Lặn lội rừng sâu săn nấm quý

Nấm chò được biết đến như là một loại dược liệu rất quý hiếm, nằm ở rừng sâu, núi cao. Muốn khai thác được loài nấm quý này phải là người gan dạ, chấp nhận rủi ro băng rừng hàng giờ đồng hồ, vượt qua hàng chục con suối và núi cao mới đến được xứ sở loài nấm đặc biệt này.

Nhiều người trở về với những thành quả sau hàng tuần trời lặn lội trong rừng, nhưng cũng lắm người mang về chỉ là những thương tích, và cả những cái chết bất thường nơi rừng thiêng nước độc.
 


Một cây nấm linh chi tại nhà người dân ở Đại Lộc

“Tiên dược” miền rẻo cao

Nhiều người thợ Sơn tràng từng lặn lội vùng rừng sâu núi thẳm săn những sản vật của rừng mỗi khi nhắc đến nghề đi rừng đều lắc đầu ngán ngẩm chuyện săn nấm quý. “Đi rừng chỉ sợ nhất hai thứ thợ Sơn tràng là dân trầm và đân đi nấm. Muốn tìm thấy một cây nấm chính hãng mọc trong rừng hoàn toàn không phải việc dễ dàng, bởi rừng của mình nay đã ít, cây nấm hiếm quý như thế bị khai thác nhiều cho nên càng lúc càng hiếm. Rừng gần đã hết nay phải đi tìm ở những rừng xa, giáp biên giới. Một chuyến đi rừng tìm nấm thường phải đi thành nhóm, bởi rừng thiêng nước độc nhiều hiểm nguy rình rập nên người ta không thể đi một mình hay một hai ngày được! Cho nên ngoài dân đi điệu ngậm ngải tìm trầm, thì dân đi tìm nấm cũng được liệt vào nhóm kỳ cựu”. 

Ở Trà Giác (Nam Trà My, Quảng Nam), hầu hết thanh niên trai tráng trong làng đã vào rừng để tìm nấm, trong khi đó nhiều thương lái túc trực thường xuyên ở đây để chờ người dân gùi nấm về. Ban đầu chỉ vài người đi, nhưng sau thì cả làng cùng rủ nhau đi vì loại nấm này được thương lái mua với giá rất cao, bao nhiêu cũng mua hết. Có người sau một chuyến đi đã kiếm được mấy chục triệu đồng, nhiều người mới về hôm trước thì hôm sau đã khăn gói lên rừng lại để tìm nấm.

Chia sẻ về nghề nằm gai nếm mật, uống nước suối ngủ hang đá cả tháng trời để săn nấm giữa vùng rừng sâu, một thợ Sơn tràng chuyên săn nấm nay đã giải nghệ bộc bạch rằng để tìm được những cây nấm chò quý hiếm thì hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Những người thu thập phải lặn lội trong rừng để khai thác loại thuốc quý này. Chính vì thế mấy năm gần đây, nhiều người dân ở Nam Trà My (Quảng Nam) đã đổ xô vào rừng săn tìm nấm chò. Có nông dân bỗng chốc trở thành triệu phú chỉ sau vài ngày đi rừng nên nhiều người đã bất chấp hiểm nguy để đi tìm cơ hội làm giàu chóng vánh.

Nếu như trước đây, 1kg nấm chò chỉ bán được vài chục ngàn đồng thì vào đợt sốt nấm cách đây vài năm, giá bán của nó bất ngờ tăng cao vùn vụt, từ 300 - 400 ngàn đồng/kg. Vì nguồn lợi quá lớn nên người dân đổ xô vào rừng tìm nấm, họ lập thành từng đội 5 - 7 người để lùng sục trong những cánh rừng già. Và mỗi lần đi như thế ít nhất những phu rừng cũng mang về được vài chục ký nấm, số tiền kiếm được cũng không nhỏ. 
 


Ông Sơn cho biết khong muốn đi tìm nấm vì quá nguy hiểm



Nấm linh chi có giá trị cao

Đánh cược mạng sống với nghề

Để bắt đầu cho chuyến đi, người thợ phải chuẩn bị trước cả tuần với đầy đủ các vật dụng: Quần áo, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho một chuyến đi dài ngày ròng rã cả tuần đến cả tháng ở trong rừng. Chi phí bỏ ra cho một chuyến đi như vậy là vài triệu đồng, chưa kể công sức của người thợ sơn tràng nữa, vì vậy cũng là lý do dễ hiểu khi nấm chò tự nhiên lại đắt như thế. Một người đi săn nấm giải thích thêm, nấm tự nhiên ở Quảng Nam phải đi tìm càng vất vả thì càng có giá trị. Phải vượt vào rừng sâu “truy tìm” những gốc cây, những khoảnh rừng chưa có dấu chân người rồi cắm trại ở lại vài ngày để ăn ở tại chỗ, và hàng ngày tỏa đi khắp vạt rừng tìm nấm. Đặc trưng của loài nấm chò là không bao giờ mọc dưới gốc cây, mà chủ yếu mọc trên những thân cây chò cao vút giữa rừng, cho nên việc đi tìm càng vất vả. Cây chò trong rừng tự nhiên không mọc đơn lẻ mà thường mọc theo quần thể, cây lớn ra quả và nảy hạt sinh ra những đám cây con. Vì vậy, con đường mòn của xe kéo gỗ đó nếu dẫn đến những gốc cây như chò chỉ, gõ thì coi như công sức được đền đáp; nhưng nếu con đường đó dẫn đến một vạt rừng mọc nhiều cây con thì nhiều khả năng sẽ đi về tay không.

