung điện tân tiến với đầy đủ tiện nghi của người châu Âu. Nhà có nhiều phòng ngủ, phòng ăn, phòng làm việc. Người phục vụ cũng khác với các triều trước. Không có thái giám, ngoài nam nữ người Việt, nhà vua còn tuyển dụng cả người Pháp, đặc biệt trong lãnh vực chăm sóc các con vua.

Tuy nhiên, cuộc sống riêng của “người con gái phương Nam” với Bảo Đại lại không được hạnh phúc. Bởi vị vua cuối cùng triều Nguyễn luôn bị xao động mỗi khi có một mỹ nữ mới xuất hiện. Hai người có với nhau 5 người con trong vòng 12 năm. Kết thúc mười hai năm là kết thúc lời thề của ông vua “cải cách” được sách sử ghi chép “chỉ một vợ một chồng” này. Nam Phương không phải là không biết những chuyện trăng gió của chồng và bà không thể chấp nhận. Bà là người quá “hiếu thảo”, quá “hiền thục” như nhận xét của nhiều người ở các tỉnh lẻ ở Pháp. Cuối cùng, quá đau khổ vì bị phụ bạc, đã có lúc bà nghĩ đến đi tu. Bà tiếc nuối tuổi thanh xuân đã lấy phải một người chồng đẹp trai, thông minh nhưng ngông cuồng, mê gái và ham chơi, chỉ một mực chạy theo khoái lạc trên đời.
 


Chân dung Thứ Phi Mộng Điệp

Với trái tim đa tình và cách sống “thoáng” ảnh hưởng từ Âu châu, chính Bảo Đại đã tự phá vỡ lời thề, kết thúc 12 năm “hương lửa mặn nồng” với Hoàng Hậu bằng việc nạp thêm Thứ phi Mộng Điệp năm 1946. Người đẹp gốc Kinh Bắc sinh trưởng ở Hà Nội và đã từng trải qua một đời chồng. Lúc đó, bà Mộng Điệp mới 21 tuổi và là một vũ nữ nổi danh Hà thành; còn Bảo Đại vừa từ giã ngai vàng ở tuổi 32. Họ phải lòng nhau, cùng về chung sống tại căn hộ số 51 đường Trần Hưng Đạo. Thứ phi Mộng Điệp được cho là người phụ nữ có thời gian gần gũi với Cựu hoàng nhiều và mặn nồng nhất, được sắc phong thứ phi khi vương triều nhà Nguyễn đã suy tàn. Nhan sắc mặn mà của người phụ nữ Kinh Bắc đã khiến cựu hoàng vội quên lời hứa “một vợ một chồng” với Hoàng Hậu Nam Phương. 

Cũng giống như Nam Phương Hoàng Hậu, chỉ sau một thời gian, Bảo Đại đã chạy theo tiếng gọi của những bóng hồng khác, bỏ bà sống cô độc một mình ở đất khách quê người. Chẳng ai biết khi đến với mộng điệp, vị vua này có hứa sẽ chung thủy với Thứ phi Mộng Điệp hay không, mà luôn tiếp tục rong ruổi với những mối tình thoáng qua, hay cả những mối tình kéo dài nhiều năm với những người đàn bà khác ở khắp nơi trên thế giới. Buồn cho Hoàng Hậu Nam Phương, bởi bà là người theo Thiên Chúa giáo nên không thể thực hiện việc cúng tế như truyền thống. Chính vì thế bà đã phải “san sẻ” đặc quyền làm vợ cho Thứ Phi Mộng Điệp. Mặc dù làm vợ thứ và không được tổ chức cưới xin đàng hoàng, nhưng nhờ chăm lo việc thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc rất chu đáo nên bà Mộng Điệp luôn được Đức Từ Cung quý mến. Bà cũng được ban áo mũ để thay mặt Hoàng Hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ. Năm 1953, bà được Bảo Đại giao nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số báu vật của triều Nguyễn qua Pháp giao cho Hoàng Hậu Nam Phương và định cư luôn ở Pháp.

Nói về chuyện vị vua này liên tục khiến cho những bà vợ của mình đau đớn khi liên tục có tình nhân, đặc biệt là sau khi triều Nguyễn suy vong, Bảo Đại không còn bận bịu chính sự nên càng có thời gian rong ruổi với tình nhân. Bà Hoàng đành đưa các con qua Pháp sinh sống. Cựu hoàng Bảo Đại cũng rất ít khi về thăm bà vì còn bận bịu với các bóng hồng khác. Vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh và sự đổ vỡ của gia đình, cuối đời bà giấu mình trong trang trại Domain de la Perche làng Chabrignac thuộc hạt Corrèze, vùng Limousin ở miền trung tây nước Pháp. Sau năm năm làm dân ngụ cư làng Chabrignac bà đã âm thầm từ giã cuộc đời ở đó năm 1963. Đám tang của Nam Phương Hoàng Hậu thưa thớt, không tiếng khóc than, không lời ai điếu. Buồn cho một bà hoàng.

Kỳ 2: Những cuộc tình khó tin với hàng loạt người đẹp của đấng quân vương

Con người Bảo Đại là một vị vua phong độ, đa tình và rất thích phiêu lưu trong chuyện tình ái. Ông đã từng dan díu với đủ hạng người, từ cô hầu phòng bình thường, vợ của các gia nhân đầy tớ, hoa hậu Đông Dương đến gái nhảy, thậm chí gái điếm... khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên, và có không ít người khinh bỉ về chuyện này. Dòng bài này có sử dụng tư liệu và ảnh từ các nguồn: Hồi ký “Một nửa đời hư” (Vương Hồng Sển); Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Phạm Khắc Hòe); Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại (Nguyễn Đắc Xuân); Chuyện nội cung cựu hoàng Bảo Đại (Nguyễn Đắc Xuân), Chuyện tình của các bà trong cung Nguyễn của Nguyễn Đắc Xuân, Nhà xuất bản Thuận Hoá 1994 và Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Phạm Khắc Hòe Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987) cùng nhiều tài liệu của các nhà nghiên cứu khác. 
 
Nguyên Khôi - Ngô Khoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khoi-dang-loat-bai-nhung-bi-an-tham-cung-bi-su-cua-cuu-hoang-bao-dai-a10872.html