Đến khu vực mọc nhiều cây, người thợ sơn tràng sẽ cắm trại ở lại và hàng ngày, tỏa đi khắp vạt rừng tìm. Dù không tìm thấy gốc cây có dấu hiệu có nấm, hay khi đã tìm hái hết nấm trên gốc cây rồi thì thợ Sơn tràng lại tiếp tục nhổ trại đi sâu hơn nữa vào rừng để tìm kiếm. Hái được cây nấm mang về nhưng chưa thể sử dụng ngay. Bởi loại nấm đặc biệt này muốn sử dụng được cần phải qua chế biến kỹ càng. “Có đợt sáu anh em chúng tôi đi hơn 7 ngày mới đến được khu rừng xa nhất ở Nam Giang – Quảng Nam, giáp với biên giới Lào. Trong 9 ngày đêm ở rừng, chúng tôi tìm được gần 200 kg nấm, đa số là loại lớn trở lên mang về bán chia nhau mỗi người cũng được gần 50 triệu. Chúng tôi phải cẩn thận từng chút một, nếu để một vết trầy xước ở bộ lông nhung trên bề mặt thì cây nấm chẳng còn đáng giá bao nhiêu. Đó là chuyến đi có thu nhập cao nhất của chúng tôi, còn bình thường cũng chỉ đủ tiền gạo”, ông Sơn (xã Trà Giác, Nam Trà My, Quảng Nam) chia sẻ.

Trò chuyện về nghề, ông Sơn cho biết sau đợt ấy tuy “trúng mánh” nhưng ông và nhóm bạn dường như rất ngao ngán. Ông Sơn thổ lộ: “Loại nấm này có nhiều kích cỡ, nếu nấm càng lớn thì giá càng cao vì đó là nấm lâu năm. Nhưng có đi rồi mới biết gian khó thế nào. Giờ có cho tiền tôi cũng không đi nữa! Trong rừng sâu, chuyện đổ máu là thường, chẳng may sẩy chân một cái thì chỉ có nước chết!”. Chỉ cho tôi xem những vết thương vẫn còn tươm máu trên cánh tay do té ngã trong rừng, ông Sơn lắc đầu không bớt vẻ sợ hãi: “Nguy hiểm luôn rình rập nhưng cũng vì miếng cơm manh áo mà chúng tôi phải liều mình. Nấm chủ yếu mọc trên cây chò cao 20 - 30 m. Người săn nấm phải leo lên từng cây tìm. Khi phát hiện và gỡ được nấm, họ phải cẩn thận buộc dây đưa xuống đất. Nấm nhỏ còn dễ, loại đến vài chục kg như cây chúng tôi “trúng” thì cực kỳ khó đưa xuống nếu muốn nó còn nguyên vẹn. Có người còn thiệt mạng do săn nấm vì ngã từ trên cao xuống, còn chuyện người gãy tay, gãy chân do té ngã từ trên cây cao xuống đất rồi trở thành tàn tật thì đầy rẫy! Thế nhưng không phải ai vào rừng cũng tìm được nấm. Rất nhiều người lặn lội hơn nửa tháng, người ngợm bầm giập hết mà vẫn phải về tay không!”, ông Sơn ngán ngẩm. 

Để lấy được nấm chò với giá cao, trong lúc khai thác, những phu rừng phải dùng dây buộc vào nấm rồi từ từ đưa xuống đất. Những cây nấm nhỏ thì dễ, còn gặp cây nấm có trọng lượng lên đến vài chục ký thì sự nguy hiểm đối với người đi khai thác càng tăng lên. Nhưng không phải ai vào rừng cũng may mắn mang được linh chi về, ông Sơn kể rằng, rất nhiều người lặn lội vào rừng hơn nửa tháng mà không tìm được một mẩu nấm mang về. Vì thế mà người dân ví von rằng, việc đi săn nấm này cũng giống như ngậm ngải tìm trầm vậy. Ông Sơn trầm ngâm: “Ai cũng biết đi rừng nguy hiểm nhưng nếu với nhiều người cứ ở nhà thì cũng chẳng biết làm gì, ruộng đất ít, đi làm nhà máy thì đã lớn tuổi. Nên cứ bám vào rừng mà sống, được đồng nào hay đồng ấy, bất chấp hiểm nguy!”.

Được biết hiện nay, nhiều cơ sở chuyên thu mua nấm này để trộn chung với loại nấm khác, hoặc đem thái lát cung cấp ra thị trường với giá khá cao tới 2 đến 4 triệu đồng/kg, trong khi giá thật chỉ có vài trăm ngàn. Một gốc cây chỉ cho vài cây nấm loại này, giá dao động từ 500 ngàn đến 6 triệu đồng/kg tuỳ theo kích cỡ và độ tuổi cây nấm. Thời gian qua, loại nấm này đang được làm giả rất tinh vi bằng công nghệ nuôi cấy chuyên nghiệp, các khách hàng không có kinh nghiệm rất dễ mua trúng loại nấm giả này với giá rẻ hơn hoặc bằng giá nấm tự nhiên.
 
Minh Ngọc

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/lan-loi-rung-sau-san-nam-quy-a10835.html